Tranh thủ trời còn mát, bà ba Xoan thăm ruộng từ sớm, dù không trực tiếp cấy hái, nhưng việc sát sao từ khâu gieo mạ, cấy lúa cho đến khâu gặt đập và phơi thóc cho nỏ, bà đều có mặt và xác định khi nào thóc đổ đầy bồ, lúc đó mới yên tâm, bởi chỉ cần một trận mưa gây ngập úng, hoặc vài tuần hạn hán đủ khiến công lao của mấy tháng sẽ thành công cốc. Dù thân phụ là ông Nghè, giờ lấy chồng là cụ tiên chỉ của làng, bà vẫn ý thức nguồn cội của mình xuất thân từ đồng ruộng nên quí hạt thóc như hạt ngọc. Không giống mấy bà giàu có trong làng chỉ thích đi xem bói và hầu đồng, chẳng dùng tiền cho vay nặng lãi như bà lý cựu, không tổ chức bốc bát họ như bà phó lý Hào hay bà địa chủ Miền, bà quán xuyến việc nhà không tham nhặt nhạnh như mấy bà có bát ăn bát để trong nhà. Chứng kiến cảnh những ngày cuối năm, bà lý cựu cùng hai tên kẻ ăn người ở vác thước đi đòi nợ, bản thân bà thấy họ như những con đỉa hút máu dân lành. Do thuận theo tam tòng tứ đức, bà chẳng dám có ý kiến khi thấy chồng mình nhọc công để hai Hoà làm lý trưởng, bởi bà hiểu rõ chỉ có bóp nặn dân đen mới đủ tiền lễ quan huyện, nó như cái vòng luẩn quẩn khiến dân làng thêm khổ.
Người nhà quê vốn thấp cổ bé họng, đa phần mù chữ nên chủ nợ bảo điểm chỉ nhận tiền sẽ làm theo, họ đâu biết đó không phải giấy vay nợ như giải thích, đó là văn tự bán nhà, bán mấy sào vườn do bao đời cha ông tích cóp để lại. Sự nghèo đói túng quẫn khiến người ta nghĩ quẩn, có kẻ thua tiếng bạc to bị mất nhà cùng sào vườn, trong cơn tuyệt vọng đã treo cổ tự tử ngay cổng nguyệt để thoát khỏi đám chủ nợ tận trên huyện về đòi. Dù tay Thanh lé treo cổ chết đã lâu, bà nghe râm ran cũng bởi máu cờ bạc nên tay trắng lại hoàn trắng tay. Đang lội ruộng xem đám lúa bị sâu ăn lá, bà nghe thấy tiếng con bé Lượm vừa khóc vừa nói:
-Bà về ngay, ông đi rồi.
Như sét đánh ngang tai, bà ba Xoan bàng hoàng bởi hồi sáng chồng bà vẫn xơi bát bánh đúc rồi thưởng trà như mọi bận. Chẳng còn nghĩ được gì, bà tất tả chạy về vì không tin đó là sự thật. Dẫu biết sinh có hạn tử bất kì, nhưng chồng bà chẳng ốm đau hay than mệt, nhẽ nào qui tiên nhanh đến vậy. Khi về đến cửa nhà, nhìn đám con cháu dòng tộc họ Trần từ thôn Đông lẫn thôn Đoài đổ về, bà ngồi ngay xuống hiên nhà khóc hờ gọi tên chồng nhưng đã bị nhắc ngay vì chưa phát tang nên phải kiêng khóc. Là vợ ba lại không có con, mọi việc lo hậu sự bây giờ đều do hai người con chồng định liệu. Dù chưa có điều tiếng gì, bà biết họ chỉ bằng mặt không bằng lòng, khi chồng đã nằm xuống, tương lai của bà sẽ bất định hơn vì chẳng dám chắc điều gì tốt đẹp hay tồi tệ đang chờ phía trước. Trong lúc các vị cao niên ngồi bàn luận để coi giờ làm lễ mộc dục, lễ phạm hàm, giờ liệm và nhập quan cùng giờ phát tang, lý Hoà sai đám tuần đi chặt tre dựng rạp còn cánh phụ nữ lo việc bếp núc, con lợn 70 cân trong chuồng đã được tay mõ đảm nhận việc chọc tiết rồi làm thịt. Đúng như câu nhà có đám, bình thường cụ Cử Vinh thích yên tĩnh, hôm nay nhà cụ có hơn trăm người đứng chật cả lối đi.
Thầy đồ Tăng vốn chẳng phải họ hàng thân tộc, nhẽ ra đợi phát tang sang viếng là trọn đạo nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng do sắp kết tình thông gia với nhà ông cả Hiển, thầy chủ động đề nghị được viết bài ai điếu theo lối cổ. Biết cụ thân sinh khi còn sống ghét những gì nhuốm màu Phú Lang Sa, việc viết theo lối cổ chỉ có thầy đồ Tăng và sư Thiện Tâm là rành, bởi hai người từng là học trò cụ Nghè làng Me. Trong lúc tang gia bối rối, ai làm được việc gì đều được hoan nghênh, khi được ông cả Hiển vui mừng nhờ vả, thầy đồ Tăng vội quay về đốt trầm múa bút để có được áng hùng văn lay động tâm can mọi người. Lúc thầy qua ra đến cổng, bất ngờ chạm mặt bà Bàng khiến thầy nhớ lại cuộc hôn nhân ngày xưa không thành. Đúng như câu cái quan định luận, cụ Cử Vinh đã nhắm mắt xuôi tay, khi nào cỗ quan tài được rước qua cổng nguyệt, lúc đó mọi thói hư tật xấu hay những việc làm tốt sẽ được dân làng đem ra mổ xẻ.
Không giống đám tang nhà nghèo, ngay ở cổng có cỗ xe sắt để chở quan tài kèm theo một chiếc kiệu để rước bài vị cùng hàng trăm cờ phướn sẽ cắm từ nhà ra tận huyệt mộ. Ngày xưa các vị tiền nhân có bài vị đặt trên kiệu, riêng cụ Cử Vinh có bức truyền thần được hoạ hình trên phố huyện nhìn oai nghiêm với áo mão, thẻ bài ngà ra dáng vị quan hàm thất phẩm. Việc nhờ thầy xem giờ phát tang được một bà thím trong họ đảm trách, từ giờ đến lúc đó, các cụ, các ông trong họ ngồi uống nước, hút thuốc lào, riêng các bà ngồi riêng một chỗ têm trầu cánh phượng. Chồng bất ngờ quy tiên khiến bà ba Xoan choáng váng, chả thiết gì mọi việc, bà ngồi dựa lưng vào gốc cây cau còn nước mắt rơi lã chã. Không hổ danh là giặc bên Ngô, vừa bước vào trong sân, thấy chị dâu đang khóc, bà Bàng nói ngay:
-Dành nước mắt để lúc phát tang, giờ còn lo tính khăn xô, khăn vải, khăn trắng, khăn vàng.
Không chen được vào nhà để nhìn mặt chồng, bà ba Xoan xuống bếp lo đun nồi nước để hãm trà xanh, chỉ cần nhìn số người hiện có, bà biết phải đun hai bếp liên tục còn có nước nóng pha trà, nước nguội để uống thanh thuỷ. Ở làng Mật có lệ, chẳng cần biết giàu hay nghèo, nhà nào cũng đóng sẵn bộ hậu sự phòng khi cần đến, chỉ những nhà chạy ăn từng bữa mới không cần, bởi vậy khi nằm xuống họ nằm trong cỗ quan tài được ghép bằng cánh cửa. Riêng gỗ đóng quan tài cũng dăm bảy loại, tốt hay xấu phụ thuộc vào vị thế của người đó cũng như số kim ngân của họ. Ngày xưa cụ Phó Bảng là thân phụ cụ Cử Vinh mất đi, cụ được nằm trong cỗ quan tài bằng gỗ ngọc am đặc biệt quý hiếm. Với loại gỗ ngọc am, dù có vùi sâu dưới ba thước đất, thi hài bên trong không bị ảnh hưởng và tác động như loại gỗ khác, bởi thế gỗ ngọc am thường dành đóng quan tài cho các bậc đế vương. Dù không sánh bằng thân phụ, ngay dưới gian nhà ngang có cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm được đóng từ khi cụ Cử Vinh đi hết một vòng lục thập hoa giáp.
Tạm nén đau thương, bà ba Xoan cùng con bé Lượm xúc thóc từ trong cỗ quan tài cho vào bao tải, bình thường đây là nơi chứa thóc khiến lũ chuột không thể phá phách. Nhà rộng nên cỗ quan tài được cất ở nơi hiếm người qua lại, nhiều nhà chật chội, cỗ quan tài kê ngay góc nhà khiến ai yếu bóng vía khiếp hãi. Chẳng nói đâu xa, ngày xưa bà mẹ ông lý Hoạch thường chui vào cỗ quan tài dành cho mình nằm ngủ vào mùa đông cho ấm, ai ngờ ông con đi trước nên cụ phải nhường cỗ quan tài của mình cho ông con trai. Từ trên nhà, tiếng ông cả Hiển thông báo:
-Cụ đi vào giờ Thìn nên sẽ liệm và phát tang vào giờ Thân, khi đó kiêng tuổi Tỵ, tuổi Thân và tuổi Dần.
Bước lên nhà trên, thấy chồng nằm trên sập đã được buông màn còn khuôn mặt phủ tờ giấy bản, bà ba Xoan không dám khóc bởi chưa phát tang. Lúc này hai người con của chồng đang ngồi bàn bạc với người cô ruột là bà Bàng, họ lờ đi coi như đây là việc nhà họ Trần còn bà chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu. Tự cảm thấy khó chịu bởi mình về làm dâu có cưới cheo đàng hoàng, dẫu không sinh được mụn con cho dòng họ Trần, nhưng bà là bề trên không đáng bị đối xử như vậy, chưa kể thân phụ của họ còn nằm đó. Cố nén nỗi bực trong lòng, bà ba Xoan bước lại hỏi nhỏ:
-Đã ai gọi phường bát âm chưa, tiện sẽ mời luôn các bà vãi cùng sư Thiện Tâm đến tụng niệm cho ông sớm siêu thoát.
Tiếng bà em chồng quát sa sả:
-Việc đó chị khỏi lo, xuống bếp xem đun nồi nước cho thằng mõ làm lợn, khóc nhiều chả dùng nước mắt pha trà được.
Chỉ tay ra cửa, bà ba Xoan quát to:
-Cô bước ngay ra khỏi nhà này, ông Cử Vinh còn nằm kia, tôi là vợ sẽ lo tang lễ không mướn loại ngồi thấp nói cao. Hãy tự nhìn lại mình đi, lần trước chồng tôi đã sai người cầm lá dắt khỏi ngôi từ đường.
Trong phút chốc ngôi nhà như có loạn, trước sự kiên quyết của bà ba Xoan, trương tuần Long vội kéo tay vợ ra bên ngoài. Bà ba Xoan hạ giọng nói với hai người con chồng là cả Hiển cùng lý Hoà:
-Nước có phép nước, làng có lệ làng còn nhà có gia quy, các anh là cháu nội quan Phó Bảng, con cụ tiên chỉ, đừng làm gì khiến tổ tiên phải xấu hổ, tôi là vợ ba ông Cử Vinh chẳng phải con ở.
Bình luận