Chương 2. Bạn xứng đáng có được thứ tốt hơn! - Phần 2.Đại học không yêu thì sẽ không trọn vẹn sao?

icon
icon
icon

Tình yêu, xưa nay đều không phải là thứ có thể học được. Đó chũ là vào đúng thời điểm, bạn gặp đúng người, hai người yêu mến nhau, chấp nhận nhau, có mong muốn được nắm tay nhau đi suốt quãng đời còn lại. Nếu mỗi hành động của bạn dành cho cô ấy đều xuất phát từ tình yêu, thì căn bản không cần bạn phải cực khổ rèn luyện theo nguyên tắc của những người đàn ông hoàn hảo.
Tình yêu trong tháp ngà
Tình yêu trong tháp ngà là kiểu tình yêu không quá chú trọng vật chất, cần nhiều sự lãng mạn hơn. Người ta theo đuổi tình yêu này giống như muốn leo lên bức tường thành vậy. Người bước vào rồi thì muốn ra ngoài. Người chưa bước vào lại liều mình xông vào, chỉ sợ rằng nếu bỏ lỡ sẽ hối tiếc cả đời.
Rất nhiều người nói: Sinh viên đại học chưa từng trốn tiết, chưa từng nợ môn, chưa từng yêu thì đó là thời sinh viên không trọn vẹn. Yêu đương thời đại học dường như đã trở thành một “môn học bắt buộc”, một trào lưu.
Năm thứ nhất, giữa bạn bè với nhau đã không còn nhiều những trao đổi về kì thi đại học nữa. Các nhóm chat trở thành nơi các cặp đôi “thả thính”, khiến cho hội độc thân không khỏi “chạnh lòng”.

Ngày lễ tết về nhà, lúc gia đình sum họp, người lớn trong nhà đa phần không tiện hỏi trực tiếp, các anh chị lớn tuổi hơn một chút bèn tự nhận nhiệm vụ thúc giục đàn em “yêu đương”. Nếu trả lời đã yêu, những người trong gia đình lập tức ồn ào náo nhiệt giục đưa người yêu về ra mắt; nếu trả lời chưa yêu, các anh chị lại tỏ ra ngờ vực. Các bậc cha chú dù cố gắng ngăn đám anh chị “càn quấy” lũ em, nhưng trên mặt không giấu được nụ cười. Nếu học đại học bạn không yêu, cứ như là bạn đã biến thành một người lập dị vậy.
Yêu có cần mánh khóe không?
Có người cho rằng tình yêu thời đại học không thể gọi là tình yêu, cùng lắm chỉ có thể coi là kiểu sơ khai của tình yêu, tốt hơn nên quy về tình cảm. Có nhiều người còn nói tình yêu không lấy hôn nhân là mục đích, chính là giở trò lưu manh! Tranh luận về vấn đề này rất nhiều, nhưng đại ý chính là muốn nhấn mạnh, đối với tình yêu chúng ta nên thật lòng.
Có lần một người bạn học đến trường thăm tôi, đương nhiên cậu ta dẫn theo người yêu. Chúng tôi cùng đi ăn, tôi khó tránh khỏi bị gạt ra rìa.
Tôi không khỏi tò mò hỏi cậu ấy: “Cậu giỏi thật, hai người yêu nhau khi nào vậy?”
“Quen nhau khi mới khai giảng và tham gia câu lạc bộ ngoại khóa, từ cái nhìn đầu tiên tôi đã thích cô ấy” – cậu ta vừa nói vừa nhìn cô bạn gái say đắm.
Bạn gái cậu ấy hiển nhiên rất hài lòng với câu nói này, mặt bỗng nhiên đỏ ửng như quả cà chua. Tôi ngước mắt lên trời, thốt lên một câu: “Thật hạnh phúc!”
Sau đó một thời gian, tôi chat với cậu ấy, cũng tiện hỏi về mối tình của cậu ấy với cô bạn kia. Cậu ấy chỉ trả lời qua loa một câu: “Yêu chơi thôi mà, mọi người đều yêu cả.”

Chơi thôi? Chỉ là yêu chơi? Chỉ là vì mọi người đều yêu, chỉ là vì được yêu mà yêu, vì lấp đầy quãng thời gian trống vắng của thời đại học mà yêu? Nghe có chút nực cười, nhưng tình trạng này không hề hiếm gặp.
Tình yêu như vậy đa phần chỉ do những yếu tố kích thích nhất thời. Nó đến vội vàng, đi cũng chóng vánh.
Những năm tháng đại học của bạn, sẽ không vì bạn thiếu một cuộc tình mà trở nên ảm đạm, giống như sẽ không vì một cuộc tình mà khác biệt với số đông. Yêu và không yêu chỉ là hai cách lựa chọn, hoàn toàn không phân tốt xấu.
Buổi tối nằm trên giường kí túc xá, bạn cùng phòng thường hay tán gẫu, chủ đề bàn tán của nam sinh ở kí túc chung quy vẫn là về nữ sinh.
Tôi thật lòng hỏi một câu: “Rốt cuộc như thế nào mới là yêu?” Câu trả lời không hẳn giống nhau, nhưng chung quy không nằm ngoài các kĩ năng để cưa đổ chị em như giúp xách đồ khi dạo phố, đi xem phim tự giác mua bỏng ngô, thường xuyên nói những lời đường mật… Đó chẳng qua là những mánh khóe tán tỉnh. Yêu đương biến thành một hành động có “quy tắc tiêu chuẩn”, thậm chí có thể học cấp tốc. Chỉ cần bạn tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc đó, bạn nhất định sẽ có một mối tình. Đương nhiên, đó chỉ là một cuộc yêu đương, không phải là tình yêu.
Tình yêu, xưa nay đều không phải là thứ có thể học được. Đó chỉ là vào đúng thời điểm bạn gặp đúng người, hai người yêu mến nhau, chấp nhận nhau, có mong muốn được nắm tay nhau đi suốt quãng đời còn lại. Nếu mỗi hành động của bạn dành cho cô ấy đều xuất phát từ tình yêu, thì căn bản không cần bạn phải cực khổ rèn luyện theo nguyên tắc của những người đàn ông hoàn hảo.

Một mình vẫn sống tốt
Trong chương trình “U Can U Bibi”, người dẫn chương trình Hayes nói: “Điều lạ nhất trong cuộc đời con người nằm ở chỗ, những thời khắc cảm động nhất lại xuất hiện vào lúc bạn vẫn chưa chuẩn bị tốt.”
Tôi có một cậu bạn thân, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, từ nhỏ đã có không ít con gái theo đuổi. Cậu ấy cũng là kiểu người hiểu tâm lí phụ nữ, nhưng trước nay chưa từng thấy cậu ấy một lòng một dạ với cô gái nào. Vì không học cùng trường đại học, nên ngoài những cập nhật trên mạng xã hội, tôi có rất ít tin tức của cậu ấy.
Kì nghỉ cùng về quê, hai chúng tôi gặp mặt, nói chính xác hơn là ba người. Khi tôi gọi đồ ra, cậu ấy ôm điện thoại liên tục nhắn tin cho bạn gái. Khi ăn thịt xiên, thấy tay cậu ấy không ngừng bấm điện thoại. Tôi liền chủ động đưa cho cậu ấy xiên thịt nóng hổi, nhưng cậu ấy vẫn mải mê trò chuyện với người ở đầu kia điện thoại, hoàn toàn không chú tâm. Cậu ta giơ tay chỉ vào cái đĩa của mình, ra hiệu tôi cứ bỏ xiên thịt vào đĩa, rồi tiếp tục nhắn tin. Lúc cụng li, mắt cậu ta thoáng rời màn hình điện thoại, đầu ngẩng lên một chút, nhíu mày, tỏ vẻ đang bận, rồi lại chúi đầu vào nhắn tin. Tôi đành uống một mình!
Tình yêu mãi mãi không thể nói đến công bằng. Không phải bạn nỗ lực bao nhiều sẽ được đáp lại bấy nhiều. Đến cuối cùng, người hi sinh nhiều nhất luôn là người tổn thương sâu sắc nhất. Bạn cho đi càng nhiều thì tổn thương càng nhiều. Một cái cau mặt, một nụ cười tươi của cô ấy cũng khiến bạn lên bổng xuống trầm.
Mấy hôm trước tôi xem mạng xã hội mới biết cậu ấy và bạn gái đã chia tay. Nhưng cậu ấy vẫn không muốn buông tay, có lẽ là đã hi sinh quá nhiều, cũng có thể là yêu thật lòng.
Yêu xét cho cùng là một hành trình khám phá bản thân. Chỉ có người từng trải qua mới biết cái mình thật sự cần là gì. Không nhất định có được người mình yêu, nhưng ít nhất cũng tìm ra phương hướng. Một mối tình lành mạnh sẽ giúp hai người thu được rất nhiều, có thái độ sống tích cực hơn.
Nhưng nếu vì được yêu mà yêu, thì tôi sợ rằng sẽ chỉ là chuyện làm tổn thương cả người ta lẫn bản thân mình.
Vì tìm cảm giác an toàn mà yêu, tôi nghĩ không cần thiết. Cảm giác an toàn gửi gắm vào người khác có thể tan biến bất cứ lúc nào. Dựa vào bản thân mình mới là sự bảo đảm tốt nhất.
Có rất nhiều người phản đối sinh viên đại học yêu đương, với lời cảnh báo rằng: “Các bạn sẽ không có kết quả gì.” Phản đối như vậy lại thành ra quá cực đoan. Không phải tất cả mọi việc cứ nhất thiết phải có kết quả thì mới dám thử, mới kiên kì. Hơn nữa, con người sống trên đời có ai có thể thật sự biết trước tương lai? Nếu gặp được người mình thích thì cứ mạnh dạn yêu, mạnh dạn theo đuổi.
Tôi vẫn ngưỡng mộ những tình yêu chân thành ở đại học, thuần khiết đẹp đẽ, có lúc đơn giản chỉ là nụ cười hướng về nhau. Tôi cũng tôn trọng những bạn vì được yêu mà yêu. Kết cục dù không phải bao giờ cũng như ý muốn, nhưng ít nhất bắt đầu một giấc mộng đã là sự tươi đẹp. Ít nhất trong một mối tình, bạn miệt mài tìm kiếm, bỗng nhiên phát hiện ra hình mẫu cô gái mà mình mong muốn và con người lí tưởng mà chính bạn muốn trở thành.
Nhưng, tôi vẫn muốn khuyên bạn tuyệt đối đừng yêu để cho có. Nếu không gặp được đối tượng mình thích, thì một người độc thân như bạn cũng không nhất thiết phải quá ngưỡng mộ những cặp tình nhân, càng không cần buồn tủi. Bạn chỉ cần, khi trời lạnh nhớ mặc thêm áo, khi vấp ngã đừng quên ráng sức đứng dậy. Một mình bạn, cũng có thể chăm sóc tốt bản thân.
Một mình vẫn có thể sống cuộc sống tuyệt vời. Trong khoảng thời gian đó, điều bạn và tôi cần làm là không ngừng trau dồi bản thân, để khi cô ấy đến, chúng ta sẽ có đủ tư cách đồng hành cùng cô ấy, có tư cách nói với cô ấy một câu: “Anh nghĩ rằng, anh xứng đáng với em!”

Bình luận