Chapter 15

icon
icon
icon

Còn chưa đầy một  tuần nữa là bước sang năm mới Tân Tỵ 1941, cụ Cử Vinh đã lo xong việc tu sửa phần mộ tổ tiên và thỉnh các hương linh về ăn tết cùng gia đình trong dịp chạp mộ. Trải qua một năm đầy sóng gió, làng Mật nhiều nhà năm nay chẳng thiết tha đón tết, bởi dải khăn tang chít trên đầu của những người phụ nữ còn chưa nhuốm màu thời gian. Lũ cướp rừng bàng đã bị xử án và lưu đày biệt xứ, gia đình ba người vì việc nghĩa vong thân sau mấy tháng mòn mỏi đợi chờ cũng nhận được giấy ban khen từ quan đầu tỉnh cùng hai chục đồng bạc Đông Dương. Người chết chẳng thế sống lại, số tiền xương máu đó đủ cho mẹ goá con côi sống đắp đổi trong thời gian tới, dẫu sao năm nay không bị mất mùa khiến dân làng thở phào nhẹ nhõm. Quen chân cụ Cử Vinh bước tới nhà của lý Hoà, tuy nhiên khi còn cách hàng rào dâm bụt chục mét, cụ quay hướng khác để qua cầu đá sang thôn Đoài đàm đạo thế sự cùng sư Thiện Tâm. Người con dâu thứ hay còn được dân làng gọi là bà lý thấy cụ liền đon đả:

-Con rước thầy vào nhà.

Cụ Cử Vinh khẽ lắc đầu nói bóng gió:

-Không dám.

 

Mặc cho con dâu đứng ngẩn người, cụ Cử Vinh đi về phía Linh Sơn cổ tự. Ngoài việc bực con dâu chẳng đẻ được con trai, còn một điều khiến cụ thấy khó chịu nhưng chẳng thể nói ra. Hôm trước ngồi nhà lý Hoà thưởng trà, bất ngờ cụ nghe thấy tiếng bính bong phát ra, khi mục sở thị cái hộp gỗ treo trên tường chính là đồng hồ quả lắc của bọn Phú Lang Sa, cụ bỏ về ngay vì chẳng thể chấp nhận được cái thói trưởng giả học làm sang. Ngày trước con trai dùng bút sắt đã bị cụ tế cho sập nhà, nhưng đó là thời xa xưa, giờ hai Hoà đã trở thành lý trưởng, cụ chẳng thể réo chửi ông lý của làng Mật được nên cạch cái nhà đó. Thói đòi cụ ghét nhất lũ me tây trên huyện, về làng cụ ghét những kẻ mở mồm ra khoe bên mẫu quốc có cái này hay, có cái kia tài. Ở làng có lão bếp Tình từng qua Phú Lang Sa, dù chẳng đánh nhau ngày nào nhưng được thưởng mề đay nên khi về làng cũng dự vào hàng chức sắc khiến cụ thậm ghét. Lão bếp Tình tên thật là Lê Tình vốn là em ruột của lão lý Hoạch vừa lăn ra chết, mất đi chỗ dựa nên bếp Tình chẳng thể tác oai tác quái như trước. Dẫu sao với ba mẫu công điền do nhà nước bảo hộ cấp ngày xưa khi đăng lính, cộng thêm khi hết hạn quân ngũ lão đó mua thêm chục mẫu ruộng nữa nên được coi là địa chủ có máu mặt trong làng. Dẫu sao họ Trần nhiều ruộng nhất rồi đến họ Lê, riêng họ Tống đám cón cháu đang rơi vào cảnh phú quý giật lùi.

 

Chậm rãi bước qua cầu đá, cụ Cử Vinh thoáng nhìn thấy đồ Tăng đi từ phía chùa bước lại. Ngày xưa cụ từ chối gả em gái cho đồ Tăng là có nguyên do, tay đồ Tăng học chữ Thánh hiền nhưng bất ngờ bỏ ngang còn rủ cháu cụ là sư Thiện Tâm bây giờ không thi cử đó là một tội. Mang danh kẻ nho sĩ nhưng rồi mò lên huyện học tiếng của bọn Phú Lang Sa nên cụ coi khinh ra mặt, bởi những loại gió chiều nào che chiều đó không có nghía khí. Khẽ thở dài, cụ Cử Vinh thoáng ngậm ngùi, bà em gái cụ đúng là số đẻ rơi nên đường hôn nhân lận đận. Khi từ chối tay đồ Tăng, ai ngờ bập vào thằng Nguyễn Văn Long thuộc hàng khố rách áo ôm, nếu không có của hồi môn của bà em gái cụ mang về, chân tuần đinh còn chẳng nối huống chi là chức trương tuần. Sau khi trương tuần Long cùng lão lý Hoạch xông vào Linh Sơn cổ tự, cụ đã cấm cửa gã đó được thò mặt vào ngôi từ đường họ Trần. Đợt lý Hoà làm lễ khao làng, dù là trương tuần nhưng gã em rể cụ không dám vác mặt qua ăn cỗ. Nể tình bà em gái vẫn kết nghĩa phu thê, nếu không cụ đã bàn với các vị chức sắc cách luôn chức trương tuần cho làm thằng bạch đinh ngồi bờ đê từ lâu.

 

Đang ngước nhìn cây thị cổ thụ, cụ Cử Vinh thấy lòng nhẹ nhõm khi nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang. Ở làng Mật có trống ngũ liên treo trong đình, nhưng mỗi khi tiếng trống thúc lên khiến dân làng sợ vỡ mật, bởi nếu không phải vỡ đê cũng là thúc sưu thuế, hoặc có lũ cướp rừng bàng phạm vào đất làng như lần trước. Vốn không thanh tịnh như chốn thiền môn, đình làng là nơi các vị chức sắc bàn việc, xét xử và bắt vạ những kẻ phạm hương ước, chưa kể còn là nơi các cụ đánh chén, ngả bàn đèn và nghe cô đầu hát. Nói một cách chính xác, đình là nơi đám dân đen mỗi lần đi qua phải cắp nón rồi khép nép như vào cửa quan. Chùa làng khác hẳn đình ở chỗ đó, khi vào trong sân chùa mọi ưu phiền như được trút bỏ, chẳng có cảnh chánh tổng hay lý trưởng hạch sách, vào chùa mọi người kính Phật và cầu mong mọi sự tốt đẹp cho gia đình. Những ngày cuối năm, khi mọi bộn bề lo toan đã gác lại, người ta lễ chùa để có những giây phút an yên. Chẳng thế trong suốt cả tháng giêng sau đó, ngôi chùa làng luôn tấp nập người ra vào nhằm báo hiệu sự thanh bình. Thấy trong chùa hôm nay đã vãn người vào lễ, cụ Cử Vinh ngồi đối ẩm cùng sư Thiện Tâm rồi ôn tồn nói:

-Sắp bước sang năm Tân Tỵ 1941, thôi thì ăn cơm mới nói chuyện cũ.

Vào năm Ất Tỵ 1725, cụ tổ Hanh quận công bắt tay vào xây nơi cất giữ kho báu ở ngôi Linh Sơn cổ tự này, thoáng chốc đã được 215 năm rồi.

Sư Thiện Tâm khẽ nói:

-Ý thúc phụ nhắc đến mốc 220 năm.

 

Cụ Cử Vinh gật đầu, bởi trong di huấn để lại, cụ tổ Hanh quận công đã viết rõ, trên đời vốn chẳng có gì là vĩnh cửu, kể cả ngai vàng của các triều đại huống chi là kho báu. Xét về việc kho báu được mang ra dùng khi con cháu họ Trần gặp việc cần kíp phải tuân theo những lời căn dặn chi tiết, người được giao trông nom chẳng thế thích làm theo ý mình. Không rõ cụ tổ Hanh quận công căn cứ vào đâu, nhưng các mốc 130 năm, 220 năm và 230 năm để mở kho báu khiến cụ Cử Vinh băn khoăn. Nếu lấy mốc 130 năm cho lần được phép mở kho báu đầu tiên sẽ rơi vào năm Mậu Ngọ 1858, đó là thời điểm quân Phú Lang Sa nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở ra một chương mới cho vận mệnh nước nhà. Thời điểm đó dòng họ Trần đang vững mạnh khi có nhiều người đỗ đạt và làm quan trong triều, đương nhiên kho báu chẳng cần mở. Khi vận nước lâm nguy bởi giặc Phú Lang Sa, thời điểm đó cụ Cử Vinh chưa chào đời nên không rõ, triều đình của vua Tự Đức chẳng thể địch nổi quân giặc mạnh nên chỉ còn cách cắt đất cầu hoà, sau này thân phụ của cụ đã đỗ Phó Bàng dưới thời vua Tự Đức khiến dòng họ Trần rạng danh. Chính nhờ đỗ cao như vậy, thân phụ của cụ đã dựng lại ngôi từ đường trên nền phủ quận công bị đốt phá. Bây giờ ngẫm lại thấy cụ tổ Hanh quận công ứng nghiệm, bởi lẽ nếu dựng ngôi từ đường nếu thiếu ngân lượng, việc mở kho báu đương nhiên được chấp thuận.

 

Thời điểm kế tiếp là sau 220 năm, tức là rơi vào năm Ất Dậu 1945, dù chẳng rõ họ Trần sẽ gặp tai ương gì cần phải mở kho báu. Thực tâm cụ Cử Vinh chưa muốn làm việc, bởi theo cụ nếu con cháu họ Trần có giàu sang cỡ phú gia địch quốc, không khéo rồi thành lũ me tây khắp lượt. Còn 5 năm nữa đến thời điểm kế tiếp, dù trong họ chẳng ai nói ra, cụ vẫn biết nhiều người mong ngóng được chia phần. Thậm chí có người còn đánh tiếng sẽ dùng tiền mua quan bán tước, tất cả những lời ì xèo đó càng khiến cụ Cử Vinh thấy kho báu nằm in có lợi hơn nhiều. Ngày cận tết nhà nào cũng bận rộn, chùa làng cũng không ngoại lệ, từ ngày chú tiểu Minh Tâm vắn số, sư Thiện Tâm một mình phải lau dọn và quét sân dù thi thoảng có các vãi già đến làm công quả. Không còn chủ quan bỏ quan lời khuyên của thúc phụ, sư Thiện Tâm hiểu rõ lũ cướp rừng bàng chỉ là những kẻ hữu dũng vô mưu, riêng lão lý Hoạch hay trương tuần Long, đó là hiện thân của sự tham lam vô độ nhưng rồi tất cả đều phải trả giá. Trong binh pháp có dạy, kẻ địch trước mặt không nguy hiểm bằng kẻ địch phía sau lưng, sư Thiện Tâm lo nhất những kẻ ẩn mình trong bóng tối, bởi kho báu như ngọn đèn khiến đám thiêu thân chẳng cưỡng lại được. Ngồi thưởng trà đến gần chưa, không muốn quấy quả sự trụ trì thêm nữa, cụ Cử Vinh cáo từ ra về nhưng không quên dặn:

-Người xưa đã dạy, Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm.

-Ý của thúc phụ là.

Cụ Cử Vinh ngắm chữ LINH SƠN TỰ đắp nổi sau đó nói nhỏ:

-Tống Hiên Tăng không phải người thiện lương, tuỳ sư thầy định liệu.

Bình luận