Trận bão đầu tiên của năm khiến hàng trăm mẫu ruộng của làng Mật chìm trong biển nước, ngày đầu tiên mọi người còn hò nhau tát nước ra mương, nhưng sức người chẳng bì được với sức của thiên nhiên nên đành buông xuôi. Sức gió mạnh làm cho nhiều cây nhãn, cây ổi bật gốc, mấy ngôi nhà tranh tre nứa lá bị gió giật đổ sập. Chưa bao giờ dân làng Mật chứng kiến trận bão kinh hoàng đến vậy, mái ngói nhà ông địa chủ Hàn, nhà ông lý cựu và nhà ông lý Hoà đều bị bay mất vài chục viên. Mặc cho sấm chớp ầm ầm, cả làng Mật được một đêm thức trắng vì lo nhà sập, lo gia súc bị chết và đủ thứ lo khác. Gạo, muối, vại dưa là những thứ ưu tiên để ở nơi cao ráo, bởi ngày mưa chợ làng chả ai bán để mua. Nhiều nhà có gà đành chọn cách cho đậu trên cây, riêng lợn được lùa vào hiên nhà đồng cam cộng khổ, con trâu là đầu cơ nghiệp được ưu tiên che chắn chuồng và chống ngập, bởi nó lăn ra đồng nghĩ tay trắng. Tạm chưa nghĩ đến cái đói cận kề do mất mùa, đúng như câu lút cả làng cùng lụt nên bà con quay cuồng chống bão, khắp nơi tiếng oán thán ông trời vang lên, khổ nỗi những tiếng đó bị sấm chớp át đi trong thoáng chốc. Do thấu hiểu nỗi khổ của dân làng, cổng chùa Mật rộng cửa đón những gia đình bị sập nhà vào tá túc ở dãy nhà ngang. Trong đêm tối tiếng trống ngũ liên từ đình làng vang vọng, lý Hoà huy động trai đinh có mặt trên điếm canh đê vì nước sông lên cao, chỉ cần một đoạn đê vỡ không kịp hàn khẩu, tài sản sẽ trôi theo con nước. Đúng như câu thuỷ hoả đạo tặc, dù cơn bão chỉ lướt ngang qua vùng Kinh Bắc trong đó có làng Mật, hậu quả của nó khiến dân nghèo khóc chẳng thành tiếng.
Bà cụ Ngãi bán nước sớm không chết, muộn không chết, đúng đêm cơn bão về bà nhắm mắt xuôi tay khiến con cháu chỉ còn cách dỡ mấy cánh cửa đóng tạm cỗ quan tài. Đầu giờ sáng khi vừa liệm xong, từ trong nhà ra đến ngoài sân chỉ thấy nước không thấy đường nên mọi người quyết định chôn sớm ngay khi phát tang xong. Đúng như câu người tính khôn bằng giời tính, khi vừa đóng cá quan tài, đoạn đường ra đến cổng nguyệt đã ngập sâu tới bụng, do vậy việc đào huyệt là điều không thể. Cỗ quan tài để trong nhà ba ngày khi nước bắt đầu dâng cao, cực chẳng đã người con trai bà cụ Ngãi đành bơi ra đình làng cầu cứu ông lý Hoà, bởi để lâu trong nhà sẽ khiến người sống phải ngửi mùi người chết là nỗi kinh hoàng. Vốn cùng là người làng và hay ngồi quán nước bà cụ Ngãi, thấy tình cảnh bi đát như vậy nên lý Hoà sai đám tuần binh đặt cỗ quan tài vào chiếc thuyền đánh cá kéo ra gần cổng nguyệt. Cây muỗm cổ thụ ngày thường cao là vậy, giờ nước ngập nên chạc ba chỉ cần đứng trên thuyền là với được. Năm trước cũng vào một đêm mưa bão, tay Thanh lé đã treo cổ tự tử ở chính cành muỗm to nhất, giờ kẻ xấu số đã mồ yên mả đẹp ngoài bãi tha ma. Đám tuần đinh đặt cỗ quan tài trên chạc ba của cây muỗm, sau đó cẩn thận buộc dây thừng vì sợ nước dâng cao lại cuốn trôi đi mất. Ngồi trên thuyền quan sát đám tuần đinh, ông lý Hoà tặc lưỡi bởi bà cụ Ngãi mấy chục năm bán nước, giờ thác đi đúng ngày cả làng mênh mông bể sở âu cũng là cái số.
Ngày thứ năm khi cơn bão đã suy yếu, lúc này gió vẫn thổi nhưng không đủ làm gãy cây hay đổ nhà, mưa bắt đầu giảm dần không ào ào như hôm trước, tuy vậy đường làng có đôi chỗ ngập đến ngang người khiến việc di chuyển phải dùng thuyền. Đường làng Mật giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy nước nên nhưng vùng đất cao chỉ ngập tới đầu gối, càng đi về phía cổng nguyệt lại càng ngập sâu, đúng như một thầy phong thuỷ xưa từng nhận xét, làng Mật tựa chiếc nghiên mực bị nghiêng, do vậy cổng nguyệt được ví như điểm hõm để tụ mực. Do thế đất hình nghiên mực, bởi thế làng Mật nhiều người họ nối dòng khoa bảng, tuy vậy đa phần bà con vẫn một nắng hai sương đánh bạc với giời nên thậm khổ.
Khi cả làng ngủ mê mệt sau mấy đêm chống bão, đám tuần đinh xơi hết nồi cháo gà lăn ra ngủ ngay trong điếm canh đê, một chiếc thuyền thúng lặng lẽ vượt qua những chỗ ngập để từ thôn Đông qua thôn Đoài. Chiếc cầu vốn là cầu nối giữa hai thôn, giờ đây khi thuyền thúng đi qua chỉ còn nhô hàng lan can bằng đá có tạc những bông hoa sen, mưa gió khiến lũ gà rũ cánh đậu trên những cành cây ổi chẳng khác đám quạ ma đậu cây gạo nơi cổng nguyệt là mấy, có chăng chỉ là chênh nhau về độ cao. Dừng lại trước cổng chùa, bóng đen nhấc thuyền đặt úp vào bức tường đá ong vì đoạn đường này nước chỉ ngập tới đầu gối, có lẽ ngày xưa khi dựng chùa, xây đình, các bậc tiền nhân đã kĩ càng trong việc chọn hướng và chọn nơi có thế đất cao, bởi vậy hai nơi linh thiêng của làng hiếm khi bị ngập.
Không bước vào trong chùa dù hai cánh cổng luôn rộng mở kể từ khi cơn bão tràn qua, bóng đen nhằm hướng đền thờ bà Chiêu Phi để mò mẫm. Chẳng có đuốc soi đường, bầu trời chỉ toàn mây đen vần vũ, do vậy bước chân kẻ lữ khách đôi lúc bị hụt. Trời mưa nên nhiều loài phải chọn nơi cao trú ngụ, trên những cây xoan, cây duối mọc hai bên đường, có những con rắn nằm vắt trên thân cây, chỉ cần sơ ý có thể dính ngay một vết cắn với nọc độc phát tác còn nhanh hơn cả sấm chớp. Ngồi đền thờ không quá to, chỉ có gian chính điện và gian hậu điện nằm trong khuôn viên một sào bắc bộ gồm vườn cây ăn trái, tấm bia cùng một vài linh thú bằng đá. Khi xưa đền thờ có tường bao, trải qua bao thăng trầm lịch sử, tường bao đã đổ sập còn những linh thú nhiều con mất đầu hoặc mất chân. Gian chính điện có những cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim chạm khắc công phu đã sẫm màu, nhưng bóng đen không dừng lại mà men theo bờ tường rêu phong cổ kính để xuống phía gian hậu điện. Trong đêm tối bất ngờ có tiếng chim lợn kêu, giả sử người nào còn đang thức sẽ phải giật mình kinh sợ, tiếng kêu chết chóc của loài chim mang điềm gở, nó báo hiệu trong làng sắp có người lìa xa cõi trần. Giờ này không còn ai bì bõm, ngoài việc đã kiệt sức chống bão, hình ảnh cỗ quan tài của bà cụ Ngãi đặt trên chạc ba cây muỗm khiến nhiều người thất kinh, chưa kể lũ quạ ma không đậu trên cây gạo như trước, chúng sà xuống bu kín cỗ quan tài như chờ đợi điều gì đó.
Do dành thời gian quan sát và tìm hiểu, chẳng mất nhiều công sức bóng đen đã lọt vào gian hậu điện đúng chỗ những viên ngói bị gió bão thổi bay vương vãi gần đó. Trong đêm khuya mưa gió, nghe tiếng động nhẹ đủ khiến đàn dơi đang bám trên xà ngang vỗ cánh bay đi, có lẽ bóng đen là kẻ xâm phạm nơi trú ngụ của chúng. Người xưa đã xây gian hậu điện với một ô cửa hình lục lăng để thông gió, thay vì làm chấn song, họ dùng cửa gió là bông hoc cúc đại đoá bằng sứ men xanh, là nơi đón ánh hoàng hôn vì ở hướng chính tây. Tuy nhiên lũ dơi tinh quái đã phát hiện ra nơi có thể trú ngụ qua đêm, bởi vậy khi ánh hoàng hôn sắp tắt, đàn dơi chui qua bông cúc đại đoá bằng gốm vào gian hậu điện, chúng bám vào những thanh xà bằng gỗ để treo mình. Mò mẫm trong gian hậu điện chán chê, kẻ đột nhập đi theo lối dẫn thông tới gian chính điện, sau khi châm lửa vào chiếc đèn dầu, kẻ đột nhập dùng chuôi của thanh đoản kiếm gõ nhẹ vào phía sau pho tượng bằng gỗ mít. Trong đêm khuya thanh vắng, âm thanh phát ra từ pho tượng nghe hơi trầm, nhưng đến khi nghe thấy tiếng khác lạ nơi cổ tượng, kẻ đột nhập liền dừng tay cầm đèn dầu quan sát kĩ.
Mặt trước pho tượng bà Chiêu Phi có đeo một chuỗi tràng hạt, người nghệ nhân còn tỉ mẩn chạm khắc cả phía sau gáy nên nhìn pho tượng có hồn. Tuy nhiên chính đoạn phía sau cổ tạo ra âm thanh rỗng khi chuôi của thanh đoản kiếm thúc vào, như vậy bí mật nằm ở ngay đó. Quan sát hồi lâu, thấy chuỗi tràng hạt sau gáy bà Chiêu Phi có một viên to như quả táo là điều bất thường, kẻ đột nhập dùng chuôi thanh đoản kiếm thúc mạnh hết cỡ, bất ngờ quả táo gỗ đó ngập sâu vào tượng như người ta nhét quả táo vào chỗ bột nếp vậy. Pho tượng bà Chiêu Nghi bất ngờ chuyển động ngay trên bệ tạc hình toà sen, trong nháy mắt pho tượng quay ngược lại nhìn về phía gian hậu điện còn ban thờ tưởng chừng là một tảng đá xanh liền khối tác ra làm hai phần để lộ ra con đường hầm phía dưới. Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một chạm, khi biết mình đã tìm ra đường vào kho báu, kẻ đột nhập chẳng bỏ lỡ một giây vội cầm đèn dầu đi xuống. Vốn là kẻ có nhiều kinh nghiệm, nhằm tránh khi bước xuống bị pho tượng quay lại vị trí cũ sẽ khiến cửa hầm sập lại, kẻ đột nhập dùng khúc tre dài như chiếc điếu cày đặt vào nơi hai phiến đá vừa tách ra.
Với những kẻ chuyên săn tìm kho báu, việc đến đúng nơi là một chuyện, tìm và khuân được những thứ trong đó lại là chuyện khác. Nhanh chóng bước xuống con đường nhỏ dẫn vào nơi chôn giấu, do chẳng phải hầm mộ nên kẻ đột nhập tự tin chẳng mất công phá quan tài hay gỡ bùa yểm. con đường nhỏ đủ một người đi lọt nhưng có nước ngập tới mắt cá chân dẫn kẻ đột nhập dường như đi sâu xuống bên dưới nên có vẻ hơi khó thở. Khi đến cuối con đường bất ngờ có một khoảng rộng vuông vức với mỗi chiều dài ngang bằng chiếc đòn gánh. Ngay phía trước mặt có một cửa vòm bằng đá được xây bịt kín, kẻ đột nhập đoán phía sau bức tường chính là nơi chôn những hòm vàng, hòm bạc của gia tộc họ Trần. Chẳng có nhiều thời gian suy tính do đèn dầu sắp cạn, kẻ đột nhập đặt đèn dầu ngay chỗ có con thiềm thừ bằng đá ngậm đồng tiền. Hình như người xưa đặt con thiềm thừ chênh vênh trên tường là có nguyên do, thời vua Lê chúa Trịnh chưa có đèn dầu, họ dùng đĩa đèn dầu lạc nên khi đặt vào đúng vị trí đồng tiền sẽ vừa khít. Trong hang tối chật hẹp, nếu đốt đuốc sẽ hút hết ô xy nên dùng đèn dầu lạc sẽ an toàn hơn.
Dùng chuôi thanh đoản kiếm gõ kiểm tra lần nữa, kẻ đột nhập hít hơi vận khí công rồi bất ngờ vung chân đạp thẳng vào đoạn tường xây bịt cổng vòm đá. Nhờ nội công thâm hậu, sau hai cú liên hoàn cước đủ khiến bức tượng bật tung, chưa cảm nhận được niềm vui, dòng nước phía sau bức tường giống như đê vỡ đã xô thẳng vào kẻ đột nhập, trong phút chốc căn hầm ngập nước còn kẻ tung chân đã bị dòng nước cùng gạch đá hất văng vào con đường nhỏ y vừa đi vào.
Bình luận