Thấy bầu trời xám xịt, trương tuần Long vác cuốc từ ngoài ruộng về, dành cả buổi sáng để tháo bớt nước, gã sợ mưa xuống sẽ gây úng ngập. Làm ruộng khéo lắm chỉ đủ ăn chẳng giàu được, bởi những nhà địa chủ có hàng trăm mẫu ruộng tốt thuê người cấy rẽ và thu tô, họ ngồi mát ăn bát vàng mới giàu. Với những người nông dân quanh năm cày sâu cuốc bẫm, vất vả như vậy may ra chỉ đủ ăn còn tháng ba ngày tám vẫn đói dài, gã biết nhà có vài mẫu ruộng chẳng đói được, nhưng làm ruộng như đánh bạc với giời chẳng nói trước điều gì. Sau lần lên mạn ngược tìm vợ, gã dự tính nếu có một khoản tiền nhỏ, chắc chắn gã sẽ đi buôn còn hơn sống nơi xó làng để lũ cường hào đè đầu cưỡi cổ. Dù tính toán là vậy, do lực bất tòng tâm khiến gã chỉ quẩn quanh từ nhà ra ruộng, sau đó từ ruộng lê bước về nhà hoặc ghé quán nước kể tội lão Cử Vinh cho đỡ nhạt miệng. Khi trời bắt đầu cơn mưa nhỏ, trương tuần Long xách một xâu cá rô đồng quay về, giao cho con gái, gã bưng hũ rượu để sẵn ngoài hiên để chút nữa ngồi thưởng thức đĩa cá rán giòn và nhâm nhi chén rượu. Người ta nói miếng ăn là miếng nhục, chỉ có ăn những gì tự tay mình làm ra mới ngon và có ý nghĩa, ngồi vục mặt như chó tranh ăn ở giữa đình như lũ chức dịch thì oai phong nỗi gì. Không phải xách thước nghe sự sai bảo, gã chấp nhận là chân bạch đinh dù chẳng kẻ nào dám trợn mắt gây khó dễ. Việc bớt chạm mặt cha con lão Cử Vinh, xem ra lợi nhiều hơn hại bởi hai bên gần như đoạn tuyệt dù chưa nói thẳng ra cho nhiều người biết. Trong lúc đợi con gái bưng đĩa cá rán lên, trương tuần Long khoan khoái ngả lưng ngay hiên nhà cho đỡ mỏi lưng, như đồng cảm với gã, con chó vội sà vào thè lưỡi liếm mặt chủ, đúng như câu yêu chó, chó liếm mặt.
Tiếng chó sủa khiến trương tuần Long giật mình tỉnh giấc, gã thấy sân nhà đứng chật người nên biết có chuyện. Tất cả đám tuần đinh vốn trước đây nghe lệnh gã răm rắp, kể cả tay trương tuần Minh vừa thế chỗ gã theo lệnh cha con họ Trần, do vậy cả lũ xộc vào nhà nhưng chưa dám hỗn hào. Không thấy mặt lý Hoà, thay vào đó là tay phó lý Hảo từng ốm thập tử nhất sinh tưởng chết, hôm nay mặt mũi vênh vang. Trong lúc trương tuần Long chưa kịp hỏi, từ phía ngoài cổng có ba thằng mắt xanh mũi lõ đeo súng xộc vào, nhìn bọn tây có mặt gã biết chẳng phải chuyện đùa. Theo lệnh của một thằng tây chỉ huy, đám tuần đinh xông vào nhà lục soát, riêng tay phó lý Hảo tỏ ra có nghề khi dùng một đoạn sắt mài nhọn đầu để chọc vào những chỗ khả nghi ở khu vườn. Bị thúc thủ trước hai họng súng và cùng ba thằng tây cao to, trương tuần Long không biết bọn này là tây đoan hay người của sở cẩm, gã tặc lưỡi đành chấp nhận phó mặc số phận trông vào sự may rủi. Ở bên ngoài dân làng nhìn thấy quan tây là hãi, họ đứng tít phía xa chỉ trỏ bàn tán. Lục từ nhà xuống bếp không tìm thấy gì khả nghi, đến lúc lão phó lý Hảo chọc que sắt xuống khu đất cạnh bờ ao chạm vào vật cứng, trong chốc lát đám tuần đinh đào lên hai chiếc vại sành rồi bưng ra ngoài sân cho các quan tây mục sở thị.
Hai chiếc vại sành bị đập vỡ, một vại đựng thuốc phiện được bọc kín trong lá chuối khố, như vậy phù hợp với lời tố cáo tên Nguyễn Văn Long lên mạn ngược mua thuốc phiện của người dân tộc về xuôi bán. Nghiêm trọng hơn là chiếc vại thứ hai, ở bên trong có những tờ truyền đơn in bằng chữ quốc ngữ cùng một vuông lụa đỏ thêu hình búa liềm kèm một khẩu súng đã han gỉ. Tang chứng, vật chứng rành rành, dù có hoạt ngôn cũng phải á khẩu huống hồ là kẻ thất phu. Ngay lập tức trương tuần Long bị xiềng chân và xích tay, có lẽ chỉ thiếu chiếc gông đeo cổ là giống kẻ tử tội bị giải ra pháp trường xử trảm. Dường như đoán được mưu hèn kế bẩn, trương tuần Long
chẳng hề phản kháng, gã biết kêu oan chỉ vô ích, rồi đây khi bị tống vào xà kim đợi ngày ra toà đại hình, chắc chắn lũ mật thám cả tây lẫn ta sẽ cho gã xơi no đòn xăng tan. Đưa tay đỡ chiếc bị cói có bộ quần áo cùng nắm cơm do con gái dúi cho, trương tuần Long nghiến răng nói:
-Giờ con đã hiểu thế nào là “gắp lửa bỏ tay người” rồi chứ, hai vại sành này chúng nó chôn từ dạo thầy lên mạn ngược.
Ngay khi bị áp giải ra xe, trương tuần Long bị một gã tây hung bạo đạp mạng vào lưng rồi buông tiếng chửi:
-C’est un cochon – Đồ con lợn
Cơn mưa bắt đầu nặng hạt, lúc này đầu giờ chiều nhưng trời đất tối đen, tiếng sấm chớp nổi lên khiến những người sống trong nhà tranh vác đất bắt đầu lo thu dọn mọi thứ cho lên phản. Kinh nghiệm cho thấy, nếu mưa không dứt thì nước sẽ dâng, lúc đó việc bì bõm trong bóng tối nhặt đồ sẽ thậm khổ. Dù biết cả làng đang xôn xao khi người của sở cẩm về khám nhà rồi xích tay trương tuần Long giải đi, cụ Cử Vinh vẫn ngồi trong nhà thưởng trà ngắm cây cúc mốc. Do biết trước sau gì thằng em rể mất dạy cũng gặp hoạ khi vuốt mặt chẳng nể mũi, cụ đã dặn lý Hoà bất luận có chuyện gì, việc sai đám tuần đinh xông vào gô cổ trương tuần Long hãy để phó lý Hảo thực hiện. Gã em rể ngồi đâu cũng bịa khẩu nhằm bôi nhọ thanh danh họ Trần, cụ không muốn ông con trai xuất hiện kẻo dân làng nói nhà cụ mượn việc công trả thù riêng, như vậy đâm mất hay. Dạo trước cụ bẻ cái gai trước mặt là lão bếp Tình khỏi sân đình, sáng nay cụ đã nhổ nốt cái dằm gây khó chịu bấy lâu, như vậy ở làng Mật chẳng kẻ nào dám bàn ra tán vào bởi tấm gương còn đó.
Ngồi trong nhà được thắp sáng bởi đèn măng sông, cụ Cử Vinh thầm khen sự nhìn xa trông rộng của bà vợ trẻ, bởi mấy hôm trước trời còn nắng chang chang, cả làng chả ai nghĩ đến chuyện gặt sớm vì muốn lúa chín vàng sẽ gặt mang về phơi. Trận mưa như trút nước nếu không ngừng, cầm chắc hàng trăm mẫu ruộng bị ngập khiến việc gặt khổ hơn rồi mang về thóc sẽ mọc mầm. Ngày xưa các cụ đã nói xanh nhà hơn già đồng chẳng sai, giờ chính những kẻ ngoạc mồm cười chê sự lo xa của bà ba Xoan phải ngậm ngùi vì lúa chín ngoài đồng chẳng thể thu hoạch. Giống người chơi cờ đã không còn đối thủ, thắng xong ván này bày ván khác, cụ Cử Vinh nhẩm tính việc đưa lý Hoà lên làm chánh tổng, bởi cụ Chánh Nhung dù còn sống nhưng khác nào ngọn đèn trước gió, thói đời đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Luôn dặn con trai không được bóp nặn đám dân đen, cụ mong lý Hoà làm chánh tổng vì muốn nhà họ Trần không chỉ là kẻ hách dịch nơi xó làng.
Hiện nay quan phụ mẫu xuất thân trường hậu bổ, khẩu khí và cách ngài làm tiền có phần thoáng đạt và sòng phẳng hơn mấy vị quan xuất thân nho học. Để làm lý trưởng sẽ phải vi thiềng cửa quan một khoản, nếu làm chánh tổng sẽ có giá khác nhau tuỳ vào hàng tổng giàu hay nghèo. Nếu mới nghe qua nhiều người sẽ nghĩ giống việc mua bán ở phiên chợ huyện, kì thực nó sòng phẳng bởi có giá niêm yết rõ ràng như tại nhà hàng Bô Đề Ga ngoài Hà Nội vậy. Việc thuận mua vừa bán có cái hay của nó, tiền trao chức nhận chẳng ai nợ ai nên khỏi mang ơn cho khách sáo. Giá kể cả Hiển chịu ra gánh việc làng, viễn cảnh anh là lý trưởng còn em là chánh tổng đủ khiến họ Trần danh giá bội phần. Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, thấy những người dân mặc áo tơi đội nón bì bõm lội trong nước bẩn đi vay gạo, đi xin lửa khiến cụ Cử Vinh nhớ đến trận lụt cách đây hơn chục năm làm cho bao người khốn khổ. Cơn mưa bão không có dấu hiệu ngớt, yên tâm vì thóc đã đầy bồ, cụ sai con bé Lượm chốt cổng đề phòng kẻ gian đột nhập, cụ thảnh thơi ngồi đọc sách thánh hiền cho hết ngày. Tưới chút nước cho cây cúc mốc, cụ Cử Vinh mở sách khoan khoái đọc bài thơ hợp cảnh:
“Tự nhập thu lai cảnh vật tân,
Tha cung phóng cước nhậm thiên chân.
Giang sơn phong nguyệt vô thường chủ,
Đãn thị nhàn nhân tức chủ nhân.
---
Trời thu thay áo mới,
Gõ trúc nhịp chân vui.
Ai có được sông núi,
Kẻ nhàn mới xứng thôi.”
Bình luận