Trời tờ mờ sáng, khi những người dân làng Mật còn chưa vác cuốc ra đồng, ông Tân đã đánh xe bò từ cuối làng dừng lại trước cổng nhà thầy đồ Tăng. Không réo gọi sợ làm phiền một người nho nhã, ông lấy nắm cỏ đặt phía trước cho con bò nhai còn mình bắn điếu thuốc lào. Tiếng rít thuốc lào sòng sọc khiến con vện đang nằm ở hiên nhà nhe răng sủa, chưa đầy 10 phút sau, ông Tân thấy thầy đồ Tăng quẩy đôi bồ từ trong nhà đi ra. Dù chẳng biết trong bồ đựng gì, ông liên tưởng tới hình ảnh các thí sinh ngay xưa lai kinh ứng thí. Làng Mật vốn đất học, ngày xưa nhà nào có điều kiện sẽ thuê một thằng nhỏ gánh bồ đựng mọi thứ đi theo công tử về kinh thành, trên đường đi phải chăm lo giấc ngủ và miếng ăn cho chủ nhân. Sở dĩ ông rõ như vậy, bởi ngày còn bé đã từng là chân tiểu đồng quẩy bồ theo chân cụ thân sinh của thầy đồ Tăng đi dự thi ở trên tỉnh vào năm Quý Mão 1903, năm đó thầy đồ chỉ là cậu bé đầu còn để chỏm. Nói ra sợ bị trách tội, ông thấy mừng vì chàng nho sinh họ Tống sau khi đậu tú tài đã bỏ ngang không thi nữa, do vậy những kì thi sau ông được quay lại chăn trâu cắt cỏ rồi lớn lên làm anh thợ cày. Khi sức khoẻ giảm sút, ông chọn việc đánh xe bò lên huyện chở hàng vào những đận nông nhàn. Cẩn thận đặt đôi bồ lên xe bò, khi đã yên vị, thầy đồ Tăng chia nắm xôi đỗ làm hai phần đưa cho người đánh xe một nửa ăn cho vui, lúc này ông Tân bắt đầu quất roi để bò kéo xe.
Sau nhiều lần qua lại bàn bạc, nhà ông cả Hiển đã đồng ý cho con gái xuất giá vào mùa xuân năm Quý Mùi 1943, lễ dạm ngõ sẽ được thực hiện cuối năm nay, như vậy tính ra thời gian cũng chẳng còn nhiều. Chẳng muốn phải vay mượn tiền bạc rồi đến tai bên thông gia, hôm nay thầy đồ Tăng mang hai chiếc lọ bách thọ lên huyện, sau đó bắt xe khách về Hà Nội bán cho được giá. Vốn là người kín kẽ, thầy cho đôi lọ quý vào bồ rồi chọn thời điểm cả làng chưa ai thò mặt ra đường, như vậy bớt bàn ra tán vào. Dù chưa rõ thự hư, bà Tám chuyên mai mối rỉ tai,nghe đâu của hồi môn cho con dâu mang về nhà chồng, bên ông cả Hiển sẽ cắt cho vài mẫu ruộng tốt, chưa kể số trang sức vàng cùng vài trăm đồng bạc Đông Dương. Vừa thêm con lại được thêm của, chính vợ thầy giục mang đôi lọ đi bán để sớm lo liệu cho tươm tất. Thói đời muốn đi câu phải có mồi, muốn bắt con cá rô phải thả con săn sắt, dù quý đôi lọ bách thọ, thầy phải bán do muốn làm đẹp mặt họ Tống và làm sang với họ Trần thông gia với mình.
Lúc xe bò đi qua đình làng, thầy đồ Tăng nhìn vào bên trong bất giác nhớ cảnh cụ chánh Nhung cùng các cụ tiên chỉ, thứ chỉ ngồi bàn việc bên bộ bàn đèn. Vào những ngày hội làng đầu năm, bên trong đình thường có đám cô đầu trên phố huyện đi xe tay về hát hầu cửa Thánh. Dẫu biết xã hội phân nhiều giai tầng, thầy nhìn cảnh đám dân đen khép nép đi tránh xa cửa đình nên thấy rõ cái nghèo và chữ hèn luôn song hành cùng nhau. Cùng sinh ra trong làng Mật, thân phận mỗi người khác nhau rất xa, chẳng thể bậc thánh nhân từng nói “công bằng viễn lộ hà xứ thị - con đường đi đến công bằng rất xa”. Lúc bình thường đình làng tưng bừng là vậy, khi có việc nhiều khi mấy vị có máu mặt cãi nhau còn hơn mổ bò. Sự kèn cựa giữa các dòng họ lúc mềm như dải lụa, khi lại cứng như lưỡi thanh đại đao, rốt cuộc chỉ tay mõ là khổ bởi các cụ sẽ chọn y để trút mọi bực tức. Năm nào cũng ngồi viết chữ sân đình, thầy đồ Tăng nhớ đến lúc các cụ chả để tâm đến thể diện khi văng đủ thứ, cảnh đó rất giống với câu;
" Nghị luận đa nhi thành công thiểu.
Bàn luận nhiều mà thành công ít”
Sau khi tới bến Long Biên, thầy đồ Tăng thuê xe kéo tới Hội quán Quảng Đông trên phố Rue des Voiles, tức phố Hàng Buồm. Được một người quen dắt mối, thầy đồ Tăng lấy đôi lọ bách thọ đặt lên bàn cho vị chủ nhà xem xét. Sau một hồi kiểm tra từ miệng lọ xuống dòng chữ Hán và dấu triện đỏ được nung kèm, vị chủ nhà gật gù vẻ hài lòng. Lọ bách thọ chẳng hiếm, nhưng ai làm đôi lọ và cách chế tác cũng như cả trăm chữ thọ chẳng giống nhau sẽ làm nên một sản phẩm vô giá. Tuy nhiên giá trị nhất ở đôi lọ lục bình là ở chữ thọ dưới đáy, nó không đứng một mình mà ở trong dòng chữ “vạn thọ vô cương”, như vậy đôi lọ bác thọ chắc chắn là đồ ngự dụng được một vị đại thần đặt làm để dâng tặng cho nhà vua hoặc thái hậu vào dịp mừng thọ. Rót trà cho khách, vị chủ nhà từ tốn hỏi:
-Vậy ông lấy tiền hay lấy vàng.
Rời nhà lúc trời tang tảng sáng với đôi bồ, thầy đồ Tăng xách chiếc cặp da cũ và sờn trở về lúc trời nhá nhem tối. Khi bước qua cổng nhật vào làng, thầy thầm nghĩ đời người dù sống thọ trăm tuổi như cụ Bạt ngày xưa, hoặc chết yểu như mấy đứa con nhà tay mõ làng, tất cả cuộc đời chỉ gói gọn vào hai hướng, sống qua lại cổng nhật, chết qua cổng nguyệt rồi chẳng quay về. Ngay khi bước vào nhà, trước sự hồi hộp của hai mẹ con, thầy đồ Tăng lấy trong chiếc cặp da căng phồng một con vịt quay được bọc lá sen cẩn thận để tránh dây mỡ. Giá kể ăn ngay lúc còn nóng sẽ ngon hơn, nhưng chẳng vấn đề gì chuyện nguội hay nóng, đã lâu rồi cả nhà có bữa cải thiện bằng món đặc sản mua từ Hà Nội băm sáu phố phường. Tự rót cho mình và Tống Hiên Bình chén rượu, thầy đồ Tăng giải thích, đàn ông khi lập gia đình sẽ phải đứng mũi chịu sào, uống rượu là bước đầu tiên để học cách làm chủ bản thân. Dù con trai háo hức đợi ngày được làm chồng, thầy ý nhị nhắc con cuộc hôn nhân đôi lúc như ta thưởng thức chén rượu vậy, có ngọt bùi đắng cay, có giông bão và mùa xuân trong chiếc chén nhỏ. Biết con trai chưa thể lĩnh hội được hết, dẫu sao mọi việc cần có thời gian. Chỉ tay về phía giếng nước, thầy đồ Tăng thông báo:
-Sang tháng thầy sẽ khởi công xây cho hai vợ chồng ngôi nhà thật rộng rãi, ngôi nhà hiện nay sẽ được tôn nền, lợp mái ngói để đón gia đình thông gia kẻo họ chê cười cảnh bần hàn.
Bữa tối sang hơn cả ngày có giỗ, thấy Tống Hiên Bình uống chén rượu mặt đỏ tưng bừng, thầy đồ tăng nhắc con trai ăn thêm bát cơm rồi đi ngủ sớm, tự dưng mò ra đường rồi ăn nói không kiểm soát lại vạ miệng. Nửa đêm sau khi thả chó canh nhà, thầy đồ Tăng cẩn thận thả mành cài cửa đi và cửa sổ, ra hiệu cho vợ vào trong buồng, thầy buông màn rồi cẩn thận lấy những xấp bạc giấy và nhiều đồng bạc có hình bà đầm xoè đặt trên mặt chiếu. Chưa từng thấy trong nhà có nhiều tiền đến vậy, thậm chí giá trị của nó còn vượt xa hũ tiền Khải Định thông bảo và Bảo Đại thông bảo, bà đồ Tăng hồi hộp hỏi:
-Thế rốt cuộc mình bán đôi lọ được bao nhiều?
Vuốt cẩn thận từng tờ tiền, thầy đồ Tăng cho biết đôi lọ được bán với giá 825 đồng bạc Đông Dương, dù không được 1200 đồng như dự tính, số tiền này bằng nuôi lợn và bán thóc trong hai chục năm không ít. Có trong tay món tiền to, ngôi nhà đang ở sẽ dỡ mái lá, thay cột gỗ xoan bằng cột gỗ lim kê trên những tảng đá xanh, xà ngang lẫn xà dọc đều làm bằng gỗ. Để không thua kém nhà gái, thầy quyết định cho tôn nền rồi lát gạch Bát Tràng, như vậy nếu mưa to gió lớn, sân có ngập trong nhà vẫn khô cong. Nhằm chứng tỏ gia đình nối dòng thi hương, thầy sẽ tự tay viết chữ ĐỨC LƯU QUANG rồi cho thợ hoạ lại trên bức đại tự sơn son thếp vàng. Bà đồ Tăng thấy đống tiền khiến người như mụ mị, chồng nói câu nào bà gật đầu câu đó, dẫu sao cái danh thầy đồ sống thanh bần nó chẳng doạ được ai, chi bằng sống trong nhà ngói khang trang khéo còn hơn nhà ông phó lý Hảo. Sợ chồng quên việc chính nên bà nhắc:
-Theo tôi mình chia khoản tiền làm bốn phần, xây nhà cho Hiên Bình một phần, sửa lại ngôi nhà này một phần, như vậy còn hai phần để lo lễ cưới và cho vay lãi.
Hồi xưa tính cho con trai sang ở rể như kế của Triệu Đà, nhưng kế hoạch đó mạo hiểm lại không chắc lấy được kho báu, thầy quyết định dùng diệu kế khác khiến họ Trần chẳng thể ngờ tới. Thầy đồ Tăng thở dài định nói vài câu, ai ngờ sấm chớp nổi lên kèm theo cơn mưa như trút, số tiền trị giá cả một gia tài nhanh chóng được cất kĩ dưới đáy bồ thóc, đến lúc này thầy có thể thở phào nhẹ nhõm. Tổ chức đám cưới cho con trai xong, nhân tiện nhà được sửa khang trang, thầy nhẩm tính khéo lấy thêm bà nữa khéo vẹn cả đôi đường, như vậy mới thực đúng nghĩa của câu song hỷ lâm môn
Bình luận