Phần 1 - Chương 1

icon
icon
icon

Hình như lúc này mình nghe có tiếng chân bước ngoài hành lang, - Bernard nghĩ bụng. Anh ngẩng đầu lên và lắng tai. Nhưng không: cha và anh cả bận việc ở Tòa án, mẹ đi thăm người quen, cô em gái dự hòa nhạc, còn em trai, cậu Caloub, hằng ngày sau giờ tan học, phải ở lì trong ký túc xá. Bernard Profitendieu ở nhà để cày cái bằng tú tài; trước mắt anh chỉ còn ba tuần lễ nữa thôi. Gia đình tôn trọng sự cô quạnh của anh; còn quỷ sứ thì không. Tuy Bernard cởi bỏ áo vét ra rồi, anh vẫn ngột ngạt. Chỉ có cái nóng ùa vào qua khung cửa sổ mở trông ra phố. Trán anh nhễ nhại. Một giọt mồ hôi chảy dọc theo mũi rồi rớt xuống lá thư anh cầm trong tay.
- Cứ như nước mắt ấy, - anh nghĩ. - Nhưng toát mồ hôi còn hơn là khóc.
Đúng, ngày tháng rành rành. Chẳng còn nghi ngờ được nữa. Đúng là nói về anh, Bernard. Thư gửi cho mẹ anh; một bức thư tình cách đây đã mười bảy năm; không ký tên.
- Chữ cái này có nghĩa là gì? Một chữ “V”, mà cũng có thể là một chữ “N”... Có nên hỏi mẹ mình không?... Nên tin vào thị hiếu sành sỏi của bà. Mình hãy cứ tưởng tượng ra đó là một ông hoàng. Nhỡ mình lại là con trai một bác nông dân thì thật là đẹp mặt! Chẳng biết cha là ai thì đỡ phải lo về chuyện tông nào giống ấy. Làm rõ ra chỉ thêm phiền. Chỉ cần biết nhờ chuyện này mình được giải thoát là được rồi. Chẳng nên đào sâu làm gì. Vì vậy, như hôm nay thế là đủ.
Bernard gấp thư lại. Nó cùng một khổ giấy với mười hai lá thư khác trong hộp. Các lá thư buộc bằng một dải lụa hồng lúc nãy anh chẳng cần tháo nút ra, bây giờ lại luồn dải lụa thắt tập thư như cũ. Anh đặt trả lại tập thư vào hộp và để hộp vào ngăn kéo chiếc bàn chân quỳ. Ngăn kéo không hề phải mở ra; nó đã tiết lộ bí mật của nó qua phía trên. Bernard lắp lại những mảnh ván của mặt bàn bị long ra rồi lại phủ một tấm mã não nặng lên trên. Anh hạ tấm ấy xuống một cách nhẹ nhàng, thận trọng và lại đặt hai cái giá nến bằng pha lê cùng với chiếc đồng hồ quả lắc cồng kềnh anh vừa lôi ra sửa chữa cho vui.
Đồng hồ điểm bốn tiếng. Anh đã chỉnh nó lại đúng giờ.
- Ngài dự thẩm và ông luật sư con trai ngài không về nhà trước sáu giờ. Mình còn thời gian. Phải làm sao để Ngài dự thẩm lúc về thấy trên bàn giấy bức thư đẹp đẽ báo cho Ngài biết là mình bỏ nhà ra đi. Nhưng trước khi viết, mình cảm thấy rất cần phải tĩnh trí lại đôi chút - và phải đi tìm thằng Olivier thân thiết để được yên tâm là ít ra tạm thời có nơi trú ngụ. Cậu Olivier ơi, đã đến lúc tớ thử thách lòng tốt của cậu, còn cậu thì chứng tỏ cho tớ cậu là hạng người nào. Cái đẹp trong tình bạn của chúng ta là cho đến nay chúng ta chưa bao giờ nhờ vả nhau. Chà! Một việc giúp nhau mà thú vị thì nhờ nhau có ngại gì đâu. Phiền một nỗi là Olivier không chỉ có một mình. Chẳng sao! Mình sẽ có cách kéo riêng cậu ta ra một nơi. Mình muốn làm cậu ta phát hoảng về sự bình tĩnh của mình. Chính trong cái bất thường mà mình cảm thấy mình tự nhiên nhất.
Phố T... nơi Bernard Profitendieu sống đến ngày hôm ấy, rất gần vườn Luxembourg. Nơi đây, gần đài phun nước Médicis, trong lối đi cao vượt bên trên, một số bạn bè của anh thường gặp gỡ nhau vào thứ Tư hằng tuần, khoảng từ bốn đến sáu giờ. Họ chuyện trò về nghệ thuật, triết lý, thể thao, chính trị và văn chương. Bernard rảo bước rất nhanh; nhưng khi vượt qua cổng chấn song của vườn, anh chợt nhìn thấy Olivier Molinier, liền lập tức đi chậm lại.
Hôm ấy họ tụ họp nhau đông hơn thường ngày, chắc là vì trời đẹp. Một vài tay Bernard chưa hề quen biết cũng nhập bọn. Các tay thanh niên ấy khi đứng trước người khác đều tỏ vẻ ta đây và hầu như mất hết tự nhiên.
Thấy Bernard đến gần, Olivier đỏ mặt, tuy đang trò chuyện với một thiếu phụ, đột ngột bỏ đi và lảng ra xa.
Bernard là bạn thân nhất nên Olivier hết sức giữ gìn không hề tỏ vẻ vồn vã, thậm chí đôi khi còn vờ như chẳng nhìn thấy anh nữa.
Trước lúc đến bên Olivier, Bernard phải giáp mặt với nhiều nhóm, và vì bản thân anh cũng làm ra vẻ không tìm gặp bạn, nên anh cứ kề cà.
Bốn trong số các bạn bè của anh vây quanh một gã bé nhỏ râu xồm đeo kính kẹp mũi hơi nhiều tuổi hơn họ một chút, tay cầm quyển sách. Đó là Dhurmer.
- Cậu muốn gì? - Gã vừa nói vừa hướng đặc biệt hơn về một người trong bọn, nhưng rõ ràng là khoái chí được ai nấy đều lắng tai nghe. - Tớ đã giở đến tận trang ba mươi mà chẳng thấy một màu sắc nào, một từ nào miêu tả cả. Sách nói về một người đàn bà; ngay cả đến áo dài của cô nàng màu đỏ hay màu xanh tớ cũng không biết nữa. Tớ ấy à, khi đã không có màu sắc, thì rất đơn giản là tớ chẳng thấy gì hết. - Và do nhu cầu phóng đại lên, nhất là khi cảm thấy mọi người không tin mình, gã nhấn mạnh: - Tuyệt nhiên chẳng thấy gì hết.
Bernard chẳng nghe gã ba hoa nữa; anh cho rằng bỏ đi quá nhanh thì khó coi, nhưng để tai nghe những người khác đang cãi nhau sau lưng anh, và Olivier cũng đã sà đến đấy sau khi rời người thiếu phụ; trong số này có một người ngồi trên chiếc ghế dài, đọc tờ Hành động Pháp.
Sao Olivier có vẻ nghiêm trang giữa cả hội này đến thế! Mà anh lại là một trong số những tay trẻ nhất. Bộ mặt còn non choẹt và cái nhìn của anh tỏ rõ tư duy anh phát triển sớm.
Hơi một tí là anh đỏ mặt. Anh dịu dàng. Mặc dù anh tỏ ra ân cần với mọi người đến đâu, các bạn anh chẳng biết vì nỗi dè dặt âm thầm gì, vì nỗi thẹn thùng gì mà vẫn xa cách nhau.
Anh khổ tâm về chuyện đó. Không có Bernard, anh càng khổ tâm về chuyện đó hơn.
Có một lúc Molinier cũng ghé vào hết nhóm này đến nhóm khác như Bernard bây giờ để lấy lòng, nhưng tai nghe mà chẳng thấy gì hứng thú.
Anh ghé xuống qua vai anh chàng đang đọc. Bernard, không quay lại, nghe anh nói:
- Cậu đọc báo chí là sai lầm; nó làm cho cậu sung huyết đấy.
Và tiếng the thé của anh ta đáp lại:
- Còn cậu, hễ người ta nói đến Maurras là cậu xanh như tàu lá.
Rồi một người thứ ba hỏi bằng giọng giễu cợt:
Các bài báo của Maurras, cậu thích thú lắm ư?
Và người thứ nhất trả lời:
Tớ bực cả mình, nhưng tớ thấy là ông ta có lý.
Rồi một người thứ tư, Bernard không nhận ra tiếng ai:
- Còn cậu, bất cứ cái gì không làm cho cậu phát điên phát rồ lên, cậu đều cho là thiếu sâu sắc.
Người thứ nhất cãi lại:
- Nếu cậu cho rằng chỉ cần ngu như chó là đủ thành kẻ hay ho lắm đấy!
Ra đây! - Bernard chộp lấy cánh tay Olivier và nói nhỏ. Anh kéo bạn ra xa vài bước. - Cậu trả lời mau lên; tớ đang vội đây. Có phải cậu đã bảo tớ là cậu không ngủ cùng một tầng với bố mẹ cậu không?
Tớ đã chỉ cho cậu cửa buồng của tớ; nó trông thẳng ra cầu thang, một tầng lửng trước khi lên đến nhà.
Cậu bảo tớ là em trai cậu cũng ngủ ở đấy?
Ừ, thằng Georges.
Chỉ có hai anh em cậu thôi?
Ừ.
Thằng nhỏ biết giữ mồm giữ miệng?
Nếu cần. Sao cơ?
Nghe đây. Tớ đã bỏ nhà ra đi; hay đúng ra là chiều nay tớ sẽ bỏ nhà ra đi. Tớ chưa biết sẽ đi đâu. Cậu có thể cho tớ nhờ một đêm không?
Olivier tái mặt. Anh xúc động ghê gớm đến nỗi không thể nào nhìn được Bernard.
Được, - anh nói, - nhưng đừng đến trước mười một giờ. Tối nào mẹ tớ cũng xuống chúc chúng tớ ngủ ngon và khóa cửa buồng chúng tớ lại.
Nhưng thế thì...
Olivier mỉm cười:
- Tớ có một chìa khóa khác. Cậu cứ gõ nhè nhẹ để khỏi làm Georges thức dậy nếu nó ngủ.
Bác gác cổng có để tớ vào không?
Tớ sẽ báo cho bác ấy biết. Ồ! Tớ thân với bác ấy lắm. Chính bác đã cho tớ chiếc chìa khóa nữa đấy. Chờ nhé!
Chúng tạm biệt, không bắt tay nhau. Và trong khi Bernard đi xa dần, suy nghĩ bức thư anh định viết để viên quan tòa sẽ thấy khi về đến nhà, Olivier không muốn mọi người thấy anh chỉ chuyện trò riêng với Bernard nên đến gặp Lucien Bercait đang đứng hơi tách xa các bạn khác một chút. Olivier mến cậu ta lắm nếu như không mến Bernard hơn. Bernard vồn vập bao nhiêu thì Lucien rụt rè bấy nhiêu. Cậu có vẻ yếu đuối. Dường như cậu chỉ tồn tại bằng trái tim và khối óc mà thôi. Ít khi cậu dám tiến lên, nhưng vui như điên khi thấy Olivier đến gần. Ai nấy đều ngờ ngợ Lucien có làm thơ; song tôi tin rằng Lucien chỉ thổ lộ các ý đồ của cậu với một mình Olivier. Hai người đến bên lề thềm.
- Điều mình muốn, - Lucien nói, - không phải là kể chuyện một nhân vật, mà là một nơi chốn, chẳng hạn một lối đi trong vườn như lối đi này, kể cả những gì diễn ra ở đây, từ sáng đến tối. Thoạt tiên có các vú em, vú nuôi đi tới với những dải ruy băng... Không, không phải thế... thoạt tiên có những người mặc toàn đồ xám, chẳng rõ đàn ông hay đàn bà, trẻ hay già, đến quét dọn lối đi, tưới cỏ, thay hoa, tóm lại là chuẩn bị phông màn trước khi mở cổng chấn song, đằng ấy hiểu chứ? Rồi các vú em kéo vào. Những nhóc con nặn cát chơi, cãi nhau chí chóe; vú em tát chúng. Tiếp đến là bọn học trò nhỏ tan học kéo nhau ra, rồi đến các chị công nhân. Có đám người nghèo khổ tới ngồi ăn trên chiếc ghế dài. Muộn hơn, có những kẻ đến tìm nhau; những người khác trốn tránh nhau; lại có những kẻ mơ mộng, thơ thẩn một mình. Rồi đến đám đông, vào lúc âm nhạc vang lên và lúc mọi người mua bán từ các cửa hàng đổ ra. Những chàng sinh viên như lúc này. Buổi tối, các cặp tình nhân ôm hôn nhau; những đôi khác vừa chia tay nhau vừa khóc. Cuối cùng, màn đêm buông xuống, một cặp đã già... Và bỗng tiếng trống đổ hồi: người ta đóng cổng. Ai nấy đi ra. Vở kịch chấm dứt. Đằng ấy hiểu chứ? Một cái gì đấy gây cho ta ấn tượng về sự cáo chung của tất cả, về cái chết... nhưng tất nhiên không nói đến cái chết.
Đúng thế, tớ thấy hay lắm, - Olivier nói, anh nghĩ đến Bernard và đã chẳng lắng tai nghe lấy một lời nào.
Chưa phải đã hết đâu; thế chưa phải đã hết đâu! - Lucien sôi nổi kể tiếp. - Mình còn muốn, trong một phần như kiểu kết luận, cho thấy vẫn con đường ấy về ban đêm, sau khi mọi người đã ra hết, vắng vẻ, đẹp hơn rất nhiều so với ban ngày; trong cảnh tĩnh mịch, rộn lên mọi tiếng động của thiên nhiên; tiếng nước rào rào ở đài phun nước, tiếng gió lao xao trong đám lá cây, và tiếng hót của một chú chim đêm. Lúc đầu mình có ý định để cho các hình bóng, có thể là những pho tượng lượn lờ ở đấy... nhưng mình cho rằng như vậy sẽ tầm thường đi; đằng ấy thấy thế nào?
Đừng, đừng có những pho tượng, đừng có những pho tượng, - Olivier lơ đãng phản đối; rồi thấy bạn nhìn buồn buồn. - Này, cậu ơi, nếu cậu thành công, sẽ tuyệt vời lắm đấy, anh thốt lên một cách nồng nhiệt.

Bình luận