Chương 4

icon
icon
icon

Mình phải mở mắt, vợ bác sĩ nghĩ. Thức giấc nhiều lần giữa đêm, bà nhắm mắt mường tượng ra ánh nhạt nhòa của các ngọn đèn soi lờ mờ gian phòng, nhưng bây giờ hình như bà nhận thấy một điều khác, một vẻ sáng khác, nó có thể là ấn tượng của ánh bình minh đầu tiên le lói, nó có thể là biển sữa đã làm chìm đắm đôi mắt bà. Bà tự nhủ sẽ đếm tới mười rồi mở mắt, bà nói thầm hai lần, đếm hai lần, hai lần không mở được mắt. Bà có thể nghe chồng đang thở sâu trên giường bên cạnh và có người đang ngáy, Chả hiểu vết thương trên chân anh chàng nọ ra sao, bà tự hỏi, nhưng bà biết lúc ấy bà chẳng cảm thấy xót thương gì, bà chỉ muốn giả vờ là bà đang lo việc khác, bà muốn không phải mở mắt ra. Bà mở mắt ngay sau đó, thế thôi, không vì một quyết định có ý thức nào. Ánh ban mai xanh đục tràn vào qua các khuôn cửa sổ cao từ giữa bức tường lên cách trần nhà chỉ một gang tay. Mình không mù, bà lẩm bẩm, và bỗng hốt hoảng, bà ngồi dậy trên giường, cô gái đeo kính đen bên giường đối diện có thể nghe thấy bà. Cô đang ngủ. Trên giường kế sát tường, đứa bé cũng đang ngủ, Cô ta làm giống mình, vợ bác sĩ nghĩ, cô ta cho nó chỗ an toàn nhất, thành lũy chúng ta kiến tạo mỏng manh làm sao, chỉ là viên đá giữa đường mà không có hy vọng nào khác hơn là thấy kẻ thù vấp nó, kẻ thù, kẻ thù nào, ở đây chả có ai tấn công mình, ngay cả nếu lúc ở bên ngoài chúng ta đã ăn cắp và giết người, chẳng ai vào đây bắt giữ mình, gã ăn cắp xe đó chưa bao giờ yên chí về quyền tự do của hắn hơn, bây giờ chúng ta ngày càng cách xa thế giới ấy, chúng ta sẽ không còn biết mình là ai, hay ngay cả nhớ tên mình, vả lại, tên đối với chúng ta để làm gì, chẳng con chó nào nhận ra con chó khác hay biết con chó khác qua tên mà người ta đặt cho nó, một con chó được nhận ra bằng mùi của nó và đó là cách nó nhận ra con chó khác, ở đây chúng ta như một loài chó khác, chúng ta biết tiếng sủa hay tiếng nói của nhau, còn lại, hình dáng, màu mắt hay màu tóc, tất cả đều chẳng quan trọng, như chúng không hiện hữu, mình còn có thể thấy nhưng được bao lâu nữa, Ánh sáng hơi thay đổi, không thể lại là ban đêm, bầu trời chắc bị mây che làm buổi sáng đến chậm. Tiếng rên rỉ từ giường tên trộm vẳng đến, Nếu vết thương bị nhiễm trùng, vợ bác sĩ nghĩ, mình không có gì để chữa trị, không thuốc men, trong điều kiện này một tai nạn nhỏ nhất cũng có thể trở thành thảm họa, có lẽ họ muốn thế, đợi chúng ta gặp tai họa ở đây, từng người một, chó chết, hết chuyện. Vợ bác sĩ ra khỏi giường, nghiêng qua chồng, định đánh thức ông, nhưng không có can đảm lôi ông ra khỏi giấc ngủ và biết rằng ông vẫn bị mù. Đi chân trần, từng bước một, bà tới giường tên trộm. Mắt hắn mở không chớp. Anh thấy thế nào, vợ bác sĩ thì thào. Tên trộm quay đầu về phía tiếng nói và bảo, Bết lắm, chân tôi đau lắm, bà định bảo hắn, Để tôi xem, nhưng ngưng lại kịp, thật là bất cẩn, nhưng chính hắn là kẻ không nhớ ở đây chỉ có người mù, hắn đã làm mà không nghĩ, như mấy giờ trước hắn sẽ làm ngoài kia nếu có một bác sĩ bảo hắn, Để tôi xem vết thương này, và hắn giở chăn lên. Ngay cả trong ánh nhá nhem, bất kỳ ai có thể thấy cũng sẽ nhận ra tấm nệm đẫm máu, lộ vết thương đen đúa sưng tấy mép lên. Băng đã tuột ra. Vợ bác sĩ cẩn thận hạ chăn xuống, rồi với một cử chỉ nhanh, kín đáo lướt tay lên trán hắn. Da hắn khô và nóng bỏng. Ánh sáng lại đổi, mây đang trôi đi. Vợ bác sĩ về giường bà, nhưng lần này không nằm xuống. Bà nhìn chồng đang lẩm bẩm trong giấc ngủ, hình dáng mờ ảo của mọi người dưới tấm chăn xám, các bức tường bẩn thỉu, những chiếc giường trông đợi người chiếm ngụ, và bà thanh thản ước gì bà cũng hóa mù, thâm nhập vào lớp vỏ hữu hình của sự vật rồi len vào bên trong, tới chứng mù chói chang và vô phương cứu chữa của họ.
Thình lình, từ bên ngoài phòng, có lẽ từ tiền sảnh giữa hai cánh của tòa nhà, nhiều tiếng giận dữ vang lên, Ra, ra, Đi ra, cút đi, Không được ở đây, Phải tuân lệnh. Tiếng huyên náo lớn hơn, rồi lặng xuống, một cánh cửa đóng sầm, bây giờ chỉ còn nghe tiếng thốn thức đau khổ, tiếng loảng xoảng không thể lầm của người vừa vấp ngã. Trong phòng mọi người tỉnh giấc. Họ quay đầu về phía lối vào, họ không cần thấy cũng biết đây là mấy người mù vừa tới. Vợ bác sĩ đứng lên, bà muốn giúp người mới tới lắm, nói một lời ân cần, dắt họ tới giường, báo cho họ, Nhớ nhé, đây là giường số bảy bên tay trái, đây là số bốn bên phải, không lầm đâu, đúng, ở đây chúng tôi có sáu người, chúng tôi tới hôm qua, ừ, chúng tôi là người đầu tiên, tên chúng tôi, tên thì ích lợi gì, tôi nghĩ là có một ông ăn cắp xe, và một ông bị ăn cắp, có một cô khó hiểu đeo kính đen nhỏ thuốc chữa viêm màng kết, tôi mù thì làm sao biết cô ấy đeo kính đen à, ồ tình cờ chồng tôi là bác sĩ nhãn khoa và cô ta tới khám ở phòng mạch của anh ấy, vâng, anh ấy cũng ở đây, chúng ta đều bị mù cả, à, tất nhiên, cũng có một đứa bé bị lác mắt. Bà không cử động, bà chỉ nói với chồng, Họ đến. Bác sĩ ra khỏi giường, vợ ông giúp ông mặc quần, chẳng sao, chả ai thấy, đúng lúc đó mấy người mù bị nhốt đi vào phòng, họ gồm năm người, ba ông và hai bà. Bác sĩ nói, cất cao giọng, Bình tĩnh, không cần vội, ở đây chúng tôi có sáu người, các ông bà bao nhiêu người, có đủ chỗ cho mọi người. Họ không biết họ bao nhiêu người, quả thật họ đã đụng nhau, thậm chí đôi khi va vào nhau khi bị đầy từ cánh nhà bên trái sang đây, nhưng họ không biết họ bao nhiêu người. Và họ không mang theo hành lý. Khi họ thức giấc trong khu của họ và thấy mình mù rồi bắt đầu than vãn số phận, những kẻ khác đuổi họ ra không chút do dự, thậm chí không cho họ kịp tạm biệt thân quyến hay bạn bè cùng đi với họ. Vợ bác sĩ nhận xét, Tốt nhất là họ đếm và mỗi người xưng tên mình. Im lìm, những người mù bị nhốt lưỡng lự, nhưng phải có một người bắt đầu, hai ông nói cùng lúc, sự thể cứ hay xảy ra như thế, rồi cả hai lặng im, và người đàn ông thứ ba bắt đầu, Số một, ông ngập ngừng, hình như ông sắp xưng tên, nhưng ông chỉ nói, Tôi là cảnh sát, và vợ bác sĩ nhủ thầm, Anh ta không nói tên, anh ta cũng biết ở đây cái tên chẳng còn quan trọng. Một ông khác tự giới thiệu, Số hai, và theo gương người đàn ông đầu tiên, Tôi là tài xế tắc xi. Người đàn ông thứ ba nói, Số ba, tôi làm dược tá. Rồi một phụ nữ lên tiếng, Số bốn, tôi dọn phòng khách sạn, và người cuối cùng, Số năm, tôi làm việc văn phòng. Đúng vợ tôi, vợ tôi, em đâu, nói cho anh biết em ở đâu. Đây, em đây, bà bật khóc và mở to mắt lảo đảo bước theo lối đi giữa, tay bà chống chọi biển sữa đang tràn vào mắt. Tự tin hơn, ông tiến về phía bà, Em ở đâu, em ở đâu, lúc này ông lẩm bẩm như tụng kinh. Tay gặp tay, lập tức họ ôm lấy nhau, một cơ thể, nụ hôn tìm nụ hôn, nhiều lần rơi vào không khí vì họ không thấy gò má, cặp mắt, đôi môi của nhau. Thổn thức, vợ bác sĩ bám lấy chồng, như thể bà cũng vừa mới đoàn tụ, nhưng bà nói, Thật khủng khiếp, đúng là tai họa. Rồi người ta nghe giọng đứa bé mắt lác hỏi, Mẹ cháu cũng ở đây chứ. Ngồi trên giường nó, cô gái đeo kính đen thì thào, Mẹ sẽ đến, đừng lo, mẹ sẽ đến.
Ở đây, tổ ấm của mỗi người là chỗ họ ngủ, vì thế chả có gì lạ khi điều quan tâm đầu tiên của người mới đến là chọn giường, như họ đã làm trong khu bên kia, lúc họ vẫn còn mắt để nhìn. Trong hoàn cảnh vợ người đàn ông mù đầu tiên thì chẳng phải ngờ, chỗ đúng và tự nhiên của bà là bên cạnh chồng, giường mười bảy, bỏ số mười tám ở giữa, như một khoảng trống ngăn cách bà với cô gái đeo kính đen. Cũng chả có gì ngạc nhiên khi họ cố hết sức để ở gần nhau, ở đây có nhiều mối quan hệ, một số đã biết, một số khác sắp được tiết lộ, thí dụ, anh dược tá bán thuốc nhỏ mắt cho cô đeo kính đen, ông lái tắc xi đưa người đàn ông mù đầu tiên tới bác sĩ, anh chàng tự xưng làm cảnh sát là người thấy gã trộm mù đang khóc như trẻ lạc, còn cô dọn phòng khách sạn là người đầu tiên vào phòng lúc cô gái đeo kính đen gào thét. Tuy nhiên chắc chắn không phải tất cả mối quan hệ này sẽ trở nên rõ ràng và được biết, vì thiếu cơ hội, hoặc vì không ai tưởng tượng nổi nó có thể hiện hữu, hoặc chỉ vì vấn để nhạy cảm và tế nhị. Cô dọn phòng khách sạn sẽ chẳng bao giờ mơ rằng người phụ nữ cô thấy khỏa thân lại ở đây, chúng ta biết anh dược tá tiếp nhiều khách hàng khác đeo kính đen tới mua thuốc nhỏ mắt, chả ai bất cẩn tới mức tố cáo với anh cảnh sát về sự hiện diện của một gã ăn cắp xe, anh tài xế tắc xi sẽ thề rằng suốt mấy ngày qua anh không chở một ông khách mù nào. Tất nhiên, người đàn ông mù đầu tiên thấp giọng kế cho vợ rằng một trong mấy người bị nhốt là đứa lưu manh đã nẫng xe của họ, Tình cờ nhỉ, nhưng vì lúc này ông biết thằng khốn đáng tội đã bị thương nặng ở chân, ông đủ đại lượng để nói thêm, Nó đã bị phạt đủ rồi. Còn bà vợ đau khổ cùng cực vì mù và vui cùng cực vì gặp lại chồng, niềm vui và đau khổ có thể đồng hành, không như dầu với nước, bà chả còn nhớ điều bà đã nói hai hôm trước, rằng bà sẽ chịu tổn thọ một năm nếu thằng đểu cáng này bị mù. Và nếu còn chút uất ức nào sót lại gây phiền hà cho tâm hồn bà thì chắc chắn nó đã tan biến khi gã bị thương rên rỉ một cách tội nghiệp, Bác sĩ, làm ơn giúp tôi. Để vợ hướng dẫn, bác sĩ nhẹ nhàng thăm dò mép vết thương của hắn, ông không thể làm gì hơn, cố rửa nó cũng vô ích, nhiễm trùng có thể vì bị đâm sâu bởi gót giày đã giẫm lên mặt đường và trên sàn tòa nhà này, hay cũng vì các tác nhân gây bệnh rất có thể tìm thấy trong nước bẩn hầu như tù đọng từ ống cũ chảy ra dưới tình trạng kinh khủng. Cô gái đeo kính đen đã ngồi dậy vì nghe tiếng rên của hắn, cô vừa mon men tiến lại, vừa đếm giường. Cô cúi tới trước, duỗi tay ra, phớt trên mặt vợ bác sĩ, rồi chả rõ làm sao, cô với được bàn tay nóng bỏng của gã bị thương, cô buồn bã nói, Xin tha thứ cho tôi, lỗi tại tôi cả, tôi đâu cần làm thế, Thôi, gã đáp, đời hay xảy ra mấy chuyện như vậy, lẽ ra tôi cũng không nên làm điều tôi đã làm.
Câu nói cuối cùng này hầu như bị át đi vì tiếng khàn khàn từ loa phóng thanh vang lên, “Chú ý, chú ý, thức ăn của quý vị được đặt ở lối vào cũng như đồ tiếp tế để giữ vệ sinh và sạch sẽ của quý vị, người mù đi lấy thức ăn trước, người bên cạnh bị lây bệnh sẽ được thông báo khi tới lượt, chú ý, chú ý, thức ăn của quý vị được đặt ở lối vào, người mù đi ra đó trước, người mù trước.” Choáng váng vì sốt, gã bị thương không nghe rõ hết, hắn nghĩ họ được bảo ra về, tình trạng giam cầm của họ đã mãn, và hắn cố ngồi dậy, nhưng vợ bác sĩ giữ hắn lại, Anh đi đâu, Bà không nghe à, hắn hỏi, họ nói người mù được ra, Đúng, nhưng chỉ đi ra lấy thức ăn thôi. Gã bị thương thốt lên một tiếng thở dài thất vọng, và lại cảm thấy đau đớn thấu qua da thịt. Bác sĩ nói, ở lại đây, tôi sẽ đi, Em đi với anh, vợ ông nói. Khi họ sắp rời phòng, một ông mới qua từ khu bên kia hỏi, Anh chàng này là ai, câu trả lời từ người đàn ông bị mù đầu tiên thốt ra, Ông ta là bác sĩ, chuyên khoa mắt, Tốt nhỉ, anh lái tắc xi nói, vận may của mình là rốt cuộc gặp một ông bác sĩ chả làm được gì cho mình, Chúng tôi cũng gặp một ông lái tắc xi chẳng đưa chúng tôi tới được đâu cả, cô gái đeo kính đen mỉa mai trả lời.
Thùng thức ăn đặt trong tiền sảnh. Bác sĩ bảo vợ, Dẫn anh ra cửa chính, Làm gì, Anh sẽ bảo họ là có người trong này bị nhiễm trùng nặng và mình không có thuốc, Coi chừng lời cảnh cáo, ừ, nhưng có lẽ khi phải đối phó với một trường hợp cụ thể thì anh không tin họ thi hành, Em cũng nghĩ vậy, mình nên thử xem sao. Ở đầu thang dẫn ra sân trước, ánh nắng làm lóa mắt vợ ông, không vì nắng quá gắt, bầu trời có các đám mây đen bay ngang và có vẻ muốn mưa, bà nghĩ, Mới đó mà mình đã không quen với ánh sáng chói. Đúng lúc ấy, một người lính ở cổng quát lớn, Đúng lại, quay lại, tôi được lệnh nổ súng, rồi cùng giọng ấy vừa nói vừa chĩa súng, Trung sĩ, có người ở đây định ra, Chúng tôi không định ra, bác sĩ gạt đi, Theo ý tao thì họ không muốn ra, viên trung sĩ vừa nói vừa tiến lại gần, rồi nhìn qua song sắt cổng chính, ông hỏi, Chuyện gì vậy, Một người bị thương ở chân, vết thương nhiễm trùng, chúng tôi cần gấp thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác, Lệnh của tôi rất rõ, không ai được phép ra, và chúng tôi chỉ được phép đưa thức ăn vào, Nếu nhiễm trùng nặng hơn, và xem chừng rất có thể, thì chẳng bao lâu là chết, Việc đó không phải của tôi, Vậy thì báo với cấp trên của anh, Này, ông mù, tôi bảo cho ông biết, hoặc là cả hai ông bà quay vào chỗ của ông bà, hoặc là ông bà bị bắn, Mình đi, người vợ nói, chẳng làm gì được, họ không có lỗi, họ sợ và chỉ tuân lệnh, Anh không tin nổi, chuyện này hoàn toàn vô nhân đạo, Anh nên tin, vì sự thật rõ ràng như vậy, Hai ông bà còn đó hả, tôi sẽ đếm tới ba, nếu lúc đó không đi khuất mắt tôi thì có thể cầm chắc là ông bà khỏi quay về, mmmột, hhhai, bbba, vậy thôi, hắn nói thật, và quay sang bọn lính, Ngay cả nếu là em ruột tao, hắn không giải thích là hắn ám chỉ ai, liệu đó là người đàn ông tới xin thuốc hay anh chàng bị nhiễm trùng ở chân. Bên trong, gã bị thương muốn biết họ có cung cấp thuốc hay không, Làm sao anh biết tôi đi xin thuốc, bác sĩ hỏi, Tôi đoán thôi, vả lại, ông là bác sĩ, Tôi rất tiếc, Vậy là không có thuốc, ừ, Thôi, thế là xong.
Thức ăn đã được tính toán cẩn thận cho năm người. Có mấy chai sữa và bánh bích quy, nhưng người soạn khẩu phần cho họ đã quên cung cấp ly, cũng không có đĩa hay muỗng nĩa, mấy thứ này có thể tới vào bữa ăn trưa. Vợ bác sĩ cho gã bị thương uống, nhưng hắn nôn. Gã lái tắc xi càu nhàu là không thích sữa, gã hỏi có cà phê không. Sau khi ăn xong, vài người trở về giường, người đàn ông mù đầu tiên dắt vợ đi thăm các nơi, họ là hai người duy nhất rời phòng. Anh dược tá xin phép thưa chuyện với bác sĩ, anh muốn bác sĩ cho biết ông có ý kiến gì về bệnh của họ, Nói cho đúng tôi không tin chứng này có thể gọi là bệnh, bác sĩ bắt đầu giải thích, rồi trình bày đơn giản hơn nhiều, ông tóm tắt điều ông đã nghiên cứu trong sách tham khảo của mình trước khi bị mù. Cách đó mấy giường, gã lái tắc xi chăm chú nghe, và khi bác sĩ trình bày xong, hắn nói lớn khắp phòng, Tôi dám cá là mấy cái tuyến đi từ mắt tới óc bị nghẹt, Đồ ngu, anh dược tá căm phẫn gầm lên, Ai biết đâu, bác sĩ không ngăn được nụ cười mỉm, thật ra cặp mắt chả khác gì thấu kính, bộ óc mới thật nhìn thấy, giống như hình ảnh hiện trên phim, và nếu các tuyến bị nghẽn như anh kia gợi ý, tựa như bộ chế hòa khí xe, nếu xăng không tới nó thì máy không nổ và xe không chạy, đơn giản thế thôi, như anh thấy, bác sĩ bảo anh dược tá, Thưa bác sĩ, ông nghĩ mình sẽ bị giữ ở đây bao lâu, cô dọn phòng khách sạn hỏi, ít nhất tới khi mình còn mù, Là bao lâu, Nói thật, tôi nghĩ chẳng ai biết, hoặc là nó sẽ qua khỏi hoặc là nó cứ tiếp tục mãi mãi, Chao ôi, tôi muốn biết. Cô dọn phòng thở dài và một lát sau, Tôi cũng muốn biết chuyện gì xảy ra cho cô đó, Cô nào, anh dược tá hỏi, Cái cô ở khách sạn, cô ấy làm tôi sốc, trần truồng ở giữa phòng như ngày mới sinh, không mặc gì ngoại trừ đeo đôi kính đen, và la hét là cô ấy mù, có thể cô ta là người lây cho tôi. Vợ bác sĩ nhìn, thấy cô gái từ từ gỡ đôi kính đen, giấu các cử động của mình, rồi cất nó dưới gối, trong khi hỏi đứa bé mắt lác, Cháu ăn cái bánh nữa nhé. Lần đầu tiên từ khi đến đây, vợ bác sĩ cảm thấy như bà đang ngồi trước kính hiển vi và quan sát cách cư xử của một số người không nghi ngờ sự hiện diện của bà, và điều này bỗng làm bà cảm thấy đáng khinh và đê tiện. Bà nghĩ thầm, Mình không có quyền nhìn nếu người khác không thấy mình. Bàn tay run rẩy, cô gái nhỏ vài giọt thuốc đau mắt. Việc này vẫn cho phép cô nói rằng không phải cô chảy nước mắt.
Vài giờ sau, loa phóng thanh loan báo gọi họ đến lấy thức ăn trưa, người đàn ông mù đầu tiên và anh lái tắc xi tình nguyện làm việc này vì cặp mắt chẳng cần thiết, chỉ cần sờ được là đủ. Các thùng chứa đặt khá xa cánh cửa giữa tiền sảnh và hành lang, họ phải bò xuống để tìm, đưa tay ra quét sàn nhà phía trước, trong khi tay kia dùng như cái chân thứ ba, và nếu họ không gặp khó khăn khi quay lại phòng là nhờ vợ bác sĩ nảy ra một ý kiến, bà cố biện minh bằng kinh nghiệm riêng của mình, là xé một cái chăn thành nhiều dải, rồi ứng biến dùng chúng làm sợi dây, một đầu buộc vào nắm cửa ngoài phòng, còn đầu kia buộc vào mắt cá chân của người phái đi tìm thức ăn cho họ. Hai người đàn ông ra đi, đĩa và muỗng nĩa tới, nhưng khẩu phần vẫn chỉ cho năm người, rất có thế viên trung sĩ trực gác không biết có thêm sáu người mù nữa ở đó, vì ở bên ngoài cổng dù có chú ý tới việc xảy ra sau cánh cửa chính, may lắm người ta mới có thể thấy người đang đi từ cánh này sang cánh kia trong bóng tối của tiền sảnh. Anh lái tắc xi tình nguyện đi đòi khẩu phần bị thiếu, và anh đi một mình, anh chẳng muốn ai đi cùng, Chúng tôi không phải năm người, chúng tôi có mười một người, anh gọi đám lính, và cũng ông trung sĩ trả lời từ phía bên kia, Cứ giữ lấy hơi của anh, còn thêm nhiều người tới nữa, gã nói bằng giọng chắc là có vẻ chế nhạo đối với anh tắc xi, nếu chúng ta xét theo lời kể của anh khi anh quay về phòng, Coi bộ hắn giễu tôi. Họ chia nhau thức ăn, năm phần chia làm mười, vì gã bị thương vẫn không chịu ăn, hắn chỉ hỏi túi nước, và năn nỉ họ thấm ướt môi hắn. Da hắn nóng bỏng. Vì hắn không chịu nổi tấm chăn đè lâu lên vết thương, thỉnh thoảng hắn tung chăn ra khỏi chân, nhưng khí lạnh trong phòng chẳng mấy chốc buộc hắn đắp lại, và cứ lặp lại như thế hàng giờ. Hắn rên đều từng chặp với tiếng thở hổn hển nghe như tắc nghẹn, như thể cái đau liên tục và dai dẳng bỗng nặng hơn trước khi hắn có thể kìm nó.
Giữa buổi chiều có thêm ba người mù nữa tới, họ bị đuổi ra khỏi khu bên kia. Một người là cô nhân viên phòng mạch, vợ bác sĩ nhận ra ngay, và hai người kia, như số phận đã định, là người đàn ông đã ăn nằm với cô đeo kính đen trong khách sạn và gã cảnh sát thô bỉ đã đưa cô về. Ngay sau khi họ tới giường của họ và ngồi xuống, cô nhân viên phòng mạch bắt đầu khóc một cách tuyệt vọng, hai người đàn ông không nói, như vẫn chưa thể thấu hiểu chuyện gì xảy ra cho họ. Bỗng dưng, ngoài đường có tiếng người quát tháo, lệnh ban ra bằng một giọng ồm ồm, một vụ náo loạn. Những người mù bị nhốt cùng quay đầu về phía cửa và đợi. Họ không thấy, nhưng biết việc gì sắp xảy ra trong vài phút nữa. Vợ bác sĩ ngồi trên giường bên cạnh chồng nói nhỏ, Phải rồi, địa ngục trần gian sắp bắt đầu. Ông bóp tay bà và lẩm bẩm, Đừng nhúc nhích, từ bây giờ em chẳng làm gì được nữa. Tiếng la hét đã lắng xuống, giờ đây âm thanh hỗn loạn từ tiền sảnh vọng vào, người mù bị lùa như cừu, tông vào nhau, chen lấn ở khung cửa, một số mất định hướng rốt cuộc lại đi vào các phòng khác, nhưng đa số lảo đảo đi, túm tụm thành nhiều nhóm hay phân tán ra từng người, tuyệt vọng khoa tay trong không khí như kẻ chết đuối, tràn vào phòng như cơn lốc, như bị xe ủi đất bên ngoài đầy vào. Một số ngã xuống và bị đạp. Kẹt trong lối đi hẹp, những người mới đến dần dần choán đầy khoảng không gian giữa hai dãy giường, và như chiếc tàu gặp bão rốt cuộc xoay xở vào đến cảng, họ chiếm lấy bến, trong cảnh ngộ này là giường của họ, khư khư nói hết chỗ cho kẻ khác, và người đến sau phải tự tìm chỗ khác. Từ cuối phòng, bác sĩ hò hét là còn phòng khác, nhưng vài người chưa có giường sợ lạc giữa mê hồn trận của phòng ốc, hành lang, cửa đóng, cầu thang mà họ phải lần mò vào phút chót. Cuối cùng họ nhận ra rằng họ không thể ở lại đó và cố tìm lối cửa họ đã vào, họ mạo hiểm vào nơi vô định. Như tìm một chốn trú ẩn an toàn cuối cùng, năm người mù trong nhóm sau và ba người nhóm trước đã xoay xở chiếm được các giường còn trống. Chỉ có gã bị thương còn cô lập, không ai bảo vệ, trên giường mười bốn bên tay trái.
Mười lăm phút sau, ngoài mấy tiếng khóc lóc và than vãn, loáng thoáng tiếng người đang lo ổn định, căn phòng đã êm ả dù chưa yên tâm. Tất cả giường bây giờ đã có người chiếm. Trời đang xế chiều, các ngọn đèn lờ mờ dường như thêm sức mạnh. rồi họ nghe tiếng loa phóng thanh cộc lốc. Như hôm đầu tiên, những lời hướng dẫn được nhắc lại về cách giữ gìn phòng ốc và các quy định người bị nhốt nên tuân theo. Chính phủ tiếc rằng đã phải áp dụng chặt chẽ điều được coi là quyền hạn và nhiệm vụ của mình, để bảo vệ dân chúng bằng mọi cách theo ý mình trong vụ khủng hoảng hiện nay, vân vân và vân vân. Khi giọng nói ngưng, tiếng phản đối căm phẫn đồng loạt bật ra, Mình bị nhốt ở đây, Cả bọn mình sẽ chết ở đây, Không được, Bác sĩ mà người ta hứa với mình đâu, chuyện này mới, nhà chức trách đã hứa là có bác sĩ, giúp đỡ y tế, thậm chí có thể chữa Khỏi hoàn toàn. Bác sĩ không nói nếu họ cần bác sĩ thì ông sẵn sàng giúp họ. Ông sẽ không bao giờ nói như thế nữa. Bàn tay trần của ông không đủ làm bác sĩ, bác sĩ chữa trị bằng thuốc men, dược phẩm, thuốc bào chế và tổng hợp của thứ này thứ khác, ở đây không có một chút nguyên liệu nào hay một hy vọng nào tìm được nó. Thậm chí mắt ông không thấy được để nhận ra nét xanh xao bệnh hoạn, để quan sát vẻ ửng đỏ bên ngoài, thông thường chẳng cần khám kỹ thì các dấu hiệu bên ngoài này cũng hữu ích như toàn bộ hồ sơ bệnh lý, hay màu của chất nước nhầy và sắc da, đều có thể đưa tới một chẩn bệnh đúng, Ông bà đúng là bệnh này. Vì các giường gần đó đều đã có người, vợ ông không thể báo cho ông biết chuyện đang xảy ra được nữa, nhưng ông cảm thấy bầu không khí căng thẳng, bất ổn, sắp bùng nổ xung đột do nhóm người đến sau gây ra. Không khí trong phòng hình như trở nên nặng nề hơn, tỏa mùi hôi nồng nặc vất vưởng, đôi lúc thoáng buồn nôn. Một tuần nữa thì chỗ này sẽ ra sao, ông hỏi thầm, và ông sợ phải nghĩ rằng một tuần nữa họ vẫn còn bị nhốt ở đây, Giả sử vấn đề tiếp tế thực phẩm không gặp trở ngại, ai dám chắc là không thiếu hụt, chẳng hạn mình không tin là bên ngoài nắm rõ từng giây phút bao nhiêu người bị nhốt ở đây, vấn đề là làm sao họ giải quyết vấn đề vệ sinh, mình chưa nói tới làm sao giữ thân thể sạch sẽ, mới mù vài ngày và chẳng ai giúp đỡ, hay vòi nước tắm có còn chảy và chảy được bao lâu, mình nói tới mọi thứ khác, tới tất cả các vấn đề có thế xảy ra, vì nếu phòng vệ sinh bị nghẹt, chỉ một phòng thôi, thì chỗ này sẽ biến thành công. Ông lấy tay xoa mặt, ông có thể cảm thấy bộ râu cứng của mình sau ba ngày không cạo, Thà như vậy còn hơn, mình hy vọng họ đừng có ý dại dột gửi dao cạo và kéo cho mọi người. Ông có mọi thứ cần thiết để cạo râu trong va li, nhưng ý thức được rằng muốn cạo râu là sai lầm, Ở đâu, ở đâu, không phải trong phòng này, giữa những người này, vợ mình có thể cạo râu cho mình, nhưng chả mấy chốc thiên hạ sẽ biết phong phanh và tỏ ý ngạc nhiên là ở đây có người có thể giúp cho việc này, và trong đó, trong phòng tắm, hỗn loạn như thế, trời ơi, chúng ta cần con mắt của mình quá, để có thể nhìn, để nhìn, ngay cả chỉ là cái bóng mờ, để đứng trước gương, thấy một mảng đen nhòe nhoẹt và có thể nói, Đây là mặt mình, cái gì có ánh sáng không thuộc về mình.
Tiếng than vãn lắng dần, có người từ một trong các phòng khác tới xin thức ăn thừa nếu còn, anh lái tắc xi nhanh miệng trả lời, Không còn một mẩu, và anh dược tá tỏ lòng tốt để làm nhẹ bớt lời từ chối dứt khoát, Chắc sẽ giao thêm. Nhưng chẳng giao gì thêm. Đêm xuống. Bên ngoài không giao thực phẩm cũng chẳng nói lời nào. Phòng bên cạnh nghe có tiếng khóc, rồi lặng im, nếu có ai khóc thì họ khóc rất lặng lẽ, tiếng khóc không xuyên qua các bức tường. Vợ bác sĩ đi xem gã bị thương ra sao, Tôi đây, bà nói, cẩn thận giở chăn. Chân gã nom kinh khủng, sưng hết từ đùi xuống, và vết thương khoanh một vòng đen, với mấy chỗ sưng tím máu đã lớn hơn rất nhiều như thể thịt từ bên trong phình ra. Nó bốc mùi vừa hôi vừa hơi ngòn ngọt. Anh thấy thế nào, vợ bác sĩ hỏi gã, Cảm ơn bà, Cho tôi biết anh cảm thấy thế nào, Anh có đau không, Có và không, Anh bảo sao, Đau, nhưng hình như cái chân không còn là của tôi nữa, nó như tách rời khỏi thân tôi, tôi không giải thích được, cảm giác lạ lắm, như tôi nằm đây nhìn chân tôi làm tôi đau, Đó là vì anh sốt, Có thể, Bây giờ anh cố ngủ đi. Vợ bác sĩ đặt tay lên trán gã, rồi định rút về, nhưng trước khi bà chúc gã ngủ ngon, người bệnh nắm lấy cánh tay bà và kéo bà lại, bắt bà sát tới mặt gã, Tôi biết bà thấy, gã nói nhỏ. Vợ bác sĩ run rẩy sửng sốt rồi thì thào, Anh lầm rồi, cái gì làm anh nghĩ như vậy, tôi thấy cũng bằng như mọi người ở đây, Đừng cố bịp tôi, tôi biết rất rõ là bà có thể thấy, nhưng đừng lo, tôi không hở ra cho ai đâu, Ngủ đi, ngủ đi, Bà không tin tôi à, Tất nhiên, tôi tin, Bà không tin lời một đứa ăn cắp à, Tôi đã nói là tôi tin anh. Vậy thì tại sao bà không nói thật với tôi, Ngày mai mình nói, bây giờ ngủ đi, ừ, ngày mai, nếu tôi sống tới lúc đó, Chúng ta đừng nên nghĩ bi quan quá, Tôi nghĩ, hay có lẽ cơn sốt nghĩ cho tôi. Vợ bác sĩ trở lại bên chồng và thì thầm vào tai ông, vết thương nom dễ sợ, có thể là hoại tử, Mới bị thương thì khó có thể, Dù sao thì anh ta cũng bị nặng, Bọn mình bị bó rọ ở đây, bác sĩ cố ý nói lớn, làm như bị mù chưa đủ, mình còn bị trói tay chân nữa. Từ giường mười bốn bên tay trái, bệnh nhân đáp, Không ai trói được tôi đâu, bác sĩ.
Nhiều giờ trôi qua, những người mù bị nhốt đã ngủ. Một số lấy chăn trùm đầu, như sợ bóng đen như mực, một bóng đen thật, có thể dập tắt vĩnh viễn hai ngôi sao mờ là cặp mắt họ. Ba ngọn đèn treo trên trần nhà cao, ngoài tầm với, tỏa ánh vàng đục trên dãy giường, như một nguồn sáng không thể tạo nổi bóng. Bốn mươi người đang ngủ hay tuyệt vọng cố ngủ, một số thở dài và lẩm bẩm trong mơ, có lẽ trong mơ họ có thể thấy điều họ đang mơ, có lẽ họ đang tự nhủ thầm, Nếu đây là giấc mơ thì mình không muốn thức dậy. Đồng hồ của họ đều đã ngưng chạy, hoặc họ đã quên lên dây, hay đã quyết định là vô ích, chỉ còn đồng hồ của vợ bác sĩ còn chạy. Lúc đó là sau ba giờ sáng. Đằng kia, rất chậm, chống trên khuỷu tay, gã trộm dựng người ngồi dậy. Chân hắn chẳng cảm thấy gì ngoài sự đau đớn, các cảm giác khác đã hết thuộc về hắn. Đầu gối hắn cứng ngắc. Hắn lăn người qua bên chiếc chân lành đã để thõng ngoài giường, rồi dùng cả hai tay dưới đùi, hắn cố nhấc cái chân bị thương qua cùng phía. Như bầy sói chợt thức giấc, cái đau xuyên qua toàn thân hắn trước khi trở về cái hố đen nơi nó phát xuất. Chống trên tay, hắn dần dần lê thân trên nệm về phía lối đi ở giữa. Khi tới chấn song ở chân giường hắn phải nghỉ. Hắn há hốc miệng thở như đang bị suyễn, đầu hắn lắc lư trên đôi vai, hắn khó giữ nó đứng thẳng. Vài phút sau, hơi thở hắn trở lại bình thường hơn, hắn từ từ đứng lên, đặt sức nặng của mình lên cái chân lành. Hắn biết chân kia vô dụng đối với hắn, hắn sẽ phải lết nó theo mỗi khi hắn đi. Hắn bỗng cảm thấy chóng mặt, toàn thân hắn run rẩy khôn cản, răng hắn đánh lập cập vì sốt và lạnh. Dựa lên khung giường sắt, đi từ giường này qua giường kia như dọc theo một sợi xích, hắn tiến chậm giữa các thân hình đang ngủ. Hắn kéo lết chân bị thương như cái bao. Chả ai chú ý tới hắn, chẳng ai hỏi, Anh đi đâu vào giờ này, nếu có người hỏi, hắn biết hắn sẽ trả lời ra sao, hắn sẽ nói, Tôi đi đái, hắn không muốn vợ bác sĩ gọi hắn, bà là người hắn không thể bịp hay nói dối, hắn sẽ phải nói cho bà nghe điều hắn nghĩ trong đầu, Tôi không thể thối rữa ra trong cái hố này, tôi biết chồng bà đã làm mọi cách để giúp tôi, nhưng khi phải ăn cắp xe tôi sẽ không đi nhờ người khác ăn cắp cho tôi, việc này cũng giống như vậy, tôi là kẻ phải đi, khi họ thấy tôi trong tình cảnh này họ sẽ biết tức khắc là tôi đang bết bát, họ sẽ đem tôi lên xe cứu thương chở tôi tới bệnh viện, chắc phải có bệnh viện dành riêng cho người mù, thêm một người nữa chả rắc rối gì, họ sẽ điều trị vết thương của tôi, chữa cho tôi, tôi nghe nói họ làm như vậy đối với tụi bị tử hình, nếu tụi nó bị viêm ruột thừa thì trước tiên họ giải phẫu rồi sau đó mới xử tử, để tụi nó chết khỏe mạnh, về phần tôi, nếu họ muốn, họ có thể đưa tôi về lại đây, tôi chẳng màng. Hắn tiến xa hơn, nghiến răng để khỏi bật ra tiếng rên, nhưng hắn không cưỡng nổi một tiếng nấc đau đớn, khi tới cuối dãy hắn mất thăng bằng. Hắn đã đếm sai số giường, hắn nghĩ còn một giường nữa và tiến tới khoảng không. Nằm trên sàn, hắn không nhúc nhích cho tới khi đoan chắc không ai thức giấc vì tiếng hắn ngã gây ra. Rồi hắn nhận ra tư thế này hoàn hảo cho người mù, nếu bò tới hắn sẽ dễ tìm đường hơn. Hắn lết cho đến khi tới tiền sảnh, hắn dừng lại nghĩ nên làm cách nào, nên gọi từ cửa, hay ra cổng bằng cách lợi dụng sợi dây thừng dùng làm tay vịn chắc vẫn còn đó. Hắn biết rất rõ nếu hắn gọi kêu cứu từ tiền sảnh thì họ sẽ lập tức ra lệnh cho hắn quay vào, nhưng hắn hơi do dự vì chỉ có một sợi dây đu đưa để vịn sau những khốn khổ của hắn, không kể chỗ vịn vững chắc của mấy cái giường.
Vài phút sau, hắn nghĩ hắn tìm được giải pháp. Mình sẽ bò dưới sợi dây, hắn nghĩ, thỉnh thoảng đưa tay lên để xem có đúng đường không, việc này giống như ăn cắp xe, thể nào cũng tìm được cách này cách khác. Thình lình, hắn sửng sốt, lương tâm hắn thức dậy và cay đắng khiển trách hắn vì đã cho phép hắn ăn cắp xe của một ông mù bất hạnh. Hắn lập luận, Bây giờ mình lâm vào tình cảnh này đâu phải vì mình ăn cắp xe của hắn, mà vì mình đưa hắn về nhà, đó là lỗi lầm lớn của mình. Lương tâm hắn chẳng muốn nghe thảo luận tào lao, lý do của nó đơn giản và rõ ràng, Người mù là bất khả xâm phạm, mày không ăn cắp của người mù. Nói cho đúng, tôi đâu có ăn cướp của ông ta, ông ta đâu có bỏ cái xe trong túi, tôi cũng chẳng gí súng vào đầu ông ta, gã bị cáo phản kháng để biện hộ, Đừng ngụy biện, lương tâm hắn lẩm bẩm, bò tới đi.
Khí lạnh lúc ban mai làm mặt hắn mát dịu. Hít thở bên ngoài này dễ chịu làm sao, hắn nghĩ thầm. Hắn cảm thấy chân mình ít đau hơn nhiều, nhưng hắn chả ngạc nhiên, chuyện này đã xảy ra nhiều lần trước đó. Bây giờ hắn đã ra ngoài cửa chính, chẳng mấy chốc hắn sẽ tới mấy bậc thang, hắn nghĩ, Bò chúi đầu xuống thang sẽ lúng túng lắm đây. Hắn giơ một tay lên xem sợi dây còn đó không, rồi tiếp tục. Đúng như hắn đã tiên đoán, không dễ xuống thang, nhất là vì chân hắn chẳng giúp gì được cho hắn, và bằng chứng có ngay, tới giữa các bậc thang, một tay hắn trượt ra, toàn thân hắn lảo đảo về một phía rồi bị kéo theo sức nặng chí tử của cái chân khốn nạn. Cái đau trở lại tức khắc, như có kẻ đang cưa, khoan, và nện búa lên vết thương, và chính hắn cũng chẳng biết giải thích làm sao hắn ngăn được mình khỏi thét lên. Trong mấy phút, hắn cứ nằm sóng soài, mặt úp xuống. Một cơn gió mạnh thổi sát đất làm hắn run rẩy. Hắn chẳng mặc gì ngoài cái áo sơ mi và quần lót. Vết thương bị gí xuống đất, và hắn nghĩ, Nó có thể nhiễm trùng, một ý nghĩ xuẩn ngốc, hắn quên rằng hắn đã kéo lê cái chân trên mặt đất suốt từ phòng tới đây, sau đó hắn nghĩ để yên chí, Ôi dào, nhằm nhò gì, họ sẽ chữa nó trước khi nó nhiễm trùng, rồi hắn xoay nghiêng cho dễ với tay lên sợi dây. Hắn không tìm thấy nó ngay. Hắn quên hắn đã ở vị trí dốc đứng so với sợi dây sau khi hắn lăn xuống thang, nhưng bản năng bảo hắn nên nằm yên, rồi trí khôn của hắn hướng dẫn hắn khi hắn đổi sang thế ngồi rồi từ từ lùi cho tới khi mông hắn đụng bậc thang đầu tiên, và với cảm giác đắc thắng phấn khởi hắn nắm chặt sợi dây cứng trong bàn tay đưa cao. Có thể cảm giác này cũng giúp hắn khám phá ra hầu như tức khắc một cách di chuyển để vết thương không cọ trên mặt đất, bằng cách quay lưng ra cổng chính rồi ngồi lên dùng cánh tay như đôi nạng, giống người què thường làm, hắn nhích mông từng đoạn ngắn. Đi giật lùi, đúng, vì tình thế này cũng như ở vào cảnh ngộ khác, kéo dễ hơn đầy nhiều. Bằng cách này chân hắn ít đau hơn, vả lại sân trước hơi dốc xuống tới cổng nên cũng đỡ. Còn sợi dây, hắn không sợ bị mất nó, đầu hắn gần như đụng dây. Hắn tự hỏi có còn phải đi xa lắm không trước khi tới cổng chính, tới đó bằng chân, bằng hai chân vẫn hơn, không giống như tiến giật lùi mỗi lần nửa gang tay. Thoáng quên rằng mình mù, hắn quay đầu như để biết còn phải đi bao xa và thấy mình đối diện với cùng một sắc trắng khôn dò. Có thể là đêm, có thể là ngày, hắn tự hỏi, à nếu là ngày thì họ đã nhìn thấy mình, vả lại, họ chỉ giao thức ăn sáng và đã lâu lắm rồi. Hắn ngạc nhiên thấy lập luận của hắn nhanh và chính xác và hắn có thể lý luận, hắn nhìn mình dưới một cái nhìn khác, một người mới, và nếu không khốn khổ vì cái chân này hắn sẽ thề rằng trong cả cuộc đời hắn chưa bao giờ cảm thấy vui như thế. Lưng dưới của hắn đụng miếng sắt ở chân cổng chính. Hắn đã tới nơi. Rúc bên trong bốt gác để tránh lạnh, tên lính trực nghĩ gã đã nghe mấy tiếng động nhỏ chẳng rõ là gì, dù vậy gã không nghĩ nó phát ra từ bên trong, chắc là tiếng xào xạc bất chợt của cây cối, gió đã làm cho cành cây quẹt vào song hàng rào. Sau đó là một tiếng động nữa, nhưng lần này khác, một tiếng sầm, tiếng loảng xoảng thì đúng hơn, không thể do gió gây ra. Hốt hoảng, gã lính ra khỏi bốt gác, ngón tay đặt trên cò khẩu súng máy, rồi nhìn về phía cổng chính. Gã chẳng thấy gì. Nhưng tiếng động lại lớn hơn, như có kẻ đang cào móng tay lên một mặt nhám. Miếng sắt trên cánh cổng, gã nghĩ thầm. Gã định đi tới căn lều dã chiến nơi trung sĩ đang ngủ, nhưng khựng lại vì nghĩ nếu gã báo động lầm thì sẽ nghe chửi đầy tai, mấy ông trung sĩ không ưa bị quấy rầy lúc đang ngủ, ngay cả khi có lý do chính đáng. Gã nhìn lại cổng chính và đợi trong trạng thái căng thẳng. Từ từ, giữa hai chân song đứng, như một con ma, một khuôn mặt trắng bắt đầu xuất hiện. Mặt một người đàn ông mù. Máu gã lính đông lại vì sợ, và hoảng sợ khiến gã nhắm súng rồi nhả ra một tràng đạn ở tầm gần.
Tiếng nổ chát chúa lập tức làm bọn lính còn cởi trần chạy ra khỏi lều. Họ là lính của biệt đội được giao phó nhiệm vụ gác nhà thương điên và người bị nhốt bên trong. Viên trung sĩ đã ra hiện trường, Chuyện quỷ gì vậy, Một thằng mù, một thằng mù, tên lính lắp bắp, Đâu, Nó kìa, gã dùng báng súng chỉ cổng chính, Tao thấy ở đó đâu có cái gì, Nó kìa, tôi thấy nó. Bọn lính đã mặc xong quân phục và đang đứng đợi thành hàng, súng ống sẵn sàng. Viên trung sĩ ra lệnh, Bật đèn pha lên. Một tên lính nhảy lên sàn xe. Vài giây sau các tia sáng lóa mắt rọi tới cổng chính và mặt tiền tòa nhà. Đâu có ai ở đó, đồ ngu, trung sĩ nói, và ông sắp cho thêm vài tràng sỉ vả cùng kiểu thì thấy sõng soài dưới cổng một vũng đen, trong ánh chói lòa đó. Mày thanh toán nó rồi, ông nói. Khi ấy, nhớ tới nghiêm lệnh họ đã nghe, ông quát, Lùi lại, cái này lây. Bọn lính lùi lại, hoảng sợ, nhưng tiếp tục nhìn vũng máu loang chậm theo khe hở giữa những viên sỏi nhỏ trên lối đi. Mày nghĩ nó chết chưa, trung sĩ hỏi, Chết chắc, bắn ngay mặt nó mà, tên lính đáp, lúc này gã hài lòng vì tài nhắm chính xác hiển nhiên của gã. Ngay lúc đó, một tên linh khác hoảng hốt gọi, Trung sĩ, trung sĩ, coi đằng kia kìa. Trên đầu thang có nhiều người mù đứng, ánh đèn trắng từ ngọn đèn pha rọi sáng, họ hơn mười người, Đứng yên tại chỗ, viên trung sĩ gầm lên, nếu các ông bà đi một bước nữa, tôi sẽ bắn hết trọi. Trong cửa sổ các tòa nhà đối diện, vài người đã thức dậy vì tiếng súng nổ, họ kinh hoảng nhìn ra. Khi ấy viên trung sĩ hét, Bốn người trong các ông đi đem xác về. Vì họ không thấy và cũng không đếm, sáu ông mù tiến tới. Tôi nói bốn người, viên trung sĩ kích động nói oang oang. Những người mù sờ nhau, rồi lại sờ nhau, rồi hai người trong bọn ở lại. Nắm sợi dây thừng, mấy người kia bắt đầu tiến tới.

Bình luận