Chương 5. Bạn bè - Phần 7. Dễ kiếm vạn lượng vàng, khó tìm một tri kỉ

icon
icon
icon


Bạn bè có rất nhiều kiểu, cùng chung chí hướng là bạn, người tài yêu mến người tài cũng là bạn. Bạn bè là những người khách đi qua trong cuộc đời mỗi người. Khi bạn ở trong một môi trường khác, có lẽ bạn sẽ dần dần lãng quên người ta. Nhưng tri kũ thì khác, cho dù vì một vài lí do nào đó không liên lạc nữa, thì lúc gặp lại cũng sẽ không cảm thấy ngại ngùng xa lạ, vẫn giống như năm xưa kể về những giấc mơ chưa hoàn thành, tâm sự những lời trong lòng chưa nói hết.
Kẻ thù thân nhất
“Tại sao những người tri kỉ, cuối cùng lại không trở thành bạn cũ; không biết bạn là bạn hay thù, chẳng có cách nào nhìn thấu được; bị cuốn theo dòng chảy cuộc sống; tương lai thì lạ lẫm, quá khứ thì thân quen.”
Nghe bài hát “Kẻ thù thân nhất” của Trần Dịch Tấn, tôi vô cùng xúc động. Nhớ đến những người bạn đã xa nhiều năm, mở danh bạ điện thoại lướt từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng, phát hiện ra rằng không có ai là người tôi có thể buông bỏ phòng vệ bản thân để thoải mái dốc bầu tâm sự.

Tôi cảm thấy tôi là người bất thường về tâm lí, ít nhất là người có chứng sợ giao tiếp ở một mức độ nhất định. Tôi không hiểu tại sao bản thân mình không thể giao du với người khác. Tại sao bản thân không thể thật lòng chia sẻ với người khác. Cố giữ chặt bí mật của mình tận sâu nơi đáy lòng, không muốn để người khác biết và hiểu, e rằng đây chính là vấn đề lớn nhất của tôi.
Tôi rất ngưỡng mộ tình cảm chị em giữa các bạn gái. Mặc dù thỉnh thoảng cũng thấy phức tạp, nhưng chỉ cần gặp là sẽ nói hết tất cả mọi chuyện. Giữa con trai với nhau có sự kiêng dè nhiều hơn, nói chuyện cởi mở với nhau thường là những chuyện về học hành hoặc là công việc, những vấn đề về tình cảm thường tự mình chịu đựng, tự mình gánh vác.
Không có tri kỉ, có phải bản thân tôi có vấn đề gì không? Là tôi chia sẻ quá ít, hay tôi và họ không có chung chủ đề để nói? Hay là nguyên nhân mà ngay cả bản thân tôi cũng không biết.
Bạn bè có rất nhiều kiểu, cùng chung chí hướng là bạn, người tài yêu mến người tài cũng là bạn. Bạn bè là những người khách đi qua trong cuộc đời mỗi người. Khi bạn ở trong một môi trường khác, có lẽ bạn sẽ dần dần lãng quên người ta. Nhưng tri kỉ thì khác, cho dù vì một vài lí do nào đó không liên lạc nữa, thì lúc gặp lại cũng sẽ không cảm thấy ngại ngùng xa lạ, vẫn giống như năm xưa kể về những giấc mơ chưa hoàn thành, tâm sự những lời trong lòng chưa nói hết.
Bạn bè cũng chia đẳng cấp
Tôi thử tìm định nghĩa của từ “bạn bè” – một từ có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta, và nhận được đáp án như thế này: Bạn bè chỉ mối quan hệ quen và biết trong một điều kiện đặc biệt do hai bên cùng thừa nhận. Mặc dù không cùng tuổi tác, giới tính, khu vực, chủng tộc, địa vị xã hội và tín ngưỡng tôn giáo nhưng vẫn tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ với nhau những điều tốt đẹp, khi đối phương cần sẽ sẵn sàng giúp đỡ hết khả năng của mình, mà ranh giới cao nhất của nó là tri kỉ.
Thì ra bạn bè cũng có phân “đẳng cấp”, ranh giới cao nhất của bạn bè mới là tri kỉ, ngoài ra còn có “bạn chân thành”, “bạn trung thành”, “bạn trên mạng”, v.v... Chẳng trách Bá Nha lại đập vỡ cây đàn mà mình yêu thích nhất, đến cuối cuộc đời cũng không chơi đàn lại nữa, cảm thán nói: “Quen biết cả thiên hạ, tri kỉ có mấy người.”
Từ khi bắt đầu viết lách đến nay, tôi nhận được rất nhiều lời khích lệ từ các độc giả, người làm cho tôi cảm động nhất chính là một chị gái khóa trên. Chị ấy vô tình nhìn thấy bài viết của tôi trên mạng, bài viết được mọi người chia sẻ, nhưng không kí tên. Chị ấy khẩn cầu tất cả những người đã chia sẻ giúp chị ấy xem rốt cuộc bài viết lấy ở đâu. Liên hệ qua mấy người, chị ấy mới tìm được tài khoản Wechat của tôi, đăng lên một câu “Cảm ơn”.
Tôi không hiểu lắm, nên trả lời bằng dấu “?” Chị ấy nói tiếp, cảm ơn bài viết của tôi vì đã giúp chị ấy hiểu ra nhiều điều.
Nhận được tin nhắn như thế, tâm trạng tôi giống như niềm vui may mắn trúng vé số!
Không hiểu tại sao, những người xa lạ chưa từng gặp mặt lại dễ dàng cổ vũ thành tích của chúng ta, mà những người bạn bên cạnh trái lại rất khó thật lòng khen chúng ta, trừ khi người đó là tri kỉ.
Cuộc sống sinh viên đại học giúp tôi ngày càng hiểu ra một đạo lí: Rời xa kí túc xá mới là điểm bắt đầu của thành công. Tính cách của mỗi người không giống nhau, thói quen cũng không giống nhau. Mỗi lần nhìn thấy một bạn học khác ở kí túc xá có thể tĩnh tâm học tập, tôi rất khâm phục, bản thân từng thử mấy lần đều thất bại.
Một mình thường thấy cô đơn, không có động lực, muốn tìm một người bạn cùng chung chí hướng để cùng nhau cố gắng, hi vọng hai người có thể cổ vũ lẫn nhau, dõi theo nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ, nhưng nhìn lại đám bạn bên cạnh, thì chẳng thấy ai sẵn sàng đồng hành cùng mình.
Muốn tìm người cùng ôn thi nghiên cứu sinh, hỏi bạn cùng phòng, rất nhiều người chuẩn bị học cao học, nhưng khi hẹn thời gian lên thư viện ôn bài thì tuyệt nhiên không có một ai. Muốn tìm người cùng đi tập thể dục, lên kế hoạch dậy sớm chạy bộ, nhiều người hưởng ứng, nhưng chẳng có mấy người thực sự thực hiện kế hoạch. Lặp đi lặp lại, cuối cùng vẫn một thân một mình, cô đơn lẻ loi. Thế là cũng tìm được một cái cớ trốn tránh cho bản thân mình, vì không có người cùng làm, một mình không có đủ động lực, nên kế hoạch ban đầu đều “chết yểu” khi còn trong ý tưởng, và mình thực sự trở thành “người chỉ nói miệng mà không làm”.
Chớ buồn nẻo trước không tri kỉ, thiên hạ ai người biết đến anh
Tri kỉ không phải là bạn nhậu, không thể cùng bạn uống rượu thưởng hoa. Nhưng người đó lại rất hiểu bạn, hiểu ánh mắt của bạn, hiểu những lời bạn chưa kịp nói, hiểu những chua xót bạn cố chịu đựng, hiểu được sự hiu quạnh cô đơn của bạn. Nếu có thể gặp được một người như thế, thì đúng là một chuyện may mắn biết bao trong cuộc đời con người.
Chúng ta không thiếu những ý tưởng, không thiếu những kế hoạch, nhưng thiếu năng lực thực hành. Có tri kỉ tất nhiên là tốt, không có tri kỉ cũng chẳng sao. Chi bằng hãy đổi sang một góc độ khác để suy nghĩ xem tri kỉ rốt cuộc có lợi ích gì với bạn?
Lúc vui vẻ có người chia sẻ. Lúc do dự khó quyết có thêm một ý kiến định hướng cho bạn. Khi buồn bã có thể đem hết đau khổ của mình ra dốc bầu tâm sự. Lúc khó khăn có thể nhận được sự giúp đỡ. Vậy, áp dụng nguyên tắc thay thế, nếu được, chúng ta liệu có thể tìm những phương án thay thế khác nhau căn cứ theo những lợi ích mà mình cần từ một người bạn tri kỉ không? Ví dụ như, muốn chia sẻ dốc bầu tâm sự, đối với tôi mà nói, viết văn hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đó.
Tri kỉ không phải là mãi mãi, giống như người yêu, tri kỉ cũng có lúc này lúc kia. Cùng với sự khác biệt trong môi trường sinh sống cũng như trong những sự việc đã từng trải qua, quan điểm của hai người không ít thì nhiều đều sẽ có những thay đổi, thậm chí là trái ngược nhau. Lúc này, giá trị hai người từng cùng nhau giữ gìn, giấc mơ hai người từng cùng nhau hướng tới có lẽ đã không còn điểm chung, chặng đường các bạn nắm tay nhau cùng đi cũng đến trạm cuối cùng.
Giữa tri kỉ với nhau cũng không phải là không có bí mật. Nhiều bạn cảm thấy là tri kỉ thì chuyện gì cũng có thể nói, cái gì cũng có thể kể, thực ra đây là quan điểm sai lầm. Bất luận bạn tri kỉ có thân thiết đến cỡ nào, mỗi chúng ta đều có một không gian thuộc về riêng mình. Đừng để người tri kỉ tùy tiện mở cánh cửa trái tim bạn, chúng ta đều không thể “đi guốc trong bụng” đối phương. Tôn trọng riêng tư của đối phương mới là điều then chốt để duy trì tình bạn lâu dài.
Bạn đừng lo lắng đường sá xa xôi, đừng lo sẽ lẻ loi cô độc. Tôi xin mượn một câu thơ của thi nhân đời Đường – Cao Thích tặng cho những ai đang đi trên con đường theo đuổi giấc mơ: “Chớ buồn nẻo trước không tri kỉ, thiên hạ ai người biết đến anh.”

Bình luận