Chapter 3

icon
icon
icon

Còn chưa đầy một tuần là đến ngày giỗ tổ, cụ Cử Vinh qua lại giữa nhà mình với bên từ đường như con thoi. Giá kể huynh trưởng còn sống lại đi một nhẽ, giờ chi trưởng chẳng còn ai ngoại trừ đại đức Thích Thiện Tâm nên cụ là chi thứ phải ghé vai gánh vác. Một con lợn 70 cân trong chuồng đợi ngày giết thịt, gà một bu, cá dưới ao đến ngày 22 tháng 8 sẽ vớt, nếp nhà đã định, ngày giỗ mâm cao cỗ đầy là đương nhiên, nhưng không thể thiếu món gỏi cá chép, bởi ngày trước là món ưa thích của cụ tổ. Trong lúc chắp tay đi ngắm mấy sào vườn, cụ thầm khen vợ trồng người con cả biết thu vén đâu ra đây, giàu nghèo hay không chỉ cần thấy lợn đầy chuồng, gà cả đàn bới giun, chưa kể hai con trâu mộng ở trong chuồng, vậy là mát mặt. Ngôi từ đường của dòng họ Trần được xây dựng lại trên nền phủ Quận công năm xưa, bởi cụ tổ Trần Mạnh Trường dưới thời An Đông Vương Trịnh Cương được cử làm trấn thủ Sơn Nam và phong tước là Hanh quận công, nên mọi người hay gọi là quận Hanh. Theo gia phả để lại, cụ tổ Hanh quận công có người con gái được gả vào phủ Chúa nhưng không may vắn số, sau được truy tặng là Chiêu Phi, chính bà đã góp công, góp của xây đình và tu sửa Linh Sơn tự.

 

Thấy bà em gái cùng người vợ ba của mình bước vào, cụ Cử Vinh vuốt râu vẻ hài lòng, khi có bàn tay phụ nữ mọi việc sẽ chu toán, chưa kể chút nữa thêm hai người con dâu cùng bàn bạc. Bà em gái do người thiếp của thân phụ đẻ rơi ngay gốc cây bàng, bởi vậy được đặt tên là Trần Thị Bàng cho dễ nhớ. Ngày trước việc cháu bú bà, em bú chị là hết sức bình thường, là em út trong nhà nên bà Bàng bằng tuổi cả Hiển, người con đầu của cụ Cử Vinh. Bây giờ khi các con đã phương trưởng, bà cả, bà hai đều mất sớm, cụ đã cưới bà ba về sớm khuya làm bạn, dân làng Mật quen gọi bà ba Xoan hoặc bà Cử Xoan. Không phải mối lái trong làng, cự Cử Vinh do chơi thân với cụ Nghè Dương bên Ứng Hoà nên được người bạn gả con gái, như vậy từ quan hệ bạn bè, bỗng chốc chuyển thành nhạc phụ và hiền tế. Hồi đầu cụ Cử Vinh thấy chưa thuận, lâu dần việc đó chẳng ảnh hưởng bởi không ai dám lạm bàn.

 

Cụ Cử Vinh ngồi xuống chiếc chõng tre kê ngay dưới tán cây khế cho đỡ nực, bà Bàng bưng khay ấm chén ra hầu chuyện anh trai, trong lúc đó hai người con dâu của cụ cùng người vợ ba xuống bếp dọn dẹp. Ngày xưa thân phụ có năm người con gồm bốn nam một nữ, thời gian thấm thoắt trôi, hiện nay còn cụ cùng bà em gái nên mỗi kì giỗ tổ lại thấy buồn. Trừ sư Thiện Tâm đã từ bỏ việc gánh vác trách nhiệm trưởng tộc để xuất gia, những người cháu gọi cụ bằng chú là con của hai người anh trai mất sớm đều sống tùng tiệm và trông vào mấy mẫu ruộng tổ phụ. Ngày xưa khi cụ tổ Hanh quận công qua đời, Chúa Trịnh Cương cho đưa linh cữu từ kinh thành Thăng Long về quê nhà ở xứ Kinh Bắc rồi xây lăng mộ bề thế, ngoài ra Chúa còn sai cấp trăm mẫu ruộng tốt cho con cháu ăn thực để cúng tế. Trải qua nhiều thế hệ nối nhau, giờ họ Trần còn hơn chục mẫu ruộng nhưng phải chia cho mỗi nhà một phần vì thế chẳng còn được như xưa. Bà Bàng rót trà cho anh trai rồi khẽ thông báo:

-Em nghe vợ lão lý Hoạch thầm thì ngoài chợ, chùa làng mình có chôn nhiều kim ngân bạc thỏi từ ngày xưa, hiềm nỗi hiện nay chưa biết đích xác vị trí.

Cụ Cử Vinh khẽ lắc đầu:

-Cô đừng bận tâm đến chuyện tầm phào, mấy tin đó rồi lẩy bẩy như Cao Biền dậy non chả đúng chút nào.

-Nhưng các cụ trong họ nhà mình khẳng định có kho báu thật, em không nhớ là cụ Hanh quận công hay cụ nào mang về chôn giấu.

-Nếu có sao nhiều đời họ Trần chỉ lấy bút nghiên lập thân lập nghiệp, sao các cụ không rong chơi thoả chí tang bồng với đống của cải.

Bà Bàng thở dài:

-Em không biết nên mới hỏi.

 

Ngồi lim dim mắt vì không còn hứng nói chuyện, cụ Cử Vinh nhớ đến lời dặn của thân phụ năm xưa. Ngày đó khi cô Bàng về làm dâu nhà họ Nguyễn, thân phụ đã dặn con gái lấy chồng như bát nước hắt đi, dẫu có việc gì xảy ra không cho dự bàn. Kho báu nhà họ Trần được gìn giữ hơn 200 năm, ngộ nhỡ bà em gái biết được, nghiễm nhiên nhà họ Nguyễn chẳng thể ngồi yên. Còn một điều khiến cụ chẳng thể hài lòng, chồng cô Bàng tức người em rể hiện là trương tuần, tuy nhiên hắn ta xun xoe nịnh bợ lý Hoạch nên nhiều lúc cư xử không phải đạo với bên nhà vợ. Khi Nguyễn Văn Long chưa làm trương tuần, cụ quý người em rể hiền lành chất phác, giờ đây đúng như câu gần mực thì đen nên trương tuần thay tâm đổi tính nhanh đến không ngờ. Gần trưa từ gian nhà ngang đi tới chỗ cụ Cự Vinh ngồi, bà ba Xoan đưa tờ giấy có ghi rõ những món ăn được chế biến trong ngày giỗ tổ rồi lễ phép nói:

-Mình xem còn thêm bớt gì không, em vẫn theo lệ cũ nhưng sợ cậu Hiển muốn tùng tiệm.

Cụ Cử Vinh vuốt râu thủng thẳng nói:

-Ngày 22 chính giỗ, tối 21 sẽ đón cô đầu trên tỉnh về phục vụ quan viên, hôm đó quan huyện sẽ về cầm chầu. Tuy nhiên ngài không ở lại ăn giỗ, sớm hôm sau đã quay về huyện để lo công việc.

-Vâng, như vậy thêm một phần quà cùng hồng bao lót tay.

 

Chưa từng trái ý chồng, bà ba Xoan vội quay vào bổ sung. Lấy chồng khi bước sang tuổi 17, dù hơn chục năm trôi qua, bà vẫn không quen được khi dân làng gọi mình là bà Cử Xoan. Dẫu sao do bà ít tuổi nên người ta gọi vậy, chồng bà còn được tôn kính gọi là cụ Cử Vinh vì là cụ thứ chỉ ngồi giữa đình bàn việc. Từ xưa phép vua thua lệ làng, bà về làng Mật làm dâu phải dò dẫm học từng bước để tránh gây phật ý người trong họ ngoài làng. Dẫu chồng là cụ Cử, bản thân bà cũng là con của quan Nghè đâu kém phần danh giá. Kém tuổi hai người con riêng của chồng, bà ba Xoan không lấy thế làm phiền, dù sao mọi họ đều do chồng bà quyết định, cậu cả Hiển cùng cậu hai Hoà nhất mực nghe theo. Khi kiểm lại mọi việc đã hòm hòm, bà ba Xoan nói với hai người con dâu của chồng:

-Thôi như vậy là yên tâm được tám phần rồi, tôi đưa ông về nhà nghỉ ngơi, các cô ở lại dọn dẹp nốt.

Ngồi dùng bữa với chồng, bà ba Xoan thẽ thọt cho biết, bà Bàng dù phận gái đi lấy chồng nhưng vẫn là người họ Trần, hiện nay bà muốn chạy chân phó lý cho chồng nên đánh tiếng có ý nhờ vả chuyện tiền bạc. Vốn dĩ nhà chồng bà Bàng không  dư dả cho lắm, giờ chi khoản tiền không nhỏ nên chạm đâu cũng thiếu. Biết chồng hiếm bàn chuyện tiền nong, bà ba Xoan nói thật lòng:

-Dù mình giao em quản tay hòm chìa khoá, nhưng việc lớn không thể tự quyết nên em thỉnh ý mình.

 

Cự Cử Vinh thở dài vì chẳng ngờ gã em rể như ăn phải bùa mê thuốc lú đòi dự phần chức sắc. Từ bao đời nay ở làng Mật có lệ bất thành văn, chức lý trưởng, phó lý đều do ba họ là Trần, Lê, Tống thay nhau nắm giữ, họ Nguyễn dù có ngự trên ngai vàng, nhưng họ Nguyễn ở làng Mật vốn chẳng liên quan, làm đến chức trương tuần cũng gọi là có chút máu mặt. Là người có vai vế trong làng, cụ biết muốn chạy chân phó lý phải mất 200 đồng bạc Đông Dương, đó là chưa kể phải biện thêm 100 mâm khao làng. Tiền trong nhà chẳng có nhiều, chưa kể cụ muốn hai Hoà làm chân lý trưởng, như vậy số tiền chi ra không nhỏ, việc cho bà em vay tiền cụ chẳng kham nổi. Thấy người vợ trẻ đợi mình cho ý kiến, cụ ôn tồn nói:

-Nữ nhi ngoại tộc lo việc nhà chồng chẳng sai, nhưng lần này việc giúp tiền bạc là không được.

Bình luận