Chapter 1

icon
icon
icon

Đun xong siêu nước đổ vào hai chiếc phích, bà cụ Phấn lấy chiếc chảo nhôm cũ đặt lên bếp sau đó bà xúc một thìa mỡ từ chiếc liễn sứ cho vào giữa chảo, đợi cho thìa mỡ tan chảy và bắt đầu sôi nhẹ, lúc này bà cụ Phấn thong thả cầm bát cơm nguội cho vào chảo rồi đảo đều tay, khi chỗ cơm rang ngấm mỡ và săn lại, bà cụ Phấn đập thêm quả trứng và cho thìa nước mắm vào trộn nhanh tay. Lúc người cháu gái tỉnh giấc, trên bàn uống nước đã có hai đĩa cơm rang nóng hổi, bà cụ Phấn ôn tồn nhắc:


-Thôi đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng cho nóng.


Vừa xúc cơm rang ăn người cháu gái vừa tấm tắc khen:


-Trời lạnh như vậy sao bà không ngủ thêm chút nữa, cơm rang của bà thì ngon tuyệt vời. Trưa nay con xin về sớm, đầu giờ chiều con sẽ đưa bà lên huyện, mọi việc bây giờ là tùy ở bà nhé.


Đợi người cháu gái đi khuất, bà cụ Phấn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa rồi ngồi bên bếp lò cho ấm, năm nay tuy rét muộn nhưng đợt gió mùa Đông Bắc khiến nhiệt độ giảm sâu, có lẽ vì thời tiết thay đổi nên cả đêm qua bà cụ Phấn đau nhức xương khớp không sao ngủ nổi. Ngồi mãi cũng buồn, bà cụ Phấn mở chiếc hộp gỗ nhỏ lấy ra từng bức ảnh để xem, ảnh của bà thời trẻ được một phóng viên quân đội chụp, hồi đó bà làm công nhân của Nhà máy dệt 8.3. Khi tờ báo đăng bài viết có kèm bức ảnh, bà đã cắt bức ảnh trong báo cất đi coi như báu vật. Đôi mắt già nua của bà cụ Phấn như lóe sáng trước bức ảnh cưới duy nhất, ảnh bà ôm bó hoa Dơn đứng bẽn lẽn bên cạnh chú rể, dù ảnh đen trắng nhưng bà vẫn nhớ tấm phông đằng sau màu xanh Cửu Long có dán đôi chim bồ câu trắng đang tung cánh. Ngoài con số đề ngày 25/10/1974, dòng chữ có nội dung “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” được hầu hết các đám cưới sử dụng, câu khẩu hiệu đó như một mệnh lệnh nhắc nhở, bởi vì đất nước vẫn đang trong thời kì chiến tranh. Ngày đó việc chụp ảnh chỉ thực hiện vào những dịp trọng đại, chính vì thế bà cụ Phấn không có nhiều bức ảnh để lưu giữ, sau này khi người con trai đã trưởng thành, bà bắt đầu có nhiều bức hình chụp cùng con trong ngày cưới và những dịp lễ tết.


Sắp xếp lại những tấm hình chất đầy kỉ niệm, bàn tay nhăn nheo của bà cụ Phấn thoáng ngập ngừng trước một phong bì có dấu đảm bảo của bưu điện, dù bà đã bóc thư từ tuần trước và đọc thuộc từng câu từng chữ trong đó. Theo đúng nội dung thông báo, chiều này bà sẽ có mặt tại tòa án của Huyện, như vậy sau gần hai năm mòn mỏi đợi chờ, cuối cùng bà cụ Phấn đã sống được đến ngày ra tòa. Điều này tưởng đơn giản nhưng vì trận ốm thập tử nhất sinh hồi tháng trước, đã có lúc bà cụ Phấn tưởng sẽ về với tổ tiên khi trong lòng còn chất chứa bao nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai.


Cuộc đời bà cụ Phấn kể từ ngày về làm dâu làng Văn Xá, thấm thoắt cũng được gần nửa thế kỷ rồi. Chồng bà không rượu chè, không trăng gió bên ngoài khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng đúng như người ta nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, chồng bà tính gia trưởng nên luôn áp đặt mọi việc theo ý mình. Kể từ ngày bà phải về hưởng chế độ 176, mọi việc lớn bé trong nhà đều đến tay, bà phải chăm mẹ chồng liệt giường suốt bảy năm đến khi cụ quy tiên. Vì là dâu trưởng của họ lớn, bà chưa được ngày thảnh thơi, mọi giỗ chạp lớn bé đều đến tay, chồng bà chỉ ngồi chỉ tay năm ngón rồi pha ấm trà ngồi rung đùi thưởng trà làm thơ.


Hai vợ chồng có duy nhất một người con trai, bà cũng phải nai lưng vỗ béo đàn lợn để có tiền cho con ăn học, rồi tiền lo xin việc. Bây giờ con bà thành quan chức, nhưng mỗi khi ốm đau, bà vẫn phải lọ mọ bắt xe ôm ra bệnh viện Huyện để khám và điều trị. Nghĩ đến cảnh chồng con bạc bẽo, nhiều lúc bà khóc thầm trong lòng, đến bây giờ bà vẫn tự hỏi, sao mình có thể sống cùng với một người vô tâm lâu đến vậy. Bà nhớ rõ lần phải lên Bệnh viện mắt Hà Nội để mổ đục tinh thể, gọi điện cho con trai nhờ đưa đi viện, con trai bà nói bận họp, cực chẳng đã bà phải nhờ chồng đi cùng để làm thủ tục, tuy nhiên ông chồng bà đã nói ráo hoảnh phải đi giao lưu câu lạc bộ thơ ca. Chính lời nói vô tâm của chồng như giọt nước làm tràn ly, kể từ dạo đó bà rời xa ngôi nhà đã gắn bó bao năm để về tá túc ở nhà cô cháu gái.

Bình luận