Ngày giỗ tổ họ Trần mát mẻ hơn do trận mưa cả đêm qua, ngoài con cháu dâu rể, cụ Cử Vinh mời trưởng tộc các họ Lê, Tống, Nguyễn, Hoàng, Đinh, Dương trong làng đến dự. Chẳng phân biệt họ lớn hay họ bé, cụ mời tất cả vì muốn con trai sau ra làm việc thuận lợi hơn. Dẫu quan tri huyện không ở lại dự cỗ, việc tối qua ngài cầm trống chầu đủ khiến cho buổi giỗ tổ họ Trần thêm phần long trọng. Do cỗ mặn nên đại đức Thích Thiện Tâm lập trai đàn ở chùa cầu siêu cho cụ tổ, ngài tránh không về thắp hương bởi muốn lánh bụi trần. Nhường cho hai Hoà ngồi tiếp lý trưởng, phó lý, trương tuần, cụ muốn con trai quen dần với cách ăn nói và cư xử cho phải phép. Tự mình tiếp thức ăn cho cụ tiên chỉ, cụ Cử Vinh bàn về việc tu sửa đình làng, bởi bà Chiêu Phi có công xây dựng đình làng là bà cô tổ mẫu trong họ. Khi khách khứa ra về, cụ nhíu mày khó chịu bởi bà em gái đang khóc hờ trước ngai thờ của cụ tổ Hanh quận công. Việc khóc hờ thường dành cho người vừa mất, cụ tổ đã đi mây về gió tận vài trăm năm, như vậy bà em gái mượn cớ khóc hờ để ngầm trách mình chẳng mở hầu bao cho vay tiền. Cụ Cử Vinh hắng giọng nói ngay:
-Cô định làm loạn trong từ đường phải không, sao không học bà cô tổ mẫu làm rạng danh dòng họ.
Chỉ đợi có vậy, bà Bàng đứng lên nói một tràng dài:
-Bà cô tổ mẫu là Chiêu Nghi nên có vàng bạc để xây đình, dựng chùa, em lấy chồng dân đen chỉ mong có chút tiền làm chân phó lý có gì sai.
-Cô lo vậy chẳng sai, nhưng không thể mang việc của chồng khóc trong ngôi từ đường này được.
Thấy em gái chẳng còn giữ phép tắc, cụ sai cả Hiển cùng người con dâu đưa bà cô về nhà, với cụ đây là việc chẳng thể chấp nhận được cho dù là máu mủ tình thân. Ngày giỗ cụ tổ đã chu toàn, cụ nhẩm tính ngày giỗ thân phụ vào tháng tới, rất có thể bà em gái sẽ kiếm cớ làm loạn như vậy sẽ khiến dân làng cười chê. Thấy con trai và con dâu quay về, cụ ôn tồn căn dặn:
-Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, thật chẳng ra thể thống gì.
-Thầy bớt giận, cô Bàng chắc hết cách rồi nên nghĩ chưa thấu đáo.
Cụ Cử Vinh vừa đứng dậy chuẩn bị ra về, bà em gái từ ngoài lại chạy vào khóc trước bàn thờ có bài vị của tổ tiên dòng họ. Đến nước này cụ đành sai con trai đóng những cánh cửa bức bàn khiến cho tiếng khóc chẳng lọt được ra ngoài. Mặc cho bà em gái vật vã, cụ quay về nhà bởi chẳng muốn rác tai. Người xưa đã nói quyền huynh thế phụ, chẳng ngờ bà em gái vì muốn cái chân phó lý cho chồng nên trái lời, dẫu sao khách khứa đã ra về, nếu không đẹp mặt họ Trần. Khi hoàng hôn buông xuống, cụ Cử Vinh cho nụ trầm vào chiếc đỉnh đồng rồi thắp đèn đọc sách Thánh hiền, việc lúc trưa của bà em gái khiến cụ khó xử, dù thương em nhưng cụ chẳng thể giúp. Kế hoạch chuẩn bị đưa hai Hoà ngồi ghế lý trưởng đang được nung nấu chuẩn bị, biết con trai chẳng phải kẻ bóp nặn dân đen, cụ muốn nhà họ Trần một lần nữa tạo phúc cho dân làng Mật. Có những việc chưa thể nói ra, việc quan trọng này đến người con trai cả vẫn chưa biết được. Dù chỉ làm chức lý dịch trong làng, nhưng đúng như người ta nói “một miếng giữa làng còn hơn một sàng xó bếp”, cụ muốn con trai không sống đời tẻ nhạt trong buổi giao thời.
Đợi con bé Lượm bưng mâm cơm đặt lên bàn, bà ba Xoan nhấc nậm rượu đặt trên nóc tủ chè xuống rót vào chiếc chén nhỏ màu da lươn rồi gắp miếng cá rán đặt vào bát cho chồng. Buổi trưa vừa xơi cỗ nên bữa tối chỉ có đĩa cá rán, đĩa rau muống luộc chấm tương cùng mấy quả cà muối. Dẫu là con ông Nghè, vợ ông Cử, bà ba Xoan vẫn luôn ý thức “tương cà gia bản” để giữ nếp nhà thanh bạch. Ngẫm lại màn khóc hờ của bà Bàng, do chẳng muốn anh em trong nhà bất hoà, bà ba Xoan xin phép chồng bán số nữ trang được thân mẫu trao cho làm của hồi môn để giúp, tuy nhiên cụ Cử Vinh nghiêm mặt nói:
-Vậy khác nào nuôi ong tay áo, rồi có ngày hại đến hai Hoà.
-Cậu Hoà nhà mình sao liên quan đến việc này.
Không muốn nhiều người biết chuyện, cụ chẳng hé răng việc hai Hoà tranh triện mộc, bởi dẫu sao tay Hảo là phó Lý hiện nay không còn lực để mang tiền chạy chức lý trưởng. Khi từ chối giúp bà em gái, cụ biết đó là điều vạn bất đắc dĩ nhưng chẳng thể khác được, lời thân phụ ngày nào khéo giờ ứng nghiệm. Biết đêm nay hoa dạ quỳnh sẽ nở, cụ Cử Vinh pha ấm trà rồi ra ngồi ở chõng tre thưởng trà đợi ngắm hoa, âu cũng là thú vui tao nhã của người đọc sách thánh hiền. Như phụ hoạ cho cảnh vật, ánh trăng rọi xuống sân khiến mọi việc thêm huyền ảo, ở gian nhà ngang đã cửa đóng then cài, cụ đoán vợ chồng hai Hoà hôm nay ngủ sớm. Khác mấy cây cảnh đang được uốn thế và đặt sau bức bình phong, chậu dạ quỳnh được cụ đặt gần bể nước. Dạ quỳnh có màu trắng tinh khôi nhưng từ lúc nở đến khi tàn chỉ có vài canh giờ, bởi vậy chỉ những tao nhân mặc khách hay bậc sĩ phu mới thích thưởng hoa. Khi vừa hết giờ Tý sang giờ Sửu, cụ mỉm cười vuốt râu ngắm bông dạ quỳnh bắt đầu khoe sắc giữa đêm khuya thanh vắng. Bất ngờ tiếng chó sủa, tiếng thanh la vang lên cùng bước chân người chạy rầm rập, cụ Cử Vinh nhìn thấy ngọn lửa bốc cao ở phía ngôi chùa làng nên biết xảy ra chuyện. Vốn không thích chỗ đông người, cụ hắng giọng gọi hai Hoà chạy ngay ra chùa Mật xem thực hư thế nào, việc chùa bị cháy khéo cả làng vạ lây. Vụ cháy chùa bắt đầu từ canh ba qua đến canh năm được dập tắt, khi đám tuần đinh đánh đủ năm tiếng trống, cụ vào nhà đi ngủ, mọi chuyện sáng mai sẽ ra chùa để mục sở thị.
Đầu giờ sáng, chưa vội độc ẩm, cụ Cử Vinh chậm rãi tới ngôi chùa làng để xem xét. Làng Mật gồm có hai thôn là thôn Đông và thôn Đoài, ngôi chùa Linh Sơn nằm bên thôn Đoài còn nhà cụ bên thôn Đông, hai thôn được ngăn cách bằng con mương và có chiếc cầu đá để bà con rong trâu đi cày. Khi cụ tới cầu đá, những người nông dân đang lũ lượt kéo nhau ra đồng, ở quê hiếm người ngồi không, đặc biệt khi việc đồng áng cùng việc tằm tang làm cả ngày không hết. Đáp lại những lời chào của bà con, cụ Cử Vinh nhớ đến câu vè khi xưa mẫu thân hay đọc:
“Mặt trời mọc thì làm
mặt trời lặn thì nghỉ
cày ruộng lấy mà ăn
đào giếng lấy mà uống
oai vua chả ăn nhằm gì tới ta.”
Ngôi cổ tự hơn 800 năm vẫn trụ vững dù toàn bộ dãy nhà ngang đã bị thiêu rụi, lửa cháy lan sang gian chính điện đã bị dập tắt, tuy nhiên toàn bộ kinh sách và những mộc bản đã hoá thành tro tàn. Đứng nhìn bộ trường kỉ vừa ngồi đàm đạo với sư Thiện Tâm hôm nào giờ chỉ còn là những thanh gỗ cháy dở, cụ nén tiếng thở dài. Năm xưa khi Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc để “phù Lê diệt Trịnh”, phủ quận công của cụ tổ Trần Mạnh Trường bị đám lục lâm thảo khấu mượn gió bẻ măng phóng hoả thiêu rụi. Sau này đến thời vua Tự Đực, con cháu họ Trần xây ngôi từ đường ở nền phủ xưa, đương nhiên vụ cháy đó chẳng là gì nếu so với việc vua Lê Chiêu Thống sai người phóng hoả đốt phủ Chúa Trịnh ở Kinh thành Thăng Long khiến toà ngang dãy dọc cháy rực sáng cả góc kinh thành suốt 10 ngày. Đợi khi tiếng gõ mõ tụng kinh vừa dừng, cụ bước vào gian chính điện gặp sư trụ trì là người cháu ruột. Khi chú tiểu xuống gian nhà ngang dọn dẹp, cụ khẽ hỏi:
-Thầy có nghĩ là do vô tình hoả hoạn hay có người cố ý phóng hoả.
Sư Thiện Tâm chậm rãi nói:
-Nhà chùa không gây thù chuốc oán sao bị người khác hãm hại được, nhưng nếu có thế thật, ai tạo nghiệp sẽ phải chịu sự báo ứng, buồn lắm thay.
Cụ Cử Vinh nói nhỏ:
-Tôi đoan chắc việc này liên quan đến kho báu do cụ tổ Hanh quận công, bởi gần đây đám chức dịch và dân làng bàn tán không ngớt.
-Adidaphat, phúc hoạ khôn lường chẳng tránh được, tất cả bởi chữ tham.
Bình luận