Chapter 1

icon
icon
icon

Khi xe tay dừng lại trước cổng làng Mật, cụ Cử Vinh chậm rãi bước xuống, trời có nắng nhưng cụ không dùng ô, thay vào đó cụ dùng chiếc quạt mo cau che trên đầu. Vốn dĩ những gì thuộc về người Phú Lang Sa cụ đều thậm ghét, chẳng thế khi thấy con trai là cả Hiển dùng bút sắt thay bút lông, cụ đã chửi không tiếc lời khiến con dâu và con trai phải quỳ lạy mong cụ bỏ qua. Bước qua cổng làng xây bằng gạch vồ, ngay phía trên có đắp hàng chữ

XUẤT NHẬP TƯƠNG HỮU nghĩa là“ra vào đều là bạn” khiến cụ thấy khó chịu, bởi quân cướp nước Phú Lang Sa thò mặt vào làng hóa ra đều là bạn hay sao. Là người đỗ Cử nhân kì thi Hương tại Nam Định vào năm Ất Mão 1915 dưới thời vua Duy Tân, do vậy cụ thậm ghét lũ người Phú Lang Sa khi bọn chúng cậy thuyền to súng lớn đã bắt rồi đày ngài đi biệt xứ. Kính trọng các bậc tiền nhân, đặc biệt chữ đó là lưu bút do cụ Nghè Vỹ viết ra từ thời nhà Lê nên cụ không nói ra, thật tâm cụ muốn đục bỏ chữ đó thay bằng chữ PHÚC MÔN.

 

Làng Mật vốn có hai cổng, thường gọi là cổng tiền và cổng hậu, hay còn tên gọi khác là cổng nhật và cổng nguyệt mang hàm ý sâu xa. Nếu như cổng tiền hướng về phía Đông Nam đón ánh mặt trời nên gọi là cổng nhật, đây là cổng chính dành cho người sống, cổng đón những người con làm ăn xa trở về, đón quan trên kinh lý ghé qua hoặc đón những người đỗ đạt khoa bảng quay về vinh quy bái tổ. Cụ Cử Vinh luôn tự hào ngày áo gấm về làng được dâng hương trước ban thờ Thành Hoàng trong đình, cổng nhật chính là nơi đón phúc lộc nên cụ muốn đổi tên thành PHÚC MÔN là ý đó. Giống như vầng nhật nguyệt, có ngày ắt có đêm, có sự sống phải có cái chết, cổng hậu của làng nhằm hướng Tây là hướng mặt trời lặn, do vậy còn gọi là cổng nguyệt. Đây là cổng để tiễn đưa người chết ra cánh đồng làng, những kẻ bị phạt vạ hay gái chửa hoang, tất cả đều bị tống qua cửa nguyệt.

 

Bước chân vào ngôi nhà ba gian hai chái, cụ Cử Vinh khoan thai cởi chiếc áo dài và tháo khăn xếp treo lên, dù ngoài hiên gió mát nhưng cụ thích ngồi trên sập hơn, bởi ngồi ngoài đó khác nào những kẻ phàm phu tục tử. Dẫu chẳng thể quay ngược thời gian, cụ tiếc vì không thể tham dự kì thi Hội cuối cùng dưới triều vua Khải Định do mẫu thân bất ngờ đổ bệnh nên đường thi cử đành gác lại. Người đọc sách thánh hiền lấy chữ hiếu làm đầu, cụ mừng cho đồng môn là Dương tiên sinh quê ở Vân Đình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông đã đậu Tiến sĩ được có tên trên bảng vàng tại kinh đô Huế. Dù nho giáo tới hồi suy tàn, cụ vẫn quyết giữ nếp nhà nếu không tất cả sẽ biến thành những kẻ nô lệ quên mất lễ nghĩa còn miệng nói tiếng tây bồi. Có vài lần về Hà Nội, cụ thấy chướng tai gai mắt bởi lũ me tây chẳng giống ai, mọi tôn ti trật tự không còn, riêng đám mắt xanh tóc vàng mũi lõ, chúng ra dáng ông chủ ở mảnh đất ngàn năm văn hiến.

 

Người con dâu xách siêu nước từ dưới bếp lên tráng ấm rồi pha trà, lệ nhà đã định, đàn bà con gái không được bước qua cửa chính diện nơi có bàn thờ và kê sập gụ nên cô con dâu phải đi cửa bên hữu. Ngày xưa khi hiệp thợ Bắc Ninh làm những cánh cửa bức bàn được chạm trổ cầu kì, cụ Cử Vinh đã nhắc kĩ điều đó. Ngày cụ vinh hiển về làng, đích thân cụ đã phóng bút viết chữ QUANG TIỀN DỤ HẬU(làm rạng rỡ đời trước, nêu gương sáng cho đời sau) để hiệp thợ chạm khắc bức đại tự treo ngay phía trên, buồn nỗi hai người con trai cụ là cả Hiển và hai Hoà chẳng theo đường khoa cử. Đang ngồi thưởng trà, cụ Cử Vinh thấy tiếng chó sủa, ngay sau đó là tay mõ đứng khép nép dưới hiên nhà, y chắp tay vái lạy rồi lễ phép nói:

-Bẩm cụ Cử, ông lý Hoạch sai con rước cụ ra đình bàn việc.

Vốn không thích chốn đông người, nhưng việc làng chẳng thể chối từ, cụ Cử Vinh phe phảy chiếc quạt rồi khoan thai nói:

-Bây giờ sắp quá Ngọ rồi, anh mới về bẩm lại, đầu giờ Mùi tôi sẽ ra đình.

-Bẩm cụ con về.

 

Làng Hoa Bằng vốn thuộc tổng Đỗ Xá, sau này được đổi tên thành làng Huê Bằng vì tránh phạm huý. Khi Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa là vợ của vua Minh Mạng, tức thân mẫu của vua Thiệu Trị qua đời, vua Gia Long thương tiếc người con dâu vắn số nên đã chỉ dụ đổi tên toàn bộ các địa danh có chữ hoa. Vốn phát tích về đường khoa bảng, dân làng Huê Bằng thích gọi tên Nôm là làng Mật. Hồi trước quan tri huyện vừa nhậm chức huyện Võ Giàng, trong một lần ghé thăm, ngài đã nhận xét phong vận của làng rất tốt, duy có điều cổng hậu tức cổng nguyệt nằm vị trí không thuận, như vậy sẽ âm thịnh dương suy. Sự thịnh suy âm dương chưa rõ, những kì thi tam trường chấm dứt đã báo hiệu sự suy tàn của nho giáo, đồng nghĩa cụ Cử Vinh là bậc khoa bảng cuối cùng của làng Mật.

 

Sinh ra và lớn lên ở làng Mật thuộc xứ Kinh Bắc, cụ thuộc lòng câu phương ngôn về vùng đất khoa bảng“Một rổ ông Ðồ, một bồ ông Cử, một xử ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Dùng xong bữa trưa, cụ Cử Vinh khoan thai ra đình làng để họp, thời thế đã thay đổi nên cụ chẳng có thằng nhỏ cắp tráp theo hầu. Không bận lòng bởi chuyện đó, cụ buồn vì dưới thời trị vì của vua Bảo Đại, triều đình dường như chỉ còn hư danh bởi mọi thuế khoá đều do người Phú Lang San nắm giữ. Chẳng cần nói đâu xa, ngay như quan huyện vừa về nhậm chức cũng xuất thân trường hậu bổ, quan phụ mẫu không cưỡi ngựa có lính che ô, thay vào đó ngài cưỡi ô tô đi nhảy đầm và uống rượu sâm banh. Thậm chí lúc tiếp các vị chức sắc, ngài nói chuyện xen lẫn tiếng tây, với cụ Cử Vinh, như vậy khác nào xơi thịt chó trộn pate.

 

Vào đến sân đình, cụ Cử Vinh thấy cụ tiên chỉ vốn là một quan tuần phủ về hưu đang nằm hút thuốc phiện. Dạo này bọn tây đoan lùng sục bắt những kẻ buôn rượu lậu và thuốc phiện lậu, riêng loại thuốc phiện có môn bài và treo chữ R.O được dùng hợp pháp. Xét theo quan chế, quan tuần phủ hàm nhị phẩm về hưu là người có phẩm hàm cao nhất đương nhiên là tiên chỉ, cụ Cự Vinh vốn là quan đốc học về hưu với hàm tứ phẩm nên sung chân thứ chỉ. Thấy cụ bước vào, đám lý đương lẫn lý cựu và phó lý nhất loạt đứng lên chắp tay chào hỏi. Lý Hoạch xoa hai tay vào nhau rồi ề à thông báo, làng Mật khi xưa có bà Trần Thị Hằng được chúa Trịnh vời nhập phủ, sau này khi mất đi được Chúa truy tặng là Chiêu Phi. Do bà Chiêu Phi đã bỏ tiền hưng công xây đình làng Mật và tu sửa ngôi chùa làng, bởi thế hai nơi đều có dựng bia ghi nhận công đức. Trải qua hơn 200 năm, cả chùa và đình đều có dấu hiệu hư hỏng, lý Hoạch muốn xin ý kiến các vị chức sắc trong làng để tu bổ sớm. Cụ Cử Vinh hắng giọng sau đó điềm đạm nói:

-Việc tu sửa đình chùa miếu mạo là việc nên làm, tuy nhiên để khoan thư sức dân, ông lý hãy kêu gọi sửa chữa đình làng trước tiên, nếu không mùa mưa bão sẽ gây tốc mái rồi Thành Hoàng lại hiển linh quở trách.

 

Tương truyền vào thời vua Hùng, có vị lạc tướng đi đánh trận cưỡi ngựa về ngang đây do vết thương quá nặng nên ngài gục ngã, sáng hôm sau dân làng Mật thấy mối đùn thành gò nên đã rước bài vị tôn ngài làm Thành hoàng làng. Trải qua nhiều biến thiên lịch sự, các triều đại nối tiếp nhau đều sắc phong thành hoàng làng Mật là Uy Dũng Đại vương trung đẳng thần. Đình làng Mật vốn là nơi các cụ hay ngồi bàn việc, nghĩ đến viễn cảnh ngói bay xà gỗ rụng xuống khiến việc bàn tu sửa ngôi chùa tạm gác lại để dồn công dồn của sửa đình làng trước tiên. Do đình làng chưa có câu đối, cụ tiên chỉ mời cụ thứ chỉ ban chữ vì cụ còn bận thả hồn theo ả phù dung. Cụ Cử Vinh nhắc tay mõ mài mực, nhớ đến công lao của Uy Dũng Đại vương, cụ liền vén tay áo viết, nhằm khi đình làng tu sửa xong, câu đối sẽ được hiệp thợ chạm khắc rồi sơn son thếp vàng treo hai bên cột lim ngay dưới cửa võng.

 

Đức đại yên dân thiên cổ thịnh

Công cao hộ quốc vạn niên trường

---

Đức lớn giúp dân lưu muôn thuở

Công cao giữ nước rạng ngàn thu.

 

Buổi tối khi đám tuần đinh vác thước đi quanh làng, cụ Cử Vinh ngồi trầm ngâm suy tính. Không phải cụ ngăn cản việc hạ giải để sửa sang lại ngôi chùa làng, nhưng phía sau nó còn nhiều điều cần giấu kín. Ngôi chùa được dựng từ thời vua Lý Nhân Tông với tên gọi là Linh Sơn Tự, dân làng quen gọi là chùa Mật theo tên làng cho tiện. Sự ra đời của Linh Sơn tự bắt nguồn từ việc khi vua Lý Thánh Tông băng hà, thái tử Càn Đức lên ngôi đã nghe lời Thái hậu ra lệnh giết hại 72 cung nữ rồi đem bồi táng ở lang vua Lý Thánh Tông. Chính sử gọi là vụ “Án Thượng Dương cung”. Sau này khi về già, Thái hậu Ỷ Lan hối hận nên đã cho xây 72 ngôi chùa quanh xứ Kinh Bắc cùng tháp Báo Thiên, hàng năm đến ngày 25.7, đích thân bà làm lễ giải oan cho họ. Chùa Linh Sơn nằm trong số 72 ngôi chùa do Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng, đến nay trải qua triều Lý đến triều Trần rồi qua triều Lê và triều Nguyễn, ngôi cổ tự đã có hơn 800 năm tuổi nên xứng danh là Linh Sơn cổ tự. Sau này bà cô tổ trong họ là phi An Đô Vương Trịnh Cương đã về làng góp tiền, góp bạc để tu sửa chùa và dựng lại đình làng từ đống đổ nát.


Bình luận