Chapter 14

icon
icon
icon

Đang tranh thủ muối dưa ngoài sân, bà đồ Tăng nhìn thấy chồng ngậm tăm đi về nên mở giỏ ấm tích rót bát nước chè xanh, sau đó vừa quạt cho chồng bà vừa hồi hộp hỏi:

-Mình có thấy con bé Nếp nhà bác Hiển không, tôi tính rồi, nhà mình nhờ bà mối sang đặt vấn đề rồi cu Bình chịu khó sêu tết trong 2 năm là rước dâu.

 

Thầy đồ Tăng khẽ lắc đầu vì nhà có việc nên người đông như vậy sao biết con bé Nếp đứng ở đâu, dù có thấy đâu nói được câu nào. Vốn tính khí khái, thầy ghét nhất thói thấy người sang bắt quàng làm họ, như vậy đâu phải lối sống của người đọc sách Thánh hiền. Đúng là khi xưa thầy có học cùng sư Thiện Tâm, bấy nhiêu đó không thể lấy chuyện làm quà rồi đòi làm thông gia. Xét về gia cảnh hiện nay, rõ là bên nhà ông cả Hiền phong lưu hơn hẳn, chưa kể em trai là ông hai Hoà vừa nhận chức lý trưởng. Một cuộc hôn nhân muốn trong ấm ngoài êm, điều quan trọng nhất phải môn đăng hộ đối, nhà gái hay nhà trai kém vài bậc coi như hỏng. Dù họ Tống danh giá chẳng kém khi có người đỗ đạt trong các kì thi tam trường khi xưa, ở làng Mật người họ Tống từng làm lý trưởng, ông lý cựu Tống Thanh là người tiền nhiệm của ông lý Hoạt. Thậm chí hơn chục năm trước, chánh tổng cũng người họ Tống, tiếc một điều ngài đã hạc giá vân du nên ông Đặng Nhung người làng khác thế chân làm chánh tổng. Dù họ Tống được dự phần là ba họ lớn lập làng, nhưng thầy đồ Tăng biết rõ, ánh hào quang năm xưa của dòng họ giờ như ngọn đèn dầu le lói, chưa kể cảnh nhà thanh bạch e chẳng khiến nhà họ Trần để tâm. Dẫu thương và nể người vợ tảo tần, nhưng thấy sự phấn khích kết tình thông gia nhiều khi nhận về sự buồn đau, thầy đồ Tăng buông nhẹ một câu:

-Mình nhìn gã trương tuần Long sẽ rõ, dù chẳng ở rể nhưng vẫn sống như chó chui gầm chạn.

 

Dù nhà ông lý Hoà mời cả làng ăn khao, trương tuần Long không thò mặt sang là có lý do. Sau lần cùng lý Hoạch xông vào chùa theo kiểu áp đáo tại gia, họ Trần đã coi khinh gã như mẻ vì hành động càn rỡ. Giá kể không vì bà em gái, có lẽ cụ Cử Vinh đã cho hắn trở về chân bạch đinh không ngóc đầu lên được. Chứng kiến sự tự tin của gã trương tuần, thầy đồ Tăng sợ cậu con trai nếu làm rể họ Trần sẽ chẳng khá hơn là bao, sự yếm thế khiến người ta sống như con rùa rụt cổ. Khi nhắc đến gã trương tuần, thầy biết mình lỡ lời do vợ lại nghĩ đến cô Bàng, người chỉ thiếu chút nữa đã kết tóc se tơ về làm dâu nhà họ Tống. Làng Mật vừa xảy ra liên tiếp nhiều việc kinh thiên động địa, dù chẳng hé răng với ai, thầy đồ Tăng vẫn cho rằng phong thuỷ của làng không tốt, chẳng rõ phải bao nhiêu người chết để những vị kì hào lý mục để tâm đến. Uống xong bát trà xanh có vị hơi chát nhưng được thêm chút đường phèn nên khác với loại trà mạn, thầy đồ Tăng nhớ lại việc cụ Cử Vinh đã phản đối cuộc hôn nhân của mình với em gái, nếu cụ tiếp tục từ chối cho gia đình ông cả Hiển kết tình thông gia, như vậy chỉ khiến dân làng chê cười nhà họ Tống.

 

Do học sinh không nhiều nên thầy đồ Tăng dạy vào những ngày lẻ, những ngày chẵn thầy đọc sách và cắt tỉa cây cảnh như một thú vui tao nhã. Bước sang tuổi 45 chưa già cũng chẳng phải trẻ, ngặt nỗi do thầy không phải lực điền để làm việc đồng áng, bởi thế chỉ biết lấy việc đọc sách và ngâm thơ cho hết ngày. Buổi chiều thấy tiết trời mát mẻ, thầy đồ Tăng quyết định vãn cảnh chùa rồi đàm đạo cùng sự Thiện Tâm cho hết ngày. Dù lý Hoà là em con của ông chú làm lễ khao, nhưng vốn ăn chay nên sư Thiện Tâm chẳng xuất hiện, bởi ngài luôn tránh nơi xô bồ phàm tục. Định tránh đi ngang qua nhà gã trương tuần, chẳng ngờ cô Bàng xong việc từ ngôi từ đường trở về liền vồn vã mời thầy đồ Tăng vào nhà. Phụ nữ xuất giá tòng phu, bận làm cỗ nhưng cô không quên mang về cho chồng đĩa gỏi cá, nửa con gà luộc cùng đĩa xôi gấc. Trước sự nhiệt tình của người xưa, thầy đồ Tăng đi cũng dở còn vào lại dở hơn, sau cái tặc lưỡi, thầy quyết định theo chân cô Bàng vào nhà gã trương tuần nổi tiếng hống hách.

 

Đang ngồi bó gối như chó canh mộ, thấy có khách nên trương tuần Long vội khoác áo rồi quát con pha trà. Sau lần mạo phạm gian chính điện, giờ nghĩ lại gã vẫn sởn gai ốc vì kinh hãi, cái chết của ông lý Hoạch là lời cảnh cáo nghiêm khác nhất. Giống mấy tên tuần đinh, khi nghe tiếng gió rít kèm theo dải lụa giống con bạch xà trườn tới, gã chẳng kịp phản ứng đã gục xuống chẳng biết trời đất trăng sao gì nữa. Buổi sáng khi dân làng đi chợ phát hiện, mọi người kinh hãi bởi từ trương tuần cho đến những kẻ tuần đi như hồn lìa khỏi xác. Dù sự việc đã trôi qua vài tháng, trương tuần Long vẫn hãi mỗi khi nhìn thấy bãi phân trâu, bởi đêm hôm đó cả mặt của gã úp vào bãi phân trâu chẳng thể tỉnh giấc. Vốn chẳng phải là chỗ thân tình với thầy đồ Tăng, chưa kể gã quen ăn nói bỗ bã nên ghét nhất phải uốn lưỡi khi nói chuyện, tuy nhiên ở mãi trong nhà đâm chán, có người ghé chơi khiến gã vui hơn. Trong lúc thầy đồ Tăng thưởng trà, trương tuần Long nói ngay:

-Vô phép thầy tôi xơi tạm đĩa gỏi cá, để lâu sẽ hỏng.

 

Vừa ăn món gỏi cá trứ danh của dòng họ Trần, trương tuần Long vừa tu ngụm rượu vì buổi trưa gã nhịn miệng đợi vợ đem phần về. Sau khi mọi chuyện ở chùa bung bét, gã biết nhà vợ coi khinh mình còn hơn thằng mõ, tay đã nhúng chàm khó rửa sạch, chưa kể ông anh vợ luôn coi mình như kẻ thân phận thấp kém. Dùng đôi đũa quệt ngang miệng, nhờ có chén rượu nên trương tuần Long lấy lại được sự ngang tàng hống hách vốn có, gã vỗ vai thầy đồ Tăng rồi nói một cách suồng sã:

-Ông hoá tưởng rủi hoá lại may, năm xưa mà làm rể họ Trần, bây giờ khéo chúng nó khinh hơn mẻ.

 

Rời khỏi nhà trương tuần Long, thầy đồ Tăng bỏ mặc hai vợ chồng cô Bàng đang cãi chửi nhau để rảo bước tới Linh Sơn cổ tự. Hình ảnh cô thôn nữ xinh đẹp năm xưa đã không còn, trước mắt thầy là người phụ nữ ghê gớm đứng vén váy chửi chồng như hát hay. Giá kể chồng cô Bàng là người nho nhã lại khác, biết đâu cô ý không thay tâm đổi tính, nhưng cuộc đời chẳng nói trước điều gì, gã trương tuần Long cục súc và thô lỗ khiến hai vợ chồng cãi chửi nhau như cơm bữa. Nhiều lúc thầy đồ Tăng tự hỏi, không hiểu ông Cử Vinh có sung sướng không vì đã can thiệp vào cuộc hôn nhân của em gái, là người đọc sách Thánh hiền và dự chân khoa bảng, ông đã từ chối một người đọc sách Thánh hiền như thầy làm em rể, cuối cùng nhà họ Trần rước kẻ thất phu làm rể trong sự chê cười của dân làng. Bỏ qua những so sánh bề ngoài, thầy đồ Tăng đoán nhà họ Trần kết tình thông gia với nhà họ Nguyễn còn mang hàm ý khác. Hiện nay dù họ Nguyễn chưa có người làm chức dịch và kém hơn mấy họ lớn, biết đâu sau này chính họ Trần phải cậy nhờ đến họ.

 

Bỏ hết những chuyện không hay vừa chứng kiến ở nhà gã trương tuần, thầy đồ Tăng ngồi thưởng trà cùng sư Thiện Tâm. Trải qua những việc không hay vừa rồi, khuôn mặt vị trụ trì vẫn toát lên vẻ an nhiên tự tại, kho báu dù có thật hay chỉ là tin đồn, tự thân nó vẫn khiến những kẻ tham lam lao tới ngôi cổ tự như đám thiêu thân. Biết người bạn học chẳng thích nói về những tin đồn gần đây liên quan đến kho báu, thầy đồ Tăng bày tỏ muốn tặng cho chùa thêm sáu chục cây tre để làm hàng rào từ phía khu bảo tháp, như vậy sẽ ngăn bước những kẻ có lòng tham mò vào. Trải qua nhiều biến động, chẳng những Linh Sơn cổ tự không còn vẻ thanh bình, ngay chính làng Mật trong một thời gian ngắn, những đám tang liên tiếp khiến mọi người cảm thấy phong thuỷ của làng không tốt.

 

Rót trà vào hai chiếc chén, sư Thiện Tâm cho biết, Đức Phật đãdạy, lòng tham của con người không bao giờ có giới hạn. Ví như được ăn no mặc ấm, rồi nhu cầu cao lên lại ăn ngon mặc đẹp, rồi nhu cầu được xã hội trọng vọng, nhu cầu được thể hiện bản thân. Nhu cầu càng cao, lòng tham càng lớn. Xét cho cùng khi lòng tham vượt qua nỗi sợ hãi, hàng rào bằng những thân tre đực hay được xây bằng đá ong chẳng thể cản bước họ, những kẻ cướp rừng bàng là minh chứng rõ nhất. Khi tiễn thầy đồ Tăng ra tận cổng chùa, sư Thiện Tâm khẽ nói:

-Kinh Phật đã nhắc “Lòng tham càng lớn, phúc đức lại càng tiêu tán”.

Bình luận