Nửa đêm con sông Hoài trở lại vẻ tĩnh lặng thường thấy, những xà lan hút cát đã chuyển đi nơi khác hoạt động, nơi đây chỉ còn ánh trăng soi tỏ xuống dòng nước hiền hoà, thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy gần mấy con đò cắm sào sau một ngày chở khách qua sông. Khi tiếng chim lợn đầy ma quái từ cuối làng vọng lại, cộng thêm tiếng mấy con vạc ăn đêm kêu thảm thiết, người thiếu phụ lặng lẽ lấy tấm chăn mỏng đắp cho con trai đang say giấc nồng. Trong màn đêm được soi tỏ bằng ánh trăng mờ ảo, cô nhẹ bước từ bờ sông vào làng, lúc này chỉ còn tiếng gió thổi khiến hàng cây xào xạc, thi thoảng có vài con chuột chạy ngang đường để chui vào hang, triền đê vắng lặng không một bóng người. Sở dĩ cô chọn thời điểm nửa đêm về sáng là có nguyên do, cậu con trai từ lúc sinh ra đã ốm yếu, ngoài việc lo thuốc thang, cụ lang còn khuyên phải mua quả cật lợn về tẩm bổ. Ngay cuối làng có lão Triệu chuyên mổ lợn, do vậy hễ dành dụm được chút tiền, cô sẽ đến mua khi con lợn vừa mổ phanh để được món tươi ngon. Sống trên con đò hết năm này qua năm khác, con trai là động lực để chèo đò bất kể nắng mưa, thậm chí nửa đêm gà gáy có khách gọi cũng chẳng chối từ. Năm xưa khi cô chèo đò đưa người yêu qua sông lên tỉnh, sau bao năm ăn học, người cô yêu đã trở thành kĩ sư canh nông tìm về chốn cũ. Khi chuẩn bị đưa khách qua sống, đứng trên con đò nhìn thấy người xưa, , cô chỉ biết nhắc lại câu ca thay lời oán trách:
“Hoa đến
kì thì hoa phải nở
Đò đã đầy thì đò phải sang sông…”
Đi dọc triền đê rồi băng qua con đường nhỏ dẫn
đến nhà lão Triệu, thiếu phụ biết con đường không quá xa, nhưng phải đi qua
nghĩa trang cuối làng nên nhiều người chẳng dám bén mảng. Lúc ngang qua thôn Hạ,
người thiếu phụ thấy cụ Vạn dù nửa đêm vẫn ngồi ngoài cửa chải tóc và hát ru à
ơi, dù chẳng ai nghe lời ru đó. Đi một quãng xa, nhưng tiếng hát ru của cụ Vạn
như bám theo bước chân, đã nhiều lần cô tự hỏi, chồng con cụ đã chết từ lâu, vậy
điệu hát ru dành cho ai. Qua thôn Hạ vào đến thôn Thượng, tiếng lách cách bên
khung cửi của cô Nhài vẫn vang lên không ngừng nghỉ. Do sang tháng sẽ xuất giá
tòng phu, chính vì thế cô Nhài miệt mài dệt vải kịp bán phiên chợ huyện nhằm có
thêm lưng vốn khi về nhà chồng. Sở dĩ người thiếu phụ để ý đến hai người đó, bởi
họ là khách đi đò chuyến cuối cùng trong ngày của cô. Bao năm chở đò, cô nhớ mặt
thuộc tên mọi người từ già đến trẻ, thậm chí cả những lữ khách lạc bước tới bến
sông, con đò chở người sống thường xuyên, nhưng lâu lâu cũng chở cả người chết
về chôn trong lòng đất mẹ, đó là những người làm ăn xa được quay về nơi chôn
nhau cắt rốn. Đứng nép mình sau cây nhãn, người thiếu phụ lặng lẽ quan sát lão
Triệu nhấc bổng con lợn 80 cân đặt lên chiếc ghế dài, ngay phía dưới có chiếc
thau nhôm to để hứng tiết. Sau khi dùng con dao cắm ngập vào cổ con vật, đợi
khi dòng máu chảu xối xả vào thau nhôm đến cạn kiệt, lão đẩy con lợn ra gần chỗ
bếp củi có nồi nước đang sôi sùng sục, việc cạo lông rồi xả thịt sẽ được làm
không ngơi tay. Trừ những ngày giáp tết, bình thường mỗi đêm lão Triệu giết thịt
hai con lợn cho vợ bán chợ làng và con gái bán chợ huyện. Quan sát một lúc, chợt
nhớ ra mình quên mang theo tiền, người thiếu phụ đành ngậm ngùi chẳng dám bước
vào hỏi mua chịu, mặc dù lão Triệu cùng vợ con là khách đi đò quen.
Khi việc xả thịt, lọc xương hoàn tất, lão Triệu
rửa chân tay rồi khoác áo nâu sồng ngồi gõ mõ, tụng kinh ở ngôi miếu xây trong
vườn nhà. Có lẽ sợ dính nghiệp sát sinh quá nặng, bởi thế khi buông dao là tiếng
mõ hoà cùng tiếng kinh vang lên. Chẳng hiểu sao người thiếu phụ lại thấy vấn
vương tiếng kinh cầu, cô thấy lòng nhẹ bẫng và an yên đến lạ, duy có điều tiếng
gõ mõ của kẻ vừa sát sinh nghe vẫn nặng như tiếng dao thớt vậy. Lúc tiếng gà
gáy đầu tiên từ giữa làng vang lên kéo theo tiếng gáy dường như bất tận qua ba
thôn của lũ gà, người thiếu phụ lặng lẽ quay về con đò trước khi trời hửng
sáng.
Bình luận