Chapter 10

icon
icon
icon

Khi cả ngôi cổ tự chìm trong bóng tối, ánh trăng khi tỏ khi mờ rọi xuống hoà cùng tiếng ếch nhái kêu như một bản hợp xướng của thiên nhiên, sư Thiện Tâm ra đứng cạnh ao sen với nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Trong lúc đang trầm tư suy nghĩ, sư Thiện Tâm bất ngờ vì từ phía sau những ngôi bảo tháp xuất hiện không phải một mà tới sáu bóng đen đang tiến về phía mình. Chẳng cần phải là người quá soi xét, nhìn thoáng qua đủ biết đây là phường bất lương do đáng điệu và hành tung lén lút. Có lẽ do trời mưa bão nhiều người ở trong nhà, bởi thế một lúc có từng đó kẻ lạ mặt nhưng dân làng không nhìn thấy để báo đám tuần đinh. Hoạ đến sẽ chẳng tránh được, không muốn những kẻ lạ mặt áp sát, sư Thiện Tâm chắp tay khoan thai nói:

-Xin hỏi các vị lỡ độ đường có cần dùng cơm chay để nhà chùa chuẩn bị.

Một gã râu quai nón nhìn dữ tợn bước lại gằn giọng:

-Bọn này không phải đến xin ăn, phiền ông chỉ giùm nơi cất giấu kho báu.

-Adidaphat, chốn thiền môn thanh tịnh đâu có vàng bạc, báu vật của chùa là những bộ kinh sách và khuôn mộc bản đã bị thiêu rụi mất rồi.

Gã râu quai nón phẩy tay ra hiệu rồi tuyên bố:

-Đúng là phí lời.

 

Trong phút chốc vị trụ trì Linh Sơn cổ tự bị sáu kẻ lục lâm thảo khấu cầm mã tấu và đao kiếm vây thành vòng tròn. Chẳng có lời phân bua, đao kiếm vung lên, máu đổ xuống. Trụ trì ở Linh Sơn cổ tự đã lâu, sư Thiện Tâm từng nghe nói về toán cướp rừng bàng nổi tiếng tàn độc. Ngày trước rừng bàng um tùm ở phía cuối con đường dẫn sang bên làng Me, chính người cô ruột của ngài đã sinh ra ở đó nên được đặt tên là Trần Thị Bàng. Hiện nay do người Pháp mở nhà máy tại đó nên cây cối bị đốn hạ, rừng bàng chỉ còn là địa danh nhưng toán cướp rừng bàng là nỗi ám ảnh của bà con trong vùng. Mặc cho quan Phủ tróc nã, chính quyền bảo hộ truy tìm, toán cướp rừng bàng xông vào nhiều nhà như chốn không người để cướp gây chấn động. Biết chẳng thể nói đạo lý với những kẻ phi nhân tính, sư Thiện Tâm rút sợi dây thừng ở gần ao sen bắt đầu chống lại đòn thù. Ngay khi sợi dây tung ra thành một một vùng rộng, sư Thiện Tâm xoay quanh một vòng rồi thu trong chớp mắt, đầu sợi dây lướt đến đâu, những kẻ cướp dính đòn tới đó. Chỉ là đầu dây chạm vào đủ khiến đao rơi còn máu chảy. Bằng kĩ năng thượng thừa của mình, sư Thiện Tâm khiến sợi dây thừng phóng ra uốn lượn như rồng bay, phượng múa, đầu dây thừng xé gió lao vun vút uy phong như mãnh hổ, đòn đánh nhanh mạnh khiến đối phương bị tước binh khí trong giây lát. Do muốn cảnh cáo lũ lục lâm thảo khẩu nên sư Thiện Tâm điều chỉnh lực đánh vừa đủ, bởi nếu muốn chúng gặp hoạ sát thân, chỉ cần khi sợi dây thừng vờn quanh cổ, đối phương vừa cảm nhận được làn gió mát thoảng qua, ngay lập tức đầu rơi xuống đất. Lúc sư Thiện Tâm thu sợi dây thừng, trên mặt đất sáu tên cướp nằm quằn quại còn những hung khí văng khắp nơi. Chắp hai tay trước ngực, sư Thiện Tâm khoan thai nói:

-Adidaphat, nẻo từ bi luôn rộng mở, các thí chủ hãy quay đầu là bờ.

 

Mặc cho sáu tên cướp rời đi, sư Thiện Tâm không muốn sự việc kinh động tới dân làng. Đúng như thúc phụ đã nói, tuyệt chiêu binh pháp nhuyễn tiêu của họ Trần có ba loại khác nhau tuỳ vào võ công của người sử dụng, đó là loại nhuyễn tiên bảy đốt (thất tiết kim tiên), chín đốt (cửu tiết kim tiên). Riêng người nào võ công thâm hậu sẽ dùng loại nhuyễn tiêu mười ba đốt (thập tam tiết kim tiên). Sở dĩ thúc phụ hỏi sư Thiện Tâm là có nguyên do, những người biết về bí mật kho báu đều phải thành thạo thập bát ban võ nghệ và điêu luyện khi dùng nhuyễn tiêu. Ngày trước khi chưa xuất gia, là đích tôn dòng họ nên sư Thiện Tâm được luyện tập trở thành một cao thủ võ lâm. Giống như thân phụ và thúc phụ, sư Thiện Tâm võ công thâm hậu nên sử dụng nhuyễn tiêumười ba đốt (thập tam tiết kim tiên). Hôm nay gặp lũ cướp hung dữ, dù không khai đao sát giới, việc dùng đến tuyệt kĩ võ lâm bí truyền của dòng họ vẫn khiến sư Thiện Tâm có phần áy náy. Thói đời tình ngay lý gian, dẫu chẳng liên quan tới cái chết của tay tuần đinh Lý Thanh, nhưng khi thúc phụ ướm hỏi khiến ngài thấy nỗi oan chẳng thể giãi bày.  Chuẩn bị vào gian chính điện đọc kinh sám hối, sư Thiện Tâm nghe thấy tiếng trống ngũ liên vang lên, sau đó là tiếng thanh la kèm theo tiếng người hò hét náo loạn như vỡ đê.  Trong phút chốc làng Mật từ thôn Đoài cho đến thôn Đông đã rực sáng bởi những bó đuốc, đám tuần đinh cùng trai làng cầm cuốc xẻng và đòn càn đổ xổ về phía cổng nguyệt để bắt cướp.

 

Đứng trước gian chính điện nhìn cảnh này, sư Thiện Tâm nhớ rõ, trong cuốn sách của dòng họ có ghi chép, lúc quân Tây Sơn phù Lê diệt Trịnh tiến vào thành Thăng Long, phủ quận công của họ Trần bị một đám người xông vào đốt phá nhằm tìm kho báu. Lịch sử có đôi lần lập lại, dù phủ quận công đã cháy rụi, kho báu vẫn khiến nhiều kẻ thèm muốn còn Linh Sơn cổ tự là nơi chúng tìm đến. Lòng tham của con người vốn chẳng bút mực nào tả xiết, kho báu của họ Trần dù chưa ai mục sở thị, tuy vậy hơn 200 năm đã trôi qua, nó được thêu dệt đủ thứ chuyện như màn sương khói mờ ảo. Sự hấp dẫn của ánh kim loại màu vàng thật khó cưỡng, sư Thiện Tâm biết lũ cướp rừng bàng chưa phải là những vị khách không mời cuối cùng.

 

Chưa bao giờ làng Mật có một đêm không ngủ như vậy, sau cái chết của tuần đinh Lý Thanh, mọi người bất ngờ khi toán cướp rừng bàng ngang nhiên vào làng lúc trời nhá nhem tối. Bình thường nếu muốn đi cướp, chẳng kẻ nào chọn thời điểm dân làng còn thức để ra tay. Đám tuần đinh dù đông hơn, tuy thế khi gặp cướp vẫn hãi nên thúc trống ngũ liên để báo động. Đám trai làng túa ra từ mọi ngả bịt đường thoát thân khiến lũ cướp bị dồn vào con đường cùng. Trận chiến không cân sức diễn ra từ giờ Dậu vắt qua giờ Tuất đã kết thúc trong đẫm máu, toán cướp có sáu tên nhưng hai tên đã bị trai làng phang chết còn bốn tên bị đánh bầm dập rồi trói giải ra đình làng chờ phán xử. Dù chính quyền bảo hộ và quan huyện đã sức về các nơi việc bắt về quy án những kẻ phạm tội, tuy nhiên phép vua còn thua lệ làng. Đêm nay lũ cướp sẽ bị xử ngay đình làng trước khi giải lên huyện đường.

 

Trong trận hỗn chiến kinh hoàng vừa xảy ra, do bị dồn vào đường cùng nên toán cướp chẳng còn gì để mất khiến chúng hung hãn như những con mãnh thú vung đao quyết tử. Lúc những kẻ thủ ác bị gô cổ, bầu không khí căm thù sôi sục. Mặc cho đám tuần đinh hét khản cổ nhiều người đòi đào hố chôn sống lũ cướp ngay trong đêm, có người muốn đun vạc dầu tưới lên cho hả sự hờn căm. Vốn là người hoạt ngôn lợi khẩu, bà Bàng đề nghị nhét toàn bộ lũ cướp cả sống lẫn chết vào những rọ tre như người ta hay nhét lợn, sau đó chở ra giữa dòng sông Cầu đang chảy xiết rồi thả xuống cúng Hà Bà, như vậy một công đôi việc. Khi toán cướp được giải vào sân đình, tiếng trống ngũ liên lại thúc từng hồi dài để mời bà con dân làng ra nghe phán xử. Đã đi nằm cho đỡ mỏi lưng, được tay mõ vào nhà rước ra đình, cụ Cử Vinh khẽ thở dài, có lẽ sự thanh bình của làng từ nay không còn như xưa. Đã đi nằm còn bị mời ra đình trong đêm mưa, cụ Cử Vinh chợt nhớ bài thơ THU VŨ DẠ MIÊN (Ngủ trong đêm mưa thu) của Bạch Cư Dị thời Đường

 

 

Lương lãnh tam thu dạ,
An nhàn nhất lão ông.
Ngoạ trì đăng diệt hậu,
Thuỳ mỹ vũ thanh trung.
Hôi túc ôn bình hoả,
Hương thiêm noãn bị lung.
Hiểu tình hàn vị khởi,
Sương diệp mãn giai hồng.

---

Một đêm giá lạnh trong ba tháng thu,
Có một ông già đang an nhàn.
Lên giường trễ sau khi tắt đèn,
Ngủ ngon trong tiếng mưa rơi.
Chỉ còn tro tàn trong lò sưởi,
Bỏ thêm trầm hương vào lồng đốt.
Buổi sáng quang đãng, khí lạnh chưa tới,
Lá đỏ đẫm sương rụng đầy thềm.

Bình luận