Khi bình minh ló dạng, sau
khi súc miệng bằng điếu thuốc lào, ông Thuật cầm hai ống tre ra ngoài bờ ao gõ
vào nhau, vừa nghe hiệu lệnh lập tức đàn cá tranh nhau ngoi lên mặt nước, chúng
quẫy đạp khiến mặt ao xao động. Ông Thuật mở bao tải dứa múc thức ăn vãi xuống
cho đàn cá, đã thành lệ mỗi ngày ông cho cá ăn ba lần vào sáng, trưa và chiều tối.
Khác với những người chủ trước đây, họ chỉ nuôi kiểu được chăng hay chớ, mua cá
giống về thả coi như xong việc, dăm bảy tháng sau quăng lưới hoặc tát ao bắt
cá, với cách nuôi quảng canh như vậy, số cá thu hoạch được chưa đến một yến, trừ
mọi chi phí nhiều khi còn lỗ. Nhận khoán ao từ hợp tác xã, ông Thuật bắt tay
vào tát cạn ao rồi tiến hành nạo vét bùn, ông mua tre cắm làm hàng rào để chống
bọn câu trộm. Dù cậu con trai ngăn cản, ông Thuật vẫn dựng túp lều để ngày đêm
trông đàn cá, làm bạn với ông có con chó mực trung thành với chủ. Cho cá ăn
xong, tranh thủ còn vạt đất bỏ không, ông Thuật trồng ít rau ngắn ngày. Ở làng
Văn Xá này không ai có thói quen đi chợ mua rau, bởi vườn nhà quanh năm mùa nào
thức đó, người ta đi chợ mua thịt cá hoặc các nhu yếu phẩm khác, những gánh rau
thu họach tại ruộng được cánh phụ nữ chở về Hà Nội bán từ khi trời còn chưa
sáng rõ mặt người.
Ông Thuật trộn bát cơm nguội cùng chút thịt vào
bát cho con mực, trong lúc chú chó trung thành ăn một cách ngon lành, ông lấy
miếng lương khô ăn tạm. Nhìn trên mái lều còn mấy que hương, ông Thuật rút một
nén đi ra gốc cây xoài châm lửa thắp hương rồi cắm lên ngôi mộ. Thật ra ngôi mộ
đơn sơ không được xây cất, nó chỉ được đánh dấu bởi mấy viên gạch xếp chồng lên
nhau. Ngày mới nhận thầu, lúc tát cạn ao để nạo vét, vô tình ông nhặt được một ống
xương cẳng chân trong đống bùn nhão nhoẹt, là người cứng bóng vía nên ông cẩn
thận xúc từng rổ bùn để sàng lọc, công việc mang tính tâm linh được ông làm tỉ
mẩn mỗi ngày một chút, cuối cùng ông đã gom đủ một bộ hài cốt hoàn chỉnh, nhìn
hàm răng đều tăm tắp, ông đoán người này chết khi còn rất trẻ.
Thay vì mang ra ngoài nghĩa trang của làng chôn
cất, ông Thuật mua chiếc tiểu sành rồi nấu nồi nước lá thơm, ông tự tay rửa sạch
bộ hài cốt bọc vào vuông lụa đỏ đặt vào trong chiếc tiểu sành rồi chôn ngay dưới
gốc xoài. Khi thu lượm từng mẩu xương dưới đáy ao, ông mò được một sợi dây chuyền
bằng bạc có gắn cây thánh giá, đoán người xấu số là kẻ có đạo, không biết tên
người mất vì thế ông tự tay đóng hai thanh gỗ thành hình thánh giá rồi cắm thay
cho bia mộ. Biết tin ông Thuật xây ngôi mộ ngay gần túp lều, cậu con trai cùng
mấy người trong làng đều lắc đầu lè lưỡi, họ nói ông gàn dở khi sống cạnh một
ngôi mộ vô chủ. Con trai ông chạy xe máy ra thuyết phục bố mình chuyển tiểu
sành vào nghĩa trang, cậu không quên kể lại việc dân làng thêu dệt đủ thứ chuyện.
Đáp lại những lời thị phi đó, ông nói đúng một câu; Sống cạnh hồn ma không sợ,
chỉ sợ sống cạnh những kẻ tuy còn sống nhưng đã chết về mặt tâm hồn.
Tiếng chuông chùa từ trong làng vọng lại, ông
Thuật nhớ ra hôm nay là ngày rằm, dù đoán chắc người nằm dưới mộ bên Công giáo,
nhưng ông vẫn đều đặn ra chùa nhờ các bà vãi đọc kinh cho hương hồn người chết
được vãng sanh miền cực lạc. Trước khi khép cổng lại, ông vỗ tay gọi con mực lại
căn dặn; Ở nhà trông nom cẩn thận, trộm nó vào là tao và mày chết đói, vừa nghe
nhắc đến trộm, con mực đã vội quay ngay vào nằm sát bên mép ao.
Bình luận