Chapter 1

icon
icon
icon

Tiếng kẻng của Hợp tác xã vang lên, ông Nhanh vội khóa cửa nhà kho leo lên con xe đạp Thống Nhất cũ, không bỏ lỡ một giây, ông cắm đầu đạp về nhà, con xe không phanh không gác – đờ - bu, do vậy mỗi lần thấy có người ở phía trước, ông Nhanh vội vàng bóp quả bóng cao su gắn vào chiếc kèn nhỏ thay cho chuông xe. Đây là chiếc kèn bán kem ông xin được của lão Tám bên thôn Thượng, nghe âm thanh quen thuộc, nhiều lúc bọn trẻ trong làng chạy ùa ra vì tưởng người bán kem. Rút kinh nghiệm khiến lũ trẻ bé cái nhầm, nếu chỗ nào đông trẻ con, ông Nhanh chỉ kêu ếp…ếp thay tiếng còi. Con đường từ sân kho của Hợp tác xã về nhà không xa, nhưng đường gồ ghề sóng trâu rất khó đi, đã có nhiều người từ thành phố về tay lái không vững, vậy là cả người lẫn xe phi xuống con mương tưới tiêu nội đồng tắm mát. Nhiều người độc mồm nói, gái làng ế chồng bởi đường xấu nó phạm vào phong thủy, dù thực hư không ai kiểm chứng, nhưng nhiều phụ nữ trong làng vẫn không tìm được bến đỗ của đời mình.


Nghe tiếng con xe đạp lọc cọc quen thuộc, con chó mực đang nằm canh chỗ lạc phơi ngoài sân liền vẫy đuôi chạy ra, nhưng hôm nay ông Nhanh không còn tâm trạng để vuốt ve nó như mọi ngày, ông réo to; Hĩm ơi xong chưa.  Từ trong bếp một con bé khoảng 6 tuổi mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại bước ra, con bé xách một chiếc cặp lồng nhôm cũ với dáng điệu tất bật. Do đun bếp rơm nên đầu tóc con bé dính đầy tro và bồ hóng, đã vậy nó còn bế theo một đứa bé khoảng ba tuổi. Nhìn cảnh hai chị em bế nhau như mèo tha chuột, đứa em bụ bẫm nên con bé như lệch hẳn một bên người mỗi khi bước đi


Với vẻ mặt già trước tuổi, con bé dặn dò:


-Canh rau ngót bác Tám gái cho rồi, con thổi cơm vừa xong kịp lúc thầy về.


Ông Nhanh hếch mũi hít rồi nói:


-Thầy ngửi thấy mùi cơm khê.


Con bé lớn vội đặt em ngồi cạnh con chó mực, nó chạy vào rút rơm khỏi bếp nhưng không quên dập lửa, sau đó lại chạy ra bế em. Ông Nhanh quay xe nói vài câu rồi đi ngay; Nhớ đợi thầy về ăn cơm, đừng cho em ra bờ ao nhé. Đúng 12 giờ đài truyền thanh của xã phát một trích đoạn chèo trước khi đọc bản tin, ông Nhanh vốn chúa ghét thể loại suốt ngày í a nên cong mông đạp xe ra trạm y tế xã kịp đưa cơm cho vợ. Vừa nhìn thấy mặt ông Nhanh, cô y tá bưng miệng cười khúc khích thông báo; Lại vịt giời nữa bác nhé, thôi đặt vòng khỏi vỡ kế hoạch. Không thất vọng như hai lần vợ đi đẻ trước đó, ông Nhanh tặc lưỡi nói giọng bất cần; Tứ nữ bất bần, trời sinh voi trời sinh cỏ lo gì.


Sản phụ đẻ xong thường mất sức, nằm cùng buồng với vợ ông Nhanh có gia đình đón con đầu cháu sớm lại sinh hạ thằng cu 3 cân 2, bởi thế cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ đều hồ hởi như bắt được vàng. Trong lúc bà nội cưng nựng đứa cháu đích tôn, bà ngoại pha cho con gái bát sữa ông Thọ để bồi dưỡng. Nhìn sang giường của Bổng không có gì, đang vui nên bà hỏi cô có uống sữa để bà pha cho một bát. Vốn là người hay giữ kẽ, Bổng nói chồng mình sắp đưa cơm vào nên cô cảm ơn. Ở tuổi 40 đi sinh lần thứ ba, do vậy cô không cảm thấy buồn, mặc dù sáng nay cô tự xách làn quần áo ra trạm xá, không người đưa đón. Ở quê hay gọi theo ngôi thứ, hai vợ chồng cô dù chưa già, nhưng có cháu gọi bằng ông, bà trẻ, vì thế dân làng hay gọi là ông Nhanh, bà Bổng, nghe trang trọng nhưng già quá.


Cơm cho bà đẻ có món canh rau ngót, thịt nạc rim cùng nghệ, như vậy là đủ chất để bồi dưỡng, chỉ có điều lần này con bé ra sớm nửa tháng nên nhìn như cái phích nước. Ông Nhanh ngắm đứa con gái bé bỏng của mình rồi động viên vợ:


-Thua keo này ta bày keo khác, đẻ khi nào hết trứng cho chúng nó trắng mắt ra.


Bà Bổng chăm chú ăn không buồn nói đôi coi cùng chồng, bởi “chúng nó” ở đây là đám anh em họ Vương, mỗi lần ăn giỗ khi rượu vào lời ra, mấy người đó lại đùa ác khi chê vợ chồng bà không biết đẻ. Phận làm dâu họ Vương nên bà coi như không nghe thấy, mặc dù những lúc như vậy bà cảm thấy tủi thân vô cùng, ở quê muốn ngẩng mặt với họ hàng, kiểu gì phải có thằng con trai họ mới phục. Thậm chí nhiều nhà chiều con, chiều cháu đích tôn, đang bữa ăn gọi thằng cu lại cho cái đùi gà rồi bắt nó vạch chim đái bậy với vẻ mặt tự hào. Ăn xong chỗ cơm, bà Bổng nhắc chồng; Chiều mai đợi tắt nắng, thầy nó mời bà Thiềm qua đón đầu tay rồi về luôn, ở đây em thấy nóng ruột vì bọn trẻ ở nhà. 


Trời nóng nên vừa cơm tối xong, hai chị em mèo tha chuột vội đưa nhau ra sân đình chơi. Do sắp đến Trung thu nên nhiều anh chị lớn tuổi tập đánh trống ếch, nơi đó đông vui lại có ánh điện vì thế thu hút được mọi lứa tuổi, nam, phụ, lão ấu của làng Văn Xá. Đặc biệt là cánh trai làng nhân cơ hội này rủ nhau đi ghẹo gái làng, các cô gái tuổi vừa đôi tám vừa thích lại vừa sợ, trước sự táo tợn của lũ trai lấc cấc, họ rủ nhau đi theo từng nhóm. Đi theo nhóm nhưng thỉnh thoảng vẫn có cô bị vỗ nhẹ vào mông khiến mọi người rú ầm lên, những lúc như vậy mấy bà già khó tính hay mắng; Đúng là lũ ăn no rửng mỡ rồi quẩng lên, ngày trước giờ này phải ngồi bên khung cửi đến khuya rồi.


Rửa xong mâm bát, ông Nhanh múc vài gầu nước giếng tranh thủ tắm gội, vừa lau khô tóc đã thấy tiếng bà cô ruột nói từ ngoài cửa vào. Bà quen ăn sóng nói gió vì thế át cả tiếng con chó mực đang sủa inh ỏi, có lẽ do thẳng tính quá, ngày trẻ cánh đàn ông đến tìm hiểu đều âm thầm chạy mất, vì thế họ Vương sau này sẽ có bà cô tổ. Không chồng con nhưng ở trong ngôi nhà ba gian thoáng mát, bà Vương Thiềm luôn bóng gió việc sẽ chọn một đứa cháu trai cho ăn tự sau này, nhiều người trong họ vội lấy lòng bà, mục đích không gì khác chính là ngôi nhà cùng vườn cây ao cá, chưa kể họ nghe đồn bà có nhiều vàng bỏ hũ sành chôn ở đâu đó dưới nền nhà.


Uống cốc nước vối cho đỡ khô cổ, bà Thiềm nói ngay:


-Quá tam ba bận vẫn sinh ra vịt giời, không nhẽ dòng trưởng đến đời anh lại tuyệt tự, bây giờ tính sớm còn kịp, đừng trách tôi không nhắc trước.


-Vâng cháu biết rồi, chiều mai cô cháu mình ra trạm xá đón hai mẹ con nó. Cô giúp cháu lần này, để khỏi mất công chạy đi chạy lại.


Mồm đang bỏm bẻ nhai trầu, bà Thiềm vẫn nói mát mẻ:


-Ngày xưa anh nghe tôi lấy con Mạn ở xóm trên có phải đẹp không, giờ nó hai thằng con trai đẹp như sĩ điều, rõ hoài của.


Tiễn bà cô ra cổng, ông Nhanh lại cung kính rước cụ Vương Thân vào trong nhà. Theo thứ bậc, hiện nay cụ Thân là người đức cao vọng trọng nhất họ Vương, xét vai vế cụ Thân là em ruột của bố ông Nhanh. Ngồi rít xong điếu thuốc lào, Cụ Vương Thân bấm ngón tay rồi phán; Con bé này sinh vào năm Canh Thân (1980), tuy xương con khỉ nhưng tinh con chó sói. Tuổi Thân kiểu gì cũng vất vả, chưa kể giờ sinh không đẹp, chắc sau này lại lận đận long đong như cô Thiềm trong họ nhà mình. Cụ Thân nhẩm tính, như vậy nhà anh con bé đầu là Ất Mão (1975), con bé thứ hai là Đinh Tị (1977), tới con này Canh Thân (1980). Kể ra có thêm mụn con trai sẽ mát lòng, mát dạ cho ông anh ruột tôi ở trên bàn thờ.


Ông Nhanh lễ phép thưa chuyện:


-Vâng cháu cũng biết thế, bây giờ cụ đặt cho cháu cái tên.


Cụ Thân ngồi rung đùi suy nghĩ, năm nay dù mới tròm trèm 60, nhưng đi đâu cụ luôn tự hào vì đã có cháu gọi bằng cụ. Ở quê đông con nhiều cháu là một tiêu chí, nhưng nhà nào chả có họ hàng xa gần khắp làng, bởi vậy đám ma nào đủ khăn vàng, khăn đỏ sẽ được mọi người trầm trồ bàn tán. Xét theo khoản đó, cụ Vương Thân ăn đứt mấy ông râu tóc bạc thơ, bọn họ dù tuổi đời hơn cụ nguyên một giáp, tuy nhiên nếu các vị đó hai năm mươi, bói cả hàng Tổng không có được cái khăn vàng như cụ.


Gần hết tối, sau khi bắn thêm vài điếu thuốc lào, cụ Vương Thân ôn tồn nói; Hai con lớn nhà anh đều do tôi đặt tên, con lớn Ất Mão tên là Vương Thị Hoàn, con bé Đinh Tị tên là Vương Thị Hạnh, như vậy con bé Canh Thân sẽ là Vương Thị Hiên. Nói thật anh đừng buồn, nhà anh toàn thị với mẹt rõ chán, động viên vợ cố sinh lấy thằng cu để cả họ vui mừng. Tiễn cụ Thân ra cổng, ông Nhanh thấy con bé Hoàn lệch người tha con bé Hạnh quay về, do em buồn ngủ nên cảnh mèo tha chuột từ sân đình về khiến mọi người phải buồn cười. Ông Nhanh buông màn rồi cầm chiếc quạt nan phe phảy cho hai cô con gái một lúc, đợi các con ngủ say, ông ra ngoài hè ngồi cho thoáng, ngước nhìn bầu trời đầy sao, ông biết ngày mai sẽ nắng to, như các cụ hay nói “nắng tháng tám, nắng rám quả bưởi” là vậy.


Ngồi một mình bên điếu bát cùng ấm tích nước vối, ông Nhanh buồn bã nhớ lại hồi còn học trên Hà Nội. Ngày đó nếu không bị gia đình giục về quê lấy vợ, biết đâu mối tình đầu của ông với người con gái Hà Thành đã đơm hoa kết trái. Sự đời lắm nỗi éo le, bà cô Vương Thiềm nhất quyết muốn ông lên duyên cùng cô Mạn ở xóm bãi, trong khi mẹ ông ưng mắt cô Bổng ngay cuối làng, dùng dằng mãi rồi ông nhận lời cưới cô Bổng. Ngày ông thành hôn, bà cô vốn đã hiềm khích theo kiểu chị dâu em chồng nên từ mặt không bước qua nhà. Đến lúc mẹ ông ra cánh đồng làng nằm cùng gia tộc, khi đó sự quan hệ được nối lại sau thời gian đứt gãy.  


Ngồi ôm cây đàn guitar cũ đđứt mất một dây chưa kịp thay, ông Nhanh lướt trên phím đàn và khe khẽ hát:


“Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng

Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Ai oán thương ai tàn mơ màng

Lướt theo chiều gió
Một con thuyền, theo trăng trong
Trôi trên sông thương,
Nước chảy đôi dòng

Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông thương,
Nào ai biết nông sâu?
Nhớ khi chiều sương,
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng.
Biết bao buồn thương,
Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha,
Thuyền ơi đừng chờ mong
ánh trăng mờ chiếu,
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la,
Thuyền mơ bến nơi đâu.”

Bình luận