Chapter 22

icon
icon
icon

Được ngày mát mẻ, thầy đồ Tăng ngồi hiên nhà dạy lũ trẻ học bài, thời buổi không còn trọng chữ Nho, thầy dạy chữ quốc ngữ còn học sinh dùng bút sắt thay vì cầm bút lông. Không còn cảnh ngồi trên chõng cầm roi mây khảo bài như cụ Nghè làng Me dạo trước, thầy đồ Tăng sắm thước lim ngắn hơn của trương tuần để gõ lên bảng, học sinh thời nào cũng nghịch, dẫu sao khi đến học tại đây đều thu mình vào khuôn phép, thước gỗ lim như lời nhắc nhở để lũ học trò không được mải chơi quên làm bài, dạy học trò điều mới, bản thân thầy phải thay đổi theo cho kịp với thời thế, nếu không chỉ là ông đồ nơi xó làng chả danh giá gì. Cái sự học nó khác xưa một trời một vực, nhưng đã nghiệp làm thầy chẳng thể rũ bỏ, thầy chỉ mong lứa học trò ngồi đây, biết đâu sau này có đứa làm thầy thông, thầy phán trên tỉnh là mừng vô cùng.

 

Buổi học đến 11 giờ trưa kết thúc, thầy đồ Tăng nhìn đồng hồ dặn lũ học trò sáng mai đi học sớm cho mát. Chẳng dùng cách tính giờ như các cụ theo kiểu đêm năm canh ngày sáu khắc, thầy tậu chiếc đồng hồ dùng cho tiện lại chính xác hơn kiểu tính giờ xưa. Biết nhiều vị thủ cựu chê lối cách tân, thầy nghĩ các vị khác nào thầy bói mù xem voi. Dù không tiến thân bằng con đường khoa cử, việc ở lại làng là có nguyên do, nếu có đống vàng bạc châu báu trong tay, việc chọn Hà Nội hay Hải Phòng để sống dễ như trở bàn tay. Trên con đường thực hiện ước mơ, kho báu nhà họ Trần đến giờ vẫn là một ẩn số chưa có lời giải.

 

Nhớ lại việc phải ra tay đoạt mạng ba kẻ lạ mặt ở ngoài cổng nguyệt dạo cuối năm, thầy đồ Tăng tự nhủ phải cẩn trọng hơn trước, bởi việc tình tang với nếu lộ ra, thầy sợ mình phải bán xới khỏi làng Mật để sống đời tha phương cầu thực. Ngồi thưởng trà trong lúc đợi cơm trưa, nhẩm tính kho báu nhà họ Trần chưa phát lộ, tính riêng năm ngoái đã bao người bỏ mạng. Giả sử nó được tìm thấy, không khéo dân của nửa làng Mật biến thành hồn ma vất vưởng không chừng. Xưa nay có hoạ cùng chịu nhưng mấy ai có phúc cùng hưởng, sự lấp lánh của những thoi vàng đủ khiến người ta phát cuồng, lúc đó đạo lý chẳng bằng đạo tặc.

 

Đang miên man theo dòng suy nghĩ, thầy đồ Tăng nghe tiếng mâm bát trong nhà nên vén mành bước vào. Cậu con trai học trên trường huyện, con gái lớn lấy chồng làng bên dù cách một cánh đồng, việc về thăm nhà chỉ vào những dịp lễ tết hay giỗ chạp nên ở nhà hai vợ chồng chăm nhau. Bước sang tuổi 46, thầy tự biết mình lấy thêm vợ lẽ vẫn dư sức “ngày bảy đêm ba”, ngặt nỗi cảnh nhà tùng tiệm còn bà vợ chưa từng muốn cảnh sống chung chồng. Chưa từng nói ra nhưng thầy đồ Tăng vẫn ghét thói ích kỉ, bởi bà vợ tự nhận mình già chẳng còn ham hố, tuy thế luôn giữ rịt chồng như chó già giữ xương khiến thầy luôn bí bách trong người. Chính vì bà vợ không thấu hiểu, thầy phải chọn cách vụng trộm lén lút chẳng xứng tư cách của bậc chính nhân quân tử, nhưng khi nho giáo đến thời suy tàn, thầy tặc lưỡi coi như đành mắc lỗi với sự học để sống cho chính bản thân mình trước tiên miễn là không hại người. Bữa cơm có đĩa lạc rang cùng bát canh cua nấu rau đay cho mát, thầy đồ Tăng chẳng thấy ngon miệng, giá kể nhà có bát ăn, bát để, ngoài gian nhà hiện nay có thêm dãy nhà ngang, khi đó rước thêm cô vợ lẽ chắc không ai bàn ra tán vào. Trong ngôi nhà không lấy gì làm rộng rãi, hai bà ra đụng vào chạm rồi mát mẻ nhau khéo thầy khổ tâm hơn. Đang ngồi ăn như đếm từng hạt cơm cùng hạt lạc, thầy đồ Tăng bất ngờ khi vợ nói:

-Thím Tám vừa thông báo, nhà ông cả Hiển đồng ý kết tình thông gia với nhà mình, vậy phải chuẩn bị dần là vừa. Khi họ đồng ý tôi lại thấy chưa thuận.

 

Thầy đồ Tăng dừng đũa ngạc nhiên, bởi việc sắp đặt hôn nhân từ đầu đến nay đều do vợ đảm trách, giờ nhà gái đồng ý còn không thuận nỗi gì. Chẳng mấy khi dốc lòng tâm sự, bà đồ Thăng cho biết mình nhầm tưởng con bé Nếp kém Tống Hiên Bình 2 tuổi, như vậy con trai 16 tuổi lấy vợ 14 tuổi là vừa đẹp, ai ngờ bà Tám quay về cho biết, con bé Nếp hơn Hiên Bình 2 tuổi. Dẫu biết gái hơn 2 còn trai hơn 1 là đẹp, nhưng lúc về làm dâu nhà họ Tống, con dâu bà bước sang tuổi 18 hơi cứng tuổi. Khi nhà họ Trần chưa đồng ý bà thấp thỏm không yên, giờ mọi việc xuôi chèo mát mái, tự bà thấy chả ổn, nhưng chuyện người lớn không thể nói hai lời, chưa kể làng trên xóm dưới nhìn vào. Thấy vợ thở dài thườn thượt, thầy đồ Tăng chậm rãi đọc câu ca:

Có phúc lấy được vợ già,

Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh.

Vô phúc lấy phải trẻ ranh.

Nó ăn nó phátan tành nó đi.

 

Đang lấn cấn chuyện lấy lẽ, nhân khi vợ băn khoăn con dâu sẽ già hơn con trai, thầy đồ Tăng cho biết chuyện vợ chồng là nghĩa tào khang. Sau này nếu biết thương chồng, đương nhiên người vợ cả có trách nhiệm đội mâm lễ đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Dùng chuyện con trai và con dâu để nhắc khéo, thầy đoan chắc bà vợ hiểu rõ ý tứ sâu xa nên chẳng nói thêm lời nào. Buổi chiều khi thấy trời mát mẻ, thầy đồ Tăng xách đồ nghề đi về phía cuối vườn, nơi có rặng tre như hàng rào tự nhiên ngăn cách với hàng xóm. Năm trước khi dãy nhà ngang của chùa Mật bị ngọn lửa thiêu rụi, thầy đã cung tiến cho chùa mấy chục cây tre ngâm để dựng lại nơi ăn chốn ở của sư Thiện Tâm, ngoài ra dãy nhà ngang còn là nơi tiếp khách. Chỗ tre già đã được chặt và ngâm dưới ao, thầy dự tính khi con trai lấy vợ, lúc đó sẽ dựng nhà cho đôi trẻ ngay ở miếng đất của tổ tiên để lại.

 

Chiều nay thầy bắt tay làm việc quan trọng khác, ngày xưa nhiều nhà có con gái thường đem chôn hũ rượu cho đến khi con xuất giá sẽ đào lên ăn mừng, do vậy người ta hay gọi là con gái rượu. Nhà có con trai nên sẽ khác, từ nay đến khi rước con gái họ Trần về làm dâu, thầy quyết định làm món rượu gia truyền của họ Tống để quan viên hai họ mềm môi trong ngày đại hỷ. Dùng chiếc kim dài cả gang tay ấn vào thân tre non, thầy đồ Tăng kiên nhẫn khoan thủng một lỗ nhỏ, sau đó kì công đưa rượu vào trong thân cây tre. Để rượu không chảy ngược ra ngoài, thầy dùng bột nếp trộn mật mía bịt lại, hỗn hợp như chất keo gắn chặt cho đến khi thân cây tre phát triển tự bịt kín lỗ hổng. Thú chơi có lắm công phu, thú vui ẩm thực hay đồ uống chẳng kém. Dân làng Mật vốn dĩ chuyên uống rượu tự nấu, cỡ như chánh tổng hay lý trưởng do hay lên huyện nên sang lắm có chai rượu ty hay còn gọi là Fontaine, nhưng rượu tre chỉ họ Tống biết cách làm. Sau vài năm ở trong thân tre, loại rượu này có màu xanh như trà nhưng uống vào có mùi thơm khác lạ, nó thực sự là hàng mĩ tửu nên thích hợp vào những dịp trọng đại. Tỉ mẩn và lọ mọ đổ hết mấy vò rượu vào các thân cây tre non, thầy đồ Tăng hoan hỉ nói:

-Món gỏi cá trứ danh của họ Trần, nếu uống với rượu tre của họ Tống, chắc quốc yến vua ban chỉ đến thế là cùng.

Bà đồ Tăng chép miệng:

-Vua Bảo Đại giờ uống sâm banh rồi, mình lo dần sính lễ là vừa.

 

Đang hứng khởi nghe đến khoản sính lễ, thầy đồ Tăng chép miệng thở dài. Gia cảnh mấy đời làm ông đồ chẳng thể khá được, người anh trai từng làm lý trưởng trước thời lý Hoạch giờ là ông lý cựu cũng chỉ phong lưu bề ngoài. Dẫu không biết nhà ông bà cả Hiển có thách cao dao bầu không, thầy đồ Tăng vẫn chẳng muốn mất mặt bởi họ Trần đang có máu mặt, nếu họ Tống dẫn lễ đạm bạc, khéo dân làng đàm tiếu không ngớt. Nhẩm tính đám cưới gồm lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi rồi lễ cưới làm mấy chục mâm cỗ, sơ sơ tốn vài trăm đồng bạc Đông Dương không ít, trong khi bát họ nhà bà phó lý Hào to nhất chỉ trên dưới vài chục đồng bạc. Nếu tính chi li, khéo tiền chi cho đám cưới đủ mua chức lý trưởng, hoặc bét ra phải chân phó lý, thầy đồ Tăng tặc lưỡi không nói câu nào. Lững thững đi vào nhà, câu hỏi về khoản tiền chi cho ngày đại hỷ con trai văng vẳng trong đầu, lúc ngồi trên phản gỗ lim hút thuốc lào, thầy đồ Tăng chợt mỉm cười đắc ý. Không muốn vợ rền rĩ nỉ non từ nay cho đến lúc con trai lấy vợ, thầy chỉ tay lên bàn thờ nói:

-Đôi lọ gốm BÁCH THỌ được các nghệ nhân vẽ kiểu và nung có từ thời vua Minh Mạng, nếu xoay mãi chẳng đủ tiền, tôi sẽ ôm về Hà Nội bán.

Thấy vợ tỏ vẻ không tin, thầy giảng giải, gọi là lọ gốm BÁCH THỌ vì nó được viết đúng 100 chữ thọ trên lọ. Điều đặc biệt ở chỗ, không chữ Thọ nào giống chữ nào. Trải qua chiến tranh loạn lạc, lọ gốm BÁCH THỌ hiện vô cùng quý hiếm bởi có tiền không chắc mua nổi. Sau một hồi phân tích, thầy quả quyết:

-Rẻ nhất tôi cũng bán được 400 đồng bạc Đông Dương.

Chưa từng có một món tiền to đến vậy, là người thực tế nên bà đồ Tăng trợn mắt hỏi dồn dập:

-Hay mình mang bán luôn rồi đem tiền cho vay lãi, đến thời điểm tổ chức đám cưới khéo lãi mẹ đẻ lãi con phải được cả ngàn đồng bạc chẳng ít.

Bình luận