Phần 1 - Chương 2

icon
icon
icon

Ngài Profitendieu vội vã về nhà và thấy ông bạn đồng nghiệp Molinier cùng đi với ngài dọc đại lộ Saint-Germain cứ lề mề lê bước. Albéric Profitendieu vừa trải qua một ngày đặc biệt bận rộn ở Tòa: ngài lo lắng cảm thấy hơi anh ách ở sườn bên phải; ở ngài, sự mệt mỏi tác động đến gan mà gan ngài hơi yếu. Ngài nghĩ đến chuyện sắp được tắm; chẳng gì làm ngài khuây nguôi những nỗi lo lắng trong ngày hơn là được tắm táp thoải mái; dự kiến trước là sẽ tắm nên hôm ấy ngài chẳng ăn uống gì, vì ngài cho rằng ngâm mình trong nước, dù là nước ấm, với cái dạ dày lép kẹp mới là thận trọng. Dẫu sao có lẽ đây cũng chỉ là một định kiến; nhưng các định kiến là những rường cột của nền văn minh.
Oscar Molinier cố ra sức rảo bước để theo cho kịp Profitendieu, nhưng ngài thấp lùn hơn và đùi kém phát triển hơn; đã thế quả tim lại hơi bị nhồi một lớp mỡ, nên ngài dễ bị thở hổn hển. Profitendieu còn sung sức ở tuổi năm mươi nhăm, lại bụng rỗng và dáng đi nhanh nhẹn, nên có thể vượt lên trước dễ dàng; nhưng ngài rất quan tâm giữ gìn phép tắc; ông bạn đồng nghiệp nhiều tuổi hơn ngài, lại quyền cao chức trọng hơn: ngài phải tôn kính. Hơn nữa, ngài còn phải xin được lượng thứ cho cái tài sản rất lớn của mình từ khi hai cụ thân sinh ra bà vợ quy tiên, trong khi tài sản của ngài Molinier chỉ vẻn vẹn là đồng lương chủ tịch nghị viện, đồng lương rẻ mạt và chẳng tương xứng với cái địa vị cao sang ngài chễm chệ với cung cách càng cố tỏ ra trang trọng để làm lu mờ cái xoàng xĩnh của ngài. Profitendieu không lộ vẻ sốt ruột; ngài quay lại nhìn và thấy Molinier thấm mồ hôi; vả chăng ngài rất quan tâm đến chuyện Molinier nói với ngài; song quan điểm của hai vị không giống nhau và họ tranh luận sôi nổi.
Ngài cứ cho giám sát nhà cửa, - Molinier nói. - Cứ thu thập các báo cáo của các tên gác cổng và của đứa đội lốt con ở, mọi việc đều tiến hành tốt lắm. Nhưng ngài nên nhớ hễ đẩy mạnh hơi quá đà cuộc điều tra này, vụ việc sẽ tuột khỏi tay ngài đấy... Tôi muốn nói rằng nó có nguy cơ lôi kéo ngài đi quá xa so với dự kiến của ngài ban đầu.
Các băn khoăn ấy chẳng có liên quan gì đến công lý.
Này! Này, thưa ngài, ngài và tôi, chúng ta biết công lý lẽ ra phải thế nào và hiện nay nó ra sao. Chúng ta làm hết sức tốt, đúng là như thế; nhưng dù làm tốt đến đâu, chúng ta cũng chỉ đạt tới độ xấp xỉ mà thôi. Trường hợp ngài bận tâm hôm nay đặc biệt tế nhị đấy; trong số mười lăm bị can hoặc sẽ trở thành bị can ngày mai theo lệnh của ngài, có chín đứa là vị thành niên. Và mấy đứa trong bọn trẻ đó, ngài biết đấy, là con trai của những danh gia vọng tộc. Vì vậy trong trường hợp này tôi cho rằng hé ra một lệnh bắt giam nào cũng là hết sức vụng về. Báo chí các phe phái sẽ tóm ngay lấy vụ việc, và ngài mở đường cho mọi điều dọa dẫm phát giác, mọi chuyện vu khống. Ngài có làm gì cũng vô ích: dù thận trọng đến đâu ngài vẫn sẽ không ngăn cản được người ta nhắc đến những tên riêng... Tôi không có tư cách gì để khuyên bảo ngài, và ngài biết rằng tôi sẵn lòng muốn được ngài khuyên bảo hơn nhiều, tôi bao giờ cũng thừa nhận và đánh giá cao tầm nhìn, óc sáng suốt và tính cương trực của ngài... Nhưng, ở vào địa vị ngài, tôi sẽ hành động như thế này: tôi sẽ tìm cách chấm dứt cái chuyện tai tiếng khả ố kia, bằng cách tóm cổ bốn, năm kẻ xúi giục... Phải, tôi biết bắt chúng không dễ đâu; nhưng ủa, đó là nghề nghiệp của chúng ta. Tôi sẽ cho đóng cửa căn nhà nơi diễn ra những trò trác táng kia, và tôi sẽ thu xếp để báo cho bố mẹ bọn trẻ trâng tráo ấy, một cách sẽ sàng, thầm lặng và chỉ cốt làm sao ngăn chặn những chuyện tái phạm. Ồ! Chẳng hạn, ngài cứ cho tống giam bọn đàn bà; như thế tôi sẵn lòng tán thành ngài; theo tôi hình như trong vụ này chúng ta phải giải quyết với một số tên vô cùng đồi bại cần quét sạch ra khỏi xã hội. Song, một lần nữa, ngài đừng tóm cổ bọn trẻ con; ngài cứ làm cho chúng phát khiếp là được, rồi dán lên tất cả cái nhãn hiệu “đã hành động không suy xét” và mặc cho chúng phải ngẩn người ra mãi về nỗi chỉ bị một phen hú vía. Ngài nên nhớ rằng ba đứa trong bọn chưa đến mười bốn tuổi và chắc chắn cha mẹ chúng tin rằng chúng rất mực trong trắng, thơ ngây. Song, về chuyện này, ông bạn thân mến ơi, nói riêng giữa chúng ta với nhau, ở vào tuổi ấy, chúng đã nghĩ tới đàn bà con gái rồi ư?
Ngài đã dừng lại, mệt đứt hơi vì nói hùng hồn hơn là vì cuốc bộ, và kéo tay áo buộc Profitendieu cũng phải dừng bước.
- Hoặc nếu chúng ta có nghĩ tới, - ngài nói tiếp, - thì là nghĩ tới một cách lý tưởng, một cách thần bí, một cách kính cẩn nếu tôi có thể nói như thế. Bọn trẻ ngày nay, ngài thấy không, bọn trẻ đó không có lý tưởng... À này, bọn trẻ nhà ngài ra sao? Tất nhiên mọi điều tôi vừa nói không phải là nói về chúng đâu. Tôi biết rằng với chúng, dưới sự giám sát của ngài, và được ngài giáo dục, chẳng sợ xảy ra những lầm lạc như thế.
Thực vậy, cho đến nay Profitendieu chỉ hài lòng về các cậu con trai của ngài; nhưng ngài không tự huyễn hoặc: nền giáo dục tốt nhất trên đời không thắng được các bản năng xấu; ơn Chúa, mấy cậu con ngài không có các bản năng xấu, chắc chẳng thua kém gì các con của Molinier; vì vậy, tự chúng tránh né không giao du với kẻ xấu, không đọc sách nhảm. Bởi lẽ cấm đoán điều người ta không ngăn cản được thì phỏng có ích gì? Các sách người ta cấm trẻ con đọc, nó liền đọc lén. Phương thức của ngài rất đơn giản: sách nhảm nhí, ngài không cấm đọc; nhưng ngài tìm cách để các con ngài không muốn đọc một chút nào. Còn về vụ việc vừa rồi, ngài sẽ để tâm suy nghĩ nữa, và hứa là trong mọi trường hợp sẽ chẳng làm điều gì mà không báo cho Molinier. Người ta sẽ chỉ tiếp tục giám sát một cách kín đáo, và bởi lẽ tai họa kéo dài đã ba tháng nay, nên có tiếp tục thêm vài ngày hay vài tuần nữa cũng chẳng sao. Vả chăng, đợt nghỉ hè sẽ đảm nhiệm việc phân tán bọn tội phạm. Tạm biệt!
Cuối cùng Profitendieu có thể rảo bước.
Vừa về đến nhà, ngài chạy ngay vào phòng tắm và mở các vòi nước của bồn tắm. Antoine rình lúc chủ trở về và làm như vô tình gặp chủ ở hành lang.
Lão đầy tớ trung thành ấy ở trong nhà đã mười lăm năm nay; lão đã chứng kiến bọn trẻ lớn lên. Lão đã có thể biết được lắm chuyện; lão ngờ ngợ nhiều chuyện khác, nhưng tỏ vẻ chẳng hay biết gì những điều người ta có ý muốn giấu lão. Bernard vẫn có thiện cảm với Antoine; anh chẳng muốn ra đi mà không nói với lão lời chào từ biệt. Và có lẽ cũng vì giận dỗi với gia đình mà anh thích tâm sự với một lão đầy tớ quèn chuyện anh bỏ nhà ra đi trong khi những người thân thích của anh chẳng biết tí gì; nhưng cần phải nói để khỏi trách Bernard là lúc bấy giờ chẳng có ai ở nhà cả. Hơn nữa, Bernard chắc không thể chào từ biệt mà họ chẳng tìm cách giữ anh lại. Anh rất sợ phải giải thích. Với Antoine, anh có thể nói đơn giản: “Tôi đi đây!” Nhưng vừa nói thế, anh vừa giơ bàn tay ra một cách hết sức trịnh trọng khiến lão đầy tớ già sửng sốt.
- Cậu Bernard không về nhà ăn tối ư?
- Cũng chẳng về để ngủ đâu, bác Antoine ạ. - Và thấy Antoine lúng túng chẳng biết nên hiểu thế nào hoặc có nên hỏi thêm nữa không, Bernard nhắc lại một cách cố ý hơn, - tôi đi luôn, - rồi anh thêm: - Tôi có để lại một bức thư trên bàn giấy của... - Anh không thể nói thẳng ra: của ba tôi; anh nói chữa: ... - trên bàn trong phòng làm việc. Từ biệt bác!
Khi siết chặt bàn tay Antoine, anh cảm động như đồng thời chào từ biệt quá khứ của mình; anh chào từ biệt rất nhanh một lần nữa, rồi bỏ đi, trước khi tiếng nức nở nghẹn ngào đang dâng trong cổ họng kịp òa lên.
Antoine băn khoăn để cho Bernard bỏ đi như vậy có phải là trách nhiệm nặng nề của mình không - nhưng lão làm sao giữ anh lại được?
Antoine thừa hiểu việc bỏ nhà ra đi của Bernard là một sự kiện bất ngờ, quái gở đối với cả gia đình, nhưng vai trò đầy tớ hoàn hảo của lão là đừng tỏ vẻ ngạc nhiên gì. Lão không bắt buộc phải biết điều mà ngài Profitendieu không biết. Dĩ nhiên lão rất có thể thưa với ngài một cách thành thực: “Ông chủ có biết là cậu Bernard ra đi rồi không?”; nhưng như vậy lão mất hết lợi thế mà cũng chẳng hay ho gì. Sở dĩ lão chờ đợi chủ sốt ruột như vậy, là để nói với ngài mấy lời lão đã chuẩn bị rất kỹ sau đây bằng một giọng thản nhiên, cung kính, và như chỉ là một lời bình thường do Bernard bảo lão thưa lại:
- Trước khi ra đi, cậu Bernard có để lại một bức thư cho
ông chủ trong phòng làm việc. - Một câu bình thường đến nỗi có nguy cơ chẳng được để ý tới; lão đã nghĩ mãi chẳng ra một câu nào gây ấn tượng mạnh mẽ hơn mà đồng thời vẫn tự nhiên. Antoine liếc mắt quan sát, nhưng vì chẳng bao giờ có chuyện Bernard vắng nhà, nên ngài Profitendieu không nén nổi giật mình:
- Sao! Trước khi...
Ngài trấn tĩnh ngay lập tức; ngài không được để lộ nỗi ngạc nhiên của mình trước kẻ dưới; ý thức mình là bề trên không hề rời bỏ ngài. Ngài nói tiếp bằng một giọng hết sức bình tĩnh, oai nghiêm thật sự:
- Thôi được.
Và trong khi đi vào phòng làm việc:
Cái thư ấy, lão bảo nó ở đâu?
Dạ, trên bàn giấy của ông chủ.
Quả thật Profitendieu vừa bước vào phòng liền nhìn thấy một phong thư đặt ngay trước chiếc ghế bành ngài vẫn ngồi để viết; nhưng Antoine chẳng chịu buông lơi ngay, nên ngài Profitendieu chưa đọc hết hai dòng của bức thư đã nghe có tiếng gõ cửa.
Con quên chưa thưa với ông chủ là có hai người đợi ở phòng khách nhỏ.
Những ai thế?
Dạ, con không rõ.
Họ đi cùng với nhau?
Hình như không ạ.
Họ muốn gì?
Con không rõ. Họ muốn gặp ông chủ.
Profitendieu cảm thấy không còn kiên nhẫn được nữa.
Tôi đã bảo và nhắc đi nhắc lại là tôi không muốn ai đến quấy rầy tôi ở đây, nhất là vào giờ này; ngày làm việc và giờ tiếp khách của tôi là ở Tòa... Cớ sao lại cho họ vào?
Dạ, cả hai người đều nói là có việc gấp phải thưa với ông chủ.
Họ đến đây lâu chưa?
Dạ, gần một tiếng đồng hồ rồi.
Profitendieu đi vài bước trong phòng và đưa một tay ôm trán; tay kia ngài cầm lá thư của Bernard. Antoine vẫn đứng trước cửa, cung kính, thản nhiên. Cuối cùng lão vui mừng thấy ngài thẩm phán mất bình tĩnh, và lần đầu tiên trong đời nghe thấy ngài giậm chân, quát tháo:
- Để cho tôi yên! Để cho tôi yên! Bảo với họ là tôi bận. Họ hãy trở lại đây vào một ngày khác.
Antoine vừa mới ra khỏi cửa, Profitendieu đã đuổi theo:
- Antoine! Antoine... Sau đó, lão đi khóa các vòi nước bồn tắm lại nhé.
Đúng là đáng phải tắm một cái! Ngài đến gần cửa sổ và đọc:
“Thưa ông!
Sau vụ phát hiện tình cờ chiều nay, tôi hiểu ra rằng tôi chẳng còn coi ông là cha nữa, và đối với tôi điều đó như cất đi được một gánh nặng. Từ lâu tôi cảm thấy chẳng quyến luyến ông, tôi cứ tưởng mình là một đứa con trai hư hỏng; tôi dễ chịu hơn khi biết tôi hoàn toàn chẳng phải là con ông. Có lẽ ông cho rằng tôi phải biết ơn ông vì đã được ông coi như con đẻ; song trước hết tôi vẫn luôn luôn cảm thấy ông có sự phân biệt đối xử giữa các con ông với tôi, sau nữa tôi biết ông khá rõ để hiểu rằng tất cả những gì ông đã làm chẳng qua là vì sợ tai tiếng, muốn giấu giếm một tình cảnh chẳng danh giá gì cho ông - và còn vì ông không thể làm khác được. Tôi muốn ra đi mà không gặp lại mẹ tôi thì hơn, bởi tôi lo mình sẽ mềm lòng khi chào từ biệt bà lần cuối, và cũng vì trước mặt tôi, bà có thể cảm thấy lúng túng - như thế sẽ làm cho tôi khó chịu. Tôi ngờ rằng bà chẳng yêu thương tôi lắm đâu; vì tôi thường xuyên ở nội trú, bà chẳng có mấy thời gian để hiểu tôi, và vì cứ nhìn thấy tôi bà lại nhớ lại một cái gì đấy trong cuộc đời mà chắc bà muốn xóa đi, nên tôi nghĩ rằng bà sẽ nhẹ người và vui mừng thấy tôi ra đi. Ông nói với bà ấy, nếu ông có đủ can đảm, là tôi không giận bà về nỗi đã làm tôi thành con hoang; mà trái lại tôi ưng thế hơn là biết rằng ông sinh ra tôi. (Xin ông tha thứ cho tôi đã ăn nói như vậy; tôi không có ý định viết ra đây những lời lăng nhục; song điều tôi vừa nói sẽ khiến ông khinh bỉ tôi và như thế ông sẽ được khuây khỏa).
Nếu ông muốn tôi đừng nói hở ra những lý do thầm kín khiến tôi bỏ nhà ông ra đi, xin ông đừng tìm cách bắt tôi quay trở lại. Tôi quyết định dứt khoát rời bỏ ông. Tôi chẳng biết ông đã tốn kém bao nhiêu để nuôi tôi cho đến hôm nay; tôi đã có thể chấp nhận sống ăn bám vào ông khi tôi chưa hay biết, nhưng dĩ nhiên từ nay về sau tôi không mong muốn gì của ông nữa. Tôi không thể nào chịu đựng nổi ý nghĩ mang ơn mắc nợ ông bất cứ điều gì, và tôi tin rằng, nếu phải bắt đầu lại, tôi thà chết đói còn hơn là ngồi vào bàn ăn của ông. Cũng may, tôi nhớ lại hình như đã nghe nói là hồi lấy ông, mẹ tôi giàu hơn ông. Vậy tôi có thể nghĩ rằng tôi đã chỉ ăn nhờ sống bám vào bà. Tôi cảm ơn bà, miễn thứ cho bà mọi chuyện khác và xin bà quên tôi đi. Ông nhất định sẽ tìm được cách giải thích chuyện tôi ra đi cho những ai có thể lấy làm ngạc nhiên. Tôi cho phép ông buộc tội tôi (nhưng tôi thừa biết ông chẳng cần đợi tôi cho phép mới làm điều ấy).
Tôi ký bằng cái họ lố bịch là họ của ông, tôi rất muốn có thể trả cho ông và nóng lòng đem nó bôi gio trát trấu.
T.B: Tôi bỏ lại nhà ông tất cả quần áo đồ dùng của tôi, Caloub có thể sử dụng một cách chính đáng hơn, tôi hy vọng là như vậy.”
Ngài Profitendieu lảo đảo lê đến chiếc ghế bành. Ngài rất muốn suy ngẫm, song các ý nghĩ quay cuồng lộn xộn trong đầu. Hơn nữa, ngài cảm thấy cạnh sườn bên phải nhói đau, đấy đấy, dưới các xương sườn; chắc ngài không tránh khỏi: cơn đau gan đây mà. Chẳng biết ở nhà chí ít có được nước suối Vichy không? Giá như bà vợ ngài về! Ngài sẽ báo tin
Bernard bỏ nhà ra đi cho vợ biết như thế nào đây? Liệu có cần đưa bức thư cho bà ấy xem không? Bức thư ấy thật là bất công, bất công một cách ghê tởm. Ngài đặc biệt phẫn nộ vì nó mới phải. Ngài rất muốn coi nỗi buồn bực của mình là sự phẫn nộ. Ngài thở mạnh, và mỗi lần thở hắt ra, lại thành tiếng “Trời ơi là trời!” nhanh và yếu như tiếng thở dài. Cái đau bên sườn hòa lẫn với nỗi buồn của ngài, chứng tỏ và định vị trí cho nỗi buồn ấy. Dường như ngài buồn bực ở gan. Ngài ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành và đọc lại bức thư của
Bernard. Ngài buồn bã nhún vai. Quả thật bức thư tàn tệ với ngài quá; nhưng ngài cảm thấy trong thư có nỗi bực dọc, vẻ thách thức, sự la lối. Chẳng bao giờ có đứa nào trong số các
đứa con khác, những đứa con thật sự của ngài, viết được như thế, kể cả chính ngài chắc cũng không viết nổi; ngài biết rõ điều này, bởi lẽ chẳng có gì ở chúng mà ngài lại không thừa biết trong bản thân ngài. Quả thật ngài vẫn luôn luôn tin là phải khiển trách những gì ngài cảm thấy là mới, là thô nhám, là bất trị ở Bernard; song dù có tin nữa cũng thế thôi, ngài cảm thấy rõ chính vì cái đó mà ngài yêu nó, như ngài chưa bao giờ yêu những đứa kia.
Đã một lúc lâu nghe ở phòng bên có tiếng Cécile đi dự hòa nhạc về ngồi vào đàn dương cầm chơi đi chơi lại mãi một câu trong khúc nhạc đò đưa. Cuối cùng Albéric Profitendieu không còn chịu được nữa. Ngài mở hé cửa phòng khách và bằng một giọng rền rĩ, như van nài, vì cơn đau sỏi mật bắt đầu hành hạ ngài dữ dội (vả chăng ngài vẫn luôn luôn có phần nào rụt rè với nó).
Con gái Cécile của bố ơi, con có thể tìm xem ở nhà có nước suối Vichy không? Nếu không có, con sai người đi kiếm về đây cho bố nhé! Con ngừng chơi đàn dương cầm một chút thì ngoan lắm.
Bố mệt ạ?
Không, không. Chẳng qua bố cần suy nghĩ một chút trước bữa ăn tối, tiếng đàn của con làm bố không tập trung.
Rồi vì đau mà trở nên dịu dàng, ngài ân cần nói thêm:
- Con chơi hay quá. Bài gì thế con?
Nói xong ngài quay ra luôn chẳng nghe câu trả lời. Vả chăng cô con gái biết rằng ngài chẳng hiểu tí gì về âm nhạc và lẫn lộn bài Lại đây cô ả với bản hành khúc của Tannhauser
(đấy là cô nói như vậy) nên cô không định trả lời cha. Nhưng kìa, ngài lại mở cửa:
Mẹ con chưa về à?
Dạ, chưa.
Thật vô lý. Bà sẽ về muộn đến nỗi ngài không có thời giờ để nói với bà trước bữa ăn. Ngài biết bịa đặt thế nào đây để tạm thời giải thích sự vắng mặt của Bernard? Dẫu sao ngài không thể nói sự thật, để lộ cho con cái biết điều bí mật về sự lầm lỡ nhất thời của mẹ chúng. Ồ! Tất cả đều đã được tha thứ hẳn, quên đi, sửa chữa. Sự ra đời của cậu con trai út đã gắn bó, hòa giải vợ chồng với nhau. Thế mà bỗng nhiên bóng ma báo thù kia lại hiện về từ dĩ vãng, cái xác chết kia sóng dạt vào bờ...
Kìa! Lại còn gì nữa đây? Cánh cửa phòng làm việc mở ra êm như ru; ngài vội vã nhét lá thư vào túi trong của áo vét tông; rèm cửa nhẹ nhàng vén lên. Thì ra là Caloub.
Bố ơi... Cái câu tiếng Latinh này nghĩa là thế nào bố?
Con chẳng hiểu gì cả.
Bố đã bảo con là trước khi vào phải gõ cửa. Hơn nữa, bố chẳng muốn con bạ lúc nào cũng tới quấy rầy bố như thế. Con quen thói nhờ vả vào người khác chứ không tự mình cố gắng. Hôm qua là bài toán hình học, hôm nay là một... cái câu tiếng Latinh ấy là của ai?
Caloub giơ quyển vở của mình ra:
- Thầy không bảo chúng con; mà này, bố nhìn mà coi: bố sẽ nhận ra. Thầy đã đọc cho chúng con chép, nhưng có thể con viết sai. Con muốn biết ít nhất là viết có đúng không...
Ngài Profitendieu cầm lấy quyển vở, nhưng ngài quằn quại. Ngài đẩy nhẹ đứa bé ra:
Lát nữa đã; sắp ăn tối đến nơi. Charles về rồi chứ?
Anh ấy lại quay xuống văn phòng luật sư tiếp khách ở tầng trệt.
Con đi bảo anh con tới đây gặp bố. Đi mau lên!
Có tiếng chuông reo! Bà Profitendieu đã về; bà xin lỗi về muộn; chắc hẳn bà đã đi thăm nhiều người. Bà buồn phiền thấy chồng đau đớn. Có thể làm gì cho ông ấy bây giờ? Đúng là ông mặt nhăn mày nhó. Ông sẽ không thể ăn uống được.
Mọi người cứ ngồi vào bàn ăn mà không có ông vậy. Nhưng ăn xong, bà và các con hãy đến gặp lại ông. - Bernard? - À! Phải rồi; bạn nó... mình biết đấy, cái thằng ôn luyện toán cùng với nó, đến kéo nó đi ăn tối.
Profitendieu không cảm thấy dễ chịu hơn. Thoạt đầu ngài lo ngại đau quá không nói được. Thế nhưng vẫn cần đưa ra lời giải thích về việc không thấy Bernard đâu. Bây giờ ngài biết là phải nói điều gì, dù có đau lòng đến mấy đi nữa. Ngài cảm thấy dứt khoát và quyết tâm. Ngài chỉ sợ bà vợ khóc lóc, kêu la ngắt lời ngài; chỉ sợ bà lả đi...
Một giờ sau, bà cùng với ba đứa con vào phòng và tiến đến bên ngài. Ngài bảo bà ngồi xuống bên cạnh, sát vào ghế bành của ngài.
- Mình cố mà kiềm chế, - ngài nói khẽ với vợ, nhưng giọng quyết liệt - và đừng nói một lời nào hết, mình nghe tôi nói. Sau đó cả hai chúng ta sẽ trò chuyện.
Và trong lúc nói, hai bàn tay ngài nắm một bàn tay vợ.
- Nào, ngồi xuống đi, các con. Bố cảm thấy khó chịu khi các con đứng sừng sững trước mặt bố thế kia như để vào kiểm tra. Bố có chuyện rất buồn phải nói với các con. Bernard đã bỏ chúng ta ra đi và chúng ta sẽ không gặp lại nữa... trong một thời gian. Hôm nay bố cần phải cho các con biết điều mà mới đầu bố đã giấu các con, vì bố muốn thấy các con thương yêu Bernard như anh em một nhà; vì mẹ các con và bố đều đã thương yêu nó như con đẻ. Nhưng nó không phải là con của bố mẹ... và một ông cậu của nó, em trai bà mẹ đẻ ra nó, người gửi gắm nó cho bố mẹ lúc hấp hối... chiều nay đã tới đón nó đi.
Một sự im lặng nặng nề tiếp theo những lời của ngài và người ta nghe tiếng Caloub sịt mũi. Ai nấy chờ đợi, nghĩ rằng ngài sắp nói nữa. Nhưng ngài khua tay:
- Bây giờ các con ra đi. Bố cần nói chuyện với mẹ.
Sau khi chúng ra rồi, ngài Profitendieu vẫn ngồi rất lâu chẳng nói chẳng rằng. Bàn tay bà Profitendieu mà ngài đang nắm trong hai bàn tay mình, chẳng khác nào tay người chết. Bàn tay kia bà đưa chiếc khăn tay lên mắt. Bà chống khuỷu tay lên chiếc bàn lớn và quay mặt đi để khóc. Profitendieu nghe thấy vợ than vãn qua những tiếng nức nở làm người bà rung lên:
- Ôi! Ông độc ác quá... Ôi! Ông đã đuổi nó đi...
Lúc nãy ngài đã quyết định không đưa cho bà xem lá thư của Bernard, nhưng trước lời buộc tội oan đến thế, ngài liền giơ thư ra cho vợ:
Mình cầm lấy, đọc đi.
Tôi chịu thôi.
Mình cần phải đọc.
Ngài không nghĩ đến cơn đau của ngài nữa. Ngài đưa mắt dõi theo vợ đọc từ đầu đến cuối bức thư, hết dòng nàyđến dòng khác. Lúc nãy, khi nói, ngài vất vả lắm mới cầm được nước mắt; còn bây giờ, ngay đến xúc động cũng không; ngài nhìn vợ. Vợ mình nghĩ gì vậy? Vẫn với giọng rên rỉ, vẫn qua những tiếng nức nở như cũ, bà lại than vãn:
Ôi! Tại sao mình lại đi nói với nó... lẽ ra mình đừng bảo nó mới phải.
Nhưng mình thấy rõ là tôi có nói gì với nó đâu... Đọc kỹ thư nó viết mà xem.
Tôi đã đọc kỹ rồi... Thế nhưng làm sao nó lại phát hiện ra được? Ai đã nói với nó?...
Sao! Vậy là vợ mình nghĩ tới điều ấy! Vợ mình buồn phiền là vì thế! Nỗi tang tóc này lẽ ra có thể làm cho họ giải hòa với nhau. Chao ôi! Profitendieu lờ mờ cảm thấy ý nghĩ của hai người đi theo hướng xa dần nhau ra. Và trong khi bà than thở, bà kết tội, bà yêu sách, thì ngài cố lái cái đầu óc ngang bướng ấy về phía những tình cảm thành tín hơn:
- Đây là sự đền tội, - ngài bảo.
Ngài đứng lên, do nhu cầu chế ngự có tính chất bản năng; lúc này ngài đứng thẳng tắp, quên bẵng, chẳng để tâm gì đến cái đau đớn về thể chất, và đặt bàn tay lên vai Marguerite một cách nghiêm nghị, âu yếm, đầy quyền uy. Ngài biết rằng trước đây vợ ngài chẳng hoàn toàn ân hận về chuyện mà ngài vẫn luôn luôn muốn coi như một lầm lỗi nhất thời; bây giờ ngài muốn bảo vợ là nỗi buồn phiền này, sự thử thách này có thể giúp cho bà chuộc lại lỗi lầm; nhưng ngài tìm mãi không ra cách nói thế nào vừa lòng ngài mà có thể hy vọng lọt tai vợ. Vai Marguerite cưỡng lại bàn tay ngài đang ấn nhè nhẹ. Marguerite luôn luôn biết rõ, không sao chịu nổi, hơi có chuyện gì xảy ra trong đời là thế nào chồng cũng đẻ ra một bài lên lớp đạo đức; ngài giải thích và diễn mọi chuyện theo giáo điều của ngài. Ngài ngả người về phía vợ. Ngài định nói với vợ thế này đây:
- Mình, mình thấy không: đã là tội lỗi thì chẳng thể sinh ra điều gì tốt lành cả. Tìm cách giấu giếm lỗi lầm của mình có ích gì đâu. Chao ôi! Tôi đã làm tất cả những gì có thể được cho thằng bé ấy; tôi đã cư xử với nó như con tôi đẻ ra. Bây giờ Chúa cho chúng ta thấy rằng thật là sai lầm nếu cứ định...
Nhưng ngài ngừng lại ngay từ câu đầu tiên.
Và chắc là bà hiểu vài ba tiếng chất đầy ý nghĩa đó; chắc là chúng xuyên thấu vào trái tim bà, bởi vì từ nãy bà đã không khóc nữa, bây giờ lại nức nở, còn hơn cả lúc đầu; rồi bà gập người lại như sắp sửa quỳ gối trước mặt chồng, ngài cúi xuống giữ lấy vợ. Vợ ngài nói gì qua dòng nước mắt? Ngài ghé sát vào đôi môi bà. Ngài nghe:
- Mình thấy đấy... Mình thấy đấy... Ôi! Tại sao mình đã tha thứ cho tôi?... Ôi! Lẽ ra tôi không nên trở về mới phải!
Hầu như ngài buộc phải đoán xem bà nói gì. Rồi bà im bặt. Cả bà cũng không muốn tỏ bày thêm nữa. Chẳng lẽ nói với chồng là bà cảm thấy như bị giam bị tù trong cái đạo đức mà ngài đòi hỏi ở bà; là bà ngột ngạt lắm; là bây giờ bà không hối hận với lỗi lầm nhiều như bà đã từng ăn năn đâu...
Profitendieu đứng thẳng dậy:
- Mình, - ngài nói, giọng trang trọng và nghiêm khắc, - tôi e rằng tối nay mình hơi bực dọc đấy. Muộn rồi. Ta đi ngủ là hơn.
Ngài đỡ vợ đứng dậy, rồi đưa bà về tận phòng, đặt môi lên trán bà, rồi quay trở lại phòng làm việc và buông người ngồi xuống một chiếc ghế bành. Lạ chưa, cơn đau gan đã dịu; nhưng ngài cảm thấy rã rời. Ngài ngồi, hai tay ôm trán, buồn bã quá khóc chẳng được. Ngài không nghe thấy tiếng gõ cửa, nhưng nghe tiếng động cửa mở, liền ngẩng đầu lên: đó là Charles, cậu con trai:
- Con đến chào bố buổi tối.
Charles bước lại gần. Anh đã hiểu hết. Anh muốn nói cho cha rõ điều đó. Anh muốn thể hiện với cha lòng xót thương, tình âu yếm, sự tôn kính, nhưng ai tin được anh là một luật sư; anh diễn đạt lúng ta lúng túng chẳng ai bằng; hoặc có thể anh trở nên lúng ta lúng túng chính vào lúc các tình cảm của anh chân thực. Anh ôm lấy cha. Cái cách anh cố tình ngả đầu, tựa đầu lên vai cha và để nguyên như thế một lúc khiến cha anh tin rằng anh đã hiểu. Anh hiểu rõ đến nỗi bây giờ anh hơi ngẩng đầu lên, hỏi một cách vụng về - như làm việc gì cũng vậy - nhưng lòng dạ anh bồn chồn quá, chẳng thể kìm lại không hỏi:
- Còn Caloub?
Câu hỏi thật phi lý, bởi vì Bernard khác biệt với những đứa con kia bao nhiêu thì Caloub lại mang dáng vẻ của dòng họ rõ rệt bấy nhiêu. Profitendieu vỗ vai Charles:
Không, không; con yên tâm. Một mình Bernard thôi. Charles liền nói một cách trịnh trọng:
Chúa đuổi kẻ len lỏi vào để...
Nhưng Profitendieu ngắt lời anh; ngài cần gì người ta nói với ngài như thế?
- Con im đi!
Hai cha con chẳng còn gì nói với nhau nữa. Ta từ biệt họ. Sắp mười một giờ rồi. Ta để mặc bà Profitendieu trong phòng của bà, ngồi trên một chiếc ghế tựa nhỏ thẳng đứng không thoải mái lắm. Bà không khóc; bà không nghĩ ngợi gì cả. Cả bà nữa, bà xem chừng cũng muốn bỏ trốn, nhưng bà sẽ không bỏ trốn đâu. Hồi bà còn ở với nhân tình, bà tự nhủ: Này, mày có làm gì cũng thế thôi; mày sẽ vẫn mãi mãi chỉ là một người phụ nữ lương thiện. Bà sợ tự do, sợ tội lỗi, sợ phóng túng; nên chỉ sau mười ngày bà đã ăn năn trở về tổ ấm gia đình. Các cụ thân sinh ra bà xưa kia đã rất có lý khi bảo bà: Con chẳng bao giờ biết rõ điều con muốn đâu. Ta xếp chuyện ấy lại. Cécile ngủ rồi. Caloub nhìn cây nến một cách thất vọng; nó sẽ không kéo dài được lâu đủ để cậu đọc xong quyển truyện phiêu lưu cho khuây khỏa việc Bernard bỏ nhà ra đi. Tôi tò mò muốn biết Antoine đã kể những gì cho người bạn gái là bà nấu bếp; nhưng người ta không thể lắng nghe tất cả được. Vào giờ này chắc Bernard đi gặp lại Olivier. Tôi chẳng rõ tối nay anh ăn uống ở đâu hoặc có ăn uống gì không. Anh đã đi ngang qua trước cửa nhà bác gác cổng chẳng gặp trở ngại gì; anh rón rén trèo lên thang gác...

Bình luận