Chapter 2

icon
icon
icon

Sếp viện trưởng lúc gặp tôi chỉ căn dặn:
-Cậu nhớ quán triệt tư tưởng ba không, không hỏi, không nghe, không nhìn. Nhớ chịu khó học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn, phục vụ tốt cho công việc.
Sau này tôi mới rõ, nâng cao kiến thức là luôn phải cập nhật các tụ điểm ăn chơi nhưng kín đáo cho sếp, còn tu dưỡng đạo đức là việc ngậm miệng không để lộ tin ra ngoài.
Đang lái xe yên ổn cho sếp được khoảng một năm, cơ quan bất ngờ có vụ xáo trộn lớn. Để chuẩn hóa cán bộ, mọi người trong viện nghiên cứu từ bảo vệ, lao công tạp vụ đến lái xe tối thiểu phải có bằng đại học trở lên, đám cán bộ, nhân viên các phòng ban phải có bằng thạc sĩ. Cả cơ quan mọi người nháo nhào suốt tuần vừa rồi, tôi nghe nói mấy mẹ khối văn phòng chuyên checkin sống ảo, dạo này chịu khó vào mạng để tìm kiếm thông tin về việc mua bán bằng cấp. Biết thân biết phận, tôi lục tìm số điện thoại của cậu shipper trẻ lần trước và bày tỏ nguyện vọng mua tấm bằng đại học cho vào hồ sơ. Cậu thanh niên chốt ngay:
-Bây giờ bác mua bằng đại học mất 4 triệu 500 ngàn, ai dám đảm bảo cơ quan vài năm sau không đòi hỏi nâng cao trình độ, lúc đó mất thêm tiền mua bằng thạc sĩ. Hiện nay bên em đang có đợt sale khủng, nếu bác mua combo cả bằng đại học lẫn bằng thạc sĩ, em lấy có 6 triệu thôi. Bình thường mua riêng mất 10 triệu cho hai loại rồi.
Xót tiền nên tôi cố nói vớt:
-Thôi mày cho anh cái bằng tại chức cũng được.
Cậu thanh niên phá lên cười:
-Bác số đen rồi, bình thường bằng tại chức rẻ hơn bằng chính quy 2 triệu, nhưng khi có quy định mới công nhận hai loại bằng đó như nhau. Hiện nay bằng tại chức hay bằng chính quy đều đồng giá 4 triệu 500 ngàn, bác không mua nhanh, khéo lại tăng giá vì nhu cầu đang cao.
Nghe bùi tai, tôi vay mượn để chồng đủ tiền nhằm hoàn thiện con đường học vấn của mình. Khác với việc mua mấy cái chứng chỉ lần trước, lần này tôi phải thuê bộ áo thụng với mũ vuông để chụp hình cho thêm phần chân thực. Theo sự tư vấn của cậu bán hàng có tâm, bằng đại học của tôi sẽ là bằng chuyên ngành chế tạo máy, như vậy quá hợp với nghề lái xe, còn bằng thạc si là chuyên ngành tâm lý giáo dục. Theo cách giải thích của cậu bán bằng, do ngành đó ít ai buồn để tâm.
Mấy hôm sau có lễ trao bằng cho các thạc sĩ học giả (chỉ ghi danh) nhưng có bằng thật được tổ chức, tôi đến chụp ảnh ké, vì là thạc sĩ dzom toàn phần nên cậu bán bằng còn kì công kiếm cho tôi thêm một ông già hom hem, sau này tôi mới biết là bảo vệ đêm ở siêu thị. Ông này đóng vai giáo sư tiến sĩ mặc bộ thụng đỏ đứng trao bằng cho thằng thạc sĩ dzom áo thụng lam là tôi. Sau buổi chụp hình cầm hoa giả, bằng giả và đứng cạnh ông giáo sư tiến sĩ cũng giả nốt, đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc về con đường học vấn.

Ngày xưa trên tivi, tối nào cũng xuất hiện các ông giáo sư tiến sĩ thay nhau ngồi phát biểu về mọi vấn đề của cuộc sống. Hồi đó tôi ngưỡng mộ lắm, nhưng cụ cố nội tôi nói luôn “nghe mấy lão này có mà đổ thóc giống ra mà ăn”. Thời gian trôi qua, hóa ra cụ cố nội tôi nói đúng, các bố toàn nói phét có làm được gì đâu. Riếng cá nhân tôi, có lẽ tờ chứng nhận đã hoàn thành chương trình Tiểu học và giấy xác nhận hộ cận nghèo là thật.
Hôm nay trên tivi có lão tiến sĩ tâm lý đang tư vấn về giáo dục, kiểu như xui phụ huynh ăn cứt gà vậy. Tự nhiên tôi thầm tiếc, giá ngày xưa bớt bia bọt và đánh lô đề dành tiền mua luôn bằng tiến sĩ, khéo kẻ ngồi chỗ đó để phán như thánh sống có khi là mình, đâu đến lượt lão dở hơi ăn cám lợn đó. Ngẫm lại, đúng là bây giờ thạc sĩ, tiến sĩ nhiều như cá Basa ở đồng bằng sông Cửu Long vậy, thật giả lẫn lộn.
Phải chăng:
“Toét mắt là tại hướng Đình.
Cả làng mắt toét chứ mình em đâu.”

Bình luận