Chapter 2

icon
icon
icon

Ngồi thưởng trà lúc sáng sớm, cụ Cự Vinh nghe thấy tiếng chó sủa, tiếng gà gáy và tiếng nói cười của bà con đang ra đồng sớm để kịp xong việc trước khi ánh nắng chiếu đỉnh đầu. Cụ vừa thưởng trà vừa suy nghĩ đến những lời tay lý Hoạch nói hôm qua, dù việc sửa chùa tạm hoãn, nhưng khi đình làng được sửa xong, việc bóp nặn đám dân đen lấy tiền sửa chùa sẽ được tính đến. Làng Mật dù vang danh khoa bảng, tuy vậy kì hào lí mục đều thuộc ba họ lớn trong làng là họ Trần, họ Lê và họ Tống, những họ khác nhỏ hơn ngoài việc cày ải trên ruộng đất, nếu rảnh sẽ lo chạy chợ buôn bán nhì nhẳng do chẳng có cửa chen chân. Cụ Cử Vinh hiểu rõ, phong thuỷ của làng không tốt do thầy địa lý đã từng nhận xét, thế đất của làng là quần ngư tranh thực. Sở dĩ quan huyện khen ngược lại chẳng sai, bởi các họ lớn đánh nhau sứt đầu mẻ trán, ngồi ở công đường quan phụ mẫu rung đùi có ngay tiền trăm chẳng nhọc công phán xử. Riêng với đám dân ngu khu đen, mỗi lần mò đến cửa quan chắc vi thiềng được vài đồng chinh chẳng bõ để ngài lên tiếng. Trong lúc cụ Cử Vinh đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ, tiếng người con trai thứ lễ phép hỏi:

-Thầy cho gọi con.

 

Cho phép người con trai ngồi ở chiếc đôn gỗ hầu chuyện, cụ Cử Vinh cho biết làng Mật do Lê Hoạch làm lý trưởng thay Tống Thanh, như vậy Tống Thanh là lý cựu còn Lê Hoạch là lý đương, duy có điều họ Trần hiện đang vắng bóng cả chân phó lý. Sau một hồi giảng giải, cụ Cự Vinh thở dài nói:

-Cả Hiển làm thầy không muốn chỉ thích làm thợ, thôi đành vậy, thầy muốn anh ra gánh vác việc làng thay lý Hoạch.

-Bẩm thầy nhưng ông lý Hoạch vẫn đang làm việc, như vậy sao có thể giao triện mộc cho con được, chưa kể còn cụ chánh Nhung và quan tri huyện.

Biết con trai lo lắng có cơ sở, tuy vậy cụ Cử Vinh giải thích ấn đường của lý Hoạch rất tối, chưa kể khí sắc không còn. Chẳng phải lương y hay thầy tướng số, cụ vẫn đoan chắc lý Hoạch sớm hạc giá vân du ngay trong năm nay, tức năm Canh Thìn 1940. Thấy con trai chưa yên tâm, cụ Cử Vinh khẳng định:

-Thầy bấm quẻ rồi, lý Hoạch cận địa viễn thiên nên không chắc sống đến ngày chạp mộ, anh chuẩn bị dần là vừa.

 

Dù con trai chưa hiểu, cụ Cử Vinh không giải thích nhiều, vốn là người kín kẽ, cụ muốn hai Hoà ra gánh vác việc làng, sau này khi quen việc sẽ bàn chuyện lớn. Nhân sáng nay có đám mây ngũ sắc tán rồi tụ ngay phía trên cây thị cổ thụ, cụ đoán là điềm cát tường nên ghé chùa làng đàm đạo cùng sư trụ trì. Dân làng vốn quen gọi là chùa Mật, mặc dù ngay trên cổng dòng chữ LINH SƠN TỰ được đắp nổi và gắn mảnh gốm khá đẹp. Chẳng rõ cây thị có từ bao giờ, nhưng các cụ cao niên khẳng định nó được trồng khi bà Thái hậu Ỷ Lan qua đời vào năm Đinh Dậu 1117, tức là cây thị cũng hơn 800 năm và chỉ kém tuổi ngôi chùa có 34 năm. Ngắm chuông đồng, khánh đá cùng nhiều đồ thờ quý giá do các vị đỗ đại khoa đời trước cung tiến, cự Cử Vinh hài lòng bởi bát hương cổ có từ thờ nhà Trần do cụ cung tiến được đặt ngay ban tam bảo trong gian chính điện.

Thắp xong nén hương, cụ Cử Vinh ngồi dưới gian nhà ngang nói chuyện, xét về vai vế, sư Thiện Tâm gọi cụ là chú ruột. Ngày trước lúc chưa xuất gia, Trần Mạnh Lân là đã thành tâm hướng Phật và ăn chay trường lánh xa sắc dục. Mặc dù thông minh học giỏi, nho sinh Trần Mạnh Lân đã từ chối con đường thi cử làm quan, khi chứng kiến thúc phụ Trần Mạnh Vinh đỗ Cử Nhân trong kì thi Hội, người kế nghiệp trưởng họ Trần đã xuất gia quy y cửa Phật. Cụ Cử Vinh biết huynh trưởng của mình là Trần Mạnh Ly hết sức phiền lòng, bởi ông là trưởng tộc lại chỉ có một người con trai duy nhất để hương khói ngôi từ đường.

 

Trời không chịu đất vậy nên đất phải chịu trời, khi sư Thích Thiện Tâm quay về trụ trì Long Sơn cổ tự, trước khi nhắm mắt xuôi tay, trưởng tộc Trần Mạnh Ly đã chỉ định người con lớn của cụ Cử Vinh là Trần Mạnh Hiển được ăn tự và thừa kế ngôi từ đường của dòng họ cùng một mẫu ruộng thượng đẳng điền nhằm lo phần cúng tế dịp xuân thu nhị kì và những ngày sóc vọng. Cả Hiển đưa vợ con sang quản ngôi từ đường của dòng họ ngay giữa làng, nhờ vậy ngôi từ đường chẳng lo rơi vào cảnh hương tàn khói lạnh. Cụ Cự Vinh sống cùng vợ chồng người con thứ là Trần Mạnh Hoà, người mà cụ muốn đứng ra làm lý trưởng làng Mật trong thời gian tới. Trong nhà là chú cháu đúng như câu “sểnh cha còn chú”, tới chốn Phật môn là khách nên cụ Cử Vinh ôn tồn thông báo:

-Tay lý Hoạch nghe nói chùa Mật có kho báu nên hắn định mượn gió bẻ măng đòi hạ giải để sửa chữa ngôi chùa, kì thực sau đó sẽ sai đám tuần đinh cậy từng viên gạch lát chùa để tìm nơi chôn giấu

 

Sư Thiện Tâm thở dài, bởi dẫu gặp nạn thì nhà sư chạy được còn chùa sao có thể, tất cả đều mong chờ vào Phật pháp nhiệm màu. Vốn là cháu đích tôn của quan Tuần phủ Sơn Tây Trần Mạnh Thường, ngay từ hồi còn chưa xuất gia, sư Thích Thiện Tâm đã biết rõ mối hiềm khích giữa hai họ Lê và họ Trần. Dù hai đời đã qua, những người xưa đều ở chốn cao xanh, hậu duệ của hai dòng họ vẫn bằng mặt chẳng bằng lòng, đây là lí do khiến hai họ Lê Trần suốt 100 năm qua chưa từng kết tình thông gia. Đã có hơn hai chục năm tu tập, ngài không lo ngại tay lý Hoạch mượn việc công mưu đồ việc riêng. Mọi sự trên đời vốn phải tuỳ duyên, kho báu nhiều khi xa tận chân trời nhưng gần ngay trước mặt, không phải của mình nếu chạm tay vào, hoạ phúc sẽ khôn lường. Khoan thai chuyên trà và đối ẩm cùng thúc phụ, sư Thiện Tâm lấy bút viết ra tờ giấy dòng chữ:

 

Nhất niệm sân tâm khởi.

Bách vạn chướng môn khai.

Nhất niệm sân tâm khởi.

Thiêu vạn công đức lâm.

---

Một lần nghĩ đến sự sân hận

trăm điều chướng nghiệp sẽ nảy sinh.

một lần nghĩ đến sự sân hận.

tiêu tan mọi công đức tu tập.

Bình luận