Chương 6. Nhìn xem, cuộc sống tươi đẹp biết bao - Phần 3. Dừng lại và tâm sự với bản thân một chút

icon
icon
icon

Chấp nhận việc không có gì nổi bật không có nghĩa là tôi từ bỏ ước mơ. Chũ là mỗi khi tôi nói đến nó, thì những lo lắng và áp lực đã trở thành sự thản nhiên, tôi không còn lo lắng nó có thực hiện được hay không. Ước mơ đối với tôi mà nói không còn là thứ tất yếu của cuộc đời, nó có thể trở thành niềm vui bất ngờ của tôi, như điểm hoa trên gấm. Lúc thoải mái thì cầm nó lên, có thể vô tình thực hiện được. Lúc mệt mỏi thì đặt nó xuống, thũnh thoảng tỏ vẻ ngây ngô. Cố gắng làm một người có vài thành tựu, nhưng cũng cần phải chuẩn bị trước rằng rất có thể cuộc đời này của tôi sẽ tiếp tục bình thường như thế.

Cảm giác mệt mỏi đến bất ngờ
“Con yêu à, gần đây bận gì không? Sáng dậy nhất định phải ăn sáng, tuyệt đối phải chú ý đến sức khỏe.” Mẹ tôi cách vài ba ngày lại gọi điện nhắc nhở tôi ăn uống đúng giờ, tự chăm sóc bản thân mình.
“Không sao đâu mẹ, mẹ đừng lo, con vẫn khỏe. Chỉ là…” Chỉ nói chuyện vui không nói chuyện buồn, cách ứng phó mang tính thói quen, nhưng lần này không thể chịu nổi, tôi nói thêm một từ “chỉ là”.

“Chỉ là sao? Sao vậy con, không xảy ra chuyện gì chứ? Có chuyện gì cứ nói với mẹ, đừng dồn nén trong lòng, có phải tiền không đủ tiêu không, không đủ thì nói, mẹ nói với bố chút nữa sẽ gửi tiền qua cho con.” Chỉ một từ “chỉ là” rồi dừng lại đã làm cho mẹ lo lắng đến thế.
“Không phải, không phải đâu mẹ, đủ tiêu mà, bố mẹ đừng lo.” Tôi lập tức phá tan sự lo âu của mẹ, nói thêm, “Chỉ là, chỉ là công việc gần đây rất nhiều, con hơi mệt.”
“Mệt thì nghỉ ngơi đi con, đừng để áp lực lớn. Hay là cuối tuần mẹ lên thăm con nhé?” Con cái xa nhà, mẹ lo lắng, kể chuyện vui không kể chuyện buồn chính là sợ họ lo lắng, rõ ràng lần này tôi đã làm cho mẹ đứng ngồi không yên rồi.
“Không cần đâu ạ, mẹ đừng lo quá. Cuối tuần con ngủ một giấc, nghỉ ngơi một chút là khỏe luôn ấy mà.” Tôi vội vàng ngăn mẹ lại.
“Vậy được rồi, có việc gì cứ nói với mẹ, đừng chịu đựng một mình, nghe chưa!” Mẹ vẫn không yên tâm, dặn đi dặn lại.
“Con biết rồi ạ, mẹ yên tâm đi. Mẹ ở nhà cũng giữ sức khỏe nhé.”
Khi còn nhỏ, sức khỏe tôi không tốt, thực ra cũng chỉ là bệnh dạ dày, bệnh này thì chỉ cần điều trị ba phần, bảy phần còn lại lo chăm sóc bản thân. Mẹ tôi lo lắng tôi ở bên ngoài một mình sẽ không ăn cơm đúng giờ, không chăm sóc tốt cho bản thân, sợ tôi sẽ chịu áp lực lớn cho bản thân, nên theo thói quen cứ mở miệng ra là dặn “tuyệt đối đừng để mệt, mệt thì phải nghỉ ngơi”.
Mỗi lần nghe mẹ nói như thế, trong lòng chỉ biết cảm thán. Muốn nghỉ ngơi cũng không dễ dàng gì. Xã hội này phát triển rất nhanh, ép chúng ta không ngừng cố gắng để theo kịp bước tốc độ của nó, cuối cùng vẫn chỉ là theo không kịp. Những người giỏi hơn chúng ta còn cố gắng hơn chúng ta, thậm chí có lúc tôi cảm thấy sống thêm một giây là kéo dài thêm khoảng cách về trình độ giữa tôi với người khác.
Thông thường chúng ta cố gắng lắm mới có được một chút an ủi. Thời gian trước, tôi thường tích cực đặt ra cho bản thân mình những mục tiêu nho nhỏ: mỗi ngày học thuộc 100 từ tiếng Anh, mỗi ngày viết 3.000 chữ, mỗi ngày đều thức dậy sớm đi làm, mỗi tuần đọc 2 cuốn sách, mỗi ngày đều phải tận dụng hết thời gian.
Ban đầu tôi thực hiện rất đầy đủ, nhưng tình hình đó lại không duy trì được bao lâu. Tôi tính thử, thời gian tôi kiên trì được vừa đúng 100 ngày. 100 ngày này bản thân tôi cũng thu hoạch được rất nhiều điều tốt đẹp mà mình chưa từng nghĩ tới. Tác phẩm đầu tay nhận được sự khẳng định của bạn đọc, các bài viết cũng nhận được hơn mười ngàn lượt like, quen biết được rất nhiều bạn mới vừa dễ thương vừa thú vị, kí được hợp đồng đầu tiên trong cuộc đời mình, tất cả xem ra đều rất tốt.
Kiên trì 100 ngày, viết văn cũng trở thành một thói quen của tôi, những bài viết này cũng trở thành cách tâm sự của tôi. Đêm đã sâu, con đường bên ngoài cửa sổ ban ngày người qua lại đông đúc, đến đêm chỉ còn lại bóng của hai hàng cây ngô đồng. Tôi pha một gói cà phê hòa tan, hi vọng bản thân có thể phấn khích trở lại, thử tìm một chút tiếng lòng mình từ trong những trang viết.
Thực ra bạn đã rất ưu tú rồi
Tôi không biết bạn có giống với tôi hay không? Cuộc sống đã qua được tạo nên từ trạng thái gồm vô số những khoảng thời gian ý chí chiến đấu sục sôi nhưng ngắt quãng, còn tâm trạng sa sút thì liên tục. Mặc dù không có những thành tựu huy hoàng, nhưng cũng lảo đảo chật vật đi được đến ngày hôm nay. Có thể bạn giống như tôi, là một sinh viên năm thứ ba đại học, sắp tới sẽ tràn đầy hi vọng bước vào xã hội, nhưng cũng ngập ngụa trong những lo sợ. Cũng có thể bạn vừa mới bước vào cổng trường đại học, mang trong mình biết bao ước mơ tốt đẹp về tương lai, bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới. Cũng có thể bạn vừa mới đi làm, đối diện với nhiệm vụ công việc có cường độ cao hay sự đấu đá giữa các đồng nghiệp với nhau, cảm giác lực bất tòng tâm.
Tôi nhận được tin nhắn của một độc giả, có thể là do cùng độ tuổi nên chúng tôi có cảm giác gần gũi nhau hơn. Cũng có thể là do áp lực của cô ấy thực sự rất lớn, cuối cùng tìm được một nơi trút tâm sự, nên không ngừng “tuôn ra” hơn 2 tiếng đồng hồ.
Chúng ta tạm thời gọi cô ấy là Tiểu Lý. Tiểu Lý hình dung bản thân mình là một người làm việc liều mạng. Vì bất lợi trong kì thi tốt nghiệp nên cô ấy không thể vào trường đại học mà mình mơ ước, đây cũng là điều đáng tiếc lớn nhất đối với cô ấy, thậm chí trở thành gánh nặng trong lòng cô ấy.
Từ ngày đầu tiên vào đại học, cô ấy đã xây dựng cho mình một kế hoạch chi tiết, ngoài việc ăn và ngủ ra, tất cả thời gian còn lại nếu không ở lớp học thì sẽ ở thư viện. Công sức không phụ lòng người, chưa hết năm hai đại học, Tiểu Lý đã hai lần liên tiếp nhận được học bổng quốc gia, các loại chứng chỉ cũng nhận được cả đống. Năm thứ ba đại học, cô ấy được trường chọn đi giao lưu sinh viên, sang Anh học một năm. Lúc mới tốt nghiệp, cô ấy đã có cơ hội thực tập ở công ty top 500 thế giới.
Như chúng ta thấy, cuộc đời sinh viên của Tiểu Lý có thể coi là hoàn hảo, công sức bốn năm bỏ ra đã giúp cô ấy nhận được nhiều thành tích hơn những người xung quanh. Nhưng Tiểu Lý lại đang dần lún sâu vào sự mờ mịt không ai giúp đỡ. Mặc dù rất ưu tú, nhưng cô ấy luôn cảm thấy bản thân mình còn kém xa so với những thực tập sinh tốt nghiệp ở các trường danh tiếng.
Không có được thành tích giống như Tiểu Lý, nhưng có lẽ chúng ta cũng sẽ có những nỗi khổ giống như thế. Chúng ta đều không hài lòng với thực tại. Cho dù chúng ta đã từng cố gắng thi vào trường đại học mình mong muốn, cho dù chúng ta đã từng cố gắng qua một kì thi nào đó, tìm được công việc như mơ ước, nhưng chúng ta không dám công nhận những nỗ lực của mình, chúng ta muốn thay đổi, muốn bản thân trở nên tốt hơn. Thực ra, chúng ta hãy thử yêu bản thân mình một chút, đừng quá ép bản thân, ít mơ hồ, lo lắng, thỉnh thoảng dừng lại một chút, tâm sự với chính mình.
Sau thời gian học tập, làm việc cường độ cao, dành chút thời gian để thư giãn, nghỉ phép một ngày hoặc là nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, cho dù chỉ là mấy phút ngắn ngủi cũng được. Đừng để bản thân bị dồn nén quá mức. Lao động phải kết hợp với nghỉ ngơi mới có thể tiến xa hơn được.
Nietzsche từng nói: “Chúng ta đi quá nhanh, nên dừng lại một chút đợi linh hồn của chúng ta.” Ngoài linh hồn ra, thứ chúng ta cần phải đợi dường như còn rất nhiều, nào là những ngày tăng ca, những ngày ôn tập thâu đêm suốt sáng, nào là hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo giao cho, hoàn thành bài tập thầy cô đã chỉ định, nhưng cơ thể lại bắt đầu phản kháng. Việc chúng ta cần làm lúc này chính là dừng lại để chăm sóc một chút cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân.
Dừng lại thưởng thức phong cảnh ở bên đường
Cuộc đời con người giống như một chuyến đi xa, điều quan trọng không phải là nơi đến, mà là phong cảnh hai bên đường và tâm trạng ngắm cảnh. Câu nói này thật sự là rất thực dụng, nhưng chúng ta lại không thể không thừa nhận nó có đạo lí nhất định.
Chúng ta đều đuổi theo mục tiêu nào đó, trong lòng chỉ muốn nhanh một chút, rồi nhanh hơn chút nữa. Ăn cơm nhanh một chút, đi làm nhanh một chút, vội vàng đón xe, vội vàng ra khỏi nhà, vội vàng trưởng thành... Tất cả đều vội vàng hết mức. Nhưng thỉnh thoàng hãy dừng chân, nhìn lại con đường đã và đang bước đi, ngắm nhìn những đóa hoa nở rộ khắp nơi hai bên đường.
Tôi xem lại đống tài liệu của mình, phát hiện ra có một câu chuyện rất phù hợp với chủ đề này, tôi sẽ chia sẻ cho mọi người nghe:
Một đội thám hiểm đi vào một khu rừng của người da đỏ khảo sát, thuê mấy thổ dân bản địa làm người hướng dẫn. Trong cuộc thám hiểm, ba ngày đầu, người da đỏ không những đeo một cái bao nặng, mà trong tay còn cầm con dao để chặt những cành cây và dây leo trong rừng rậm, mở một con đường nhỏ cho đội thám hiểm đi. Nhưng đội thám hiểm vẫn không theo kịp họ. Người của đội thám hiểm rất vui, cảm thấy họ đã không chọn nhầm người, công nhận hiệu quả làm việc của người da đỏ. Nhưng đến ngày thứ tư, mấy người da đỏ này không hiểu vì sao lại không chịu đi, họ lười biếng nằm tắm nắng. Đội thám hiểm hỏi họ tại sao ba ngày trước làm việc chăm chỉ như vậy, đến ngày thứ tư lại nhất định không chịu đi? Người da đỏ trả lời: “Theo tôn giáo của chúng tôi, có một câu nói thế này. Dù sức khỏe cho phép bạn chạy nhanh thì linh hồn bạn cũng sẽ không theo kịp, cho nên nhất định phải nghỉ ngơi một ngày. Chúng ta ở đây đợi linh hồn của chúng ta đuổi kịp chúng ta đã.”
Dừng lại hỏi bản thân mình rốt cuộc là ai
Có lúc một mình, tôi thường nghĩ đến vấn đề kinh điển nhất trong triết học, cũng là ba vấn đề cuối cùng của đời người: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi phải đi đến đâu?
Rốt cuộc tôi là ai? Tôi là đứa con ngốc của ba mẹ tôi, tương lai có thể là chỗ dựa cho một cô gái, là cha của một đứa trẻ. Nhưng tôi vẫn nên là chính mình.
Trên thế giới này, có người có kiến thức, có khả năng kinh doanh hơn người, họ đang lãnh đạo một công ty nào đó, thậm chí chi phối cả thế giới này. Nhưng đa số mọi người cũng giống với chúng ta, chẳng qua chỉ là một người phàm tục, là một người qua đường bình thường. Nhìn chung trong lịch sử loài người, chúng ta đã định sẵn là một hạt cát trải qua năm tháng dài đằng đẵng.
Bình thường không có nghĩa là thất bại. Mặc dù tôi bình thường, nhưng tôi có thể có một gia đình hạnh phúc. Mặc dù tôi bình thường, nhưng tôi có sở thích của riêng tôi, ước mơ của riêng tôi. Nhận biết và chấp nhận sự bình thường của mình, mới là khởi đầu của việc tiếp nhận bản thân.
Vào khoảnh khắc chấp nhận điều bình thường đó, tôi đã thở dài một hơi, cảm thấy áp lực bao nhiêu năm qua đã giảm đi rất nhiều. Chấp nhận dung mạo và chiều cao bản thân hiện có, chấp nhận sự do dự và bất lực của bản thân, tôi bắt đầu sống tự tin hơn.
Chấp nhận việc không có gì nổi bật không có nghĩa là tôi từ bỏ ước mơ. Chỉ là mỗi khi tôi nói đến nó, thì những lo lắng và áp lực đã trở thành sự thản nhiên, tôi không còn lo lắng nó có thực hiện được hay không. Ước mơ đối với tôi mà nói không còn là thứ tất yếu của cuộc đời, nó có thể trở thành niềm vui bất ngờ của tôi, như điểm hoa trên gấm. Lúc thoải mái thì cầm nó lên, có thể vô tình thực hiện được. Lúc mệt mỏi thì đặt nó xuống, thỉnh thoảng tỏ vẻ ngây ngô. Cố gắng làm một người có vài thành tựu, nhưng cũng cần phải chuẩn bị trước rằng rất có thể cuộc đời này của tôi sẽ tiếp tục bình thường như thế.
Dừng lại hỏi bản thân rốt cuộc muốn gì
Sức mạnh của việc lên kế hoạch là rất lớn. Thỉnh thoảng hãy dừng lại hỏi bản thân mình rốt cuộc muốn gì? Tại sao mình cần những thứ này? Làm thế nào mới có thể đạt được những thứ đó? Xây dựng một kế hoạch cuộc đời cho chính mình, chia giấc mơ của mình thành những mục tiêu nhỏ có thể thực hiện. Có kế hoạch rồi thì phải thực hiện, tuyệt đối đừng làm một người “chỉ giỏi nói, không giỏi làm”.

Trước khi lựa chọn con đường cho bản thân mình, đầu tiên phải hỏi bước chân của mình đã. Dừng lại, tâm sự với bản thân mình về những ấu trĩ, hoang đường, nhút nhát, dũng cảm… Khi lao đầu chạy rồi, hãy đợi nội tâm của mình, đợi linh hồn của mình, kịp thời đưa ra những điều chỉnh. Tạm dừng vào thời khắc này, chỉ là để chúng ta có thêm dũng cảm và lòng tin trong những bước chạy tiếp theo, để bản thân trở nên tốt đẹp hơn, để bản thân trở thành người như mình mong muốn.

Bình luận