Chapter 18

icon
icon
icon

Nhờ sức nóng của vôi nên lũ ruồi nhặng không còn vo ve, đàn quạ ma mất bữa ngon nên vỗ cánh bay ra ngoài sông đậu trên xác một con lợn chết trương để đánh chén. Chính nhờ dùng sào tre sục xuống, trương tuần Long phát hiện trong vũng trâu đầm có tất cả ba người, như vậy cái chết bí ẩn của họ mãi là điều chẳng ai thể khám phá được. Ngồi viết chữ nhưng dân làng còn mải bàn tán về những cái chết thương tâm, thầy đồ Tăng mở tráp gỗ lấy ra tờ giấy trắng rồi dùng bút sắt viết một đoạn trong bài “văn tế thập loại chúng sinh” của cụ Nguyễn Du. Chẳng muốn bước ra ngoài cổng nguyệt bởi sức nóng của chỗ vôi đang tôi, thầy đồ Tăng cầm tờ giấy nghiêm trang đọc to:

 

Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,
Hoặc là nương ngọn suối chân mây,
Hoặc là bụi cỏ bóng cây,
Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ.


Hoặc là nương thần từ, Phật tự
Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông
…”


Hoặc là trong quãng đồng không,
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.

 

Sau khi đốt tờ giấy để tro tàn bay xa, mặc cho đám tuần đinh bắt đầu dùng cuốc xẻng lấp đất rồi đắp thành cái mả còn nóng bởi chỗ vôi đang tôi, thầy đồ Tăng cắp tráp quay về tắm tất niên rồi chuẩn bị đón năm mới. Tuần trước khi bị ba kẻ lạ mặt tung dây, thầy đành chọn cách dùng đến tuyệt kĩ bạch hạc quyền của dòng họ Tống để biến hung thành cát. Tổ tiên của thầy vốn từ vùng Phúc Kiến đi xuống phía Nam cùng thời với nhà Lý xưng đế. Sau này họ Tống là một trong tam tổ lập làng Mật nên con cháu không bị coi là kẻ ngụ cư. Trong phút giây hiểm nguy, thầy quyết dùng đòn sát thủ khiến ba kẻ không còn cơ hội gặp mặt vợ con và trở thành hồn ma vất vả. Tối hôm đó sau khi hạ sát ba tên dám ra tay tàn độc, thầy đồ Tăng ném những cái xác xuống vũng trâu đầm rồi phủ qua loa bằng những thân cây ngô. Dẫu sao những ngày cuối năm ít người đi qua cổng nguyệt, bởi vậy hôm nay nếu đàn quạ không kêu loạn cả góc làng, khéo những kẻ đó thối rữa đến qua rằm tháng giêng không chừng.

 

Chẳng mảy may rủ lòng thương xót, thầy đồ Tăng tắm rửa sạch sẽ rồi vận áo dài màu lam đứng trước bàn thờ kính cẩn làm lễ, chiều nay nhà thầy có con rể, con gái cùng cháu ngoại tới dự bữa tất niên, có cậu con trai học trường huyện về nghỉ tết, xét ra đông vui hơn chán vạn nhà trong làng. Khi cả làng pháo nổ râm ran, trừ những nhà nghèo không đua thói phù phiếm, còn những nhà khá giả coi việc đốt pháo như hình thức tống cựu nghinh tân. Thầy đồ Tăng khoan thai bước ra ngoài rồi đợi con trai đốt xong bánh pháo, lúc này thầy chính thức xông nhà rồi khoác tay vợ lên chùa thắp hương. Nhớ đến đàn quạ ma nên thầy bỏ ý định sau lễ chùa đến lễ đình, dẫu sao những hồn ma đêm nay nghe tiếng pháo chắc đang vất vưởng ngoài cổng nguyệt chờ thời cơ nhập làng.

 

Trong lúc đợi vợ làm lễ, thầy đồ Tăng bước qua đền thờ bà Chiêu Phi, người có công xây đình và phục dựng Linh Sơn cổ tự. Không có đông người viếng đền thờ bà Chiêu Phi bởi hai lẽ, ngôi đền được dựng trên gò đất cao với những bậc đá khó đi, ngay sát đền có cây lim cổ thụ từng là nơi trú ngụ của con rắt hổ mang ngay dưới gốc. Ngày trước có thằng bé trong làng leo lên đền ngồi chơi rồi ngủ quên, lúc gia đình đi tìm đã thấy con mình tím tái còn cổ tay có vết rắn cắn. Ngôi đền cổ kính có từ thời hậu lê rơi vào hoang phế hiện nay bên ngoài có tấm văn bia do cụ nghè làng Me vâng lệnh chúa Trịnh soạn thảo. Do đền chỉ mở cửa vào ngày rằm, mùng một và ngày giỗ, bởi vậy chẳng có người trông coi còn việc lau dọn do hai người con dâu họ Trần đảm trách. Lúc chuẩn bị bước vào đền, thầy đồ Tăng bất ngờ gặp cụ Cử Vinh cùng bà vợ ba từ trong đền bước ra, có lẽ họ là những người xông đền trước tiên, bởi xét ra bà Chiêu Phi là bà cô tổ mẫu của dòng họ Trần. Giáp mặt người đã từ chối chọn mình làm em rể, dù sự việc đã tròn một phần tư thế kỉ, dẫu sao thầy chỉ bằng mặt không bằng lòng. Sau vài câu chúc sáo mòn, thầy đồ Tăng vào đền thắp hương trước pho tượng bà Chiêu Nghi. Dù pho tượng không được đúc bằng đồng, tuy nhiên những nghệ thân biết thổi hồn vào pho tượng khiến bà Chiêu Nghi lộ rõ vẽ hiền thục và đoan trang.

 

Ánh chừng vợ đã lễ Phật xong, thầy đồ Tăng khoan thai bước từ trên đền bà Chiêu Phi xuống đón vợ, như vậy phần tâm linh đón chào năm mới đã hoàn tất. Thoáng nhìn thấy người họ Trần bưng mâm lễ bước lên đền thờ bà Chiêu Phi, thầy đồ Tăng đứng nép qua một bên nhường đường. Nhận ra ông cả Hiển dẫn đầu, thầy đồ Tăng chắp tay chào không quên dùng lời chúc tốt đẹp, bởi dẫu sao người lo phần hưng khói ở ngôi từ đường là anh ruột của lý trưởng. Còn một điều sâu xa, vợ thầy đang mong ngóng kết tình thông gia cùng nhà ông cả Hiển, như vậy hai họ lớn trong làng thừa sức lấn át những họ khác dù hiện nay ba họ Trần, Lê, Tống đang tạo thế chân vạc ở mảnh đất quần ngư tranh thực.

 

Dù họ Tống là tam tổ lập làng, hiện nay xét mọi nhẽ đều kém xa họ Trần, bởi họ nắm cả thần quyền lẫn thế quyền, thầy đồ Tăng thầm tính, hiện nay cụ tiên chỉ như đĩa đèn dầu lạc cháy đến bấc, nay mai cụ Cử Vinh sẽ thế chỗ. Nắm triện mộc trong tay là lý Hoà cũng người họ Trần, tay trương tuần hữu dũng vô mưu là rể của dòng họ đó. Với những người phu lễ chăm lễ chùa, sư trụ trì đáng kính không ai khác cũng người họ Trần. Ngôi đền thờ bà Chiêu Phi cũng vậy, chưa kể lăng mộ bằng đá của cụ tổ họ Trần là Hanh quận công và lăng mộ bà Chiêu Phi gần đó. Vừa bước sang năm mới chưa lâu, chẳng muốn suy nghĩ nhiều việc đó, thầy đồ Tăng che ô cho vợ dù trời chỉ lất phất mưa trong thời khắc trời đất giao hoà.

 

Sau phần lễ là lúc cả nhà ngồi ăn bát miến cho ấm bụng, do con rể và con gái sớm mai chưa sang chúc tết được, nhà thầy đồ Tăng chỉ còn hai vợ chồng cùng cậu con trai nên mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều. Không phải một ngày nấu vài bữa cỗ để tiếp khách, vợ thầy nhìn nhuận sắc hơn cả bà ba Xoan nhà cụ Cử Vinh dù hai người chẳng chênh nhau mấy tuổi. Đợi cho vợ pha ấm trà ngon, thầy đồ Tăng thủng thẳng nói với con trai:

-Vậy là con đã bước sang tuổi 15, thầy u định đánh tiếng để con đẹp duyên cùng con bé Nếp nhà bác cả Hiển, vậy ý con thế nào.

Thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, dù học trên trường huyện thấy các anh lớp lớp đi chim gái cũng thích, tuy nhiên biết thầy của mình nghiêm khắc nên Tống Hiên Bình chả dám ho he. Chưa biết có vợ sẽ vất vả như thế nào, nhưng thấy con bé Nếp tên đúng như người bởi mũm mĩm lại trắng như cục bột, Tống Hiên Bình thầm nghĩ, giờ hàng đêm có người ôm ấp kể cũng thích nên ấp úng trả lời:

-Việc này con tuỳ theo ý của thầy u.

 

Thấy vợ cười sung sướng vì không gặp phải sự phản đối, thầy đồ Tăng gật gù cầm nậm rượu rót vào hai chén, con trai sắp lấy vợ nên thầy cho phép uống rượu để hiểu về sự đắng cay của cuộc đời. Năm mới nhưng thầy đồ Tăng kể cho con trai nghe về tích Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, ngày còn trẻ thầy từng đến thành Cổ Loa vãn cảnh và được nghe kể về mối tình đẹp. Bỏ qua sự ca ngợi của dân gian về nàng Mỵ Châu, thầy đồ Tăng vỗ vai con trai nói đầy ẩn ý:

-Trọng Thuỷ mới xứng là đấng nam nhi trong thiên hạ.

Bình luận