Chapter 2

icon
icon
icon

Cả một ngày đi dọc con suối nhưng Vĩnh Lộc vẫn chưa vẽ được bức nào ưng ý, nếu chỉ cần kí họa mấy ngọn núi cao trước mặt hay bờ lau bên suối, chắc anh không phải mất công như vậy. Vĩnh Lộc ngước nhìn dãy núi Tây Côn Lĩnh sừng sững trước mặt, anh biết nơi đây khó có đường vào, cũng chẳng có đường ra nên đành ngồi nghỉ chân cho đỡ mệt, chút nữa anh chàng người La Chí vào rừng kiếm thảo dược sẽ quay ra đón Vĩnh Lộc đưa về bản như đã hứa. Trời về chiều nhanh chóng đổi màu đến kì lạ, những áng mây trắng đang bồng bềnh trôi bỗng chốc chuyển màu thành mây ngũ sắc, Vĩnh Lộc dụi mắt không tin vào mắt mình bởi vẻ đẹp kì thú từ thiên nhiên, bất chợt có tiếng bước chân từ bờ suối vọng lại. Giữa khung cảnh rừng núi hoang sơ, một cô sơn nữ có vẻ đẹp tuyệt trần tiến lại gần chàng họa sĩ, choáng ngợp trước vẻ đẹp hiếm có, Vĩnh Lộc vội cầm phấn màu vẽ như sợ cô gái biến mất. Không ngạc nhiên hay e sợ trước người lạ mặt, sơn nữ mỉm cười ngồi xuống phiến đá cho chàng họa sĩ vẽ, trên tay cô cầm một đoá sen trắng muốt, điều là khá đặc biệt vì loài sen trắng hiếm lại có ở nơi đây. Lúc Vĩnh Lộc vẽ xong bức tranh, trời đất tối dần khiến chàng họa sĩ không nhận ra đường nào để quay về bản, anh chàng dân tộc có nhiệm vụ dẫn đường cũng không thấy đâu. Cô sơn nữ nhận thấy vẻ lo lắng của anh vội lên tiếng trấn an, do đã muộn nên anh không về bản được, tốt nhất hãy nghỉ lại nhà cô một đêm. Theo hướng tay cô sơn nữ chỉ nơi có con đường mòn đi lên núi, Vĩnh Lộc nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ thấp thoáng mờ xa, nhìn thoáng qua tưởng cách vài trăm mét, nhưng Vĩnh Lộc càng leo càng thấy ngôi nhà như cách xa hơn, vừa đói vừa mệt nên anh ngồi thở dốc bên cây trà shan tuyết cổ thụ. Cô sơn nữ vội gom mấy cành củi đốt lửa rồi nhẹ nhàng giải thích:

-Anh yên tâm, trên núi cao không có thú dữ, chỉ để phòng lũ rắn hoặc mấy con trăn đất thôi.

Trên núi cao càng về đêm trời càng lạnh, lửa gần tắt nên từ đống tro tàn hơi ấm không đủ sưởi khiến cho Vĩnh Lộc không sao chợp mắt được. Dù đã đi điền dã khắp nơi, ăn rừng ngủ suối cũng nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên anh nằm cạnh một người con gái xinh đẹp. Như đồng cảm với những suy nghĩ của chàng họa sĩ, cô sơn nữ kéo Vĩnh Lộc nằm sát lại, cô muốn hơi ấm từ cơ thể của mình giúp anh dễ ngủ hơn. Hơi ấm cùng mùi thơm dịu nhẹ từ cơ thể người sơn nữ khiến dòng máu trong huyết quản của Vĩnh Lộc nóng bừng bừng, bất chấp sương muối và giá lạnh trên triền núi, cả hai quấn lấy nhau đầy si mê, điên cuồng và vụng dại. Khi ánh sáng ban mai rọi vào mặt của Vĩnh Lộc, anh tỉnh giấc đã thấy cô sơn nữ rời đi từ lúc nào, bên đám tro tàn đốt lửa sưởi ấm đêm qua, một bông sen trắng dính chút tàn tro còn vấn vương nằm lại. Biết kể lại câu chuyện có hơi hướng liêu trai cũng không ai tin, họa sĩ Vĩnh Lộc cuộc bức tranh lại rồi quay về thành phố, anh không ngờ tác phẩm SƠN NỮ và SEN TRẮNG của mình được giới chuyên môn đánh giá cao, họ coi tác phẩm của anh là một kiệt tác hiếm có của nền hội họa nước nhà. Chính nhờ tác phẩm đó, họa sĩ Vĩnh Lộc đã được nhiều báo đài phỏng vấn, tác phẩm của anh có mặt ở hầu hết các triển lãm lớn nhỏ khác nhau.

 

Ông cụ ngồi kiên nhẫn nghe hết câu chuyện của họa sĩ Vĩnh Lộc, sau đó ông khẽ lẩm bẩm, thật kì lạ, có lẽ nào lại như thế được. Nhận thấy sự ngạc nhiên của họa sĩ, ông cụ trầm ngâm kể lại. Con gái tôi tên là Bạch Liên, cách đây 18 năm em nó tốt nghiệp trường sư phạm, ngay khi ra trường đã được tổ chức phân công lên miền núi dạy học. Trong một lần ra bờ suối hái hoa, người ta không thấy nó trở về nữa. Ngày đó chính quyền và đoàn thể đã tổ chức đi tìm, gia đình tôi cũng thuê người đi dọc bờ suối nhưng không có tung tích, lúc con bé mất tích ở đó không hề có lũ ống, lũ quét. Điều kì lạ chính là cô sơn nữ trong bức tranh của họa sĩ vẽ năm ngoái, nhìn giống như hai giọt nước với con gái tôi, chẳng có nhẽ bao năm nó không già đi chút nào, hay là…Ông già bỏ lửng câu nói, nhưng anh chàng họa sĩ bỗng cảm thấy có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, có lẽ nào người sơn nữ đêm hôm đó chính là hồn ma của người con gái tên Bạch Liên. Ngay khi tiễn ông cụ ra cửa, thay vì sang Đông Anh chở nước mưa về pha trà, họa sĩ Vĩnh Lộc bắt xe khách nhằm hướng Hà Giang thẳng tiến.

Bình luận