Cùng một hoàn cảnh, tâm thái khác nhau đón nhận thế giới cũng khác nhau. Phải tin tưởng, tâm trạng tốt sẽ đem lại may mắn, tâm thái tốt sẽ mang đến vận mệnh tốt. Lạc quan một chút, tích cực một chút, nếu không thể là con nhà giàu, thì nỗ lực biến bản thân thành người giàu có!
Mối quan hệ giữa “thủy tinh tâm” và giới tính
Qua hai phần trước, chúng ta đã cơ bản hiểu “thủy tinh tâm” là gì và những rắc rối mà “thủy tinh tâm” đem lại. Nhưng bạn đã từng nghĩ xem “thủy tinh tâm” rốt cuộc đến từ đâu chưa?
Muốn giải quyết rắc rối mà “thủy tinh tâm” gây ra, chúng ta cần phải tra cứu nguồn gốc, tìm hiểu đến cùng. Chỉ có nắm bắt căn nguyên, chúng ta mới có thể nhận thức thấu đáo về “thủy tinh tâm” .
Từ việc thu thập kết quả trắc nghiệm về “thủy tinh tâm” ở phần một, chúng tôi đã tính ra được kết quả tương đối, tỉ lệ “thủy tinh tâm” ở nữ giới cao hơn nhiều so với nam giới. Chúng ta đề xướng nam nữ bình đẳng, nhưng không có nghĩa là theo đuổi bình đẳng mà xem nhẹ đặc điểm tâm - sinh lí và những khác biệt cố hữu trong cách thức xử lí chuyện tình cảm của hai giới.
Nguyên nhân sinh ra “thủy tinh tâm” phần lớn nằm ở khác biệt trong cách tư duy giữa nam và nữ. Thông thường, nam giới phần lớn thuộc chủ nghĩa lí tính, tính cách phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết, không nhạy cảm với nhiều sự việc. Còn nữ giới đa số thuộc chủ nghĩa cảm tính, giải quyết vấn đề tình cảm tinh tế hơn nam giới, đối với những thay đổi trong tình cảm của đối phương lại càng nhạy cảm, nếu không xử lí tốt sẽ sinh ra “thủy tinh tâm” ở mức độ nhất định.
Thế nên, thay vì nói nữ giới dễ “thủy tinh tâm” hơn nam giới, chi bằng nói người theo chủ nghĩa cảm tính dễ “thủy tinh tâm” hơn người theo chủ nghĩa lí tính.
Mối quan hệ giữa “thủy tinh tâm” và môi trường trưởng thành
Tiểu Tĩnh là con một trong một gia đình có điều kiện tốt, từ nhỏ đã được hưởng cuộc sống cơm no áo ấm, giáo dục toàn diện.
Trước khi Tiểu Tĩnh vào đại học, bố mẹ lo lắng cô ấy một mình không chăm sóc được bản thân, đặc biệt căn dặn cô ấy phải quan hệ tốt với các chị em trong kí túc, để sau này còn có người chăm sóc.
Khai giảng không lâu sau, Tiểu Tĩnh chủ động mời các bạn cùng phòng đi ăn. Được ăn, đương nhiên là mọi người hưởng ứng, Tiểu Tĩnh cũng rất kì vọng vào bữa cơm này. Cuối tuần, Tiểu Tĩnh vào phần mềm đặt xe, vừa hay nhận được tin ưu đãi, giảm giá rất nhiều, tính ra rẻ gần bằng vé xe buýt cho bốn người, Tiểu Tĩnh liền đặt ngay. Một người bạn cùng phòng là Tiểu Lan thấy vậy liền nói chua ngoa: “Đúng là con nhà có tiền có khác, đi ăn một bữa cũng gọi xe, chẳng như lũ nhà nghèo chúng ta chỉ dám ngồi xe buýt.” Tiểu Tĩnh muốn phân bua, nhưng Tiểu Lan đã chui tọt vào ghế sau rồi.
Suốt chặng đường, trong lòng Tiểu Tĩnh đầy tủi thân, nghĩ rằng tại sao mình có thiện ý mời mọi người đi ăn mà cuối cùng lại chịu tiếng khoe khoang. Rồi cô cũng không còn tâm trạng nào thưởng thức bữa ăn nữa.
Tiểu Tĩnh cuối cùng không kìm nén nổi đã khóc một trận. Để giải quyết vấn đề, cô ấy thử tra tìm trên mạng, đọc được bài viết của tôi về “thủy tinh tâm”, cảm thấy đồng cảm, liền tới xin tư vấn.
Sau khi hiểu được câu chuyện, tôi hỏi Tiểu Tĩnh: “Bạn nghĩ nguyên do của “thủy tinh tâm” là từ đâu?”
Tiểu Tĩnh nghĩ một lúc nói: “Có lẽ liên quan đến môi trường trưởng thành của tôi. Từ nhỏ tôi đã sống trong sự bao bọc của bố mẹ, rất hiếm khi bị từ chối. Bố mẹ dường như sắp đặt hết mọi thứ cho tôi, tôi chỉ cần học tập tốt là được. Lên đại học, không còn bố mẹ bên cạnh chăm sóc, tôi một mình bên ngoài, mới đầu cũng là vì mình kì vọng quá cao, nghĩ rằng những người bạn cùng phòng chính là bạn thân cả đời. Khi mới vào kí túc đã thật lòng đối đãi với tất cả mọi người, nhưng cuối cùng lại không được đáp lại như những gì mình mong muốn.”
Rõ ràng, Tiểu Tĩnh đã nhận thức được ảnh hưởng của môi trường sống đối với một người. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện thuận lợi nên cô rất ít bị từ chối, xác suất bị chỉ trích cũng rất nhỏ. Khi đột nhiên chịu sự đả kích thì không biết làm cách nào điều chỉnh tâm trạng. Còn có một nguyên nhân quan trọng hơn chính là kì vọng quá mức của Tiểu Tĩnh với những người bạn cùng phòng. Khi hiện thực và kì vọng khác nhau, tâm trạng cô ấy sẽ khó tránh khỏi lên xuống thất thường, triệu chứng “thủy tinh tâm” cũng bắt đầu manh nha.
Mối quan hệ giữa “thủy tinh tâm” và nền tảng vật chất
Hoàn cảnh của Tố Tố hoàn toàn khác với Tiểu Tĩnh. Tố Tố sinh ra và lớn lên ở một thôn nhỏ tại một vùng đất nghèo khó, trước khi lên đại học chưa từng ra thành phố. Bố mẹ của Tố Tố đều là những người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời, trình độ văn hóa không cao, nhưng lại rất coi trọng việc Tố Tố học đại học. Khi Tố Tố học cấp ba, để có thể chăm sóc cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của Tố Tố, lúc nông nhàn mẹ Tố Tố tìm một công việc làm thêm ở nhà ăn trong trường cấp ba của cô, một mặt kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình, mặt khác có thể để mắt đến Tố Tố nhiều hơn.
Mới đầu Tố Tố cảm thấy rất vui với sự xuất hiện của mẹ ở trường. Nhưng không bao lâu sau, cô ấy nhận ra bạn bè xung quanh bắt đầu bàn tán về mình. Không ít những kẻ ngồi lê đôi mách gièm pha việc mẹ Tố Tố làm thêm ở nhà ăn, cứ như thể bắt thóp cô. Tố Tố rất đau lòng, cũng trở nên ngày càng tự ti.
Tố Tố sợ kết bạn, càng sợ bị bạn bè chế giễu. Lên đại học, Tố Tố ở một mình bên ngoài, số tiền mỗi tháng bố mẹ gửi cho ngay cả ba bữa hàng ngày cũng khó bảo đảm. Bạn bè mời dự tiệc hay rủ đi liên hoan, Tố Tố cũng luôn phải tìm cớ khước từ. Khi người khác có ý mời cô ăn uống, phản ứng đầu tiên của Tố Tố không phải là vui mừng, mà là cho rằng người đó đang thương hại mình. Những người mời cô vốn có thiện chí, cuối cùng cũng mất hứng.
Tố Tố sợ xã giao, sợ người khác xem thường mình, tất cả những điều này là biểu hiện của sự tự ti. Tự ti khiến con người trở nên nhạy cảm, đa nghi, giống như một con nhím, lúc nào cũng xù những chiếc gai sắc nhọn của mình lên, khiến người khác không dám đến gần. Thường xuyên cảm thấy người khác coi thường mình, nhằm vào mình, chế giễu mình. Ở một mình, không giao lưu với người khác, ngoài việc trong lòng chất chứa ngày càng nhiều những nỗi niềm khó giải tỏa, Tố Tố còn để lại ấn tượng cho người khác là một người cô độc, tự nhiên cũng sẽ không dám tới gần cô. Vòng tuần hoàn xấu cứ thế lặp lại.
Nghèo khó tất nhiên khiến người ta gặp nhiều trắc trở hơn, có người coi đó là một cách tôi luyện, có người càng lún sâu càng không muốn đối mặt với nó. Kiểu người thứ nhất có thái độ sống tích cực, dám đón nhận thử thách. Kiểu người thứ hai sẽ chỉ rơi vào hố sâu tự ti.
Tôi từng có một người bạn cùng phòng mồ côi cha mẹ, sống nhờ vào tiền dưỡng lão của ông bà nội. Nhưng người khác không bao giờ thấy vẻ tự ti trên gương mặt cậu ấy. Chuyện cậu ấy thường chia sẻ với chúng tôi là tình yêu thương của ông bà nội dành cho cậu và những ngày tháng vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc cùng ông bà. Để kiếm thêm tiền chi tiêu cho gia đình, lúc nghỉ hè cậu ấy tìm một công việc làm thêm, một ngày làm hơn mười tiếng đồng hồ, không than phiền, trách móc. Khi người khác hỏi, cậu ấy cũng không cảm thấy ngại ngùng, ngược lại còn thoải mái khoe bộ đồ làm việc của mình trên mạng xã hội, chia sẻ câu chuyện hài hước gặp phải ngày hôm đó.
Có thể thấy, cùng một hoàn cảnh, tâm thái khác nhau, đón nhận thế giới cũng khác nhau. Phải tin tưởng, tâm trạng tốt sẽ đem lại may mắn, tâm thái tốt sẽ mang đến vận mệnh tốt. Lạc quan một chút, tích cực một chút, không thể là con nhà giàu, thì nỗ lực biến bản thân thành người giàu có!
Ngoài ảnh hưởng của giới tính, môi trường trưởng thành, việc suy diễn quá mức cũng là một trong những nguồn gốc chủ yếu của “thủy tinh tâm”, thông thường thì chính là do bạn quá rảnh rỗi! Nhìn lại những tổn thương mà “thủy tinh tâm” mang đến cho bạn, có phải là 80% đều đến từ những suy nghĩ linh tinh của bản thân bạn trong lúc rảnh rỗi hay không? Làm cho bản thân trở nên bận rộn hơn, phong phú hơn, hướng sự tập trung sang những cái khác cũng là phương thức hiệu quả giải vấn đề “thủy tinh tâm”.
Nguồn gốc của “thủy tinh tâm” rất nhiều, ảnh hưởng của gia đình là cơ bản, nhưng không phải tất cả. Nhận thức đúng đắn về “thủy tinh tâm” cũng là tiến một bước gần hơn để thoát khỏi trái tim mong manh quá đỗi nhạy cảm này.
Bình luận