Hiện nay khái niệm “thủy tinh tâm” vẫn chưa có một định nghĩa chính thức. Có người quy nó thành sự nhạy cảm, mong manh, hoặc là thiếu khả năng chịu áp lực, nhưng đó không thể là định nghĩa hoàn chỉnh về “thủy tinh tâm”. Ngoài ra, “thủy tinh tâm” còn có quan hệ mật thiết với môi trường trưởng thành và năng lực kiểm soát cảm xúc của chúng ta. Muốn tránh khỏi rắc rối mà “thủy tinh tâm” gây ra thì chúng ta phải đi sâu tìm hiểu xem rốt cuộc “thủy tinh tâm” là gì.
Biểu hiện của “thủy tinh tâm”
Cuối tuần nhàm chán lướt mạng, cô em họ gửi đến một icon (biểu tượng cảm xúc) “tức giận”. Tôi vội nhắn tin hỏi cô em đã xảy ra chuyện gì, nhưng con bé mãi không trả lời. Nhìn trạng thái hiển thị “đang online”, nhất định có rất nhiều bực tức cần giải tỏa.
Nửa phút trôi qua, cuối cùng nhận được tin nhắn đầy những icon gương mặt buồn tủi, kéo lên mấy trang phía trước mới nhìn thấy dòng tin nhắn: “Trưa nay ở kí túc xá, em thấy hai người bạn cùng phòng vừa thì thầm to nhỏ vừa liên tục nhìn về phía em cười cợt, nhất định là họ đang nói xấu sau lưng em!”
Tôi không nhịn được cười, nói: “Không đến mức như vậy chứ, sao em biết người ta nói xấu em. Em như vậy là thủy-tinh-tâm rồi”.
“Anh mới thủy-tinh-tâm ấy! Nói với anh, anh cũng không hiểu!” Con bé vốn mong tôi về hùa với nó lên án những người bạn cùng phòng, không ngờ còn bị gán thêm mác “thủy tinh tâm”, đúng là đổ thêm dầu vào lửa.
Chúng ta luôn miệng nhắc tới “thủy tinh tâm”, rốt cuộc “thủy tinh tâm” là gì chứ? Đọc chữ có thể luận ra nghĩa, “thủy tinh tâm” chính là một trái tim mong manh, dễ vỡ giống như thủy tinh. “Thủy tinh tâm” theo cách hiểu thông thường của mọi người là chỉ nội tâm yếu đuối, dễ tức giận, quá nhạy cảm với những đánh giá từ phía người khác, bất cứ việc gì cũng dễ dàng liên tưởng theo hướng tiêu cực, thường suy diễn quá mức một câu nói hoặc một hành động của người khác. Chỉ một câu nói bâng quơ cũng khiến bạn buồn phiền rất lâu. Mắc lỗi nhỏ, người khác cảm thấy không đáng gì, bạn lại có thể tự suy diễn ra một loạt hậu quả đáng tiếc. Đây chính là biểu hiện thường gặp nhất của “thủy tinh tâm”.
Người khác nhìn về phía bạn khi họ đang cùng nhau nói chuyện, bạn liền cho rằng người ta đang nói xấu sau lưng bạn. Tôi nghĩ không chỉ cô em họ tôi, mỗi chúng ta đều có lúc sẽ không tránh được suy nghĩ lẩn thẩn như vậy, chỉ là mức độ khác nhau mà thôi.
Xuất phát từ yêu cầu của môn chuyên ngành, cũng vì đã từng cảm nhận sâu sắc những tổn thương mà “thủy tinh tâm” gây ra, các thành viên trong nhóm chúng tôi bèn thử làm một bài trắc nghiệm. Vừa hay có sẵn câu hỏi, thế là tôi gửi cho cô em họ để nó tự kiểm tra (câu hỏi trắc nghiệm nằm ở phía cuối bài viết).
Ba phút trôi qua, cô bé lớn tiếng trách móc: “Câu hỏi trắc nghiệm của anh thật chả ra làm sao, anh mới là đồ thủy-tinh-tâm nặng!”
Người “thủy tinh tâm” dễ nghĩ ngợi lung tung, thậm chí có chứng mơ mộng hão huyền ở mức độ khác nhau. Nếu ngày hôm đó bạn bỗng nhiên bị người khác nói là “thủy tinh tâm”, chắc chắn bạn cũng sẽ lập tức nhảy dựng lên, cảm thấy người ta đang sỉ nhục bạn. Nhóm chúng tôi tiến hành điều tra bạn thân của hơn 100 người tham gia trắc nghiệm, kết quả thu được nói chung là phù hợp với tình hình thực tế của người tham gia trắc nghiệm. Có thể nói, rất nhiều người cơ bản không nhận thức được mình có “thủy tinh tâm”. Lại càng có rất nhiều người không chịu thừa nhận mình có “thủy tinh tâm”.
Từng có một độc giả kết bạn Wechat với tôi, lúc đầu anh ta bày tỏ sự yêu thích với những gì tôi viết, đương nhiên tôi cảm thấy rất vui, bèn ngỏ lời cảm ơn.
Tiếp đó anh ta bắt đầu giãi bày những chuyện phiền não anh ta gặp phải gần đây, đương nhiên không phải một hai câu có thể nói hết. Lúc đó tôi đang đi tàu điện ngầm, hành khách rất đông, thế là tôi nhắn một câu: “Rất xin lỗi, tôi hiện đang ở trên tàu, không tiện trả lời, đợi tôi về nhà sẽ hồi đáp.”
Đến khi về nhà tôi mở điện thoại thấy tin nhắn trả lời của độc giả đó như sau: “Nếu anh không muốn nghe tôi lải nhải nhiều lời thì cứ nói thẳng, không cần phải lấy lí do”. Tôi vội vàng nhắn tin định giải thích, nhưng nhận ra anh ta đã sớm hủy kết bạn với mình. Tôi có chút khó xử, càng cảm thấy nực cười.
Chỉ vì người ta không thể trả lời ngay, bạn liền cho rằng người ta không thích bạn, thậm chí là ghét bạn, cũng không để cho đối phương có cơ hội giải thích mà lập tức đơn phương kết thúc cuộc đối thoại.
Người “thủy tinh tâm” sợ bị từ chối, càng sợ người khác xem thường mình, lạnh nhạt với mình.
Học lái xe, vì phạm lỗi, thầy hướng dẫn khẽ xua tay một cái, thế là bạn rơi vào vực sâu của “thủy tinh tâm”, kiểu như: “Có phải thầy hướng dẫn không thích tôi? Những học viên khác có cảm thấy tôi chậm hiểu không?” Thế là trong cả quá trình chờ đợi tập lái, bạn luôn trong tình trạng tự trách móc. Lần tiếp theo lên xe, bạn vẫn lặp lại lỗi tương tự, để rồi nhận về là những lời phê bình nghiêm khắc hơn. Nhưng nếu bạn xin thầy hướng dẫn hoặc học viên khác hướng dẫn kĩ lại ngay sau khi mắc lỗi, hiểu rõ chỗ sai của mình, tìm cách giải quyết vấn đề thay vì suy nghĩ linh tinh, thì tự nhiên bạn cũng sẽ chẳng còn thời gian cho “thủy tinh tâm” nữa.
Trong phim “Hoan lạc tụng”, Khưu Oánh Oánh sau khi bị “tên cặn bã” bỏ rơi, đã trở nên mê mẩn cái gọi là “thành công học”, Andy tốt bụng đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm và lỗ hổng trong cái gọi là “thành công học” mà Khưu Oánh Oánh theo đuổi. Khưu Oánh Oánh chẳng những không cảm kích, còn cho rằng Andy xem thường mình.
Người “thủy tinh tâm” sợ phạm lỗi, sợ không được mọi người công nhận, sợ bị người khác coi thường, càng sợ bị cô lập. Suy cho cùng, sự tự ti ở họ luôn được chôn giấu tận đáy lòng. Một khi người khác chỉ ra thiếu sót của họ, họ cảm thấy như đối phương đang phủ nhận mình, xem thường mình, thậm chí là lăng mạ mình.
Kí túc xá nào cũng đều có một kiểu bạn cùng phòng thích trêu đùa người khác, hoặc động một tí là đặt biệt danh cho đối phương. Nếu bạn vì điều đó mà bất mãn nổi giận, thì sẽ bị coi là “thủy tinh tâm”, bị gán mác người không biết đùa, người khó ưa.
Có một số người rõ ràng là phạm lỗi khiến người ta tức giận, nhưng lại nghênh ngang đi khắp nơi rêu rao người này người kia “thủy tinh tâm”, không ai ưa. Họ coi bản thân là biểu tượng của đạo đức, khi đối phương không chấp nhận sự vô cớ gây sự của mình, liền gán cho họ cái mác “thủy tinh tâm”.
Cái mác “thủy tinh tâm” này, thật ra bạn có thể ném nó đi. Đừng để sai lầm của đối phương trở thành công cụ làm tổn thương bạn. Bạn hoàn toàn có thể vạch giới hạn cho những trò đùa mà bản thân không thích, thậm chí không thể tiếp nhận. Khi người khác rõ ràng gây tổn thương cho bạn, bạn có quyền phản kháng lại.
Trường hợp của em họ tôi thì không giống như vậy. Bởi con bé cơ bản không thể khẳng định người ta có đang nhằm vào nó hay không. Chẳng qua trong lúc thì thầm to nhỏ, người ta nhìn về phía nó vài lần, có thể họ không có ý đó, con bé lại cho rằng họ đang nhằm vào mình rồi bực tức. Còn nếu như người bạn cùng phòng kia không chỉ nhìn về phía nó vài lần mà còn dùng tay chỉ trỏ nó, thì nó tức giận cũng là chuyện đương nhiên.
Hai trường hợp đặc biệt cần loại trừ
Môi trường trưởng thành của mỗi người là khác nhau. Sự nhạy cảm với một vài sự việc, câu nói nào đó do mặc cảm bệnh tật hay do chấn thương tâm lí thời thơ ấu không thể coi là biểu hiện của “thủy tinh tâm”.
Độc giả Tiểu Lí, muốn mình đẹp giống như tất cả các cô gái khác, nhưng vì di truyền, cô bẩm sinh có mái tóc bạc trắng. Có thể tưởng tượng ra thời học sinh, đặc biệt là lúc tiểu học, cô đã phải chịu đựng bao nhiêu sự trêu chọc, bao nhiêu sự chế giễu của đám bạn học sớm chiều bên cạnh.
Bây giờ Tiểu Lí đang học đại học, người bạn cùng phòng với cô nhuộm tóc màu khói xám, Tiểu Lí cãi nhau một trận to với cô bạn, vì cho rằng người bạn cùng phòng làm như vậy là chế giễu mình. Tiểu Lí khóc suốt mấy ngày, sau khi đọc được bài viết của tôi về “thủy tinh tâm” liền tìm đến tôi để giãi bày.
Tôi biết người bạn cùng phòng không có ác ý, chỉ là vô tình động chạm tới nỗi lòng của Tiểu Lí. Vậy Tiểu Lí là người có “thủy tinh tâm” sao? Tôi nghĩ không phải, tổn thương thời thơ ấu vẫn ám ảnh cô, nên cô đặc biệt nhạy cảm với màu tóc mà thôi.
Tôi từng có người bạn cùng phòng kí túc tên Tiểu Quang. Một biến cố xảy ra khiến cậu ấy mất đi bố mẹ, từ đó trở thành trẻ mồ côi. Thật khó tưởng tượng nổi khoảng thời gian đó, cậu ấy đã vượt qua như thế nào. Khi mới ở cùng nhau, mọi người đều không biết chuyện đó. Một người xa nhà, khó tránh khỏi nhớ món ăn mẹ nấu, buổi tối liền tụ họp nói chuyện hăng say, riêng mình Tiểu Quang đeo tai nghe xem phim. Tiểu Lục không hiểu nội tình, còn bắt Tiểu Quang kể những món sở trường của mẹ mình, nói rằng nghỉ hè mỗi người đều phải học một hai món, đến khi khai giảng thì mở tiệc trổ tài. Bị Tiểu Lục dồn ép đến khó chịu, Tiểu Quang gào lên một câu: “Tôi không có mẹ!”
Im lặng chết chóc. Không ai nói gì. Một lát sau, chúng tôi nghe thấy tiếng nức nở của Tiểu Quang vọng lại từ một góc.
Sự nhạy cảm, dễ nổi cáu mà mặc cảm bệnh tật và chấn thương tâm lí từ biến cố gia đình gây ra cho Tiểu Lí và Tiểu Quang thật sự không phải là “thủy tinh tâm”. Nhưng tôi vẫn muốn khuyên họ thử nhìn nhận sự việc theo hướng nhẹ nhàng hơn. Suy cho cùng chỉ như vậy mới có thể chữa lành tổn thương mà những việc đó gây ra cho bản thân họ.
Trắc nghiệm: Khảo sát mức độ “thủy tinh tâm” của bạn
Nếu có hứng thú với điều này, đừng ngại kiểm tra xem bạn có phải là người “thủy tinh tâm” không nhé.
1. Bạn có một tuổi thơ tươi đẹp không?
A. Quá tệ
B. Bình thường
C. Đẹp như truyện cổ tích
2. Bạn có vì một câu nói của người khác mà canh cánh trong lòng?
A. Trước nay chưa từng
B. Đôi khi có
C. Thường xuyên
3. Bạn có thể khiêm tốn tiếp thu ý kiến của người khác?
A. Hoàn toàn có thể
B. Đôi khi có thể
C. Không thể hoặc rất hiếm
4. Bạn có thể ứng biến với mọi tình huống xã giao hay không?
A. Hoàn toàn có thể
B. Ứng biến một cách khó khăn
C. Từ chối xã giao
5. Bạn có một kế hoạch cuộc đời rõ ràng không?
A. Có kế hoạch rõ ràng
B. Thỉnh thoảng lập kế hoạch
C. Không có
6. Bạn có phải một người dễ dàng hài lòng không?
A. Rất dễ dàng
B. Thỉnh thoảng không hài lòng
C. Không hài lòng
7. Bạn đã từng nghĩ đến việc coi thường mạng sống của mình?
A. Hoàn toàn không
B. Thỉnh thoảng nghĩ đến
C. Thường xuyên
8. Bạn có thể biểu đạt chính xác những điều mình nghĩ không?
A. Hoàn toàn có thể
B. Đôi khi có thể
C. Tôi luôn có suy nghĩ và lời nói không nhất quán
9. Bạn có thể thực sự độc lập về tài chính không?
A. Hoàn toàn có thể
B. Cần giúp đỡ phần nào
C. Không thể
10. Bạn có muốn theo đuổi sự hoàn hảo không?
A. Không
B. Đôi khi có
C. Mọi việc đều theo đuổi sự hoàn hảo
11. Bạn luôn lo lắng sẽ mang đến phiền phức cho người khác?
A. Không
B. Đôi khi cảm thấy như vậy
C. Rất lo lắng
Phân tích kết quả trắc nghiệm:
A= 1 điểm B= 2 điểm C= 3 điểm
(1) 1 - 10 điểm: Gần như không có triệu chứng “thủy tinh tâm”
Chúc mừng bạn, bạn có một trái tim cứng rắn, có khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt, bất luận trong cuộc sống thường ngày hay trong tình yêu, tổn thương mà “thủy tinh tâm” gây ra đều sẽ không ảnh hưởng lâu dài tới bạn.
(2) 11 - 18 điểm: “Thủy tinh tâm” mức độ nhẹ
Bạn có triệu chứng “thủy tinh tâm” nhẹ, song đừng lo lắng, đây là biểu hiện rất bình thường, đa số mọi người đều sẽ có “thủy tinh tâm” mức độ khác nhau. Điều cần chú ý là, khi cuộc sống và tình yêu gặp phải biến cố bất ngờ, hãy kịp thời điều chỉnh, thể hiện khả năng gánh vác, tích cực đối diện với cuộc sống.
(3) 19 - 25 điểm: “Thủy tinh tâm” mức độ trung bình
Nhìn từ kết quả kiểm tra, bạn có triệu chứng “thủy tinh tâm” mức độ trung bình. Nhóm này trong tình yêu đa số nằm ở thế yếu, không phải vì tự ti, mà vì yêu quá sâu đậm nên sợ mất mát. Mức độ “thủy tinh tâm” của bạn trong cuộc sống luôn thấp hơn trong tình yêu. Học cách dùng tư duy lí trí để giải quyết vấn đề là có thể giảm triệu chứng “thủy tinh tâm” một cách dễ dàng.
(4) 26 - 33 điểm: “Thủy tinh tâm” mức độ nặng
Bản thân bạn có một bộ quy tắc ứng xử riêng, nhưng càng tiếp xúc với xã hội, bạn sẽ càng cảm thấy xã hội thực tại khác một trời một vực với những điều tốt đẹp trong tưởng tượng. Thời gian đầu bạn khó tiếp nhận, thường vì một chút đả kích mà buồn rầu, thậm chí ăn không ngon ngủ không yên. Bạn sợ bị cô lập, “thủy tinh tâm” đã gây ra cho bạn không ít ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng đừng lo lắng, bạn có thể cải thiện nó chỉ bằng một vài biện pháp thực tế đơn giản.
Bình luận