Khi những cánh cửa bức bàn được mở ra, cụ Cử Vinh thấy pho tượng bà Chiêu Nghi quay mặt vào trong còn chốt lẫy phía sau gáy đã bị tác động nên biết kẻ đột nhập đã dành thời gian tìm hiểu kĩ. Bình thường muốn chiếm đoạt kho báu, Linh Sơn cổ tự sẽ là nơi bọn chúng để tâm trước tiên, tuy nhiên đêm qua có kẻ âm thầm đột nhập đền thờ bà Chiêu Phi là sự lạ. Chẳng rõ kẻ này lấy thông tin từ đâu, việc tìm ra đường hầm cũng coi như thành công bước đầu. Nhắc cả Hiển gỡ đoạn tre đực chặn giữa hai phiến đá xanh, cụ Cử Vinh nhìn xuống chỉ thấy nước ngập mấp mép nhưng chưa tràn vào gian chính điện. Chỉ cần nhìn đoạn tre đực chặn ban thờ còn nguyên vị trí, cụ biết kẻ to gan lớn mật hiện nằm lại trong đường hầm chật hẹp, muốn biết danh tính kẻ đó chỉ chờ nước rút, nhưng cụ chẳng bận tâm. Dùng chiếc dùi trống thúc nhẹ vào toà sen, ngay lập tức pho tượng bà Chiêu Nghi từ từ quay ngược về vị trí cũ, khi pho tượng quay đến đâu, hai phiến đá khép lại đến đó cho đến khi chẳng con kiến hay hạt bụi rơi được xuống. Đúng lúc mọi thứ đã hoàn nguyên, một tiếng cạch vang lên, viên hạt to bằng quả táo phía sau gáy bà Chiêu Nghi đã bật lại vị trí ban đầu. Những thứ tưởng như đơn giản nhưng được người xưa tính toán kĩ, tượng gỗ kết hợp lẫy đồng khoá cánh cửa đá, mọi chất liệu đều mang ý nghĩa sâu xa chẳng phải làm theo ý thích.
Đợi cho bà vợ ba bưng mâm lễ đặt trước ban thờ, cụ Cử Vinh kính cẩn thắp hương tạ lỗi bởi trông nom chưa cẩn thận, bởi vậy đêm qua có kẻ đã mạo phạm tới chốn oai nghiêm. Cụ lầm rầm khấn vái và cho biết, kẻ đột nhập rồi đây chỉ còn nắm xương dưới đường hầm, hồn ma vất vưởng của hắn là lời cảnh tỉnh với những kẻ đã tham còn liều. Khi đã xong phần lễ mọn lòng thành, cụ Cử Vinh bước xuống gian hậu điện quan sát, nhìn chỗ ngói mũi hài bị gió bão thổi bay đủ cho kẻ đột nhập chui vào, cụ nhắc con trai cho người sửa ngay để lâu sẽ hư hại những đồ bằng gỗ như kiệu rước, cùng võng lọng. Đền thờ bà Chiêu Nghi không quá rộng lớn, ngày trước ngôi đền được các cụ chọn đất xây đền, bởi họ Trần dù mạnh đâu thể tự xây rồi gọi là đền thờ được, những việc này hương ước đã qui định chặt chẽ. Xét tới công lao của bà Chiêu Nghi đã hằng tâm hằng sản xây đình, phục dựng lại ngôi cổ tự, chưa kể bà còn hiến mấy trăm mẫu ruộng để dân làng có đời sống ấm no, việc dựng đền là hợp nhẽ. Ngẫm lại cụ Cử Vinh thấy đúng như câu nói:
“Yêu dân, dân lập đền thờ.
Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi đền hiện nay do họ Trần trông nom và lo việc cúng tế, dù đã được tu sửa một lần dưới triều vua Tự Đức, ngôi đền vẫn có nhiều chỗ xuống cấp bởi sự tàn phá của thời gian. Cụ Cử Vinh nhớ rõ, ngày thân phụ đỗ Phó Bảng được vinh quy bái tổ về làng, họ Trần đã quyết định tu sửa đền bà Chiêu Nghi và khu lăng mộ cụ tổ Hanh quận công. Họ Trần vẫn giữ được nếp nhà trong lúc giao thời là điều đáng quý, cụ biết rồi đến lúc nào đó, người Phú Lang Sa chẳng thể ở mãi chốn này, trong thâm tâm cụ vẫn mong con cháu có thái độ rõ ràng với giống bạch chủng để không dính tiếng xấu bán nước cầu vinh. Trong lúc cụ Cử Vinh đang chăm chú nhìn cửa thông gió hình lục lăng, cả Hiển lễ phép hỏi:
-Bẩm thầy, sao nhà mình không đợi nước rút để biết kẻ đột nhập là ai.
Cụ Cử Vinh chép miệng:
-Là ai cũng ra ma rồi, hà tất phải truy cứu làm gì, làng Mật vốn đã nhiều sóng gió, thêm việc này sẽ khiến lý Hoà khó xử.
Dành cả ngày đứng coi đám thợ lợp lại mái ngói và thay những đoạn xà ngang bị hư hỏng, cụ Cử Vinh thầm nghĩ, chỉ một đoạn hầm từ bệ thờ dẫn tới đáy ao sen, các bậc tiền nhân đã dụng công làm lẫy khoá phía sau pho tượng một cách tinh xảo, như vậy để mở kho báu thật chẳng dễ dàng chút nào. Nghĩ đến gã em rể bất tài tham làm từng sai tuần đinh lật tung những viên gạch lát sân chùa, cụ thở dài bởi lòng tham khiến người ta bị che mờ lý trí. Cụ tổ Hanh quận công là người biết nhìn xa trông rộng, nhẽ nào chỉ có vài thoi vàng chôn dưới nền chùa để lũ phàm phu tục tử đào bới. Nguồn gốc số vàng bạc đã được ghi lại rất rõ, sau khi nộp phần lớn từ thu thuế việc khai thác mỏ đồng, mỏ bạc về triều đình cho Chúa Trịnh, cụ tổ được giữ lại một phần lo công việc nhờ vậy kho báu dần hình thành. Khi quân Tây Sơn ra Bắc, nhiều kẻ lợi dụng lúc hỗn loạn đã xông vào đốt phủ quận công để tìm kho báu, sau đó vào đận kinh thành Huế thất thủ, một lần nữa ngôi từ đường họ Trần đang xây dựng trên nền hoang tàn của phủ quận công bị xâm nhập với mục đích tìm kho báu. Cự Cử Vinh nhẩm tính, không dưới ba chục kẻ bỏ mạng khi giấc mộng chưa thành. Chẳng rõ còn bao kẻ phải chết vì kho báu, cụ biết kết cục cho những kẻ đó đều y chang nhau chỉ là sớm hay muộn.
Buổi chiều muộn quay về nhà, cụ Cử Vinh ngồi ngâm chân trong chậu nước ấm có pha muối cho sạch sẽ. Kinh nghiệm cho thấy, mưa bão gây hư hại nhiều đến đâu, đó chỉ là khởi đầu vì sau bão sẽ khiến nhiều nhà bị đói, chưa kể bệnh tiêu chảy vì ăn uống mất vệ sinh, bệnh đau mắt đỏ rồi đến cả việc bị nước ăn chân xảy ra khắp làng. Cả đời chỉ đọc sách Thánh hiền, nhưng cụ thấu hiểu và cảm thông với nỗi khổ cực của dân làng, khi chống hạn khổ cực vô cùng do cây lúa chết khô chết héo, mọi ao hồ, kênh mương cạn kiệt, tuy nhiên việc chống úng còn khốn khổ hơn nữa, bởi thành quả cấy hái nằm sâu dưới làn nước chẳng thể làm gì được. Biết chồng nặng gánh suy tư bởi việc trong họ ngoài làng, bà ba Xoan sai con bé Lượm dọn mâm cơm vì bà muốn chồng ăn sớm còn nghỉ ngơi, cả ngày ở ngoài đền bà Chiêu Phi đủ mệt. Trong bữa ăn bà báo những tin sốt dẻo, do biết chồng chẳng ưa thói ngồi lê đôi mách, bà chọn những vấn đề liên quan nhất để nói:
-Bà đồ Tăng đã nhờ thím Tám sang nhà ông cả Hiển để xin con bé Nếp cho cậu con trai hiện đang học trường huyện. Các cụ nói gái hơn 2 còn trai hơn 1, con bé Nếp năm nay cũng đến tuổi cập kê rồi.
Cụ Cử Vinh im lặng không nói câu nào, ngày xưa chính cụ đã phản đối thầy đồ Tăng cùng em gái vì nhiều nguyên do. Tuy vậy em gái cụ tránh vỏ dưa gặo vỏ dừa khi lấy trương tuần Long. Biết em gái bao năm vẫn thầm oán trách, giờ nếu cụ phản đối cuộc hôn nhân e rằng không thuận, dẫu sao con bé Nếp là phận nữ nhi ngoại tộc lại là cháu ngoại, cụ sẽ nhường việc này cho vợ chồng cả Hiển tự quyết định. Dẫu biết họ Tống cùng họ Trần và họ Lê là tam tổ lập làng, nhưng không như mấy đời trước, cụ thấy gã thầy đồ Tăng nhìn khí chất hơi kém dù là kẻ thâm trầm khó đoán. Trong lúc cụ đang suy tính, bà vợ ba bất ngờ nói tiếp:
-Chắc phải cho con Nếp xuất giá sớm, bởi cô Hợi lại cấn bầu rồi.
Việc chửa đẻ của phụ nữ vốn chẳng phải mối bận tâm, nhưng khi thấy người con dâu trưởng mang bầu, niềm hy vọng về một mụn cháu trai nối dõi tông đường le lói trở lại. Ngạc nhiên bởi cả ngày hôm nay ở ngoài đền bà Chiêu Phi, chẳng nghe thấy con trai thông báo tình hình, cụ đoán cả Hiển sợ nói trước chẳng bước được qua nên có phần dè dặt không vui mừng quá mức. Tin vui khi dâu trưởng họ Trần sau khi sinh ra toàn con gái lại mang thai, cụ thầm nghĩ biết đâu đây là điềm lành. Chuyện kết tình thông gia với nhà họ Tống với cụ chưa hẳn là điều xấu, cụ ghét tay đồ Tăng nhìn tướng lươn lẹo, riêng thằng cu Tống Hiên Bình có phần ngay ngắn chững chạc khiến cụ ưng. Khi dùng xong bữa tối, đợi con bé Lượm bưng mâm đi rửa, cụ Cử Vinh ôn tồn căn dặn:
-Mình nhắc vợ chồng cả Hiển nhận lời đám nhà thầy đồ Tăng.
Bình luận