Phạm vi chân chính không cần bạn phải cố hết sức để chen vào, càng không cần bạn phải hao tổn quá nhiều tâm tư và thời gian để lấy lòng người khác. Cái gọi là phạm vi chẳng qua là chất dẫn xuất thực lực của bạn. Khi thực lực của bạn đủ mạnh, bạn mới có thể bước vào một phạm vi nào đó. Rượu ngon sợ gì hẻm sâu, bản thân là cây ngô đồng, thì phượng hoàng mới bay đến đậu. Bản thân là biển lớn, trăm sông mới quy tụ về. Chỉ khi đạt được trình độ đó, bạn mới có được một phạm vi thích hợp mà không bị bật ngược lại.
Làm việc mình thích là được
Tôi nhận được một bức thư của độc giả, người viết thư là Tiểu Địch, mới vào đại học, cô ấy mang theo ước mơ tươi đẹp về cuộc sống sinh viên, mang theo sự kì vọng vô hạn của mình với những người bạn cùng phòng.
Nhưng rất nhanh sau đó, cô ấy phát hiện ra rằng bản thân mình rất khó hòa nhập với đại gia đình kí túc xá này. Bốn người trong kí túc xá, lúc khai giảng còn hẹn nhau cùng đến thư viện, nói nói cười cười, quan hệ rất hòa thuận. Nhưng chưa đến một tháng sau chỉ còn lại mình Tiểu Địch vẫn kiên trì đến thư viện, những chị em khác sớm đã nằm ở kí túc xá xem phim Mĩ, lướt mạng Alibaba. Để hòa hợp, Tiểu Địch cũng tải cả bộ phim Mĩ về nằm ở kí túc xá xem giống với bạn cùng phòng. Ban đầu, còn cảm thấy thú vị, nhưng càng xem lại càng thấy chán. Tiểu Địch muốn thoát khỏi tình trạng này, nhưng lại sợ mình sẽ bị bạn cùng phòng cô lập, nên tìm tới tôi nhờ tư vấn.
Kể ra thì cũng rất lạ, không biết bắt đầu từ lúc nào, trang Weibo của tôi trở thành “tiệm tạp hóa” giải quyết nỗi buồn trong lòng các độc giả (một cửa hàng chuyên giải quyết những điều phiền muộn, độc giả chỉ cần viết những nỗi buồn gửi vào hộp thư ở trước cửa tiệm, qua ngày hôm sau sẽ nhận lại thư hồi đáp trong thùng sữa phía sau cửa tiệm). Dường như ở chỗ tôi có thể tìm thấy tất cả những câu trả lời mà họ muốn. Có một thời gian tôi cũng hoang mang lo sợ những lời khuyên của mình sẽ ảnh hưởng không tốt đến người ta, thậm chí sợ những lời khuyên của mình làm lỡ dở cuộc đời người ta.
Cho nên khi trả lời thư, tôi bắt đầu chuyển từ việc đưa ra những lời khuyên thành kể những câu chuyện của mình. Giống như Tiểu Địch, lúc mới vào đại học tôi cũng mơ ước bạn cùng phòng sẽ là những người bạn thân thiết suốt đời mình. Tôi đã cố gắng để hòa nhập với họ. Họ chơi game, tôi vốn không có sở trường chơi game cũng tải game về chơi với họ thâu đêm. Tôi không thích uống rượu, vì muốn hòa nhập với hoàn cảnh nên ép buộc bản thân tập uống rượu, rượu trắng, bia, vang – năm đó tôi đều thử qua. Không khí trong kí túc xá cũng trở nên hòa thuận hơn, nhưng những giằng xé trong nội tâm ngày càng gay gắt, tôi hiểu rằng đây vốn không phải là điều tôi muốn. Mù quáng hòa nhập với cuộc sống trong kí túc xá đại học là khởi đầu của sự sa đọa.
Tôi dần dần thoát ra khỏi tập thể. Tôi bắt đầu tập dậy sớm, thử đến thư viện, mặc dù lẻ loi một mình, nhưng chưa bao giờ lòng tôi dạt dào hứng khởi đến thế. Giống như Tiểu Địch, tôi cũng phải chịu sự cô lập nhất định. Thỉnh thoảng khi trở về phòng, tôi có thể nghe thấy vài câu mỉa mai châm chọc của các bạn, muốn giải thích nhưng lại cứng họng.
Tất nhiên tôi không phải là người học giỏi nhất, tôi không nói bản thân mình ưu tú thế nào. Tôi vẫn giống như năm thứ nhất, chỉ thi qua môn, tự nhận thấy mình đủ trình độ thi tiếng Anh cấp 4 nhưng cuối cùng lại trượt chỏng kèo. Tôi chỉ là muốn nói, mỗi người đều có những việc mình thích, có những sở thích của riêng mình, không cần phải bước vào phạm vi mà mình không thích để rồi phải giằng xé đau khổ.
Các bạn cùng phòng của tôi thích chơi game và tận hưởng thú vui đó, bạn cùng phòng của Tiểu Địch thích xem phim Mĩ và đắm chìm vào cảm xúc của nhân vật. Đó là cuộc sống mà họ thích, nên họ không cảm thấy đau khổ. Bạn không cần phải duy trì sở thích giống người khác, mà hãy làm điều bạn thích.
Khi bạn đủ tài giỏi, những người từng cười nhạo bạn sẽ không còn đố kị với bạn nữa, thay vào đó, họ sẽ ngưỡng mộ bạn. Con người thường là như thế, người bạn đố kị đều là những người từng có trình độ ngang bằng với bạn, bạn sợ họ vượt qua mình. Có một ngày khi người ta vượt qua bạn, sự đố kị cũng sẽ sớm trở thành sự ngưỡng mộ.
Phạm vi chẳng qua là chất dẫn xuất thực lực của bạn
Có người có thể sẽ phản bác lại như sau: người ta thường nói “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, tôi muốn bước vào một phạm vi tốt hơn, muốn nhảy ra khỏi phạm vi của mình, lẽ nào không phải là một việc tốt? Tại sao bảo tôi không đúng?
Tôi không nói bạn không đúng, muốn nhảy ra khỏi phạm vi của mình, muốn thay đổi bản thân tất nhiên là một chuyện tốt. Chỉ là bạn cần hiểu rằng phạm vi chân chính không cần bạn phải cố hết sức để bước vào, càng không cần bạn phải hao tổn quá nhiều tâm tư và thời gian để lấy lòng người khác, cái gọi là phạm vi chẳng qua là chất dẫn xuất thực lực của bạn. Khi thực lực của bạn đủ mạnh, bạn mới có thể bước vào một phạm vi nào đó. Rượu ngon sợ gì hẻm sâu, bản thân là cây ngô đồng, phượng hoàng mới bay đến đậu. Bản thân là biển lớn, trăm sông mới quy tụ về. Chỉ khi đạt được trình độ đó, bạn mới có được một phạm vi thích hợp mà không bị lật ngược lại.
Trong bộ phim “Hoan lạc tụng”, Phàn Thắng Mĩ một lòng một dạ muốn được gả vào nhà giàu. Nhưng cuối cùng như lời Khúc Tiêu Tiêu nói, Phàn Thắng Mĩ chẳng qua chỉ là món ăn trên bàn của đám đàn ông, vì Phàn Thắng Mĩ và họ không thuộc cùng một phạm vi.
Nếu bạn ảo tưởng có một mối quan hệ bạn bè giống như năm cô gái trong bộ phim “Hoan lạc tụng”, tôi khuyên bạn hãy sớm bỏ đi ý nghĩ đó. Trong cuộc đời thực, chúng ta không thể đồng thời có được sự chỉ dẫn của một lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp có trí tuệ hơn người như Andy, cũng không có sự giúp đỡ của nhân vật “con cháu nhà giàu” tính tình trượng nghĩa có thể sẵn sàng giúp đỡ bạn bè về mặt vật chất như Khúc Tiêu Tiêu. Thậm chí trên con đường tìm kiếm việc làm để có được sự chỉ bảo của một chuyên viên nhân sự có thâm niên như Phàn Thắng Mĩ. Tất cả là chuyện hoang đường. Nếu trong cuộc đời, chúng ta có thể gặp được người thầy dẫn đường, gặp được quý nhân, trong quá trình học việc có được sự chỉ bảo của họ, thì quả thật đó là phúc mà kiếp trước chúng ta tu được.
Hiện thực của đại đa số đều là sau khi tốt nghiệp phải nhét mình trong một căn phòng đi thuê cùng những người mới đến. Những người có điều kiện tốt hơn chút xíu thì chẳng qua là được ở một mình một phòng, chứ lấy đâu ra nhiều người thầy rành về nhân tình thế thái để lúc nào cũng nhắc nhở bạn từng giây từng phút?
Khách quan mà nói, xã hội này luôn tồn tại giai cấp, bạn không có cách nào phớt lờ nó. Tầng lớp xã hội rất khó để vượt qua, con cái nhà giàu sinh ra đã là người giàu, con cái nhà nghèo sinh ra vẫn là người nghèo. Thà cố gắng làm tốt công việc của mình, tìm cho mình một phạm vi thích hợp, còn hơn vượt qua giai cấp, hòa nhập vào phạm vi khác.
Làm thế nào để bước vào phạm vi cao hơn
Chúng ta đã được định sẵn cả đời này chỉ có thể sống trong tầng lớp thấp của xã hội hay sao? Tất nhiên là không phải, vận mệnh của bạn, bạn hoàn toàn có thể tự mình làm chủ. Không cần bạn phải bước vào một phạm vi cao hơn để rồi thay đổi hoàn toàn bản thân mình. Càng không cần bạn phải bước vào một phạm vi mà xem ra có thể giảm bớt sự bài xích chỉ để cuộc sống bớt trở ngại.
Chúng ta nên làm thế nào? Hãy học theo nhân vật Khưu Oánh Oánh – người có chỉ số EQ và IQ đều không phải là cao, từ một người mới vào nơi làm việc, sau khi thất tình, gục ngã không gượng dậy được, thậm chí là phát điên, cuối cùng đã tìm được hướng đi thích hợp cho bản thân mình, trong công việc phát huy được sở trường của bản thân, cuối cùng đạt được thành tựu. Hoặc không, hãy học theo Quan Thư Nhĩ – một cô gái ngoan ngoãn từng sống trong các kiểu khuôn phép, bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, có trách nhiệm, nghiêm túc với công việc, cuối cùng đã thành công, có được cơ hội làm việc như mình mong muốn.
Thành công của các cô gái này tất nhiên không thể thiếu sự chỉ dẫn của Andy, Phàn Thắng Mĩ, nhưng hơn tất cả là công sức vất vả mà bản thân họ đã bỏ ra. Hoàn cảnh của năm cô gái trong “Hoan lạc tụng” không giống nhau, Andy là một cô gái tài giỏi tinh anh trong lĩnh vực đầu tư tài chính mà ai ai cũng ngưỡng mộ. Thế hệ thứ hai của gia đình tài phiệt Khúc Tiêu Tiêu có một nhóm bạn bè cũng là con nhà khá giả có thế lực tương đương. Phạm vi của năm người không giống nhau, mỗi người theo quỹ đạo vận hành của mình để phát triển ổn định, không can thiệp lẫn nhau, mỗi người đều tự mò mẫm trong phạm vi của mình, đều phấn đấu vì mục tiêu của mình.
Sự thay đổi tốt nhất không phải là bước vào một phạm vi nào đó, mà là hiểu ra rằng phạm vi chẳng qua là chất dẫn xuất của thực lực của bản thân để sau này dốc hết sức mình thực hiện nó.
Bình luận