Chapter 27

icon
icon
icon

Cuối giờ Mùi đầu giờ Thân, một tiếng chuông vang lên báo hiệu lễ tiểu niệm bắt đầu. Do đã chuẩn bị trước theo cuốn Thọ mai gia lễ, màn được quây còn mành cửa thả xuống, trong nhà chỉ còn ông cả Hiển cùng ông lý Hoà một người cháu họ cùng một người hộ việc để tổ chức lễ mộc dục cho người đã khuất, người thân đều ở bên ngoài. Đợi cho người cháu họ bưng nồi ngũ vị hương vào nhà, ông cả Hiển và ông lý Hoà quỳ xuống khóc, lúc này người hộ chắp tay khấn to:

“Tư thỉnh mộc dục, dĩ điều cựu trần. Cẩn cáo.
Nay xin tắm rửa sạch sẽ bụi trần. Kính cáo

 

Trong lúc ông cả Hiển dùng khăn nhúng vào xoong ngũ vị hương để lau mặt và lau di thể cho thân phụ, ông lý Hoà cắt móng tay và móng chân cho vào hai túi nhỏ bằng vải đũi để chút bỏ vào quan tài. Sau khi mặc cho thân phụ bộ phẩm phục của triều đình có đeo thẻ bài ngà, lúc này cụ Cử Vinh được đặt lại lên sập, ngay bên cạnh có kê chiếc ghế đẩu đặt một bát cơm úp vừa thổi, một quả trứng và đôi đũa bông. Nhằm giữ cho linh hồn người đã khuất không bị ma quỷ quấy nhiễu, người cháu họ đặt con dao ngay trên bụng cụ Cử Vinh rồi phủ tấm lụa điều có thêu bài kinh Phật nhằm đưa đường dẫn lối cho hương linh người chết về miền cực lạc. Ông cả Hiển chọn đồng tiền Cảnh Hưng Thông Bảo cùng chút gạo nếp xát sạch để chuẩn bị cho lễ Phạm hàm. Thông thường người ta dùng đũa tác hàm răng rồi bỏ gạp nếp rang cùng ba đồng tiền trinh, nhưng đó là những đủ ăn, với những nhà danh giá, họ bỏ từ 7 đến 9 hạt trân châu theo vía người chết. Khi mọi việc chuẩn bị xong, ông cả Hiển cùng ông lý Hoà và hai người họ hàng lại quỳ xuống, ở bên ngoài những người họ hàng nhất loạt quỳ theo, lúc này người hộ việc khấn to:

“Tư thỉnh phạm hàm phục duy hàm nạp. Cẩn cáo.
Nay xin Phạm hàm, thỉnh người nhận lấy. Cẩn cáo!”

 

Lúc lễ Phạm hàm kết thúc, ở bên ngoài hiên ông phó lý Hào dùng dùi trống gõ vào tang trống một tiếng cạch, sau đó là thúc ba hồi chín tiếng báo hiệu lễ đại niệm hay còn gọi là lễ nhập quan bắt đầu, lúc này cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm cùng mấy bộ bài chắn đã chuẩn bị sẵn sàng cho nghi thức quan trọng nhất là lễ phát tang. Manh được vén cao, những cánh cửa được tháo ra cho rộng, con cháu nội ngoại bắt đầu đứng trước bàn thờ có chiếc mâm đồng đựng các loại khăn tang khác nhau. Khi cụ Cử Vinh đã được đặt trong cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm, phường bát âm bắt đầu tấu bài lâm khốc, trời quang mây tạnh bỗng tối sầm, bất ngờ một tiếng sét kinh hoàng giữa thanh thiên bạch nhật khiến mọi người giật mình. Bà ba Xoan cùng bà Bàng, vừa mặc xong áo xô lao tới cỗ quan tài, cả hai như bị một lực đẩy vô hình bắn ngược trở ra. Từ trong cỗ quan tài còn chưa đậy nắp, cụ Cử Vinh bất ngờ ngồi dậy khiến phường bát âm ngừng thổi kèn, kéo nhị và gõ trống, đám con cháu họ Trần xôn xao không rõ đang tỉnh hay mơ. Trước sự bối rối của mọi người, cụ Cử Vinh cho tay vào miệng lấy ra đồng Cảnh Hưng thông bảo ngắm kĩ rồi quay sang trách hai người con trai đang mặt xanh như đít nhái:

-Các anh nhét miệng tôi đồng tiền gỉ như này đúng là có hiếu quá.

 

Lợn đã thịt, cỗ bàn đã chuẩn bị không nhẽ bỏ đi, sau khi được đỡ ra khỏi cỗ quan tài, cụ Cử Vinh nhắc mọi người ở lại ăn cỗ coi như mừng cụ từ cõi chết trở về. Cỗ quan tài nhanh chóng được khiêng xuống gian nhà ngang, bộ quan phục được cởi ra cất kĩ trong hòm, dù còn mệt nhưng cụ Cử Vinh cố xơi hết bát cháo gà để còn tiếp khách. Tin tức về cụ tiên chỉ chết được nửa ngày bất ngờ sống lại khiến bà con làng Mật xôn xao, mọi người đổ về nhà đám vì muốn mục sở thị nhưng bị đám tuần đinh đuổi về. Sợ thân phụ còn mệt bị quấy nhiễu, lý Hoà sai võng thân phụ sang ngôi từ đường của dòng họ nghỉ tạm, ở bên nhà mọi người mải mê đánh chén vì không ngờ điềm hung hoá cát. Mừng cho chồng từ cõi chết trở về, buồn vì mất toi con lợn 70 cân cùng đàn gà, chưa kể hơn yến nếp ngon và nhiều thứ khác, bà ba Xoan theo sát cụ Cử Vinh để chăm sóc cho chồng mau khoẻ lại. Nửa ngày vừa qua khiến tâm trạng bà khó tả, rất may chỗ dựa của bà vững như bàn thạch, nếu không khi cỗ quan tài được đưa qua cổng nguyệt, bà sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Không tin vào phép màu, chỉ đến khi thấy chồng xơi hết bát cháo gà do mình vừa tự tay xúc cho, bà ba Xoan mới tin vào sự thật. Chẳng cần đợi nhắc, bà pha ngay ấm trà sen để chồng thưởng trà sau nửa ngày phiêu du vào cõi hư vô.

 

Cụ Cử Vinh ngồi dựa vào chồng gối tựa suy nghĩ, vốn dĩ việc người chết sống lại cực hiếm, nhưng làng Mật từng có một trường hợp như vậy, hồi những năm 1930 có bà cụ Thẽm là mẫu thân của quan Tuần phủ cũng hạc giá vân du từ lúc tờ mờ sáng, đến lúc nhập quan cụ Thẽm tỉnh lại khiến con cháu bàng hoàng. Tuy nhiên cụ Thẽm nhai xong miếng trầu, uống thêm ngụm nước rồi tỉnh táo dặn dò con cháu vài việc liền lịm đi và không bao giờ tỉnh lại. Ngày đó các bậc cao niên nói bà cụ Thẽm bị hồi quang phản chiếu nên tỉnh táo thêm được một canh giờ là việc xưa nay hiếm. Khi đã thấy trong người khoẻ lại, dù muốn quay về nhà nhưng cụ chẳng muốn mọi người mất tự nhiên nên quyết định nán lại tối nay cho đến khi mọi thứ được dọn sạch sẽ. Biết bà vợ trẻ có điều khó nói, cụ không gặng hỏi chỉ nhắn con bé Lượm qua để sai bảo mấy việc vặt rồi đi nghỉ sớm để sáng mai còn ra đình làng kẻo nhiều kẻ mừng hụt không tin cụ sống lại. Mặc cho hai người con muốn cụ nghỉ lại ngôi từ đường, dù khuya nhưng cụ Cử Vinh vẫn quay về. Bước vào ngôi nhà quen thuộc, cụ đã thấy con bé Lượm buông màn. Không muốn nhắc lại việc mình tắt thở hồi sáng, cụ Cử Vinh vừa đặt lưng xuống đã chìm vào giấc ngủ, những qua một bên.

Bình luận