Đang ngồi xơi bát cháo gà, cụ Cử Vinh chợt nghe tiếng pháo nổ giòn tan vọng lại từ bên ngôi từ đường của dòng họ. Tết Nhâm Ngọ 1942 đã qua, tiếng pháo này chỉ dành để báo tin vui, còn tiếng pháo tiễn đưa người chết qua cổng nguyệt bao giờ cũng kèm theo tiếng trống đại, chưa kể năm nay làng chưa có người nằm xuống. Không muốn trở thành người võ đoán, cụ chậm rãi xúc từng thìa cháo gà ăn để chút còn ra đình bàn việc, năm nay cụ chánh Nhung đã như ngọn đèn trước gió, người còn đó nhưng hồn chắc sắp về cõi cao xanh. Dù chẳng ai nói ra, nhưng khi thấy con cháu mang cỗ quan tài ra lau chùi, cụ chánh Nhung tự biết mình sắp về với tổ tiên, có lẽ do tiếc đời giống cụ tiên chỉ, sáng nay cụ bắt người nhà võng mình tới đình làng Mật để họp, chắc là lần cuối. Vừa xơi xong bát cháo, cụ Cử Vinh gõ nhẹ thìa vào thành bát, ngay lập tức con bé Lượm từ ngoài hiên vội vào dọn rồi bưng khay trà đặt lên bàn. Chẳng sốt sắng ra đình làng sớm quá, cụ biết rõ cụ chánh Nhung chắc đang nằm bên bàn đèn để gắng sức dự họp, bởi nếu không làm vài bi liên tục, khéo vị chánh tổng sẽ hồn xiêu phách tán.
Vừa thưởng trà nước nhất, từ bên ngoài bà vợ ba đi vào với khuôn mặt tươi rói như người nông dân được mùa. Dù chắc đến 9 phần nhưng cụ vẫn giữ vẻ mặt điềm nhiên cho đến khi bà vợ hớn hở thông báo:
-Vậy là ông cầu được ước thấy rồi nhé, thằng cu nặng 3 cân tư, trộm vía tiếng khóc sang sảng như ông nội họp giữa đình làng.
Cụ Cử Vinh lúc này không cần giữ ý liền cười sảng khoái, chưa bao giờ họ Trần lộc phát đến vậy, cuối năm ngoái khi cụ tiên chỉ hạc giá vân du, đương nhiên cụ được ngồi vào vị trí đó. Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm nay dòng họ Trần đón một quý tử thoả ước mong, chưa kể người con dâu thứ của cụ là vợ lý Hoà bụng đã lùm lùm. Sau khi thắp hương trên bàn thờ, trong tâm trạng vui vẻ cụ khoan thai ra đình họp bàn việc nước. Biết nhà cụ có cháu trai nối dõi tông đường, dân làng đi ngang qua nhất loạt chắp tay chúc mừng, với những kẻ điêu ngoa dài mỏ chê họ Trần chỉ biết đẻ vịt giời, thằng cu vừa sinh là câu trả lời rõ nhất. Dù cả Hiển chưa xin đặt tên cho đứa cháu nội, trong đầu cụ đã nghĩ đến cái tên Trần Mạnh Đạt với hàm ý đứa cháu sau này sẽ giỏi giang thành đạt. Chưa từng chê người con trưởng, cụ vẫn không thích con trai suốt ngày quẩn quanh bên ruộng vườn, dẫu con trai chân chỉ hạt bột là tốt, cụ vẫn ngại sau này cả Hiển dễ bị vợ ngồi lên cổ vì hiền quá. Khi phúc lộc mãn đường, việc gả con bé Nếp cho nhà thầy đồ Tăng sẽ khiến họ Trần thêm vững mạnh, cụ Cử Vinh tin chắc thế cục ở làng trong cả trăm năm nữa họ Trần vẫn vững tựa bàn thạch. Thoáng nhìn thấy cụ chánh Nhung đang nhắm nghiền đôi mắt bên bàn đèn, cụ thầm nghĩ cái chức chánh tổng chưa bao giờ gần đến vậy bởi cụ chánh Nhung sớm muộn gì tay cũng bắt chuồn chuồn.
Kiêng gặp gái đẻ lại đang ngày đầu tháng, cụ Cử Vinh dù muốn bế cháu nhưng nén lòng đợi ngày đầy tháng, mọi thông tin đều do bà vợ ba cùng con bé Lượm đi lại giữa hai nhà như con thoi. Có nhiều nhà thấy vợ chồng cả Hiển sinh con một bề đã thấp thỏm mong được kết tình thông gia, bởi sau này mấy chục mẫu ruộng loại thượng đẳng điền cùng chục sào vườn đủ cho con trai gửi rể sống an nhà cả đời. Việc thằng cu sinh ra trong niềm hân hoan vô bờ của dòng họ, vô hình chung như tạt gáo nước lạnh vào ngọn lửa hy vọng bấy lâu.
Chẳng bận tâm chuyện bà thông gia tương lai sinh được quý tử, thầy đồ Tăng kiên định việc năng qua lại để vun đắp tình cảm, xét cho cùng thầy đâu có cần gian nhà ngói năm gian hai chái, với thầy những của nổi chỉ như cái móng tay còn của chìm mới phải lao tâm khổ tứ. Không đợi đến ngày đầu tháng, sẵn trong nhà có mấy chục trứng gà, thầy nhắc vợ mang sang bởi thăm sớm sẽ khiến người ta nhớ lâu, đến ngày đầy tháng khéo chả chen chân nổi vì đông người họ Trần sang chúc tụng. Ngồi gõ đầu lũ trẻ, thầy đồ Tăng thoáng nhìn thấy bóng cụ Cử Vinh từ xa, ngay lập tức thầy xỏ guốc lật đật chạy ra cổng tính rước cụ tiên chỉ vào nhà. Bước ra đến cổng, thầy khựng lại vì lũ trẻ đang mải gào lên cách học đếm 1 – 2 – 3 bằng tiếng Pháp, thầy biết chỉ cần nghe thấy Ong Đơ Toa (un –deux –trois), lập tức tức cụ Cử Vinh sẽ dẹp ngay cuộc hôn nhân của cô cháu ngoại bởi cụ thậm ghét những gì liên quan đến Phú Lang Sa. Không dám mời cụ Cử Vinh vào nhà, thầy nhắc lũ trẻ ngừng học giải lao theo đúng phép học của chính quyền bảo hộ.
Đội nón cắp chiếc rá không về, trong rá vẫn còn vương vỏ trấu do đựng trứng gà, bà đồ Tăng dùng nón quạt cho đỡ nực rồi kể lại việc mình sang thăm bà thông gia tương lai. Biết chồng chẳng thích nghe chuyện gái đẻ, bà khen thằng cu được có chục ngày nhưng nhìn cứng cáp, duy có đầu bị bà mụ nặn không đều tay nên hơi bẹt. Từng đẻ được con trai trong sự mong ngóng của họ Tống, bà đồ Thăng thấu hiểu nỗi niềm của bà thông gia tương lai, bởi thân làm dâu trưởng lại sinh con một bề sẽ khó mọi mặt. Khi ở chơi bên đó, cùng cảnh đàn bà đi làm dâu, bà đồ Tăng được bà thông gia nói thật, sinh được quý tử sẽ chẳng lo chồng lấy thêm vợ lẽ dưới sức ép của bố chồng. Khi dọn xong mâm cơm, câu chuyện thăm viếng nhà thông gia cũng vừa hết, duy có điều thằng cu nhìn đẹp như tranh khiến bà tấm tắc khen và mong sao mình sớm có thằng cháu nội như vậy để bế bồng. Cầm chiếc quạt nan phe phảy, thầy đồ Tăng nhẹ nhàng nói nhằm kìm hãm bớt sự vui mừng của vợ:
-Con cái là lộc của trời, đâu phải muốn là có được, tôi tính sang năm làm lễ dạm ngõ rồi bàn chuyện hôn nhân đại sự là vừa đẹp
-Nhưng mình đã bán đôi lọ Bách Thọ đâu để còn xem thiếu thừa.
Không muốn bàn chuyện dông dài, thầy đồ Tăng, nằm trên chiếc phản từ đời cụ nội để lại và ngẫm nghĩ. Hôm trước khi người anh rể xộc vào nhà nói những lời gan ruột, thầy biết làm rể họ Trần chẳng sung sướng gì, nếu không vì kho báu chắc thầy tìm mối trên phố huyện rồi cho con mình đẹp duyên. Nhằm tự an ủi cho những toan tính sâu xa, thầy tặc lưỡi vì Tống Hiên Bình còn trẻ, sau nếu giàu có ức vạn tự khắc lấy thêm vài vợ để nếp nhà thêm đông đúc. Mặc cho tiếng lợn réo trong chuồng, tiếng chó sủa ngoài sân, thầy đồ Tăng vẫn ung dung đọc sách thánh hiền, tự dưng thầy nhớ đến câu nói của Trang Tử:
“Chó không phải sủa hay mà là chó tốt,
người không phải nói hay mà là người hiền”
Đang mải nghiền ngẫm lời dạy của những bậc thánh nhân, thầy đồ Tăng giật mình khi thấy người anh vợ là trương tuần Long lại cầm thước lim chạy xộc vào nhà. Ngày xưa một năm khéo anh vợ chỉ đảo qua hai lần, riêng tuần này xuất hiện tới ba lần kể cũng là sự lạ. Trong lúc thầy đồ Tăng định rót nước, trương tuần Long đã đưa tay ngăn lại rồi nói ngay:
-Cụ Cử Vinh chắc quá mừng vì có thằng cháu đích tôn nối dõi tông đường, ban nãy ngồi trước hiên nhà đi luôn.
Thầy đồ Tăng ngạc nhiên hỏi lại:
-Bác nói cụ Cử Vinh đi đâu.
Trương tuần Long chỉ ra ngoài đường cho thầy đồ Tăng mục sở thị, đám con cháu họ gần họ xa của của dòng họ Trần đang lũ lượt đổ về ngôi nhà của vị khoa bảng cuối cùng triều Nguyễn. Trước khi xách thước rời đi, gã chỉ tay lên trời rồi nói to:
-Cụ cưỡi Hạc về trời.
Bình luận