Sau khi đi một vòng từ thôn Đông qua thôn Đoài, cụ Cử Vinh quay về ăn sáng dù muộn hơn mọi ngày. Nhìn những mẫu ruộng chìm sâu trong nước, nhà cửa hoa màu cùng vật nuôi đều xác xơ khiến cụ thấy buồn, khi chứng kiến cảnh đám tuần đinh cùng con cháu cụ Ngãi đốt cả thúng bồ kết rồi dùng dây thừng hạ cỗ quan tài vào xe bánh sắt mang đi chôn vì chẳng để lâu thêm được nữa, tự dưng cụ thấy đau lòng cho một kiếp người. Do ngoài bãi tha ma nước vẫn ngập tới đầu gối, người con trai cụ Ngãi đã mang cành cau và chai rượu đến van lạy bà vợ goá của tay Tha lé để xin chôn nhờ ở cuối vườn vì nơi đó nước đã rút. Trận bão qua đi, làng Mật xác xơ tiêu điều còn đám chức dịch như lý Hoà và trương tuần Long được dịp chạy đến bục cả gấu quần. Sau trận ốm thập tử nhất sinh tưởng không qua khỏi, cụ tiên chỉ bắt đám con cháu khiêng võng cho cụ ra ngồi sưởi nắng ngay đình làng. Ngắm cụ tiên chỉ người chỉ còn da bọc xương nhưng sợ chết, cụ Cử Vinh tử hỏi không biết sau này mình có giống như vậy.
Ngồi ăn bát xôi ngô cho chắc dạ, cụ Cử Vinh nghe bà vợ ba kể nhanh về những điều mắt thấy tai nghe ngay ở khu chợ làng. Dù biết chồng đã đi dạo một vòng, và ba Xoan thừa biết chẳng ai dám hỗn đứng nói chuyện ngang hàng cùng chồng, do vậy tin tức của bà luôn nóng hổi như bát xôi ngô. Khi kể đến hiện tượng lạ vừa xảy ra, trong một đêm ao sen của ngôi chùa làng bỗng cạn trơ đáy, bà ba Xoan thấy chồng buông bát đứng lên rời nhà còn chẳng kịp uống chén trà vừa pha. Đàn ông làm việc lớn là lẽ đương nhiên, biết chồng đức cao vọng trọng ở làng, bởi vậy bà luôn giữ ý từ lời ăn tiếng nói để chồng đẹp mặt. Bước sang tuổi 41 chẳng hy vọng sinh nở, đôi lúc bà thoáng buồn do ở quê nhà, đám bạn bè cùng trang lứa đã lên chức bà ngoại từ lâu. Chỉ có phụ nữ mới thấu hiểu cảnh sống cô quả cô độc khổ đến thế nào, nhưng chồng đã lên chức cụ vì thế chẳng bận tâm việc có thêm đứa con nữa cho vui cửa vui nhà. San chỗ xôi do chồng còn bỏ dở vào hai bát, bà cất tiếng gọi:
-Lượm đâu rồi, bà với mày ăn nốt bát xôi không lại phí của giời.
-Ông chê con đồ xôi chẳng ngon nên bỏ dở phải không bà.
Biết con bé người ở đang sợ, bà ba Xoan chép miệng:
-Chả phải, ông mày đi ra đình bàn việc cùng các cụ.
Không ra đình làng ngắm ông tiên chỉ cận địa viễn thiên, cụ Cử Vinh ngược sang thôn Đoài để ghé ngôi chùa làng. Nước hôm trước ngập đến bụng, đêm qua ngớt mưa và sáng nay tạnh hẳn nên nước rút nhanh còn ngang đầu gối. Thấy cụ Cử Vinh bì bõm lội, tay mõ làng chẳng hiểu kiếm đâu được cái thuyền thúng đang đội trên đầu vội đặt xuống rồi khẩn khoản mời cụ ngồi vào. Sau khi buộc dây cẩn thận, tay mõ vừa kéo thuyền thúng vừa vui miệng kể:
-Nhà con mấy ngày mưa bão bắt được đủ loại cá, rồi ba ba và lươn vàng ươm. Mấy bà đi chợ đều chê là lươn rúc mả, con mang về tuốt sạch rồi xào ớt chỉ thiên uống rượu, nấu bát cháo lươn ăn trong ngày mưa gió thấy ngon miệng.
Cụ Cử Vinh gật gù mừng cho tay mõ, ngày xưa Đức Khổng Tử đã dạy, vua lấy dân làm gốc, còn dân lấy ăn làm đầu. Những kẻ như tay mõ nếu ăn không đủ no, các cụ ra đình bàn việc đừng mong nó tari chiếu cho tử tế. Chỉ tay vào bờ tường của ngôi cổ tự, tay mõ khoe nhặt được chiếc thuyền thúng của ai bỏ lại, do hỏi chẳng người nào nhận, y mang ra đình làng phòng khi cần đến. Lúc bước vào trong chùa, cụ Cử Vinh chợt nhớ đến câu cửa miệng “tham như mõ” luôn đúng, chẳng bận tâm chiếc thuyền thúng và sự thanh minh của tay mõ, cụ bước ngay xuống ao sen quan sát. Chùa làng dù mưa bão vẫn không hề ngập nước, nhưng ao sen do chứa nhiều nước mưa nên tràn cả ra lối đi và khu bảo tháp phía cuối vườn. Hơn chục gia đình tá túc trong những ngày mưa bão đã trở về dựng lại nhà cửa, sáng nay ngôi chùa trở lại vẻ trầm mặc vốn có. Trận bão dù mạnh khiến nhiều nhà tốc mái, rất may ngôi chùa làng chẳng hề hấn gì, cây cối hư hại chút ít nhưng báo hiệu sự phục hồi nhanh chóng. Từ trong gian chính điện, tiếng tụng kinh gõ mõ khiến người ta như thấy trong lòng nhẹ gánh lo toan. Không phải ghé chùa để đối ẩm, cụ Cử Vinh bước thẳng về phía sao sen để mục sở thị những lời bà vợ trẻ vừa kể khi nãy. Dẫu chẳng thích đám phụ nữ hay ngồi lê đôi mách, cụ vẫn thầm cảm ơn bởi nhờ những thông tin đó, dù chưa bước chân ra cửa nhưng cụ đã nắm rõ tình hình để liệu bề khu xử.
Đứng quan sát ao sen đã có nước trở lại, dù mực nước chỉ bằng một phần ba mọi khi, cụ vẫn nhìn thấy rõ một lỗ hổng lớn khiến ao sen bị cạn nước đâm qua. Điều này chứng tỏ những lời bàn tán của dân làng chẳng hề sai, dù trong ao chưa có bông sen nào, cái tên ao sen vẫn quen thuộc với hầu hết mọi người. Khi tiếng gõ mõ tụng kinh chấm dứt, sư Thiện Tâm khoan thai bước lại gần vị thúc phụ của mình, ngài biết hiện tượng ao hết nước khiến thúc phụ chẳng an lòng. Sau vài câu thăm hỏi, cụ Cử Vinh chỉ vào chỗ xoáy nước rồi giải thích, từ bên ngôi đền bà Chiêu Phi có một hành lang hẹp dẫn tới ao sen, việc này do các cụ ngày xưa nhìn xa trông rộng nên làm đường thoát hiểm hoặc dẫn tới kho báu. Dẫu là người họ Trần nhưng không phải ai cũng tỏ tường, riêng đám con gái sẽ xuất giá làm dâu họ khác càng không được biết. Đêm qua có kẻ biết cách đột nhập vào điện thờ rồi mở được đường hầm chứng tỏ là kẻ không tầm thường, có lẽ đi theo lối đường hầm nên kẻ đó ngỡ đục thông bức tường sẽ vào nơi cất kho báu, ai ngờ nó là đáy của ao sen. Đúng như câu tức nước vỡ bờ, khi một đoạn tường chắn bị phá, lượng nước trong ao đổ sập sang bên đường hầm khiến ao sen cạn trơ đáy. Cụ Cử Vinh quả quyết, sở dĩ ao sen có nước trở lại bởi đường hầm nằm trên thế đất cao, sau khi nước từ ao dồn sang nó sẽ tự rút về như con sóng thuỷ triều.
Dẫu biết bà vãi già đang làm cơm chay bị nghễnh ngãng, sư Thiện Tâm vẫn hỏi nhỏ:
-Vậy những kẻ đột nhập đã rời đi và còn quay lại phải không thúc phụ.
Nhớ đến chiếc thuyền thúng do tay mõ khoe nhặt được, cụ Cử Vinh thở dài nói ngay:
-Đêm qua chỉ có một kẻ đột nhập vì muốn độc chiếm kho báu, có lẽ giờ này kẻ đó đang chết trương trong con đường hầm ngập nước.
Bình luận