Gian từ đường họ Trần hôm nay chưa đến 6 giờ sáng đã bật đèn sáng chưng, tiếng kinh Phật được phát ra từ chiếc đài nhỏ cộng thêm mùi khói hương khiến không gian như nhuốm màu thoát tục, đợi người cháu họ bưng mâm đồ cúng bày lên ban thờ, lúc này cụ Diệu mới ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu cạp điều gõ mõ tụng kinh, theo như hai người con gái gọi điện thông báo, sáng nay mọi người sẽ về quê theo ước muốn của cụ ông.
Tụng kinh xong cũng là lúc cụ Diệu ngồi tọa thiền tĩnh tâm, cụ nhớ lại việc chồng mình đã bỏ quê ra phố ở từ hai mươi năm trước. Ngày đó trước khi về hưu, cụ Sáng được cơ quan phân cho một căn tập thể ngay khu Vườn Đào tại Hồ Tây, nể chồng nên cụ Diệu cũng khăn gói chuyển tới ở cùng. Tuy nhiên vốn là người hay lam hay làm nên ngồi không cụ Diệu không chịu được, ở nhà tập thể tuy rộng rãi nhưng không có sân để nuôi gà, không có vườn để trông cây. Ngày ngày cụ chỉ biết nấu ăn rồi đi quanh quẩn trong khu đó, ở được chừng sáu tháng không chịu được cảnh bí bách nên cụ Diệu lại quay về quê để chăm sóc vườn cây và dọn dẹp ngôi từ đường. Thời gian đầu cụ Sáng cũng chịu khó về quê nửa tháng một lần, sau này việc về quê dần thưa thớt rồi chấm dứt, kể cả những dịp lễ tết hay giỗ họ, dù đã được thông báo trước nhưng cụ Sáng cũng không hề có mặt. Một năm sau cụ Diệu được mấy người làng từ Hà Nội về rỉ tai cho biết; Cụ Sáng đã rước một người phụ nữ góa chồng về ở cùng, cô này cũng trạc tuổi của cô con gái cụ. Thời gian đầu cụ Diệu cũng buồn bã và tự dằn vặt bản thân, nhưng lâu dần cụ đã lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Cụ Diệu tham gia đội tế lế, hội múa quạt và nhóm hát chèo, cụ lấy những buổi hoạt động đó để khỏa lấp nỗi buồn về chuyện nhân tình thế thái. Thương mẹ chịu cảnh éo le, hai cô con gái là Hiền và Hậu chia nhau đưa con về thăm cụ thường xuyên hơn, chính vì tấm lòng hiếu thảo của con cháu nên cụ Diệu đã tìm thấy sự bình an và thanh thản trong cuộc sống, hình ảnh ông chồng tệ bạc cũng dần chìm vào kí ức. Thời gian thấm thoắt cũng hai mươi năm trôi qua, cụ Diệu qua con gái mình cũng biết được thông tin, người đàn bà sống già nhân ngãi non vợ chồng với chồng mình hơn chục năm trời đã dứt áo ra đi. Kể từ đó ông chồng cụ sống lủi thủi một mình trong căn tập thể hai phòng ngủ, thương bố ốm đau không người chăm sóc, hai cô con gái của cụ đã thuê người giúp việc cho bố mình.
Từ trên xe ô tô bước xuống, cụ Sáng được hai cô con gái dìu hai bên bước vào ngôi từ đường của dòng họ, cụ ngước mắt nhìn bức đại tự treo chính giữa gian từ đường với con mắt lạ lẫm và ngạc nhiên, cụ Sáng quay ra hỏi hai người con gái của mình:
-Em đói qua vì chưa được ăn gì từ sáng.
Đứng trên hiên nhìn thấy chồng mình đầu tóc bạc phơ còn bị lẫn không nhận ra được ai với ai, cụ Diệu lặng lẽ tiến lại chỗ treo chiếc chuông cổ rồi thỉnh lên ba tiếng, cụ muốn kính cáo tổ tiên dòng họ phù hộ cho vị trưởng họ đã quay về khi mắt đã mờ chân đã run. Cụ Sáng bước đến trước ban thờ, bất giác cụ như nhớ lại chốn linh thiêng này, mọi người thấy cụ ngước đôi mắt đã mờ đục của mình nhìn bát hương một cách chăm chú. Cụ Diệu châm một nén nhang đưa cho chồng, cụ Sáng run run cắm nén nhang vào ban thờ rồi cúi đầu thật thấp.
Về quê được ba tháng, có lẽ do khí hậu trong lành nên cụ Sáng khỏe ra, có nhiều lúc cụ đã nhớ và gọi được tên mọi người, chỉ duy nhất việc cụ bỏ quê hai mươi năm không quay về, nếu hỏi đến cụ lắc đầu không nhớ. Người ta hay nói con chăm cha không bằng bà chăm ông quả không sai, mặc dù có người giúp việc nhưng cụ Diệu vẫn muốn tự tay đút cho chồng ăn hàng ngày. Thức ăn và cơm sau khi được nấu chín, cụ Diệu cho vào máy xay để xay thật nhuyễn, cụ đổ chỗ thức ăn đã sền sệt như cháo vào chiếc xoong inox rồi quấy đều tay thêm lần nữa. Cụ Sáng giờ đây khác nào một đứa trẻ lên ba, nhiều lúc ăn rồi lại khóc đòi ăn nữa vì cho rằng mình chưa ăn, có khi đang ngồi được cụ Diệu xúc cho ăn nhưng vẫn đái ướt sũng cả chiếu vẫn không biết. Cụ Diệu quên hết chuyện phụ bạc khi xưa, cụ chăm chồng với tất cả tình thương xen lẫn sự xót xa, những lúc cụ Sáng có vẻ tỉnh táo, cụ Diệu lại bật kinh Phật để chồng mình cũng tìm được sự an yên trong tâm hồn.
Đúng ngày 23 tháng Chạp, khi mọi nhà trong làng con bận làm cỗ để tiễn Táo quân lên trời, tại ngôi từ đường không khí có phần trầm lắng khác thường. Suốt một tuần qua cụ Sáng đã yếu đi trông thấy, cụ không nói cũng không ăn được gì. Biết cụ khó qua khỏi nên con cháu đã tụ họp đông đủ quanh chiếc sập gụ với vẻ mặt đau buồn, lúc này cụ Diệu bưng bát canh sâm cố dỗ dành chồng mình húp vài thìa. Cụ Sáng nửa tỉnh nửa mê nằm thiêm thiếp được một lúc, hình như tiếng trống chèo từ đâu vọng lại khiến cụ mở mắt, kể từ ngày về quê đây là lần đầu tiên cụ nhận biết và gọi đúng tên mọi người.
Nhìn thấy người vợ tào khang của mình, cố dồn chút sức tàn cụ Sáng nắm bàn tay cụ Diệu rồi khóc và thều thào nói một cách ngắt quãng:
-Bà hãy tha lỗi cho tôi nhé, tôi ân hận vô cùng.
Cụ Diệu cúi xuống nói nhỏ với chồng:
-Đã từ lâu tôi tha lỗi cho ông rồi.
Hai mái đầu bạc trắng chụm vào nhau, bàn tay cụ Diệu nắm chặt tay của chồng không nỡ buông, dường như cụ muốn ủ ấm cho bàn tay đang bắt đầu lạnh giá của chồng. Chính trong giây phút này, cụ Diệu nhớ lại cảm giác khi hai bàn tay tìm đến nhau ở hội làng năm nào.
Người con gái lớn của cụ Diệu gạt nước mắt, cô gỡ tay mẹ mình rồi nói:
-Vậy là bố đã ra đi thanh thản, thôi mẹ buông tay để bố được siêu thoát.
Cụ Diệu nhìn khuôn mặt chồng rồi ngước lên ban thờ Phật như cầu xin điều gì. Lúc được hai người con gái dìu ra ghế, cụ Diệu nói nhỏ:
-Tây Phương Cực Lạc bây giờ chính là nhà của bố các con.
Adidaphat.
HẾT!
Bình luận