Đi từ xa cụ Cử Vinh đã thấy người thôn Đông lẫn thôn Đoài tập trung mặc cho mưa gió chưa ngớt hẳn. Đã lâu rồi đình làng Mật lại rực sáng bởi hàng trăm ngọn đuốc, bởi sự kiện có một không hai. Lần gần đây nhất đình làng rực sáng là khi Hà Thành thất thủ vào năm Nhâm Ngọ 1882, trong trận chiến không cân sức, tổng đốc Hoàng Diệu phải treo cổ trước võ miếu. Dạo đó một vị võ quan dẫn đám tàn quân chạy một mạch về xứ Kinh Bắc để trốn, lúc dừng chân tại đình làng Mật cả người lẫn ngựa đều thấm mệt. Chẳng giống vịThành hoàng được thờ trong đình bị thương trong trận chiến, khi biết đám quan quân triều đình đớn hèn bỏ mặc quan tổng đốc rời thành đi trốn, dân làng Mật cấp cho ít lương thực rồi tiễn các vị qua cổng nguyệt. Hồi đó người tỏ thái độ khinh ghét đám quan binh tham sinh uý tử là cụ Phó Bảng, chính cụ không cho chứa chấp những kẻ sợ giặc Phú Lang Sa. Đêm nay cụ Cử Vinh cũng có mặt tại đình làng để xem xét mọi việc, giống thân phụ mìnhnăm xưa. Khi thấy cụ Cử Vinh xuất hiện, chẳng cần đám tuần đinh hò hét, mọi người tự động dạt sang hai bên để cụ vào đình. Bỏ qua việc hút thuốc lào hay uống chén trà, các vị chức sắc bắt đầu vào việc do dân làng đang sôi sục đòi lũ cướp rừng bàng phải trả nợ máu. Ngồi sau dãy bàn vừa kê là lý Hoạch cùng các cụ tiên chỉ và thứ chỉ, ông phó lý Hào do bệnh nặng nên không có mặt, chân phó lý hiện đang được trương tuần Long ngấp nghé.
Ba người làng Mật bị lũ cướp đâm chết được đặt tạm vào những manh chiếu đậu ngay trong sân đình, vợ con kẻ xấu số khóc lóc vật vã bên ngoài nhưng chưa được vào trong. Xác hai tên cướp bị khiêng ra đặt ngay dưới gốc cây đại bên ngoài cổng chùa, bởi chẳng ai muốn chúng làm ô uế cửa Thánh, riêng bốn tên còn dù bị thương nặng bị bắt quỳ giữa sân đình. Do xảy ra trận huyết chiến khiến năm người bỏ mạng, một tuần đinh được lệnh lên huyện báo án. Tuy nhiên do sau trận mưa nhiều đoạn đường khó đi, sớm nhất phải trưa mai quan huyện sẽ cùng đám lính lệ về làng, còn đêm nay sự thanh bình vốn có bỗng chốc bị phá tan. Đứng cầm thước canh chừng lũ cướp, trương tuần Long thầm nghĩ, ai sống ai chết gã chẳng bận tâm, hiện giờ gã chỉ mong được nghe tiếng kèn ò í e phát ra từ nhà lão Hào để còn thế vào chân phó lý. Lũ cướp rừng bàng bị quan trên truy nã bao năm, chẳng ngờ hôm nay như hùm sa cơ không còn cơ hội tác oai, tác quái. Vì tội ác của chúng gây ra, các vị chức sắc làng Mật thống nhất xử theo lệ làng trước khi quan trên xử theo phép nước. Sau một hồi bàn bạc và chiểu theo bản hương ước, được sự chấp thuận của hai cụ tiên chỉ và thứ chỉ, lý Hoạch đứng dậy chỉ tay vào bốn tên cướp rồi hét to:
-Chiểu theo lệ làng, tuần đinh hãy cắt gân chân của lũ lục lâm thảo khẩu.
Chẳng cần biết sau này bốn tên cướp rừng bàng bị toà đại hình tuyên án rồi đày lên Sơn La hay vào Kontum, thậm chí có thể bị xử trảm ngay trong đề lao, trước mắt bọn chúng phải chịu xử theo lệ làng nhằm an lòng mấy trăm con người đang sôi sục. Lệnh vừa ban ra, một cậu thanh niên có cha bị đâm chết còn nằm ở sân đình đã rẽ đám đông xin được thế thiên hành đạo. Đám tuần đinh vốn chẳng mặn mà việc đó nên vui vẻ nhường cho anh ta báo hiếu, dẫu sao tội ác của lũ cướp khiến trời bất dung tha. Cầm con dao nhọn trên tay, bằng những nhát dứt khoát, trong thoáng chốc cả bốn tên cướp rừng bàng đã thành phế nhân. Dù lũ cướp rừng bàng chẳng thể bỏ trốn, lý Hoạch vẫn sai tuần đinh cùm chân và đóng gông cổ rồi cắt cử mọi người thay nhau canh gác. Dù người nhà có người chết hết lời van vỉ, do quan huyện chưa về xem xét, bởi vậy họ đành nằm ở sân đình chưa thể làm lễ nhập quan. Không muốn nán lại sân đình thêm nữa do mùi tử khí, cụ Cử Vinh quay về nhà, cụ biết làng Mật trải qua việc này chẳng còn có được sự bình yên. Trận huyết chiến đêm nay quá đẫm máu, do vậy cái chết của tay tuần đinh Lý Thanh giờ chẳng còn ai bận tâm, nhưng cụ vẫn muốn hỏi hai người con trai ngọn nguồn để tìm ra sự thật.
Gần trưa, tiếng trống ngũ liên cùng tiếng tù và lại vang lên, gia đình ba người bị chết đêm qua đã mang sẵn những cỗ quan tài để ngay bên ngoài, họ đợi quan trên cho phép sẽ khâm liệm rồi mang người nhà về tổ chức tang lễ. Xác của hai tên cướp do không đắp chiếu nên ruồi nhặng bu đầy, một tuần đinh phải phủ rơm đợi quan trên khám nghiệm. Không về cùng đám kính lệ như thông thường, quan huyện do hay nhảy đầm và đánh bạc cùng mấy chủ bút ngoài Hà Nội, ngài điều xe rước thêm bốn kí giả đến chụp hình đưa tin. Băng cướp rừng bàng vốn là nỗi nhức nhối của cả tỉnh, ngài muốn nhặt thành tích này để lấy điểm với quan đầu tỉnh nhằm xin thuyên chuyển về Hà Nội. Sau khi nghe chánh tổng Nhung cùng lý Hoạch bẩm báo xong, ngài đứng cạnh bốn tên cướp cho đám kí giả chụp hình, lúc mọi việc xong xuôi, xe của sở cẩm từ trên tỉnh về tống cổ bốn tên tội phạm lên xe rồi rời làng Mật.
Dù ba người đêm qua vì việc nghĩa vong thân, người nhà của họ được sự gợi ý của thầy cai nên đã kín đáo đặt tiền trong tờ đơn xin an táng người nhà. Nhận đủ ba lá đơn có kèm những tờ bạc Đông Dương, vị quan phụ mẫu liền an ủi:
-Bản quan sẽ gửi tờ trình để quan đầu tỉnh có phần tưởng thưởng xứng đáng, bây giờ hãy đưa người thân về làm lễ cho chu đáo.
Nhận được sự chấp thuận, trong phút chốc ba cỗ quan tài đặt trên những xe bánh sắt được kéo về ngõ xóm, trong phút chốc tiếng trống, tiếng kèn bát âm vang lên khiến làng Mật nhuốm màu tang thương. Riêng xác của hai kẻ cướp, dù người nhà khóc lóc xin mang về chôn cất, ngoài khoản tiền khấn đầu lạy quan huyện, họ phải biện đủ lễ nộp phạt cho đám chức dịch làng Mật dù xác bắt đầu bốc mùi. Lúc hoàng hôn buông xuống, khoản tiền bị làng bắt vạ đã nộp xong, cỗ xe trâu chở xác hai tên cướp được phủ rơm lặng lẽ rời làng Mật theo lối cổng nguyệt.
Khi giải quyết xong mọi việc, quan huyện cảm giác như ngài vừa tự tay triệt phá được lũ cướp rừng bàng. Dù mong được chính quyền bảo hộ tặng mề đay, ngài vẫn muốn được đổi về Hà Nội cho thoả chí tang bồng. Chưa vội quay về huyện đường, trong lúc đợi đám chức sắc làm cỗ để đánh chén, ngài nói lý Hoạch đưa mình đến Linh Sơn cổ tự vãn cảnh. Là người hiểu rõ sự thối nát của giới quan trường, tuy vậy chứng kiến từ đầu đến cuối việc làm của vị quan phụ mẫu, cụ Cử Vinh chỉ biết lắc đầu thương cảm cho đám dân đen. Chẳng muốn ngồi tiếp vị quan giống loài quạ chuyên ăn xác chết, cụ quay về nhà đọc sách thánh hiền và thưởng trà hoa cúc. Vừa bước vào hiên nhà, thấy bà vợ trẻ hỏi sao quay về sớm vậy, cụ thủng thẳng nói:
-Nghe đám ruồi nhặng vo ve cùng đám quạ bay lượn khiến tôi không chịu nổi, thôi về nhà đọc sách cho nhàn thân.
Trải qua một đêm kinh hoàng, sư Thiện Tâm nhờ bà vãi mua hoa quả rồi làm lễ cầu siêu cho những người vừa rời xa nơi trần thế. Với ngài thiện ác chỉ là ranh giới quá đỗi mong manh, với năm mạng người vừa nằm xuống đêm qua, ngài chẳng phân biệt chính tà bởi linh hồn của họ cần được đưa đường dẫn lối. Khởi nguồn từ việc tin đồn về kho báu, giờ đây máu đã nhuộm đỏ nhưng đám kẻ có dã tâm chắc gì buông bỏ. Trong lúc sư Thiện Tâm đang gõ mõ tụng kinh, chú cho con bất ngờ cất tiếng sủa, ngay sau đó là tiếng của lý Hoạch và trương tuần Long réo rắt ở bên ngoài. Nhận ra vị quan huyện đi phía sau đám chức dịch làng Mật, sư Thiện Tâm nhanh chóng ra ngoài chào đón và mời mọi người ghé dãy nhà ngang thưởng trà ướp sen. Sau tuần trà thứ nhất, vị quan huyện cùng sư Thiện Tâm rảo bước nghe giới thiệu về lịch sử của ngôi cổ tự. Chẳng phải ngài rảnh rỗi đến mức tìm hiểu về Linh Sơn cổ tự, đợi cho vị trụ trì kể xong về nguồn gốc của chuông đồng khánh đá, bất ngờ vị quan huyện hỏi ngay:
-Bản quan nghe nói Linh Sơn tự có một kho báu từ thời vua Lê, chúa Trịnh phải không.
Sư Thiện Tâm chắp tay trả lời:
-Adidaphat, lời đồn thời nào cũng có khiến bao người phải khổ.
-Nhưng chẳng có lửa sao lại có khói.
Khẽ lắc đầu, sư Thiện Tâm nói nhỏ:
-Lời đồn vừa là lửa lại vừa là khói, quan huyện chắc thấu hiểu điều đó.
Cuộc đối đáp nhẹ nhàng nhưng báo hiệu giông tố, là người thâm trầm kín đáo, quan huyện vẫn cười nói như không, ngài vào gian chính điện thắp nén hương rồi quay lại đình làng. Chẳng bận tâm đến mùi tử khí còn phảng phất quanh đây, quan huyện, chánh tổng cùng đám chức dịch làng Mật ngồi ăn uống vui vẻ. Dường như ý thức được việc phải giải quyết mùi uế khí, tay mõ sau khi múc nước rửa sân đã khuân về đống bồ kết khô để đốt.Trong đình các vị chức sắc mảiđánh chén, ở thôn Đoài lẫn thôn Đông tiếng khóc ai oán vẫn không dứt mỗi khi có người đến viếng. Dù làng Mật đang chìm trong tang thương, đình làngtưng bừng như ngày hội, có lẽ do trời mưa nên xe tay không chở cô đầu trên huyện về hát hầu các vị, nếu không sẽ còn náo nhiệt hơn nữa. Khi trời nhập nhoạng tối, xe ô tô chở quan huyện bật đèn pha sáng quắc chạy qua cổng nhật ra đường cái quan, ở chiều ngược lại, những cỗ quan tài được đặt lên xe bánh sắt kéo qua cổng nguyệt ra bãi tha ma. Trên cây gạo cuối làng, đàn quạ từ đâu bay tới đậu khiến người yếu bóng vía chẳng nhấc nổi chân.
Bình luận