Đối diện với những hoàn cảnh khác nhau, khả năng thích nghi của mọi người là khác nhau. Tương tự với môi trường ở kí túc xá đại học, những người khác nhau thì những trở ngại họ gặp phải trong quá trình thích nghi cũng khác nhau. Kịp thời đưa ra những điều chũnh, nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới, cũng là bản lĩnh chúng ta cần phải có.
Đại học trong trí tưởng tượng
Trước khi lên đại học, cuộc sống đại học mà các bạn trai mong muốn là túm năm tụm ba, ôm vai bá cổ, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, cuối tuần cùng nhau thức thâu đêm suốt sáng, thỉnh thoảng ăn lẩu cay, uống rượu. Điều mà nữ sinh mong muốn là có thêm mấy chị em tốt cùng nhau đi mua sắm, cùng nhau lên Taobao, trên đường nhìn thấy anh nào đẹp trai thì cùng nhau tám đến khi về tới kí túc xá. Đến kì thi, bạn bè trong phòng giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng kí túc xá hòa thuận. Hoàn toàn là một bức khắc họa xã hội hài hòa, cuộc sống tươi đẹp.
Nhưng sự thật là, đủ các chuyện linh tinh như phân chia tài sản công cộng không đều, chiếm dụng nhà vệ sinh kí túc xá quá lâu… khiến cho bầu không khí trở nên gượng gạo, căng thẳng. Thậm chí, việc bạn đi đến phòng tự học nhiều hơn bạn cùng phòng, xem kênh học tập nhiều hơn bạn cùng phòng cũng trở thành một vấn đề.
Tôi sinh ra ở một huyện nhỏ, từ tiểu học cho đến trung học, trừ năm lớp 9 và lớp 10 ở trong trường ra, cuộc sống tập thể còn lại chủ yếu là cuộc sống trong kí túc xá đại học. Lúc học phổ thông, tôi ghét thầy giám thị nghiêm khắc bao nhiêu thì bây giờ tôi lại nhớ thầy bấy nhiêu. Nghĩ kĩ một chút mới thấy, kí túc xá ở trung học chỉ có ngủ, trong khi kí túc xá ở đại học lại là khu giải trí, chơi là chính, ngủ là phụ.
Vào đại học, mỗi người đều được thả tự do, đều khát khao trở thành một người khác với mọi người, không bị gò bó, bắt đầu buông thả.
Vì vậy, đối với tôi mà nói, cuộc sống đại học không nhất định là địa ngục trần gian, nhưng chỉ vì phần mềm ghép phòng tự động của máy tính mà rất có thể nó sẽ biến thành địa ngục trần gian.
Bốn năm đại học, người quan hệ gần gũi nhất chính là bạn cùng phòng, hãy học cách tạo mối quan hệ tốt với bạn cùng phòng, đó chính là bước đầu tiên giúp sinh viên xử lí tốt mối quan hệ xã hội của mình.
Những người như thế nào không thích hợp với cuộc sống tập thể
1. Những người thích ở một mình
Trong cuộc sống tập thể, những riêng tư cá nhân khó tránh khỏi bị xâm phạm.
Cách giải quyết: Ở đại học, nếu bạn muốn một không gian riêng thuộc về mình, thì khuyên bạn ban ngày có thể đến một quán cà phê gần trường, thư viện hoặc nhà sách. Những nơi đó ít người, khung cảnh cũng rất thư thái, có thể gặp được nhiều người bạn cùng chung chí hướng.
Nếu ở kí túc xá, mua một cái đèn bàn nhỏ, lắp một cái rèm che, cũng có thể tạo cho mình một không gian riêng, sử dụng đơn giản.
2. Những người có vấn đề về giấc ngủ
Tôi luôn ngưỡng mộ những người đặt lưng xuống giường là ngủ. Chất lượng giấc ngủ của tôi rất kém, nửa đêm có tiếng động nhỏ cũng sẽ bị đánh thức, hơn nữa khi ngủ căn bản không chịu nổi tiếng ồn.
Trong kí túc xá luôn có những người chơi game thâu đêm hoặc xem bóng đá, thậm chí còn có những người coi việc nghe nhạc là cuộc sống, càng về tối càng thích nghêu ngao.
Cách giải quyết: Nếu thấy ồn ào, hãy thương lượng với bạn cùng phòng, giao hẹn thời gian tắt đèn, đảm bảo sự yên tĩnh. Mua một cái tai nghe, mua một cái bịt mắt, mặc dù không thể hoàn toàn cách li với những tiếng ồn đó, nhưng thực sự cũng có có hiệu quả nhất định. Nếu mất ngủ nghiêm trọng thì phải đi khám bác sĩ.
3. Những người ưa sạch sẽ
Kí túc xá sinh viên bây giờ đa phần sắp xếp phía trên là giường, phía dưới là bàn học, nhưng vẫn có một vài nơi là kết cấu giường tầng. Tôi thích sự thuận tiện nên chọn giường dưới, vì vậy giường của tôi thường là giường của người ta, sẽ chẳng có ai khách sáo với bạn cả.
Thỉnh thoảng bạn của bạn cùng phòng đến, mà tôi lại không ở trường (cuối tuần thường đến nhà họ hàng ở), giường của tôi cũng tự nhiên trở thành nhà nghỉ công cộng miễn phí. Dép của tôi cũng không còn là của tôi, đồ ăn vặt cũng không còn là của tôi, cho dù để ở đâu cũng đều sẽ bị người ta tìm ra.
Ngoài ra, kí túc xá chắc chắn là nơi có những người không dọn dẹp vệ sinh, tất thay ra cứ chất một đống thành núi ở dưới gầm giường, đợi đến khi chính bản thân người đó chịu không nổi nữa mới xử lí.
Cách giải quyết: Nếu bạn là người ưa sạch sẽ, hãy chuẩn bị một cái khăn tắm lớn, sau khi ngủ dậy phủ nó lên trên giường, người khác ngồi thì cũng chỉ là ngồi lên tấm khăn, định kì mang đi giặt khăn là được. Đừng than trách, vì nó vốn không có tác dụng gì. Nếu nhà bẩn, tự mình chủ động quét dọn nhiều hơn. Nếu phòng có mùi, thì nhắc nhở bạn cùng phòng, sau khi có sự đồng ý của người đó, hãy thanh lí tất cả tất hôi của họ (thông thường do họ lười nên họ không cần nữa, vì thực ra nó hôi quá rồi). Không cần thiết phải vì việc này mà khó chịu với bạn cùng phòng.
Cho dù chúng ta khó thích nghi với cuộc sống sinh viên, thì thời gian bốn năm, thậm chí là năm năm tới, chúng ta đều phải trải qua ở đây. Thay vì than oán, chi bằng tìm phương án giải quyết để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở kí túc xá, xây dựng quan hệ tốt với bạn cùng phòng. Đại học là một giảng đường lớn, thứ chúng ta cần không chỉ có kiến thức, mà còn là đạo lí làm người.
Chúng ta nên làm thế nào để cải thiện mối quan hệ trong kí túc xá?
1. Đứng vào vị trí của người khác để suy nghĩ
Trong cuộc sống tập thể, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của mọi người không giống nhau, thói quen sinh hoạt cũng khác, khó tránh khỏi va chạm. Trước khi trách mắng người khác, chúng ta cần phải lấy mình làm chuẩn mực, tự giác làm gương cho bạn cùng phòng. Dựa trên kinh nghiệm hai năm sống ở kí túc xá, tôi liệt kê ra cho mọi người 6 điều dưới đây, có thể mọi người không quá chú ý, nhưng những lời khuyên nhỏ này rất quan trọng, hi vọng mọi người có thể cùng tuân thủ.
i. Dọn dẹp vệ sinh đúng giờ;
ii. Sáng sớm, lúc nghỉ trưa, sau 10 giờ tối tự giác giữ yên lặng;
iii. Không hút thuốc trong kí túc xá;
iv. Ít tám chuyện, tránh nói xấu sau lưng người khác;
v. Tôn trọng riêng tư của bạn cùng phòng, không mở xem điện thoại hoặc máy tính của người khác;
vi. Dùng tai nghe nếu nghe nhạc hoặc xem phim.
2. Điều chỉnh tâm trạng
Bạn luôn cho rằng bạn cùng phòng là người đáng ghét, nhưng bạn đừng quên vụ án đầu độc ở trường đại học Phúc Đán. Vẫn nên biết ơn bạn cùng phòng của mình thì hơn.
Khổng Tử nói: “Trong ba người đồng hành, ắt có người làm thầy của ta.” Hãy học cách nhìn nhận “điểm sáng” ở người bạn cùng phòng, chọn những đức tính tốt của người ta mà học theo, lấy những đức tính xấu của người ta mà răn mình. Con người vốn không hoàn mĩ, mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm của riêng mình. Học nhiều hơn những điểm tốt của người khác, lấy họ làm tấm gương, làm cho bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Khen ngợi thành tích của bạn cùng phòng, mọi người cùng nhau tiến bộ, cạnh tranh lành mạnh hơn là đấu đá lẫn nhau. Một câu răn mình mà các bạn học thường hay nói là: Hãy nghĩ rằng mỗi ngày bản thân mình đang cạnh tranh với những tinh anh của trường đại học Havard, bạn sẽ tràn đầy ý chí phấn đấu. Hãy mở rộng tầm mắt, đừng cả ngày dõi theo sự thất bại của bạn cùng phòng.
3. Học cách tôn trọng
Tôn trọng giá trị quan, tôn trọng cách xử lí công việc, càng phải tôn trọng quê hương của bạn cùng phòng.
Hoàn cảnh xuất thân, kinh nghiệm của mỗi người khác nhau, chỉ cần người ta không vi phạm pháp luật, chúng ta đều không có quyền đánh giá giá trị của người khác.
Càng không được tự cho rằng mình là người có đạo đức đứng ở trên cao chỉ bảo người khác. Bạn có thể không thấu hiểu hay thông cảm cho bạn cùng phòng, nhưng không có tư cách tùy tiện phê bình người ta.
Không phải là bạn cùng phòng không tốt, cũng không phải là bạn không đúng. Cũng có một vài người có cách xử lí việc không giống với chúng ta. Cũng không phải là tất cả bạn cùng phòng đều là bạn thân thật lòng. Cũng không thể yêu cầu người khác có thói quen giống chúng ta, sở thích giống chúng ta, đã không hợp thì đừng cưỡng cầu.
4. Học cách giả ngốc
Có những người bạn cùng phòng thích nói huyên thuyên cả buổi, nếu bạn phát hiện người đó đang “chém gió” cũng đừng vạch trần. Bất cứ việc gì không cần thiết phải tính toán chi li, thì hãy để “máu lên não” chậm một chút. Giả ngốc không phải là bảo bạn nhẫn nhịn thỏa hiệp, mà là muốn bạn đừng can thiệp quá sâu, không cần phải bám lấy khuyết điểm của người khác để rồi vùi dập người ta không ngóc đầu lên được. Duy trì không khí thân thiện trong kí túc xá rất quan trọng, bất cứ việc gì cũng nên nhìn nhiều hơn vào ưu điểm, học nhiều hơn những điểm mạnh của người khác.
“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, chủ động gánh vác công việc dọn dẹp vệ sinh, bạn sẽ không phải chịu quá nhiều thiệt thòi đâu. Lúc cần thiết mời mọi người ăn một bữa cơm, tốn cũng không nhiều tiền, lại kéo gần khoảng cách giữa mọi người, thực sự đáng giá.
5. Biết nói lời cảm ơn
Người khác không có nghĩa vụ phải giúp đỡ bạn, thường xuyên nói cảm ơn, giữ tấm lòng tri ân, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn những gì bạn nghĩ. Người khác mang cơm cho bạn, giúp bạn nhận chỗ ở thư viện, chỉ cần nói một câu “Cảm ơn”.
Khi người khác không giúp đỡ bạn thì đừng nói những lời cay độc. Nếu đồng ý giúp đỡ người khác thì chúng ta phải cố gắng hết sức để làm tốt. Cũng đừng quên, khi nhờ vả người khác, nếu họ không làm được, chúng ta cũng không có tư cách oán trách.
6. Hiểu rằng thế giới bên ngoài còn phức tạp hơn thế
Cuộc sống kí túc không phải là tất cả. Bạn nên thường xuyên đi đến thư viện, tham gia các câu lạc bộ mà mình hứng thú, kết bạn với những người bạn cùng chung chí hướng, đó đều là những lựa chọn hay.
Có rất nhiều thứ khi mất đi rồi chúng ta mới hiểu được sự quý giá của nó. Cuộc sống sinh viên không tệ đến thế. Nếu mỗi người tự giác một chút, bớt cái tôi của mình đi một chút, điều chỉnh tâm trạng của mình một chút, sẽ nhận ra cuộc sống sinh viên là một khoảng thời gian đáng để con người ta trân trọng. Ít nhất là khi đó, chúng ta tràn đầy nhiệt huyết với cuộc đời.
Khảo sát xem bạn có phải là người bạn cùng phòng “đạt chuẩn” hay không
1. Bạn có chủ động đeo tai nghe khi xem phim không?
A. Đeo tai nghe không thoải mái
B. Thỉnh thoảng có đeo
C. Chắc chắn có đeo
2. Khi bạn cùng phòng nhờ mua cơm, thái độ của bạn thế nào?
A. Rất không vừa ý
B. Tiện đường thì mua
C. Chỉ cần nhờ một câu, chắc chắn sẽ mua
3. Sau khi ăn xong đồ ăn mua bên ngoài, bạn sẽ dọn dẹp ngay lập tức chứ?
A. Thường hay quên
B. Thỉnh thoảng quên
C. Chắc chắn dọn đi ngay lập tức
4. Ban đêm bạn thường đi ngủ lúc mấy giờ?
A. Khoảng 1 giờ
B. Khoảng 11 giờ 30 phút
C. Trước 10 giờ
5. Bạn sẽ dọn dẹp vệ sinh đúng giờ chứ?
A. Tôi không bao giờ quét nhà
B. Đến lượt tôi thì tôi làm, nhiều hơn 1 lần cũng không làm
C. Nhìn thấy bẩn thì chủ động quét dọn
6. Bạn có từng sử dụng đồ dùng của người khác khi chưa được sự đồng ý của người ta không?
A. Bạn cùng phòng cũng như người nhà, nếu không nhìn thấy, cứ việc lấy dùng
B. Dùng xong rồi nói một tiếng
C. Được sự đồng ý mới sử dụng
7. Bạn có thích dò hỏi chuyện gia đình của bạn cùng phòng?
A. Rất thích
B. Thỉnh thoảng hiếu kì hỏi vài câu
C. Chưa từng hỏi, trừ khi bạn cùng phòng chủ động nói
8. Bạn đã từng lén lút mở đồ của người khác ra xem?
A. Tính tình rất hiếu kì, nhiều lần xem rồi
B. Đã từng xem dưới hai lần
C. Chưa bao giờ xem
Phân tích kết quả khảo sát:
A = 1 điểm; B = 2 điểm; C = 3 điểm
(1) Từ 1 - 10 điểm: Bạn thuộc tuýp “khó ở”
Bạn rất khó hòa nhập với cuộc sống kí túc xá của mình, thường hay xảy ra tranh chấp với bạn cùng phòng vì những chuyện nhỏ nhặt, nói chuyện không khách sáo, ai ở chung phòng với bạn thật là xui xẻo. Cuộc sống sinh viên là cuộc sống tập thể, có thể bạn quen với sự tự do khi ở nhà, nhưng đến môi trường mới thì phải thay đổi, không khí kí túc xá hòa thuận cũng là một phần rất quan trọng trong cuộc sống sinh viên.
(2) Từ 11- 18 điểm: Bạn thuộc tuýp “dĩ hòa vi quý”
Về tổng thể, quan hệ của bạn với bạn cùng phòng rất hòa hợp. Mặc dù vì một vài chuyện mà thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp, nhưng qua một thời gian dần dần cũng được hóa giải, thẳng thắn chân thành nói ra cách nghĩ của mình. Nói với bạn cùng phòng, thương lượng vạch ra một quy định chung, có thể tránh được những phát sinh cãi vã. Mỗi người đều có thói quen sinh hoạt của mình, chỉ cần hai bên đều hiểu điều này, tin rằng các bạn sẽ chơi với nhau thật vui vẻ.
(3) Từ 19 – 24 điểm: Bạn thuộc tuýp “người trong mơ”
Này bạn, bạn thật sự là một điển hình về văn minh, tấm gương về đạo đức, một kiểu mẫu về bạn cùng phòng! Nếu như cùng giới tính, chúng ta sẽ có một phòng kí túc xá hòa thuận phải không? Nhưng điều cần phải nhắc nhở bạn là: Tuyệt đối đừng làm người quá tốt, cần có lập trường của bản thân, kí túc xá hòa thuận rất quan trọng, nhưng cảm nhận của bản thân cũng quan trọng không kém, có nhiều lúc nếu không vui thì phải nói ra, đừng vì vừa ý bạn cùng phòng mà nhẫn nhịn cầu toàn.
Bình luận