Chapter 28

icon
icon
icon

Dành đúng một tuần ngồi nhà đón tiếp mọi người đến hỏi thăm, cụ Cử Vinh không quên ra đình làng bàn việc kẻo nhiều kẻ ngồi thấp nói cao. Riêng sư Thiện Tâm có ghé nhà đàm đạo cả buổi chiều cái hôm đáng ra cụ phải đi qua cổng nguyệt trên chiếc xe bánh sắt. Khi câu chuyện chết đi sống lại tạm lắng, cụ Cử Vinh yêu cầu họp gia đình tại ngôi từ đường của dòng họ, lần này không chỉ có hai người con trai, hai cô con dâu cùng đám cháu gái, cụ cho mời cả vợ chồng bà em gái sang dự vì có chuyện cần bàn. Đã lâu rồi kể từ dạo giỗ tổ, ngôi từ đường lại đông người tụ hội, duy có điều cuộc họp không có cỗ bàn và món gỏi cá trứ danh vì chẳng phải ngày giỗ của vị nào. Đợi mọi người tập trung đầy đủ, cụ Cử Vinh thông báo về việc phân chia tài sản, dù được người bác ruột cho ăn tự ngôi từ đường cùng hơn chục mẫu ruộng tốt và ba sào vườn, cả Hiển hồi lấy vợ được cho thêm ba chục lạng vàng chưa kể của hồi môn do người vợ là Lê Thị Hợi mang về. Với hai Hoà dù không được ăn tự, ngôi nhà gỗ hiện nay cùng bốn sào vườn đều được cắt từ miếng đất chung.

 

Khẽ hắng giọng để mấy người con thẩm thấu những điều mình nói, cụ Cử Vinh cho biết lễ khao chức lý trưởng của hai Hoà đều do cụ chi trả, như vậy chẳng người nào so bì do mình chịu thiệt.  Gõ nhẹ tay xuống mặt sập, cụ chỉ thẳng vào mặt hai người con trai rồi quát to:

-Tao vừa nằm xuống, chúng mày đã coi dì Xoan như người dưng nước lã, thử hỏi đạo lý ở đâu hay do mờ mắt vì tiền. Ngôi nhà cùng sáu sào vườn còn lại, nếu tao có chết thật cũng không đến lượt chúng mày lạm bàn.

 

Biết mình có lỗi với bà ba Xoan, cả Hiển cùng lý Hoà á khẩu chỉ biết cúi đầu nhận lỗi. Vốn dĩ sinh có hạn tử bất kì, cụ Cử Vinh tuyên bố nếu mình có nằm xuống, dẫu có con trai nhưng việc lo hậu sự phải do vợ của cụ quyết, chưa kể mọi tài sản hiện nay cụ viết di chúc rõ ràng nhằm tránh sự tham lam chiếm đoạt về sau. Thấy lý Hoà rót nước cho mình, cụ nói ngay:

-Anh nên nhớ, làm lý trưởng chỉ oai trong làng, làm chánh tổng quyền hành bao trùm hơn chục làng trong tổng, nhưng muốn leo cao phải có hùng tâm tráng chí, đừng có thói giậu đổ bìm leo cho hèn người.

Mắng hai người con trai một trận, cụ Cử Vinh quay sang bà em gái quát ngay:

-Cô đã biết tội của mình chưa.

 

Dù có giấu chẳng được, bà Bàng sụt sùi khóc than nghèo kể khổ nên có chút tư lợi, bà lôi trong bao tải ra chiếc đỉnh bạc, con rồng quý cùng bộ chén ngọc, chưa kể chiếc chuông nhỏ bằng vàng, tất cả đều là đồ thờ quý giá bị bà nẫng mất hôm phát tang. Mặc cho bà em gái lạy van, cụ Cử Vinh lấy cuốn gia phả họ Trần xuống rồi sai cả Hiển mài mực, biết thân phụ ghét bút sắt nên nghiên mực được mang lên. Cự Cử Vinh tự tay thắp hương kính cáo tổ tiên, sau đó cụ đổi tên Trần Thị Bàng thành Lý Thị Bàng của bà em gái cùng cha khác mẹ. Ngày xưa thân phụ của cụ cưới bà thứ tư mang họ Lý rồi sinh ra bà Bàng, giờ đổi họ bà em gái là bước đi đầu tiên, cụ còn tính xoá tên khỏi gia phả bởi em gái tham quá hoá ngu làm xấu mặt họ Trần.

 

Không muốn nghe trình bày nhiều rác tai, một lần nữa bà em gái giờ mang họ Lý bị tống khỏi gian từ đường. Dẫu đều là con quan Phó Bảng, khi chẳng còn mang họ Trần đồng nghĩa từ nay những kì giỗ tổ bà Bàng không được bén mảng tới, trừ ngày giỗ thân phụ và mẫu thân của mình. Chẳng tiếc mấy thứ đồ cổ quý giá, sụ Cử Vinh buộc phải mạnh tay bởi bà em gái là tấm gương xấu khiến hai người con trai của cụ học theo. Việc nhà đã xử xong, cụ Cử Vinh vẫn chưa thể yên tâm, bởi việc trông nom kho báu tưởng dễ hoá ra lại khó. Đã hơn 200 năm họ Trần canh giữ cẩn thận, cụ sợ khi mình thác đi, nếu chìa khoá trao lại cho cả Hiển dễ bị người khác lung lay bởi con trưởng không phải người quyết đoán. Tuy nhiên điều tệ hại khiến cụ lo nhất, cả Hiển tuy sống ba phải nhưng không tham lam vô độ, nhưng kho báu để lý Hoà trông nom, chẳng khác nào gửi trứng cho ác. Buồn vì chẳng thể trông vào hai người con trai, cụ đành nhen nhóm niềm hy vọng vào đứa cháu trai vừa sinh được đặt tên là Trần Mạnh Đạt. Từ ngôi từ đường quay về nhà, cụ Cử Vinh thấy bà vợ ba nói nhỏ:

-Mình làm vậy với cô Bàng có nặng quá không.

Không muốn nói về chuyện đó, cụ Cử Vinh chép miệng than:

-Loại rạch giời rơi xuống chỉ làm điếm nhục gia phong, tuổi đó ở làng đã lên bà từ lâu nhưng vẫn hành xử vô pháp vô thiên.

 

Đi hết hàng rào dâm bụt để rẽ vào nhà, bất ngờ có tiếng gió rít thoảng qua tai, quay lại không thấy bà vợ trẻ đâu nữa, cụ Cự Vinh dự cảm chuyện chẳng lành nên hét con bé Lượm quay lại ngôi từ đường gọi người giúp sức. Dù còn yếu chẳng thể bước nhanh được, cụ không rẽ về phía bụi rậm mà hướng về phía rặng nhãn phía trước. Đúng như cụ dự đoán, bà vợ ba của cụ đang bị sợi dây thừng treo ngược cành cây, hình như đây chỉ là đòn cảnh cáo nên đầu dây buộc vào cổ chân, nếu hung thủ quàng vào cổ treo lên sẽ như tay Thanh lé dạo xưa. Biết em gái như con thú hoang không còn theo đường chính đạo, việc dùng tuyệt kĩ Thất tiến kim tiên như lời tuyên chiến, chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, cụ Cử Vinh tuột khăn đội đầu vung về phía trước. Lần đầu tiên sau hàng chục năm, hôm nay cụ dùng tuyệt kĩ Nhuyễn tiêu mười ba đốt (thập tam tiết kim tiên)để hoá giải. Khi lý Hoà cùng cả Hiển vác đuốc chạy tới, chẳng cần nói ra hai người đều biết ai là thủ phạm, cụ Cử Vinh đỡ người vợ trẻ ngồi nghỉ tạm ngay gốc cây nhãn bị đổ do trận bão năm ngoái. Thói đời vốn xấu che tốt khoe, nếu việc này bị cả làng biết được, họ Trần sẽ mất mặt nên chẳng thể làm ầm ĩ được. Cụ Cử Vinh điềm đạm nói:

-Thôi muộn rồi, mọi người về nghỉ sớm đi.

 

Đã qua giờ Hợi nhưng cụ Cử Vinh chẳng ngủ được, thông thường người ta hay nói huynh đệ tương tàn để chỉ những nhà có nhiều anh em trai tàn sát và tranh nhau tài sản. Có nằm mơ cụ chẳng thể ngờ bà em gái trở mặt biến thành kẻ thù, nguy hiểm hơn còn ra tay với người thân, giả sử hôm nay cụ tới muộn, dù bà vợ không chết nhưng cũng được phen khiếp đảm. Khi em gái đã bị đổi họ trong gia phả, cụ biết kho báu họ Trần sẽ là mục tiêu kế tiếp, nhưng hiện nay sư Thiện Tâm trụ trì tại Linh Sơn cổ tự, tạm thời mọi việc chưa vượt quá tầm kiểm soát. Phụ nữ lấy chồng tốt sẽ thay tâm đổi tính, lấy chồng xấu rồi sẽ ảnh hưởng theo, chẳng biết trách ai khi bản thân ngăn cản cuộc hôn nhân của bà em gái, cụ cho rằng mọi việc đều có nhân quả báo ứng. Tối qua là đòn cảnh cáo, tiếp theo biết đâu là việc đoạt mạng như với gã Thanh lé hồi năm xưa. Có lẽ năm xưa Thanh lé cùng gã em rể trương tuần Long làm điều mờ ám, hoặc hai bên ăn chia không đều, không ai khác chính bà em gái dùng tuyệt kĩ của họ Trần để đoạt mạng. Hồi đó cụ còn hơi nghi ngờ nhưng chưa có bằng chứng, giờ việc hai năm rõ mười chứng tỏ bà em gái ác nhân thất đức chả kém lũ cướp rừng bàng.

 

Không muốn làm phiền mọi người, cụ Cử Vinh tự xuống bếp đun siêu nước pha trà dù mọi người sẽ ngạc nhiên. Thật ra ngày xưa khi còn theo học chữ nho, cụ thường đun nước để thầy dạy pha trà nên chẳng có gì khó khăn. Cụ nghĩ đến người xưa muốn thuần voi phải xích lại, muốn rắn hết độc phải bẻ nanh và lấy nọc, riêng loại hổ không cách gì thuần hoá chỉ có cho sập hầm chông bẫy đã rồi giết đi nhằm trừ hậu hoạ. Với người em gái đã rời xa con đường chính đạo, chưa kể còn ra tay giết người và coi thường vương pháp, cụ biết đã đến lúc phải dĩ độc trị độc. Chẳng muốn phiền đến hai người con trai cùng mấy bậc cao niên trong họ, cụ muốn tự mình dàn xếp việc của bà em gái trước khi mọi việc quá mù ra mưa. Trời tang tảng sáng, trương tuần Long xách thước đi từ ngoài cổng vào sân, đỡ chén nước từ tay cụ Cử Vinh, gã thông báo:

-Mụ vợ em bỏ đi đâu cả đêm không về.

Cụ Cử Vinh điềm đạm nói:

-Khắc đi rồi khắc về, chú lo việc của mình cho tốt, đừng để bọn mật thám trên tỉnh lượn về làng nhiều quá, chả tốt đẹp gì đâu.

 

Mặc cho dân làng Mật đồn thổi, người nào chết đi rồi sống lại sẽ thọ quá trăm tuổi, cụ Cử Vinh chẳng mong sống dai đến vậy, nhưng cụ thầm cảm ơn lần chết hụt của mình, bởi qua đó cụ thấy thân phận bà vợ ba bị rẻ rúng đến mức nào. Đúng như đức Khổng Tử đã dạy, người quân tử trước hết phải tề gia rồi đến trị quốc và bình thiên hạ. Cụ sống an nhiên tự tại ở làng chẳng mong trị quốc hay bình thiên hạ, việc tề gia nếu không làm tốt, sau này đi gặp tổ tiên sẽ khó ăn khó nói. Trời về chiều lại nổi cơn giông, mây đen kéo đến ầm ầm khiến mọi người đang làm đồng vội chạy về nhà, dù chưa có hạt mưa nhưng sấm chớp vẫn khiến nhiều người thấy hãi. Không bận tâm đến sự vội vã gấp gáp, cụ Cử Vinh tự tin có chiếc quạt mo cau để che đầu.

 

Chẳng giống đám chức dịch đi đâu cũng cắp ô, cụ thậm ghét những gì của người Phú Lang Sa nên quyết không màng tới. Tuy ghét những thứ liên quan đến kẻ đang thống trị, cụ vẫn có nỗi khổ tâm riêng vì trong hòm có những đồng bạc Đông Dương cùng một tráp đầy những đồng bạc trắng có dập nổi con mụ đầm xoè. Vẫn biết như vậy là mâu thuẫn, nhưng chẳng nhẽ lại mang tiền đi mua vàng cũng chẳng phải kế hay, khi báu họ Trần hiện trải qua vài trăm năm nào ai đã đụng đến, mua thêm vàng rồi đem chôn nó sẽ như cái vòng luẩn quẩn là điều cụ chẳng thích. Bước chân về phía cổng nguyệt, cụ Cử Vinh thấy bình thường nó đã âm u, nhưng hôm nay gặp cơn giông nên nhìn chẳng khác nào cửa dẫn tới âm tào địa phủ. Cả bãi tha ma lẫn hàng trăm mẫu ruộng của làng giờ không một bóng người, duy nhất ngôi miếu hoang nằm trơ chọi giữa cánh đồng còn phía sau là cây gạo vốn là nơi đậu của lũ quạ ma. Bình thường trời không mưa gió, lũ quạ sẽ đậu ở trên cây ngay cổng nguyệt, hôm nào tức giời chúng bay ra đậu trên cây gạo giữa cánh đồng, nếu mưa to lũ quạ sẽ vỗ cánh bay vào ngôi miếu hoang trú ngụ.

 

Mặc cho sấm sét nổi lên, cụ Cử Vinh biết mình đã nằm trong cỗ quan tài một lần, giờ cái chết chẳng có gì đáng sợ vì với cụ chỉ là nằm vào đó thêm lần nữa. Bờ ruộng trơn trượt và khó đi, cụ đành tặc lưỡi tháo đôi giầy Gia Định rồi bấm mấy ngón chân vào chỗ có cỏ để tránh bị ngã. Giá kể bây giờ có người làng nhìn thấy cảnh này, họ sẽ phao lên rằng cụ bị ma rủ ra ngôi miếu hoang, bởi từ khi lập làng, ngôi miếu đó là nơi thờ những kẻ chết đường chết chợ hoặc bị thiên lôi hay hà bá hỏi thăm, hà cớ gì cụ tiên chỉ của làng mò ra đó khi trời đang không thuận. Một ánh chớp sáng loè kèm tiếng sét khiến nhiều người sợ run bắn, cụ Cử Vinh mặt không biến sắc vẫn nhằm hướng ngôi miếu hoang thẳng tiến.

Bình luận