Không biết vị quan phụ mẫu nhỏ to điều gì, khi dân làng đã ngủ say, lý Hoạch cùng đám tuần đinh bất ngờ xông vào chùa Mật dù cửa đóng then cài. Chẳng muốn gọi cổng cho mất công, một gã tuần đinh tự trèo qua tường rồi mở hai cánh cổng gỗ, thấy động con chó nhỏ vội chạy ra sủa ầm ĩ, sau khi dính một đòn càn do gã tuần đinh vụt mạnh, con chó tội nghiệp ẳng lên một tiếng rồi lê lết chui vào bụi đinh lăng nằm thè lưỡi trong đau đớn. Sư Thiện Tâm thấy động liền mở cửa trai phòng bước ra, với bọn cướp rừng bàng ngài dễ xử lý, với đám chức dịch nên ngài có phần mềm mỏng, chắp hai tay vào nhau, sư Thiện Tâm ôn tồn hỏi:
-Chẳng hay đêm khuya ông lý có việc gì phải ghé chùa.
Dù là lý trưởng, nhưng biết rõ sư Thiện Tâm thuộc dòng họ Trần danh giá, ngài là cháu đích tôn của quan Phó Bảng Trần Mạnh Lân, hiện nay chú ruột vị trụ trì là cụ Cử Vinh. Tự phụ mình là kẻ hoạt ngôn, lý Hoạch giải thích, có người phát hiện vẫn còn một tên cướp rừng bàng đang lẩn trốn trong chùa. Do vậy nhằm đảm bảo an nguy cho dân làng và tránh bị trả thù, đêm nay dù có phải lật từng viên gạch trong chùa để tìm ra tên cướp cũng là việc phải làm để tránh quan trên trách phạt. Bỏ ngoài tai lời phân trần của sư Thiện Tâm, lý Hoạch cùng trương tuần Long xông vào gian chính điện trước tiên, những nơi còn lại do đám tuần đinh đảm trách.
Dãy nhà ngang vừa dựng bằng tranh tre nứa lá chẳng có gì nhiều để xét, đám tuần đinh biết ao sensẽ vừa có vụ chết đuối nên hãi chẳng dám mò ra, tất cả đứng chụm lại cùng nhau chỉ tay về phía sau chùa có hàng chục bảo tháp lớn nhỏ nhưng không kẻ nào dám bước chân ra đó. Đứng không làm gì sợ ông lý trưởng và trương tuần thét chửi, đám tuần đinh dùng cuốc gõ mạnh xuống sân chùa để chứng tỏ mình không phải kẻ ăn hại đái nát. Sự nhiệt tình thái quá thậm chí là ngu ngốc của đám tuần đinh, chỉ một loáng sân chùa vốn lát gạch vồ bị vỡ tan hoang. Chứng kiến cảnh đau lòng đó, sư Thiện Tâm chỉ biết cầu trời khấn Phật để ngăn những kẻ vô minh đang phát cuồng vì kho báu. Dù lý Hoạch đã nại ra cớ bắt cướp, chẳng khó để đoán được ý đồ thật sự đằng sau việc này, người chủ mưu không xuất hiện chính là vị quan phụ mẫu tham lam chẳng kém đám sai nha.
Bước vào gian chính điện, lý Hoạch quan sát tầng cao nhất của bàn thờ, sát vách có ba pho tượng gọi là "Tam thế Phật", tức là các vị Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai.Đứng ngắm ba pho tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gồ thịt nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ vạn, lý Hoạch thấy tất cả đều đức bằng đồng có sắc hoàn kim sáng rực, mặt nguyệt, ba pho tượng Tam thế được đặt ngồi trên tòa sen. Khi thắp thêm hai ngọn nến cho sáng, lão dùng chiếc chày giã cua gõ thử vào mấy pho tượng Phật, sau đó lộ rõ vẻ thất vọng bởi phần đế phía sau lưng tượng có dòng lạc khoản ghi rõ bức tượng được đúc vào đời Cảnh Hưng nhà Hậu Lê. Dẫu biết chẳng ai hớ hênh đúc tượng bằng vàng cho thiên hạ vào chiêm bái, lão đoán ngay dưới bệ tượng sẽ là nơi lý tưởng để cất giấu. Chẳng mong được ban thưởng như quan huyện hứa hẹn, lão mong được làm chánh tổng oai danh cả vùng thay cho lão chánh Nhung ốm yếu. Chánh Nhung là người họ Phan thuộc làng Cổ Mễ, giờ người làng Mật làm chánh tổng sẽ thuận nhiều hơn. Gõ vào các pho tượng chán chê, lý Hoạch gõ vào các thanh ngang và kiểm tra cửa võng nhưng chưa thấy chút bạc vàng nào ngõ hầu thắp sáng niềm hy vọng.
Trong lúc lý Hoạch trèo hẳn lên kiểm tra các pho tượng, trương tuần Long dùng cây thước gỗ lim gõ xuống nền gian chính điện để phát hiện những âm thanh khác lạ. Người xưa chôn kho báu theo lối người đâu của đó, việc sư Thiện Tâm bỏ ngôi từ đường xuất gia canh chùa khiến gã càng thêm nghi ngờ. Từ lúc biết tin kho báu họ Trần được chôn giấu tại Linh sơn cổ tự, xâu chuỗi lại sự việc, gã đoán chẳng phải vô cớ có tới ba vị trụ trì là người họ Trần. Xét về vai vế, sư Thiện Tâm là cháu vợ, tuy nhiên ngân lượng bất vị thân. Chẳng dám mong giàu sang phú quý, nếu tìm được kho báu đêm nay, chức phó lý quèn sẽ được gã bỏ qua, đã có tiền mua luôn lý trưởng, như vậy đi đâu cũng vác triện mộc vẫn oai hơn hẳn. Còn một điều gã chưa nói ra, khi làm lý trưởng gã sẽ không còn cảm giác lép vế so với bên nhà vợ, đặc biệt là với ông anh vợ Cử Vinh đang ngồi ghế thứ chỉ. Nếu tính theo giờ tây, việc lục soát từ 10 giờ đêm đến hơn 1 giờ sáng vẫn không thấy kết quả, một ngày mới đã bắt đầu nhưng còn lâu mới có ánh mặt trời. Chẳng còn kiêng dè việc mạo phạm đến thần Phật, lý Hoạch bước ra ngoài ra lệnh cho đám tuần đinh:
-Chúng mày mau kiếm sợi dây thừng để kéo các pho tượng xuống, đất vua chùa làng, tội vạ đâu ông chịu.
Sinh ra và lớn lên ở làng Mật, đám tuần đinh ít nhiều từng theo bà, theo mẹ lên chùa ngày bé, bởi vậy nghe ông lý ra lệnh, cả đám như chôn chân tại chỗ không dám nhúc nhích. Bị lý trưởng quát mắng, tiếp đó là trương tuần chửi bới, đám tuần đinh vượt qua sợ hãi lần lượt quăng dây thừng vào cổ ba pho tượng phật để kéo cho lật nghiêng nhằm lộ ra phần đế. Dù nhẫn nhịn hết mức, thấy đám chức dịch hành động như lũ cướp đêm, sư Thiện Tâm ngăn lại rồi nghiêm nghị nói:
-Đức Phật đã răn dạy “Dù lên núi cao hay xuống vực thẳm cũng không tránh được nghiệp quả. Luật nhân quả oan nghiệp đời trước, kiếp này phải trả, đó là lẽ thường, nay các vị muốn tạo nghiệp hay sao”
Chẳng bận tâm đến lời cảnh báo, ba pho tượng Phật được kéo nằm nghiêng để hở ra phần đế là những phiến đá xanh cứng và khó phá. Chẳng nản lòng vì đang cơn say kho báu, lý Hoạch sai đám tuần đinh dùng thanh xà beng kiểu Phú Lang Sa để thúc mạnh. Do tập trung nhiều người trong gian chính điện cộng thêm cơn gió thổi mạnh, những ngọn nến bất ngờ phụt tắt khiến tất cả chìm trong bóng tối. Khi lý Hoạch đang sai một tuần đinh xuống gian bếp đánh lửa, bất ngờ có tiếng gió rít mạnh từ bên ngoài vọng vào. Dưới ánh trăng mờ ảo, đám chức dịch làng Mật thấy có dải lụa trắng như một con bạch xà uốn lượn. Dải lụa bạch lao tới đây, đám tuần đinh cảm nhận như bị ai đâm rồi nhất loạt ngã rạp. Là người chứng kiến từ trương tuần Long cho đến đám tuần đinh gục ngã, lý Hoạch đờ người sợ hãi không thốt được lên lời, tuy vậy lão vẫn cảm nhận được sợi lụa thít quanh cổ mình rồi kéo căng khiến đôi chân đang dần không chạm đất.
Bình luận