Cụ Lê Duy Hưởng hôm nay có tin vui,
người nhà từ bên Hộ sinh A báo về, con dâu trưởng
của cụ
đã hạ sinh được một bé trai nặng 3,5 kg. Mặc áo dài khăn đóng nghiêm chỉnh, cụ Hưởng
thắp ba nén hương kính cáo tổ tiên về người nối nghiệp dòng họ Lê Duy. Do bấm
độn biết trước đây sẽ là con trai, vì thế cụ chọn sẵn cái tên Lê Duy Thành đặt
cho đứa cháu đích tôn của mình. Cụ Hưởng ngước nhìn bàn thờ với la liệt bài vị
của liệt tổ liệt tông, khiến cụ bồi hồi nhớ lại các tiền nhân đời trước. Ngày
xưa nhà cụ vốn dòng họ Hoàng ở Phủ Diễn Châu xứ Nghệ, sau này tổ tiên nhờ có
công phò vua dẹp loạn nên được ban Quốc tính. Ơn vua lộc nước thời Hậu Lê của
dòng họ phải kể đến một người con gái tài sắc vẹn toàn được phong làm Phi dưới
thời vua Lê Hiển Tông. Dòng họ Lê Duy về Văn có nhều vị đỗ đại khoa được khắc
tên vào văn bia trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám, về ngạch võ có người làm đến Tả
Thị Lang Bộ Binh. Vào năm 1882 thời vua Tự Đức nhà Nguyễn, khi Hà Thành thất
thủ khiến Tổng Đốc Hoàng Diệu phải tuẫn tiết, lúc đó dòng họ Lê Duy của nhà cụ
có mấy người vị quốc vong thân, tất cả đều được ghi vào gia phả để con cháu
khói hương phụng thờ.
Bụi thời gian đã phủ một lớp trầm tích xuống dòng họ, thời thế đổi thay nên vàng son một thủa chỉ còn là quá khứ. Sự đứt gãy về văn hoá khiến nếp nhà rêu phong đã không còn được như trước, thậm chí có dấu hiệu của sự đổ vỡ. Điều khiến cụ Lê Duy Hưởng đau lòng nhất chính là ông con trai Lê Duy Tường, ngay từ bé bọn trẻ con khu phố Mã Mây đã gọi là Tường đầu bò, bởi con trai cụ học thì ít chỉ ham đánh nhau lại ngang bướng kiểu đầu bò đầu bướu. Lấy vợ cho con trai để anh ta chí thú làm ăn, nhưng Tường chỉ thích sống lang bạt kì hồ nay đây mai đó, lần trước ghé về nhà được một tuần, trước khi rời đi tiếp tục cuộc sống phiêu bạt, Tường đã bê luôn vật gia bảo của dòng họ đi bán. Đó là cái tráp cổ có khoá đồng được chạm khắc tinh xảo, bên ngoài tráp được các nghệ nhân khắc chìm những cảnh đẹp ở Diễn Châu rồi phủ một lớp sơn ta đen bóng, những hình ảnh đó nhắc nhở về quê hương của vị Quí phi triều Hậu Lê, Bên trong chiếc tráp được phủ sơn mài màu đỏ có vẽ chim Phượng, biểu tượng cho thân phận cao quí của Viên Phi. Vòng ngọc Phỉ Thúy, trâm cài đầu bằng vàng cùng một số món đồ khác đều cất trong đó, đặc biệt có cả sắc phong Quí Phi của nhà Vua.
Bao năm cất giữ thờ phụng, trong nháy mắt tất cả những đồ gia bảo đó đã thành món hàng hoá bán cho dân buôn đồ cổ. Hận thằng con giời đánh, cụ Lê Duy Hưởng chỉ biết trông mong vào thằng cháu đích tôn, nếu không dòng họ nhà cụ sẽ lâm vào cảnh vô phúc mục mả. Bức ảnh vị Quý Phi trong sắc vàng của Hoàng gia như thấu hiểu nỗi lòng của vị trưởng tộc, thời gian chính là sự đào thải khắc nghiệp nhất đối với sự hưng vong của gia đình khi nguồn cội bị lung lay.
Chọn được ngày Bảo Quang Hoàng Đạo, cụ Hưởng xem giờ rồi nhắc bà cô trong họ thay mặt đi đón đầu tay đứa bé, ở nhà cụ người con dâu thứ đã chuẩn bị sẵn chậu nhôm có nắm bồ kết, chút nữa sau khi đốt lửa và xông bồ kết, người sản phụ sẽ bước qua trước khi vào nhà. Việc đón vợ con ở nhà hộ sinh về bao giờ cũng là nhiệm vụ cao quí của người chồng, người cha, nhưng con trai cụ giờ này nếu không tổ tôm xóc đĩa, chắc đang bàn mưa tính kế gì đó, tất nhiên toàn những việc chỉ khiến tổ tiên phải thất vọng. Thắp hương, đốt nụ trầm cho vào đỉnh đồng xong, cụ Hưởng ngồi trên sập mở cuốn vạn sự ra coi trong khi chờ đón cục vàng của dòng học Lê Duy. Ngồi uống chưa hết chén trà Thái Nguyên, cụ Lê Duy Hưởng giật mình khi thấy bát hương trên bàn thờ bốc cháy ngùn ngụt, nhìn ngọn lửa bốc cao khiến cả ban thờ với hoành phi câu đối như chìm trong làn sương khói mờ áo, chữ ĐỨC LƯU QUANG bỗng chốc biến thành những kí tự rời rạc, vị trưởng tộc của dòng họ Lê Duy thở dài nói khẽ; Chắc có điềm xấu rồi đây.
Chưa đầy một tiếng, cả khu phố Mã Mây xôn xao việc nhà cụ Hưởng bị mẹ mìn bắt cóc đứa bé vừa được vài ngày tuổi, tin tức một đồn mười rồi mười đồn trăm khiến nhiều gia đình có con nhỏ nhà nhất quyết nhốt bọn trẻ trong nhà. Có bà mẹ cẩn thận buộc chân con mình vào sợi dây thừng, một đầu dây buộc ngay chân giường cho chắc chắn. Bà cô trong họ đầu tóc rũ rượi, mặt mũi sưng húp vì khóc ngắt quãng kể lại; Sáng nay mẹ nó cho thằng cu bú xong, có một bà nhìn mặt mũi phúc hậu, đeo kiềng vàng ra dáng nhà có điều kiện, bà đó vào phòng chào hỏi mọi người tự nhiên như người nhà, thậm chí còn nhắc vợ thằng Tường đi thay đồ để trả váy cho nhà hộ sinh. Khổ thân con bé thật thà vội đi thay váy, chỉ đợi có vậy mụ đó bế thằng bé ra ngoài vẫy xích lô đi mất, mấy sản phụ khác đều chắc mẩm đó là bà nội đón cháu nên không ai tri hô.
Ngồi ở phòng khách nghe người con dâu trưởng khóc khản cả tiếng, cụ Lê Duy Hưởng mơ hồ lo sợ về việc dòng họ sẽ tuyệt tự nếu anh con trưởng không quay về. Con dâu trưởng đã vậy, con dâu thứ còn bi đát hơn khi vừa lấy chồng được tám tháng, con trai thứ của cụ là Lê Duy Mạnh bơi ở Hồ Tây bị chuột rút nên chìm xuống đáy hồ không ai biết, ba ngày sau khi xác tự nổi, lúc đó gia đình mới được bên công an báo ra nhận về an táng. Người con trai thứ Lê Duy Mạnh ngoan hiền đang là cán bộ trong biên chế Nhà nước thì vắn số, trong khi ông con giời đánh coi trời bằng vung đi giang hồ tứ xứ, đến đám tang em trai không biết để về đưa tiễn. Cụ Lê Duy Hưởng cay đắng khi nghĩ đến viễn cảnh, rồi đây khi cụ nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên, cụ trông mong gì ông con có mặt để cúng cơm và đọc lời cảm tạ bà con khu phố.
Bình luận