Đúng ngày cuối cùng của năm, làng Mật chứng kiến hiện tượng chưa từng có kể từ ngày lập làng, bầu trời đang trong xanh bỗng tối sầm lại. Nếu như là mây đen kéo tới lại đi một nhẽ, hoá ra đàn quạ bay từ thôn Đoài qua thôn Đông rồi đậu trên cây gạo ngay cửa nguyệt. Tiếng quạ kêu, tiếng chửi bới của các chủ nợ vì năm cùng tháng tận con nợ vẫn chày bửa, xen lẫn tiếng trẻ con khóc do bố mẹ trốn nợ chẳng có gì nhét vào bụng, tất cả tạo thành mớ âm thanh hỗn độn. Vốn chẳng bận tâm đến những âm thanh hỗn tạp, thầy đồ Tăng vẫn khoan thai viết đôi câu đối cho cụ chánh Nhung:
“Vinh hoa phú quý viên trường thọ.
Tài lộc an khang tuế cát tường”
Có lẽ trong sự xô bồ của cuộc sống, sự phô trương bày vẽ hợm hĩnh của những người có bát ăn bát để, sự gồng mình để lo cho gia đình của những người nghèo đúng như câu “đói quanh năm no ba ngày tết”, ở làng Mật chỉ có hai nơi không bị cuốn theo những phù phiếm đó, thứ nhất là Linh Sơn cổ tự, nơi sư Thiện Tâm đang trụ trì và tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã rời xa trần thế năm vừa rồi. Tự cho chiếu viết chữ Nho của mình là nơi trang nghiệm thanh tịnh, thầy đồ Thăng quyết bám trụ cho đến chiều sẽ về cúng tất niên và đón tết. Trong đình các cụ bàn việc, ngoài đình ông Tá mù vẫn đàn và hát xẩm như thời còn khoẻ ông ra tận chợ Đồng Xuân ngoài Hà Nội hành nghề. Ngày đó ngày lẻ ông hát xẩm trên tàu điện, ngày chẵn ông ngồi chợ Đồng Xuân, sau này về già chẳng muốn tha phương cầu thực rồi ngộ nhỡ chết đường chết chợ, ông về làng hát phục vụ bà con. Vừa rót nước cho khách, bà cụ Ngãi vừa nhận xét về lũ quạ đang kêu như cháy nhà:
-Thôi lạy mấy ông quạ, đau thương gì kêu nốt đêm ba mươi, đừng mang vận xui vắt sang năm mới rồi cả làng chịu đói.
Khi vợ chồng tay mõ hạ mâm cỗ cúng Thành hoàng rồi rước các cụ vào thụ lộc, một băng pháo dài được đốt nhằm xua tan mọi sự không may cho năm mới hanh thông. Lý Hoà xoa tay mời các cụ thưởng thức món gỏi cá gia truyền của họ Trần, điều mà hồi Lê Hoạch làm lý trưởng mâm cỗ chẳng có món đó. Bếp Tình vẫn buồn nỗi huynh trưởng mất sớm nên mộc triện vào tay họ Trần, lão gẩy đũa vào đĩa gỏi cá rồi chê món này kém sang, trong lúc lý Hoà chưa kịp phản ứng, cụ Cử Vinh đang ngồi cùng cụ tiên chỉ và cụ chánh Nhung bất ngờ ném thẳng đôi đũa son về phía bếp Tình rồi quát:
-Bao năm làm cu li cho Phú Lang Sa vênh vang nỗi gì, nơi cửa Thánh đừng xấc láo, thích sang về rúc váy vợ trong bếp.
Không khí bữa thụ lộc cuối năm bỗng trầm lắng, mọi người đều biết cụ Cử Vinh là người có khí chất của một sĩ phu Bắc hà, do vậy một kẻ xuất thân đầu bếp cho tây như lão bếp Tình được ngồi dự cỗ trong đình còn lạm bàn và lộng ngôn e hơi quá. Sống trong thời buổi hỗn quân hỗn quan, cụ Cử Vinh thậm ghét ngồi ăn cùng với thằng cu li hầu việc bếp lúc cho bọn Phú Lang Sa. Trong mắt cụ Cử Vinh, lão bếp Tình khác nào con bé Lượm ở nhà, chỉ khác là con bé đó lo việc bếp núc cho nhà cụ để một năm lĩnh tiền và gạo về lo cho đàn em ở nhà. Từ khi chính quyền bảo hộ cai quản mọi mặt đời sống, những kẻ cúc cung tận tuỵ làm tay sai cho chúng, sau này khi hồi hưu về làng đều được triều đình ban cho hàng cửu phẩm khiến cụ chỉ biết ngửa cổ than trời. Hôm nay mắng thằng cu li ngay giữa đình, cụ muốn ngầm cảnh cáo đến những kẻ nuôi mộng ôm chân lũ bạch chủng rồi vênh váo ra vẻ ta đây. Nhớ đến thân phụ ngày vinh quy bái tổ rồi làm mệnh quan triều đình cho đến lúc về làng với hàm tam phẩm, cụ Cử Vinh càng ngứa mắt với lão bếp Tình. Do ngày cuối năm nên các cô đầu trên huyện đã nghỉ, bởi thế tiếng quạ kêu từ cửa nguyệt vọng vào thay tiếng hát hầu cửa Thánh. Thấy không ai đứng về phe mình, bếp Tình đành nuốt hận cắm mặt vào ăn và nốc rượu cho bõ tức. Thấy ngồi đánh chén trong tiếng quạ kêu có phần không nhã, cụ tiên chỉ nói ngay:
-Trương tuần đâu nhỉ, sao không sai tuần đinh ra chỗ lũ quạ kêu xem có việc gì, để nó ám như vậy còn gì là phong vận của làng.
Bị chánh tổng réo gọi, trương tuần Long vội buông đũa xách thước lim cùng bốn tên tuần đinh ra phía cổng nguyệt. Người ta nói trời đánh còn tránh miếng ăn, nhưng cụ chánh Nhung nổi tiếng hách dịch cả vùng nên cái chức trương tuần chỉ bé như hạt vừng. Có lẽ lý Hoà nể gã lấy bà cô ruột của mình, do vậy đã không sai khiến như lão lý Hoạch hồi trước, biết được điều đó khiến gã vững tâm hơn chẳng còn cáo ốm nằm nhà. Hôm 23 tháng chạp bà vợ gã từng cảnh báo:
-Ngày xưa các quan treo ấn từ quan về làng còn được người ta trọng vọng bởi họ xuất thân khoa bảng, ông chỉ là trương tuần nên có treo thước gỗ lim chẳng ai bận tâm, sĩ diện hão rồi đến khi làng bổ người khác, lúc đó đi cày chớ kể khổ.
Những lời của vợ khiến gã bừng tỉnh, chẳng dám sĩ diện hão rồi cành cao cành bổng, gã tiếp tục vác thước như chưa từng xảy ra vụ xông vào gian chính điện của ngôi chùa làng. Nếu nói gã bôi gio trát trấu vào họ Nguyễn chả sai, nhưng việc lão lý Hoạch chết hoá ra là tin mừng, dân làng cho rằng lão đó chủ mưu bị quả báo, riêng gã cùng đám tuần đinh chỉ làm theo lệnh nên họ thể tất bỏ qua. Thấy họ Trần vững như bàn thạch, gã bắt đầu bớt thói gây sự cùng vợ, dẫu sao có chuyện gì xảy ra, người thiệt nhất là cô con gái rượu vì chứng kiến gia đình lục đục.
Không giống như lũ quạ khác thấy người sẽ vỗ cánh bay đi, lũ quạ đậu trên cây gạo nhìn thấy đám tuần đinh còn kêu to hơn, điều này đúng như bà cụ Ngãi nói, đây là lũ quạ ma. Dẫu bà cụ hay kể những chuyện bảy phần hư có ba thần thực, dân làng vẫn cho rằng nó có thực hoàn toàn. Sở dĩ gọi lũ quạ này là quạ ma, nguyên do chúng rỉa và ăn quá nhiều thịt người nên thành tinh. Xác người đâu cho quạ rỉa chẳng thấy, quả thực tiếng kêu của bầy quạ khiến trương tuần Long thấy đầy âm khí. Nghĩ tới nồi nước mùi già do vợ đun từ sáng, gã tặc lưỡi xông qua cửa nguyệt nhưng không quên nhắc đám tuần đinh nhặt mấy hòn đất ném cho lũ quạ bay đi. Ngay lúc bước qua cổng nguyệt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc còn đám nhặng xanh bay vô ve khiến trương tuần Long như bị dội ngược lại trong làng. Sau khi sai hai tên tuần đinh dùng khăn bịt mũi tới kiểm tra ngay vũng trâu đầm, trương tuần Long chạy ngược ra chỗ cây sấu để khạc nhổ bởi mùi quá nồng. Rất may gió không thổi ngược vào làng, bởi thế trong đình các cụ đánh chén chỉ nghe thấy tiếng quạ kêu còn việc ăn uống chẳng hề hấn gì. Hai gã sau khi xem xét đã chạy vào nôn oẹ rồi thông báo:
-Bẩm ông trương trong vũng trâu đầm có vào xác chết, do ruồi nhặng bu kín cùng đàn quạ nên chỉ nhìn thấy bốn cẳng chân.
Tin có người chết chẳng mấy chốc lan ra khắp làng, nhiều nhà có con trai mới lớn vội điểm danh vì sợ con mình mò sang làng khác chòng gái bị ăn đòn thù. Chẳng giống mấy vụ án có đông người hiếu kì, vụ này kẻ bạo gan nhất chỉ dám đứng từ cổng nguyệt nhìn ra, riêng mùi hôi thối đủ khiến người ta phát hãi. Đang đánh chén dở miệng, cụ chánh Nhung dùng chiếc tăm dài xỉa răng tanh tách rồi quay sang hỏi lý Hoà:
-Ngày cuối năm rồi còn xảy ra án mạng, vậy ông lý định thế nào.
Sau khi kiểm lại trong làng không thiếu suất đinh nào, lý Hoà cho biết nếu báo quan chắc sau ngày mùng 6 quan huyện mới quay lại công đường, khi đó những cái xác sẽ biến thành ổ bệnh và mùi của nó kinh khủng. Sở dĩ lý Hoà chắc chắn như vậy bởi hôm 26 tháng chạp đi tết quan, ông được biết quan lái xe đưa vợ con về Hà Nội ăn tết. Dù ngài quê ở Hà Đông nhưng quan bà vốn là thiên kim tiểu thư sinh ra ở phố Hàng Than, lấy được vợ giàu nên đường quan lộ sáng sủa hơn rất nhiều. Muốn có người nâng đỡ phải nhiều tiền, ngay như con xe ô tô ngài đang ngồi, đó là của hồi môn do quan bà được song thân tặng cho. Khi biết việc báo án sẽ làm khó dân làng Mật, cụ chánh Nhung chấp nhận chọn cách “chết đâu chôn đó” coi như mả mấy thằng ăn mày dạng tứ cố vô thân. Cũng may bọn này chết ngoài cổng nguyệt, nếu quá thêm vài trăm bước chân vào địa phận làng, khi đó lại thành to chuyện. Cuối giờ chiều, đám tuần đinh dùng xe cút kít chở những cục vôi sống tới đổ lên những xác chết, cách đó không xa có hai tuần đinh dùng gàu sòng tát nước vào con lạch vừa đào. Khi vũng trâu đầm bắt đầu bốc khói do vôi gặp nước sôi sùng sục, đích thân trương tuần Long dùng cây tre đực cắm vào rồi đảo cho đều.
Bình luận