Khi nhiều nhà trong làng tất bật rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng, có người cắt lá chuối để lo việc gói giò, thầy đồ Tăng vẫn ung dung tự tại chẳng hề lo lắng. Thậm chí khi con gái và con rể mời thầy đụng lợn cùng, thầy giảng giải việc ăn tết không hẳn mâm cao cỗ đầy, điều quan trọng phải cảm nhận được cái không khí tết cũng như thời khắc đất trời giao hoà. Dẫu chữ Nho chẳng còn được trọng vọng như trước, thầy vẫn xin ông lý Hoà cho trải chiếu sân đình để bày xấp giấy hồng điều cho chữ theo lệ cũ. Mặc cho thiên hạ buôn bán ngược xuôi, người thôn Đông sang thôn Đoài khất nợ, thầy đồ Tăng thấm nhuần câu “an bần lạc đạo” của Lão Tử nên chẳng lấy thế làm phiền. Với thầy người đọc sách Thánh hiền phải trên thông thiên văn dưới tường địa lý, ngồi trong trướng có thể bàn chuyện xa ngan dặm. Trong lúc dân làng Mật còn mải lo mâm cỗ cúng tổ tiên vào chiều ba mươi, thầy tự cho mình có thiên nhãn khi nhìn ra những việc của nhiều năm tiếp theo. Thấu hiểu câu thiên cơ bất khả lộ, là người thâm trầm và kín đáo nên thầy đồ Tăng chẳng hé răng cùng ai một lời, kể cả người vợ đầu gối tay ấp. không phải người đa nghi như Tào Tháo, nhưng phụ nữ vốn hay chẳng giữ bí mật được, chưa kể gã anh vợ là trương tuần Long vốn nổi tiếng tham còn hơn cả tay mõ làng.
Chưa phải những ngày cận tết, thầy đồ Tăng ung dung ngồi đọc sách bên chiếc tráp gỗ, những chữ mang hàm ý tốt đẹp như PHÚC, LỘC, THỌ, KHANG, NINH được viết sẵn vắt trên sào tre cho bà con lựa chọn. Với những người có yêu cầu riêng, thầy sẽ viết rồi áp triện cẩn thận để họ mang về treo tết. Dân làng Mật không phải người nào cũng biết chữ, nhưng hễ tết đến xuân về, ngoài nồi bánh chưng cùng nồi măng hầm xương lợn, nhất thiết phải rước chữ Thánh hiền được viết trên giấy đỏ mang về dán ngoài cổng, dán cánh cửa hoặc dán trong nhà để mang lại sự may mắn. Nhằm lấy lòng cụ tiên chỉ, dù chẳng ai mướn nhưng thầy đồ Tăng vẫn viết chữ PHÚC MÃN ĐƯỜNG để chút thấy cụ chống gậy ra đình sẽ biếu. Đang miệt mài viết rồi áp triện, thầy đồ Tăng nghe thấy phía sau lưng có người nhận xét:
-Nét chữ bay bướm, tiếc là người ta sớm tống cựu nghinh tân.
Nhận ra ông lý Hoà, thầy đồ Tăng vui vẻ chắp tay chào, câu nói “tống cựu nghinh tân” phù hợp trong những ngày cuối cùng của năm, nhưng thầy đồ Tăng hiểu vị lý trưởng nói theo hàm ý khác. Dẫu nho học đã không còn được trọng dụng, tuy thế chính dòng họ Trần nhiều đời khoa bảng nên ông lý Hoà nghinh tân chắc ngả theo chính sách mới của nhà nước bảo hộ. Dù có chút không vui, thầy đồ Tăng chẳng dại gì làm mất lòng ông lý Hoà nên gượng cười cho qua. Ngồi viết chữ chẳng có trà hay rượu, thầy đồ Tăng mời ông lý Hoà quá bộ sang bên hàng nước bà cụ Ngãi ngay cạnh cây đa, tuy nhiên đã bị từ chối. Thông cảm cho ông lý cuối năm bận nhiều việc, thầy đồ Tăng đánh tiếng ngày 28 tháng chạp sẽ qua nhà gọi là có cành cau, gói trà nhân dịp đón xuân. Có lẽ không mặn mà với món lễ mọn, ông lý Hoà chỉ ừ hữ rồi chống gậy đi ra phía cổng nhật đón cụ chánh Nhung qua làng bàn việc, theo sau ông là bốn tuần đinh nhưng trương tuần Long vẫn cáo ốm nằm nhà. Thầy đồ Tăng tiếc cho người con gái họ Trần, tự dưng giống bông hoa nhà cắm bãi phân trâu. Gã trương tuần Long xông vào chùa chẳng được việc gì còn bị dân làng chê cười, họ bên nhà vợ coi khinh như mẻ, nhưng điều quan trọng nhất thầy đồ như đi guốc trong bụng lão đó. Trương tuần Long vốn tính sĩ diện hão lại hống hách, giờ phải cắp thước nghe lời sai bảo của lý Hoà là cháu bên vợ, đó là nỗi nhục chẳng nói thành lời.
Buổi chiều trời lất phất mưa lại có gió mùa Đông Bắc tràn về, bà cụ Ngãi vội thu dọn hàng nước để về kẻo trời sập tối. Ngay cổng đình chỉ còn ông Tá mù ngồi hát xẩm dù chẳng ai nghe, tiếng hát nghe não nề trong buổi chiều cuối đông. Cắp tráp và cầm ô đứng dậy, thầy đồ Tăng cuộn chiếc chiếu đậu gửi phía sau đình do đã có lời với tay mõ, thấy ông Tá mù vẫn say sưa hát xẩm trong khi chiếc chậu sắt tây cũ chẳng có nổi một đồng hào ván. Thầy đồ Tăng lục túi thả vào chậu mấy đồng BẢO ĐẠI THÔNG BẢO, đây là đồng tiền trinh có mệng giá thấp nhất, bởi vậy trong dân gian lưu truyền câu nói “Bảo Đại làm hại ăn mày”. Khi tiếng quạ kêu từ phía ngoài cổng nguyệt vọng lại, cộng thêm tiếng hát xẩm khiến người yếu bóng vía phải sởn gai ốc. Dẫu sao với một người chẳng nhìn thấy ánh sáng, trời nhập nhoạng đâu hề hấn gì nên ông Tá ngồi hát đến khi khô cổ tự khắc sẽ về. Đi dọc con đường làng nghe tiếng dao thớt rộn ràng, ở nhiều gian bếp còn vọng ra tiếng giã giò khiến thầy đồ Tăng muốn sớm quay về nhà để xơi món bánh đúc canh đựng trong bát chiết yêu do bà vợ đảm đang hì hụi nấu từ chiều.
Không rẽ vào con ngõ nhỏ để về nhà, thầy đồ Tăng đi ra xóm bãi vốn dành cho dân ngụ cư có việc. Đáng ra phải đi lối cổng nguyệt, thầy chọn cách đi men ruộng ngô nhằm tránh sự chú ý của dân làng. Con đường ruộng mấp mô khiến thầy đồ Tăng phải tháo đôi guốc cắp nách, thầy chấp nhận đi chân trần dù hơi lạnh để không bị ngã. Khi gần ra đến bờ sông, nhìn thấy căn nhà lá có ánh đèn dầu le lói, thầy bỏ guốc xuống xỏ chân vào rồi hắng giọng như đánh tiếng. Cánh cửa nhà vừa hé ra đã vội khép lại, ngọn đèn dầu được thổi tắt khiến mọi thứ tối om, nhưng bóng tối giúp người ta vượt qua nỗi sợ hãi thường trực. Mặc cho tiếng chó sủa từ trong làng vọng ra, tiếng quạ kêu trên ngọn cây và tiếng chuột chạy bên ngoài, trong căn nhà lá đơn sơ chẳng có đồ đạc gì nhiều nhặn, thầy đồ Tăng cùng người thiếu phụ quấn lấy nhau. Bỏ qua những mớ cương thường đạo lý hay lời răn dạy của bậc Thánh hiền, thầy đồ Tăng ngụp lặn trong tình ái dù có thể bị đám tuần đinh bắt được.
Khi cơn sóng tình qua đi, thầy đồ Tăng nằm thở dốc cho đỡ mệt và lắng nghe tiếng bước chân từ xa. Chẳng dám nhận mình tài giỏi, thầy vẫn nhận ra tiếng bước chân của lão Sung chuyên đi soi ếch khác với bước chân của anh cu Rạng hay đánh dậm. Riêng bước chân của gã trương tuần Long cùng đám tuần đinh không lẫn vào đâu được, đó là những kẻ phàm phu tục tử chẳng đáng bận tâm. Biết chẳng còn sớm nữa nên phải quay về, thầy đồ Tăng đưa tay mơn trớn người tình hồi lâu rồi nói nhỏ đủ hai người nghe:
-Mình yên tâm, khi thời thế đổi thay, tôi sẽ nói bà vợ đội mâm trầu cau để hỏi mình về làm lẽ đỡ phải thậm thụt như này nghĩ thấy khí không phải.
-Quân tử nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
Trời mỗi lúc một lạnh, thầy đồ Tăng không dám mạo hiểm men theo ruộng ngô vì phải đi chân đất, sau một hồi suy nghĩ, thầy chọn lối cổng nguyệt cho gần vì chẳng muốn nghĩ nhiều về những lời thêu dệt vô căn cứ của dân làng. Ở đời vốn sinh có hạn, tử bất kì, tuy nhiên có nhiều cái chết được khoác lên một màn sương khói chỉ khiến nhiều người thấy lo sợ mơ hồ. Chẳng nói đâu xa, việc ba người lương dân xả thân bắt cướp phải bỏ mạng, có người khẳng định đêm nào cũng nghe tiếng khóc ai oán của họ. Việc ông lý Hoạch cũng được thêu dệt chẳng kém, bà cụ Ngãi bán nước có lần quả quyết, ngay giữa trưa nắng thấy hồn ma ông lý Hoạch mặc áo dài khăn xếp che ô đi từ cổng nguyệt vào làng. Theo như lời kể, ngay khi đến cổng đình hồn ma ông lý hoạch biến mất, có lẽ ông lưu luyến vấn vương chẳng nỡ rời xa chốn nhân gian. Giải thích việc hồn ma không về nhà lại ghé đình, bà cụ Ngãi khẳng định do ông tiếc cái chức lý trưởng nên chỉ muốn vào đình đánh chén. Những lời đồn thổi như làn gió len lỏi khắp nơi khiến chẳng ai dám mò ra cổng nguyệt khi ánh mặt trời sắp tắt.
Bước thấp bước cao qua bãi tha ma, những nấm mộ cả mới lẫn cũ giờ chẳng nhìn rõ chỉ như đàn trâu đang nằm sau một ngày kéo cày vất vả. Dù gió thổi mạnh nhưng thầy đồ Tăng vẫn thấy phảng phất mùi hương trầm, có thể hồi chiều nhà nào viếng mộ nên thắp có phần hơi nhiều. Khi vừa đặt chân qua cổng nguyệt, thầy đồ Tăng bất ngờ thụt chân xuống một hố nông khiến cả ô và chiếc tráp gỗ văng sang bên cạnh. Trong lúc thầy còn đang bối rối, bất ngờ có sợi dây thừng vòng ngay vào cổ, một đầu của sợi dây được tung qua chạc ba cây gạo cạnh đó khiến đàn quạ vỗ cánh bay đi nhưng không quên cất tiếng kêu đầy ai oán.
Bình luận