Chapter 13

icon
icon
icon

Khi trời tang tảng sáng, làng Mật náo loạn không kém vụ đánh nhau với lũ cướp rừng bàng, họ thấy tám gã tuần đinh nằm dưới vũng trâu đầm phía trước ngôi chùa làng. Ở cách đó không xa, trương tuần Long cắm đầu vào bãi phân trâu chẳng hay biết gì, có lẽ không nhờ xô nước mương của tay đánh giậm chắc không tỉnh nổi. Đám tuần đinh đã vậy, nhưng thảm nhất là lý Hoạch bị treo cổ bằng dải lụa bạch dù không chết. Giá kể sợi dây thít mạnh hoặc treo cao, chắc chắn lão lý trưởng đã hồn lìa khỏi xác. Tuy không chết nhưng do bị thít cổ thiếu máu lên não, lý Hoạch được đưa về nhà ngẩn ngơ chả khác đứa trẻ lên ba. Việc nửa đêm vào chùa tìm kho báu lan ra, dân làng phẫn nộ bởi sự mạo phạm, họ coi đám chức dịch khác nào lũ cướp rừng bàng. Biết người nhà đã sai, gia đình những kẻ đêm qua đi phá sân chùa vội sắp lễ tạ lỗi, họ kéo nhau tới chùa đưa ba pho tượng tam thế an vị về đúng vị trí cũ. Đứng nhìn sân chùa được lát lại như cũ, sư Thiện Tâm thở phào nhẹ nhõm, một lần nữa ngôi cổ tự đã vượt qua sóng gió. Dẫu cho đêm qua chẳng có kẻ nào thiệt mạng, tin đồn về bạch xà khiến những kẻ to gan lớn mật chẳng dám mò vào chùa để trộm cắp, đúng như câu trong hoạ có phúc. Đợi con trai dọn dẹp xong mọi thứ trong gian chính điện, cụ Cử Vinh nhắc bà vợ trẻ của mình vào dâng hương cúng Phật, sau đó cụ quay sang nói nhỏ với hai Hoà:

-Hôm trước thầy có nói nhìn ấn đường lão lý Hoạch quá tối và không thọ được tới ngày chạp mộ. Xem ra tình hình này lão đó đi gặp tổ tiên sớm hơn dự định, đã đến lúc anh ra gánh vác việc làng việc nước rồi.

Hai Hoà tỏ vẻ băn khoăn:

-Nhưng ông lý Hoạch phục thuốc sẽ chóng khỏi.

Cụ Cử Vinh khẽ lắc đầu quả quyết:

-Giỏi như các thái y ở trong cung chỉ chữa được khỏi bệnh, khi mệnh đã hết chẳng ai chữa nổi đâu.

 

Cụ Cử Vinh nhận xét không sai, lý Hoạch về nhà được phục thuốc từ những thầy lang giỏi nhất trong vùng chẳng khá hơn là bao, chưa kể hai bà vợ thay nhau đội lễ lên chùa và tới các đền phủ mong giảm bớt tai ương. Nằm trên sập trợn mắt nhìn trần nhà còn miệng ú ớ chẳng thành tiếng như người bị bóp cổ, lý Hoạch ăn rồi ỉa ngay ra sập khiến mọi người khiếp hãi chỉ mong lão nhanh chết cho nhẹ nợ. Chẳng biết nghe ai mách, bà vợ cả sai thằng con trai bắc thang tre lên dỡ ba viên ngói, mục đích nhằm cho ánh mặt trời rọi thằng vào mặt chồng để nhanh trả nợ đời. Có bệnh thì vái tứ phương, khi đã vô phương cứu chữa chỉ còn cách làm theo những mẹo mực dân gian để kẻ nằm đó mau đi cho đỡ khổ cả người sống. Ba viên ngói dỡ ra, ánh thái dương rọi thẳng vào mặt, nhưng đúng 7 lần 7 là 49 ngày lý Hoạch mới nhắm mắt xuôi tay. Khi liệm để khiêng vào quan tài, người nhà thấy lưng của lý Hoạch có nhiều vết tím bầm, những vết này tương ứng với số lần lão dùng chày giã cua thúc vào ba pho tượng tam thế. Có lẽ trong thời gian nằm ú ớ trên sập, lão bị các phán quan dưới âm tào địa phủ sai yêu ma quấy nhiễu cho đến đúng ngày, đúng giờ sẽ bắt xuống 18 tầng địa ngục để nghe phán xử. Trương tuần Long dù không tham gia vụ kéo tượng, tuy nhiên chứng kiến chuỗi ngày thê thảm của lý Hoạch, gã thấy ớn lạnh không dám bén mảng tới chùa một lần nào.

 

Khi cùng cụ tiên chỉ sang viếng, cụ Cử Vinh nhẩm tính, lý Hoạch sinh năm Mậu Tý 1888, mất năm Canh Thìn 1940 như vậy là đúng 52 tuổi tây, tức 53 tuổi ta, điều này ứng vào câu “49 chưa qua 53 đã tới”. Làng chẳng thể thiếu chân lý trưởng để còn thúc sưu thuế, lên huyện làm việc cùng quan và phân xử mọi tranh chấp, áp triện mộc vào đơn từ. Tin đồn thường lan nhanh, nguyên do bởi những vị chức dịch trong làng rỉ tai cho vợ con, việc có họ cả làng chẳng hiếm, người này rỉ tai người kia nên chẳng mấy chốc cả làng đều biết. Dẫu chưa được mời dự lễ khao, dân làng Mật đã kháo nhau lý trưởng tiếp theo là Trần Mạnh Hoà, người con thứ của cụ Cử Vinh, bởi thế khi gặp ngoài đường, nhiều người đã chào là ông lý Hoà cho quen miệng. Người như cắn răng vào lưỡi không ai khác là trương tuần Long, chân phó lý xem ra mờ mịt sau vụ tai tiếng ở ngôi chùa làng. Trong mắt họ Trần bên nhà vợ, gã chỉ là hạng bần cùng sinh đạo tặc, với dân làng cũng vậy khi họ chẳng đợi nào chịu gọi ông lý khi gã dính vào chuyện xấu hổ vừa qua. Tự dưng phải gọi người cháu vợ là ông lý, với gã đó là điều sỉ nhục, tuy vậy nếu bảo gã trả chức trương tuần, nỗi nhục còn khiếp hơn kiểu như sống chẳng bằng chết.

 

Khi con trai chính thức nhận mộc triện, ngay từ buổi sớm cụ Cử Vinh đã cùng lý Hoà ra đình làng để làm lễ, trước đó người con dâu thứ đã bưng mâm cỗ cúng đức thánh nhân ra trước. Lúc mọi việc ngoài đình xong xuôi, cự Cử Vinh cùng lý Hoà đến tận nhà cụ tiên chỉ để rước sang ngôi từ đường họ Trần ăn khao. Với những cụ ốm đau không tới được, lý Hoà sai tay mõ bưng cỗ sang tận nhà với hàm ý kính lão đắc thọ, lễ khao tưởng đơn giản nhưng nếu không khéo khu xử thành dở, do vậy mọi việc nhất nhất phải có sự chỉ đạo của cụ Cự Vinh để không bị đàm tiếu. Vâng lệnh lý trưởng mới, tay mõ đi khắp đường làng ngõ xóm để thông báo cho dân làng dự lễ khao, dù tin này bà con biết từ lâu, nhưng lệ làng vẫn đúng theo kiểu “ăn có mời làm có khiến”, nếu không dù nghèo nhưng khái tính, họ thà ngồi nhà ăn khoai luộc còn hơn.Ngồi trên sập kê trong gian từ đường gồm các vị chức sắc gồm cả đương lẫn cựu, chẳng ai còn nhớ đến mồ ma lão lý Hoạch vừa nằm xuống. Thói đời vốn phù thịnh chẳng phù suy, dân làng lấy cái chết của lý Hoạch để tự răn mình chớ mạo phạm những chốn linh thiêng rồi sẽ bị trời đánh thánh vật. Sau những biến cố liên tiếp xảy ra, lễ khao của lý Hoà giúp mọi người cân bằng trở lại, bởi ít ra làng Mật vẫn giữ được nếp xưa.

 

Dân làng có thói quen hay so sánh, người khó tính nhất cũng phải khen cỗ khao của ông lý Hoà ngon hơn hẳn cỗ khao hồi ông lý Hoạch vừa nhận mộc triện. Ngoài những món thông thưởng, bà con thích món gỏi cả gia truyền uống với be rượu hoa cúc do họ cánh đàn bà con gái họ Trần tự tay chế biến. Ai ăn cỗ cứ ăn, ai rượu cứ rượu, thậm chí trên chiếc sập gụ đã bày bộ bàn đèn cho các cụ đi mây về gió, chưa kể tối nay sẽ có cô đầu về hát cho thêm phần tao nhã. Chứng kiến con trai chưa đến tứ tuần đã làm lý trưởng, cụ Cử Vinh thấy mãn nguyện trong lòng, hai người con dù không lập thân bằng con đường khoa cử, nhưng một người đảm trách công việc trưởng tộc còn một người làm lý trưởng là hợp lẽ. Chẳng mong ước cao xa, cụ tin lý Hoà sẽ làm tốt công việc của mình, thậm chí khi bước vào ngũ tuần, chức chánh tổng như quả thị chín rụng ngay trước mặt không chừng. Sau những biến cố xảy ra với Linh Sơn cổ tự, cụ yên tâm khi con trai làm lý trưởng làng Mật, ít ra chẳng kẻ nào còn tham kho báu đến mức phát cuồng như lão lý Hoạch rồi gây phiền nhiễu chốn thiền môn.

 

Tự tin kho báu vòng trong có sư Thiện Tâm, vòng ngoài có lý Hoà, trên huyện lẫn trên tỉnh đều có tai mắt là người họ Trần nên chẳng lo. Điều khiến cụ bận lòng hơn cả, hiện nay hai người con dâu chưa sinh nổi mụn con trai nối dõi tông đường. Nhiều lúc nhìn ba đứa cháu gái lớn là con của cả Hiển cùng hai đứa cháu gái nhỏ con của lý Hoà, cụ thở dài thườn thượt. Khổ nỗi nói nhiều như nước đổ lá môn, cả hai người con trai chưa chịu lấy thêm vợ lẽ. Giá kể cụ còn sinh được vẫn chỉ là hàng tử không phải hàng tôn, nếu không có người kế nghiệp, như vậy cơ nghiệp tổ tiên để lại sẽ đi về đâu. Biết rõ hai con trai chưa thấu tỏ chuyện đó, cụ hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ của cả Hiển là người ăn tự của dòng trưởng. 

Trước khi con trai làm lý trưởng, cụ Cử Vinh đã cho đắp nền dựng nhà cho lý Hoà quay ra mặt ngõ khác dù cửa hậu vẫn đi vào vườn, kiểu gần nhà xa ngõ để tránh va chạm. Dẫu sao khi khách đến gặp ông lý, ngộ nhỡ giáp mặt cụ khiến họ ngại, giải pháp ở riêng sẽ vẹn cả đôi đường. Nhà của lý Hoà dù không đến mức bề thế, tuy vậy sống giữa làng thuần nông, chỉ những gia đình chức sắc và địa chủ mới dựng được nhà ngói, sân gạch và có lợn trong chuồng, có trâu ngoài ruộng, có cá trong ao và có kẻ ăn người ở trong nhà. Xét về những tiêu chí đó, lý Hoà có phần còn vượt hơn cả lão lý Hoạch vừa nằm ngoài cánh đồng. Khi những người đến dự ăn khao đã lục tục kéo nhau ra về, cụ Cử Vinh rung đùi dùng bút lông viết vào tờ giấy dòng chữ thay lời giáo huấn rồi trao cho lý Hoà:

 

Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng,

thế thượng tân nhân hãn cựu nhân.

---

Trường giang sóng sau dồn sóng trước,

đời người mới phải đuổi theo xưa.


Bình luận