Chapter 39

icon
icon
icon

Ngồi trong ngôi nhà sàn nhìn bên ngoài chỉ thấy núi rừng và mây trắng trôi ngang, bà Bàng hiểu mình khó thoát khỏi nơi lưu đày vì mắc tội cùng anh trai. Dù được tự do lội ruộng bậc thang hay đi quanh những ngôi nhà sàn, hễ bà bước tới vạt rừng hay lối mòn, tự khắc có tiếng cồng chiêng nhắc bà quay lại nơi bị giam lỏng. Chục nóc nhà sàn nằm heo hút trong rừng chẳng rõ liên quan gì đến họ Trần, bà chỉ biết những gã người Thổ lầm lì ít nói và nốc rượu từng bát, đám phụ nữ chân chỉ hạt bột lo chăm con và làm ruộng nương. Duy có điều bà thấy nhớ nhà và đồ ăn không hợp, bởi họ chẳng thổi cơm như dưới xuôi chỉ ăn cơm nếp khiến bà nóng ruột. Đang ngồi nhìn ra ngoài, một phụ nữ người Thổ mặc váy đen áo trắng còn trên đầu chít khăn giống đặt bát cơm nếp cùng bát canh rau ngót rừng xuống bên cạnh rồi nói bằng tiếng Kinh bập bẹ:

-Ăn đi không đói.

 

Hồi mới bị đưa về đây, thấy trên đầu phụ nữ chít khăn trắng, bà Bàng tưởng cái làng này có tang và họ đeo khăn như ở dưới xuôi, lâu dần bà biết mình nhầm bởi đó là trang phục của họ. Từ lúc bị anh trai điểm huyệt rồi nhốt trong miếu hoang, bà đã dự cảm cuộc đời mình sẽ bước sang một chương đen tối. Hai bàn tay sau khi bị làm cho thành tật suốt đời, việc cầm chiếc thìa hay bưng bát cơm hết sức khó khăn, bởi thế chúng không còn đủ lực và sự khéo léo để sử dụng tuyệt kĩ “thất tiến kim tiêu” như trước. Căm hận người anh trai nhẫn tâm và độc ác, bà chỉ biết ngửa cổ cầu xin ông trời giúp mình thoát khỏi chốn này. Trong những tháng bị cầm tù nơi rừng núi heo hút, bà thề độc sẽ có ngày trả thù vì những gì anh trai gây ra, bởi dẫu sao bà đâu còn là người họ Trần do đã bị gạch tên khỏi cuốn gia phả. Dù được người phụ nữ đắp lá thuốc, tuy nhiên hai bàn tay chỉ cầm và nắm được đồ vật nhẹ, rất may mọi việc sinh hoạt cá nhân bà chẳng phải nhờ cậy đến người khác. Nhìn bát cơm nếp đã thấy bứa cổ, bà vẫn cố ăn để còn sống và tìm đường trở về làng Mật, nếu không tội ác của anh trai chẳng có nhân chứng để vạch mặt. Dẫu bà có tham lam khi bê chiếc đỉnh bạc cùng con rồng quý và bộ chén ngọc, nhưng là anh em ruột thịt lại ra tay tàn độc chẳng xứng là người đọc sách thánh hiền.

 

Không giống như dưới xuôi, khi hậu trên này mát mẻ và se lạnh lúc chiều tối và đêm, bà Bàng để ý ngôi nhà sàn đang ở bình thường mọi cánh cửa mở toang, ngay khi ông mặt trời khuất núi, những cửa sổ và cửa đi đều bị chốt chặn từ bên ngoài. Hôm nào trời lạnh sẽ có bếp lửa và siêu nước đun sôi, ngay dưới cầu thang đàn chó dữ nằm canh gác không cho người lạ bén mảng hay bà bỏ trốn. Người ta nói thức khuya mới biết đêm dài, chẳng còn lạ nhà như dạo đầu, nằm ngủ trên ngôi nhà sàn vẫn tốt hơn bị nhốt dưới hầm ngầm trong căn miếu hoang, chưa kể mạch nước ngầm đùn lên hầm ngầm khiến nằm không được và ngồi chẳng xong. Ngủ trên nhà sàn nhiều đêm nghe tiếng hổ gầm khiến bà phát hãi, mặc dù theo người phụ nữ Thổ cho biết, gần hai chục năm nay hổ đã không còn mò vào bản như ngày trước. Có một dạo người Phú Lang Sa cùng các quan lang đạo tổ chức săn hổ, nhưng hiện nay việc này không còn diễn ra, tuy vậy lũ hổ ẩn mình tít trong rừng sâu và tránh những con đường mòn. Dù hai bàn tay đã thành tật, lúc nằm ngủ bà Bàng vẫn ôm chiếc gối dài cũ nát, kì thực bên trong nhét một con dao quắm nhặt được nhưng đã bỏ bớt cán dài, nếu cùng đường bà sẽ phải sống chết với kẻ thù.

 

Nằm mãi rồi đến lúc già mắt phải ngủ, bà Bàng chỉ mong trời mau sáng vì muốn nói với người phụ nữ dân tộc Thổ cho mình trồng ít lúa chiêm để có gạo tẻ ăn, dẫu sao phải thích nghi với hoàn cảnh trong lúc chưa rõ ngày về. Ngay khi còn chưa ngủ sâu giấc, bà Bàng chợt nghe tiếng chó sủa ngay dưới cầu thang rồi im bặt, tiếp theo là tiếng bước chân lên cầu thang nhưng rất nhẹ, nó khác hẳn bước chân của người phụ nữ hay đưa cơm. Đưa tay chạm vào con dao quắm, bà Bàng nhìn ra phía cửa nhưng tất cả chìm trong đêm tối, có chăng những đốm lửa ở thanh củi đủ cho bà nhìn thấy cảnh vật mờ ảo. Khi cánh cửa mở ra, một bóng đen cầm sợi lụa bạch xuất hiện, bà Bàng thở phào nhẹ nhõm vì biết đó là người họ Trần đến cứu, dẫu chưa biết đó là ai, nhưng chắc một điều không phải là con cháu của người anh máu lạnh. Một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên:

-Cháu đến đón cô về dưới xuôi.

 

Ngay khi nhận ra sư Thiện Tâm, bà Bàng nhỏm dậy cùng người cháu ruột nhanh chóng rời khỏi ngôi nhà sàn. Mất đúng ba ngày ẩn mình để tìm ra nơi đám người Thổ nhốt bà cô ruột, đêm nay sư Thiện Tâm quyết định hành động. Biết trước ngay chân cầu thang có đàn chó hung dữ, vốn đã xuất gia không thể sát sinh tạo nghiệp, chỉ bằng sợi lụa bạch trong tay, những con chó bị quăng vào chân cột đến sáng sẽ tỉnh lại. Khi hai cô cháu vừa ra đến cửa rừng, lúc này chỉ cần lội qua con suối cạn là có thể băng rừng ra đường cái quan, tuy nhiên tiếng cồng chiêng vang vọng cả núi rừng khiến lũ chim đậu trên cây phải vỗ cánh bay đi. Dù là người võ công thâm hậu, sư Thiện Tâm vẫn bất ngờ khi thấy xuất hiện hơn chục gã người Thổ như từ dưới đất chui lên, từ trên trời rơi xuông vậy. Một gã có vẻ cầm đầu nhìn dữ tợn, trên tay cầm thanh đao chứng tỏ con nhà võ, sau khi cắm thanh đuốc đang cháy xuống mô đất, gã chậm rãi nói bằng tiếng Kinh khá sõi:

-Đàn ông hãy đi còn đàn bà ở lại.

 

Biết chẳng thể nói lý, dù đã xuất gia nhưng trong tình thế hiểm nghèo, sư Thiện Tâm đành phải giao chiến mới mong thoát trở về. Sau khi nhắc bà cô ruột lùi về phía sau, sư Thiện Tâm bật người lên cao rồi bổ nhào xuống, lúc này dải lụa xé gió lao đi, gần như ngay lập tức dao quắm, kiếm sắt và thanh đao lần lượt văng xuống suối. Đám người Thổ chẳng hề biết sợ, vũ khí rơi nhưng còn dao găm nên đã nhất loạt xông vào, trận chiến với những kẻ không biết võ thuật chỉ dựa vào sức mạnh khiến phần thắng nghiêng về phía sư Thiện Tâm. Chẳng muốn ai phải đổ máu, nhưng sự manh động và lì lợm của những kẻ sống chết vẫn lao tới khiến dải dụa trên tay buộc phải cứng như thép phang thẳng vào cổ đối phương. Khi những kẻ tấn công nhất loạt gục ngã, không chậm trễ một giây, sư Thiện Tâm đưa người cô ruột băng rừng ra ngoài đường quốc lộ. Lúc đưa bà Bàng lên xe ngựa, bất ngờ một con dao găm xé gió lao tới, sư Thiện Tâm kịp vớ ngay chiếc điếu cày của người đánh xe chặn lại và hất ngược về phía vừa ra đòn. Sự việc  xảy ra quá nhanh nên gã người Thổ ôm ngực đổ vật xuống bìa rừng, con dao găm cắm sâu đúng tim khiến gã đó hồn lìa khỏi xác, sư Thiện Tâm thở dài vì biết mình đã mắc tội sát sinh, như vậy bao năm tu tập hoá thành công cốc. Chưa phải lúc đọc kinh sám hối, dẫu sao việc thoát nhanh khỏi vùng rừng núi là điều quan trọng nhất, nếu không đám người Thổ sẽ truy cùng diệt tận, lức đó biết đâu thêm một vài người bỏ mạng là điều đáng tiếc.

 

Khi cỗ xe ngựa dừng lại trước một hồ nước rộng mênh mông, bà Bàng nhìn cảnh vật cũng như trang phục của những người qua lại biết ngay mình đã về đồng bằng. Bà đoán nếu việc này đến tai lão Cử Vinh, chắc chắn họ Trần được phen sóng gió, nhưng không như phận nữ nhi, su Thiện Tâm đại diện chi trưởng nên võ công chẳng phải dạng xoàng để chịu cảnh đối xử như bà. Đêm trước đứng chứng kiến sư Thiện Tâm dùng tuyệt kĩ Nhuyễn tiêu mười ba đốt (thập tam tiết kim tiên) hoá giải đòn đánh và hạ gục đám người Thổ, bà thoáng chạnh lòng bởi mình đã thành người tàn phế. Đúng như các cụ đã nói, đời người con gái 12 bến nước, bến đục bến trong sẽ neo ở bến cuối cùng. Dẫu họ Trần coi thường và khinh chồng bà như mẻ, nhưng đạo phu thê nên bà quyết khuân của về nhà chồng, bởi vậy mới xảy ra chuyện như ngày hôm nay. Không tiếc vì đã bị gạch tên khỏi họ Trần, bà tiếc vì chẳng còn cơ hội để chồng làm ông phó lý, âu cũng là cái số. Theo chân người cháu ruột vào một ngôi chùa ngay sát hồ, bà được sư Thiện Tâm căn dặn:

-Tạm thời cô hãy ở lại chùa một thời gian, ở làng Mật hiện nay họ Trần đang đối mặt với nhiều thị phi, cô quay về không tiện.

Bà Bàng thảng thốt:

-Nhưng đây là đâu.

 

Sư Thiện Tâm cho biết, đây là ngôi chùa cổ kính nằm cạnh Hồ Tây và không quá xa làng Mật, chỉ cần qua cầu Paul Doumer rồi đi thêm nửa buổi là về tới cổng nhật. Việc đêm qua chắc chắn đám người Thổ sẽ cho người về xuôi báo tin và lùng sục, lánh ở Hà Nội đông người qua lại, bọn đó chẳng dám manh động, nếu không sẽ bị người của sở Cẩm tống vào nhà pha ngay lập tức. Đứng trong sân chùa nhìn theo bóng người cháu đi khuất, bà Bàng ngậm ngùi, dẫu sao sư Thiện Tâm là người họ Trần, việc bảo vệ thanh danh dòng họ là điều đương nhiên. Khi nhờ nhắn tin cho chồng con, bà không chắc sư Thiện Tâm sẽ chuyển lời, nguyên do chồng bà tính nóng như Trương Phi, biết đâu sẽ tung hê mọi chuyện để cả làng được dịp bàn tán về người luôn được đánh giá đức cao vọng trọng. Trở về thành thị, bà cảm thấy yên tâm hơn là sống nơi rừng núi heo hút giữa những người xa lạ, ngồi dùng bữa cơm chay sau nhiều ngày ăn cơm nếp, bà Bàng như cảm nhận được hương vị quen thuộc của quê nhà.

Bình luận