Trong tình yêu không thể nói đến công bằng, hai người giống như ốc và vít, vừa vặn mới là tốt nhất. Bạn thân mến, đừng oán hận, cũng đừng tự trách mình. Không phải bạn không tốt, cũng không phải đối phương sai, chũ là hai người không hợp nhau. Nhưng rất nhiều đôi tình nhân lại không phải là không hợp nhau, chũ là kết nối chưa hiệu quả. Vậy làm sao mới có thể thực hiện kết nối hiệu quả đây?
Tình yêu không thể nói đến công bằng
Mỗi buổi tối, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của độc giả, Diệp Tử là một người trong số đó. Từ tin nhắn có thể biết được Diệp Tử và bạn trai một đôi “thanh mai trúc mã”. Hai người sống ở một thị trấn nhỏ, từ tiểu học đến cấp ba đều học chung trường, sau đó lại thi vào cùng một trường đại học trọng điểm. Chuyên ngành học của Diệp Tử là tài chính, của bạn trai là khoa học vật liệu. Mặc dù cùng trường, nhưng ở hai khu khác nhau, thời gian hai người bên nhau không nhiều như họ mong muốn.
Bạn trai của Diệp Tử thích kết giao, năm thứ nhất đăng kí tham gia hội sinh viên, hiện nay đã là hội phó. Mỗi khi đến tìm bạn trai, Diệp Tử đều không gặp được. Bạn trai cô nếu không chạy việc cho giáo viên phụ trách thì cũng giải quyết vô số việc của hội sinh viên.
Diệp Tử rất quan tâm đến bạn trai. Tuy thỉnh thoảng cũng phiền lòng vì sự vắng mặt của cậu ấy, nhưng vẫn toàn tâm toàn ý ủng hộ. Cảm thấy bản thân mình không giúp được gì cho người yêu nên cô ấy cũng không muốn làm phiền.
Trong chuyện tình cảm, bên nhận thường vô tâm. Tình cảm của Diệp Tử với bạn trai như dòng nước, lặng lẽ mà da diết. Theo lời của Diệp Tử, bạn trai cảm thấy hai người ở bên nhau không có cảm xúc mãnh liệt, chẳng bao lâu sau cậu ta thành đôi với một cô em khóa dưới.
Diệp Tử muốn níu kéo tình cảm, yêu cầu bạn trai nói cho cô ấy biết mình không tốt ở điểm nào, chỉ cần cậu ta nói ra, cô đều sẵn lòng thay đổi.
Người bạn trai tự biết mình có lỗi, an ủi Diệp Tử: “Xin lỗi, Diệp Tử, không phải em không tốt, đều là lỗi của anh. Chúng ta thực sự không hợp nhau. Hãy tha thứ cho anh! Sau này anh sẽ xem em như em gái, việc của em cũng là việc của anh!”
Chỉ là một câu “không hợp nhau”, càng khiến người ta bất lực, khiến người ta muốn khóc mà không khóc được. Bất luận bạn tranh đấu thế nào cũng sẽ không giải quyết được vấn đề. Diệp Tử cảm thấy cuộc sống không còn hi vọng, không thể nghĩ ra bản thân mình rốt cuộc sai chỗ nào, tình cảm hơn mười năm giữa hai người cuối cùng không bằng một năm ở bên cô em gái khóa dưới. Người con gái xưa nay ấm áp, dịu dàng như Diệp Tử cuối cùng đã chọn cách tự sát, may mà bạn cùng phòng kịp thời ngăn cản.
Tôi không trả lời Diệp Tử ngay lập tức, đợi Diệp Tử kể xong, tôi mới đáp: “Không phải bạn không tốt, chỉ là tình yêu đích thực vẫn chưa đến. Mẹ bạn nuôi bạn hơn hai mươi năm, không phải để bạn vì một người nào đó mà chết đi sống lại. Còn bạn trai kia nói sẽ coi bạn như em gái, bạn chỉ cần đáp lại một câu ‘Thôi khỏi!’ rồi cho cậu ta vào danh sách đen không liên lạc là xong.”
Không phải bạn không tốt, là do thời điểm bạn gặp người ta quá sớm, người ta chưa chuẩn bị tốt, bạn đã muốn cho đi tất cả. Tình yêu rất quan trọng duyên phận, đúng người, đúng thời điểm, tình yêu mới có thể hạnh phúc viên mãn. Dưa chưa héo cuống đã hái ăn sẽ không ngọt – đạo lí đơn giản này rõ ràng ai cũng hiểu, nhưng cuối cùng không ít người vẫn để bản thân vật lộn trong đau khổ.
“Không phải em không tốt” chỉ là một cách từ chối khéo léo. Chúng ta đều sợ làm tổn thương lẫn nhau, chuyện chia tay đã định trước sẽ làm tổn thương một bên. Khi một bên đưa ra lời chia tay, tình yêu của hai bạn cũng đã đi đến điểm kết thúc. Hãy thông minh một chút, hiểu chuyện một chút! Quấy rầy sẽ chỉ làm cho đôi bên rạn nứt thêm. Yêu được tất cũng bỏ được! Không phải là bởi vì sau này còn có thể làm bạn. Chỉ là không nhất thiết cứ phải vì một người không có kết quả mà lãng phí thời gian.
Trong tình yêu không thể nói đến công bằng, hai người giống như ốc và vít, vừa vặn mới là tốt nhất. Bạn thân mến, đừng oán hận, cũng đừng tự trách mình. Không phải bạn không tốt, cũng không phải đối phương sai, chỉ là hai người thật sự không hợp nhau.
Tình yêu không phải là tất cả cuộc sống. Dù một mình, bạn cũng phải chăm sóc tốt bản thân, làm cho bản thân trở nên ưu tú, làm bản thân trở nên đủ mạnh mẽ. Bài hát Hương vị của cỏ chanh của ca sĩ Thái Y Lâm có câu:
“Em đã từng nếm hương vị ngọt ngào của tình yêu; chúng ta đều không sai, chỉ là không hợp nhau;
giờ đây em mới hiểu mình cần những gì; niềm vui là của riêng em chứ không phải anh trao cho; cô đơn cũng phải tự gánh vác; giờ đây em mới hiểu mình cần những gì; lựa chọn là của em, không phải anh trao cho; hạnh phúc phải tự mình gánh vác; thứ anh đã bỏ lỡ, xin anh hãy nắm chắc.” Thứ bạn cần, bạn có thực sự hiểu không?
Nhiều khi, trong khoảnh khắc nào đó, chúng ta lí trí đến đáng sợ – đó chẳng qua là cảm xúc bị bản thân che đậy. Tất cả hồi ức đẹp đẽ trong chốc lát bị xóa sạch. Không phải không muốn nhớ, chỉ là không muốn gợi lại mà thôi.
Chỉ là do các bạn đã gặp vấn đề trong khi kết nối
Thế giới thì rộng lớn, duyên phận lại nhỏ bé. Vô tình gặp nhau giữa nhân gian muôn trùng, lại có may mắn dắt tay nhau đi qua một đoạn hành trình. Có người nói, tình yêu đích thực không phải cứ mệt mỏi là buông tay, không phải cứ không hợp là chia cắt, mà là ngay cả mệt mỏi nữa cũng muốn ở bên nhau, dù không hợp cũng cố gắng nắm lấy.
Ý kiến này tôi chỉ đồng ý một phần. Quả đúng là, nhiều khi sự “không hợp” của hai người chỉ là do cách kết nối có vấn đề.
Tiêu Uyển là một độc giả của tôi, mới tốt nghiệp cấp ba. Đọc bài viết của tôi xong dường như đã ghiền luôn, cho rằng những “tên cặn bã” phải bị lên án. Bạn trai của cô ấy chính là một “tên cặn bã” đúng nghĩa, nhưng cô ấy vẫn không thể buông được, cô muốn biết phải làm thế nào.
Tôi hỏi: “Bạn trai của em cụ thể ‘cặn bã’ như thế nào?”
“Anh ấy quá hướng nội! Trên phố, anh ấy không muốn nắm tay em; em bảo anh ấy đưa em đi xem phim, phim rất cảm động, em ghé đầu vào vai anh ấy, nhưng anh ấy không cho. Anh ấy chắc chắn không yêu em! Bạn trai người ta đều muốn ôm bạn gái trong vòng tay, nhưng anh ấy chưa từng muốn thể hiện sự âu yếm nơi công cộng. Bạn trai người ta đều… Cái “tên cặn bã” này, mỗi lần em nói như thế, anh ấy đều gào lên bảo em đi với người khác đi, em liền đáp “không”, em chỉ muốn dựa vào anh ấy, khiến anh ấy tức chết!”. Tiêu Uyển trút ra một tràng, cơ bản đều là bạn trai người ta như thế này, như thế kia, còn bạn trai mình chỉ là một tên đầu đất, cái gì cũng không hiểu.
Tôi đùa: “Thế mà em vẫn thích anh ấy đấy thôi, anh ấy có gì đáng để thích sao?”
Tiêu Uyển hơi tức giận: “Sao anh lại hỏi như vậy?! Anh ấy thật ra cũng không tệ, em bị ốm anh ấy luôn bên em; ngày sinh nhật, anh ấy giấu em âm thầm tổ chức cho em một buổi tiệc đặc biệt lãng mạn; anh ấy còn…”
Tôi ngắt lời Tiêu Uyển, đáp: “Em và bạn trai ‘cặn bã’ đó không phải là không hợp. Hai người chỉ chưa biết cách kết nối thôi.”
Rất nhiều cặp tình nhân không phải không hợp nhau, chỉ là không biết cách kết nối có hiệu quả. Từ lời Tiêu Uyển, có thể biết rằng bạn trai của cô ấy là một chàng trai khép kín, cách biểu đạt tình yêu có thể không giống trong tưởng tượng của Tiêu Uyển, khiến cô ấy cảm thấy chưa thỏa mãn.
Lúc đó, nếu điều Tiêu Uyển nói với anh ta không phải là bạn trai người ta như thế nọ, bạn trai người ta như thế kia, mà bày tỏ rằng cô ấy cũng muốn được thế này thế kia, có lẽ bạn trai cô ấy sẽ không phản ứng như vậy.
Từ nhỏ chúng ta thường nghe phụ huynh nói “Con nhà người ta như thế nọ... con nhà người ta như thế kia...” – luôn là “con nhà người ta” tốt. Bây giờ chúng ta đã thoát khỏi những lời so sánh với “con nhà người ta” từ miệng bố mẹ, nhưng lại áp đặt cảm giác đó cho người chúng ta yêu thương.
Bạn trai người ta như thế nào, bạn trai người ta ra sao, mãi mãi chỉ là điểm tốt của người khác. Trong tình yêu, điều đáng sợ nhất là so sánh, như thế bạn sẽ mãi mãi không thỏa mãn, mãi mãi sống dưới cái bóng của người khác. Bạn chỉ cần nói với người yêu những điều bạn muốn, nói ra ý nghĩ chân thật nhất của bạn. Phương thức kết nối hiệu quả có thể giảm thiểu mâu thuẫn không đáng có giữa hai người, góp phần hiện thực hóa kết quả mà bạn mong muốn.
Làm sao kết nối có hiệu quả
Vậy rốt cuộc kết nối có hiệu quả là như thế nào?
Nhà xã hội học nổi tiếng người Đức - Jürgen Habermas trong tác phẩm “Lí luận hành vi giao tiếp” đã chỉ rõ, kết nối có hiệu quả nhất thiết phải đáp ứng bốn điều kiện: (i) tính lĩnh hội, (ii) tính chân thực, (iii) tính chân thành, và (iv) tính đúng đắn.
Ví dụ, giáo viên yêu cầu bạn làm bài tập:
(i) Xét về tính chân thực, sách giáo khoa của chúng ta hiển nhiên đều có câu hỏi luyện tập cuối bài;
(ii) Xét về tính đúng đắn, giáo viên đóng vai trò người dẫn dắt môn học của chúng ta, có quyền yêu cầu chúng ta làm bài tập;
(iii) Xét về tính chân thành, giáo viên yêu cầu bạn làm bài tập là vì muốn tốt cho bạn, giúp bạn có thể học được kiến thức;
(iv) Xét về tính lĩnh hội, khi bạn cảm thấy độ chân thực, chân thành và đúng đắn của giáo viên, thì bạn sẽ làm bài tập. Nhưng khi bạn nghi ngờ bất kì điều nào trong ba điều này, thì bạn sẽ không lĩnh hội, bạn sẽ từ chối làm bài tập.
Tiếp đó, để kết nối có hiệu quả, còn cần hai điều kiện thiết yếu:
Thứ nhất, người bày tỏ có thể biểu đạt chi tiết những điều mình nghĩ, sao cho người tiếp nhận có thể hiểu;
Thứ hai, trong quá trình biểu đạt, phải quan sát sự thay đổi cảm xúc của người tiếp nhận, xem đối phương có thể tiếp nhận cách thức biểu đạt hiện tại hay không.
Ví dụ, Tiêu Uyển muốn bạn trai và mình có nhiều cơ hội thể hiện sự âu yếm nơi công cộng hơn. Ban đầu cách làm của Tiêu Uyển là trách móc bạn trai không giống bạn trai người khác, cô ấy đúng là đã bày tỏ mong muốn của bản thân, nhưng không để ý đến sự thay đổi cảm xúc của bạn trai, vì vậy cơ bản không thể kết nối có hiệu quả.
Nếu ban đầu Tiêu Uyển không trách móc bạn trai, mà chân thành nói ra suy nghĩ, mong muốn thật sự của mình thì: xét từ tính chân thành và tính đúng đắn, Tiêu Uyển muốn tình yêu của hai người vững chắc, là hợp tình hợp lí; xét từ tính chân thực, biểu hiện của bạn trai thực sự khiến Tiêu Uyển không hài lòng, như vậy là có chuyển biến. Lúc này nếu bạn trai Tiêu Uyển chấp nhận suy nghĩ của cô ấy, sẽ tạo ra hiệu quả là yêu cầu có thể lĩnh hội, hình thành kết nối có hiệu quả. Nếu bạn trai cảm thấy lời Tiêu Uyển nói hoàn toàn chỉ là vô cớ gây sự, thì tính đúng đắn của kết nối sẽ không tồn tại, kết nối cũng mất hiệu lực.
Hãy thử nghĩ về ý định ban đầu của bản thân, ngoài việc phải xem xét lại mình, cũng phải xem xét đối phương có thể tiếp nhận và chấp nhận đề nghị của mình không. Cho nên, xét về mặt kết nối, nhiều khi không phải các bạn không hợp, mà chỉ là kết nối có vấn đề. Đừng kì vọng thay một người khác là sẽ hợp, hãy quý trọng chàng trai trước mắt bạn!
Đương nhiên, tình yêu cũng không phải hoàn toàn do kết nối không hiệu quả mà dẫn tới không hợp. Như trường hợp Diệp Tử, trước sự thay đổi tình cảm của bạn trai, không nhất thiết phải làm phiền quá nhiều, càng không nhất thiết làm tổn thương bản thân mình. Không phải bạn không tốt, chỉ là tình yêu đích thực vẫn chưa đến.
Trắc nghiệm: Khảo sát khả năng kết nối của bạn
Hãy làm một bài trắc nghiệm nhỏ để thử xem khả năng kết nối của bạn như thế nào nhé!
1. Bạn có thể sống hòa hợp với người bên cạnh bạn không?
A. Có B. Không
2. Bạn có tận dụng ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ bản thân biểu đạt chính xác hơn không?
A. Có B. Không
3. Bạn có biết lắng nghe ý kiến của người khác, đứng trên lập trường của người khác suy nghĩ không?
A. Có B. Không
4. Bạn có thể gọi chính xác tên của hầu hết bạn học hoặc đồng nghiệp không?
A. Có B. Không
5. Khi bạn nói chuyện với người khác, bạn có chú ý đến sự thay đổi cảm xúc của đối phương không?
A. Có B. Không
6. Bạn có phải là một người biết lắng nghe, không tùy tiện ngắt lời người khác?
A. Có B. Không
7. Bạn có sở hữu năng lực chuyên môn tốt không?
A. Có B. Không
8. Bạn có phải một người tâm lí, bao dung người khác không?
A. Có B. Không
9. Bạn có phải người chọn thỏa hiệp, cho rằng bầu không khí ôn hòa quan trọng hơn cả?
A. Có B. Không
10. Có phải trong trường hợp người khác không thể giúp đỡ, bạn vẫn bày tỏ lòng biết ơn?
A. Có B. Không
Phân tích kết quả trắc nghiệm:
(1) 7 câu trả lời “có” trở lên
Chúc mừng, bạn là một người kết nối cởi mở. Sẽ có người cho rằng bạn thuận lợi mọi bề, nhưng không có nghĩa bạn sành đời. Chỉ là bạn biết trong một vài trường hợp, tranh luận với người có quan điểm khác biệt không có tác dụng gì, nhưng trong lòng đã sớm có hướng giải quyết. Bạn biết sử dụng linh hoạt các cách thức để có thể biểu đạt chính xác quan điểm của bản thân mà vẫn duy trì kết nối với người khác một cách hiệu quả.
(2) 4 - 6 câu trả lời “có”
Kết nối đối với bạn mà nói giống như một chiếc lò xo, gặp người thích hợp luôn có thể giãi bày tâm sự một cách vui vẻ, nhưng gặp phải người bản thân không thích, khả năng kết nối cũng lập tức giảm. Cần biết rằng trong cuộc đời này, bạn sẽ luôn gặp phải người không có duyên với mình, thậm chí là kẻ khiến người ta ghét. Ngoài học cách nói chuyện với người bạn thích, cũng cần học cách kết nối với người bạn không thích.
(3) 3 câu trả lời “có” trở xuống
Bạn là một người kín kẽ, việc kết nối đối với bạn khá khó khăn, bạn luôn lo sợ bị người khác hiểu lầm, nhưng lại không thể biện minh. Bạn cũng thường lên án mạnh mẽ quan điểm sai lầm của người khác. Nắm rõ kĩ năng kết nối thiết yếu rất quan trọng với bạn, không phải để chứng tỏ mình sành đời, mà là để xây dựng bầu không khí kết nối tốt hơn, góp phần xúc tiến công việc của bạn.
Bình luận