Chapter 30

icon
icon
icon

Khi còn cách ngôi miếu hoang vài chục bước, cảm nhận rõ hơi nước trong làn gió lạnh thổi tới, biết trời sắp mưa nên cụ Cử Vinh rảo bước cho kịp vì chẳng có chiếc quạt mo cau che đầu. Giá kể không có đàn quạ ma, ngôi miếu hoang sẽ yên tĩnh lạ thường, nhưng tối nay người và quạ chạm nhau, lũ quạ tức tối vỗ cánh bay về phía cổng nguyệt vẫn không quên kêu những tiếng ma quái. Ngôi miếu hoang khởi thuỷ vốn dành thờ những oan hồn vất vưởng và chỉ bé như cái chạn nên người ta thắp hương trên bệ thờ là xong. Trải qua nhiều lần tu sửa, giờ ngôi miếu rộng rãi và có thể chứa tới chục người không ít, tuy nhiên sau lần sét đánh chết người đang trú mưa trong miếu vào những năm 1930, ngôi miếu ít người lai vãng nên trở thành hoang phế và thành nơi trú ngụ của đàn quạ ma cùng đàn dơi mỗi khi tối trời. Dù là ngôi miếu hoang, dân làng Mật đi làm đồng vẫn chẳng dám lai vãng, nếu cần họ thắp hương vái vọng từ xa, bởi từ bà cụ Ngãi bán nước ngày xưa cho đến người hát xẩm mù đều thuộc lòng câu ca:

Đừng thấy miếu rách mà khinh
Miếu rách mặc miếu, thần linh hãy còn
.”

 

Cơn mưa sầm sập kéo đến, lúc này chả còn phân biệt nổi đâu là ruộng lúa đâu là những nấm mộ nằm rải rác, bởi dân làng Mật ngoài việc chôn cất ở bãi tha ma, họ thích đưa người thân ra nằm ngay chính mảnh ruộng nhà mình cho đến khi cải táng sẽ tìm chỗ đất cao xây mộ tử tế. Chẳng bận tâm sự vắng mặt của mình khiến bà vợ ba cùng con bé Lượm phải khoác áo tơi đi tìm, cụ Cử Vinh ngước nhìn bầu trời đầy sấm sét qua những chỗ mái ngói bị vỡ khiến nước chảy vào trong miếu. Sau khi dò dẫm thắp sáng được chiếc đèn dầu hoen rỉ, cụ Cử Vinh cầm đèn cúi xuống bệ thờ xây bằng gạch. Ngày xưa từng về Hà Nội nhiều lần nên cụ biết, ở phố Jules Ferry (phố Hàng Trống) có tiệm Hoa kì bán đèn làm bằng sắt tây và đốt bằng dầu hoả, dân Hà Nội hay gọi là là đèn Hoa Kì. Dưới bệ thờ khi trước có đắp nổi một ông ba mươi dữ tợn, theo thời gian ông ba mươi đã bị bong tróc không còn hình vẽ bộ lông vằn vện màu đen vàng, nói đúng ra giờ như con chó ghẻ rụng lông. Tuy ông ba mươi đã xuống cấp, đôi mắt được gắn thuỷ tinh khi gặp ánh đèn dầu le lói vẫn sống động như thật, điều này khiến những người yếu bóng vía tim đập chân run.

 

Mặc cho tiếng mưa, tiếng sấm kèm tiếng sét và ánh chớp sáng loè, cụ Cử Vinh ngửa lòng bàn tay rồi bất ngờ chụm lại như nắm đấm, sau khi vận công dồn khí, cụ xoè hai ngón tay ấn mạnh vào đôi mắt hổ, nhìn cách ra đòn móc mắt vừa nhanh lại chính xác, không ai biết cụ sắp bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Ngoài việc giỏi tuyệt kĩ Nhuyễn tiêu mười ba đốt (thập tam tiết kim tiên)của họ Trần, cụ là cao thủ võ lâm môn Hầu quyền đạo. Chiêu này thường được những cao thủ môn Hầu quyền ưa sử dụng, cụ móc mắt hổ có dụng ý khác. Ấn đồng thời vào hai con mắt hổ, một đường hầm bí mật mở ra, bởi mắt hổ chính là chìa khoá mở cánh cửa bí mật. Nếu kẻ nào không biết chỉ ấn vào một mắt, con mắt còn lại sẽ như viên đạn găm về phái kẻ đó nên không chết cũng thành tật bởi gầm bệ thờ chật hẹp khó tránh. Sở dĩ cụ Cử Vinh biết rõ mọi thứ, bởi ngôi miếu hoang ngày xưa bé tẹo, khi cụ đỗ Cử nhân tại kì thi Hương vào năm Ất Mão 1915 dưới thời vua Duy Tân, lúc vinh hiển về làng, cụ đã góp tiền tu sửa ngôi miếu quy mô như hiện nay. Căn hầm bí mật được tạo dựng vào thời kì đó, dù không quá rộng như ở bên đền thờ bà Chiêu Phi, nó đủ chỗ để nhốt kẻ lòng lang dạ sói Trần Thị Bàng đã bị cụ xoá khỏi họ Trần bắt đổi sang họ Lý.

 

Đêm qua trong lúc hoá giải đòn Thất tiến kim tiên của bà em gái, khi mọi người chưa chạy đến, cụ đã dùng Hầu chỉ công để điểm huyệt kẻ lạc loài vừa bị gạch tên khỏi gia phả. Khi bà em gái bị dính Hầu chỉ công, cụ co chân đạp ngay vào bụi rậm nhanh đến mức bà vợ ba bị treo trên cành nhãn không biết, hai người con trai và con bé Lượm chạy đến không hay. Đợi bà vợ trẻ ngủ say, gần sáng cụ áp giải bà em gái ra ngôi miếu hoang để giam lại, một khi đã dính Hầu chỉ công, tất cả huyệt đạo đều bị phong toả và chỉ được hoá giải bởi các cao thủ phái Hầu quyền đạo. Dẫu không nỡ đoạt mạng Lý Thị Bàng, nhưng để người phụ nữ ngông cuồng và đầy tham vọng tác oai tác quái, cụ biết sẽ nuôi mầm hoạ về sau. Giá kể thị là kẻ xa lạ, cụ có thể đoạt mạng trong nháy mắt, tuy nhiên dù thay tên đổi họ, thị Bàng vẫn cùng huyết thông đúng như câu một giọt máu đào hơn ao nước lã khiến cụ khó phân xử. Bước xuống căn hầm mỗi bề rộng như tấm phản và nằm không quá sâu, cụ Cử Vinh mở mo cau có nắm cơm đã được cắt thành từng khoanh cùng chút muối vừng đặt trước mặt bà em gái, sau đó cụ giải huyệt để cánh tay có thể cử động được cầm cơm ăn. Trong lúc bà em gái ăn cơm nắm chan nước mắt còn chỗ bị giam mạch nước đùn mấp mé tới mắt cá chân, cụ trầm ngâm nói:

-Khi xưa thân phụ đã nói rõ nữ nhi ngoại tộc, bởi vậy bí mật về kho báu sẽ vĩnh viễn không tiết lộ. Cô vì thằng chồng thất phu cùng họ Nguyễn bần hàn định chiếm đoạt vàng bạc tổ tiên để lại, việc đó tôi đã thể tất. Nhưng đêm qua cô chó cùng dứt giậu nên tôi phải trừ hậu hoạ, dẫu sao từ ngày hôm qua cô đã không còn là người họ Trần.

 

Từ đêm qua lúc tung sợi dây tóm được mụ Xoan, bà Bàng tính treo cổ thị trên cành nhãn giống như đã từng làm với tay Thanh lé, tuy nhiên đến phút cuối mềm lòng nên bà chỉ treo cổ chân khiến người dốc ngược. Trong lúc còn chưa rút đi, bà chẳng ngờ dính ngay chiêu điểm huỵệt của anh trai rồi bị tung cước bay vào bụi cây. Dính chiêu độc chẳng nói dù nghe được, không thể chạy khi chân tay như đeo đá, bà vẫn nghe thấy tiếng của hai đứa cháu nhưng đành thúc thủ. Nằm trong bụi cây chịu cảnh muỗi đốt, gần sáng bà bị anh trai nhốt trong ngôi miếu hoang nên biết mình lành ít dữ nhiều. Thấy anh trai buông những lời tuyệt tình máu mủ, bà chỉ biết cay đắng thốt lên:

-Rồi ai cũng đều phải chết, nếu ra tay với cả em ruột sao xứng là bậc quân tử đọc sách Thánh hiền. Nói như lời của Đức Khổng Tử, anh chỉ là kẻ nguỵ quân tử trốn sau đống chữ nho để biện minh cho việc mình làm.

 

Không hơi đâu tranh cãi, đợi bà em nuốt xong miếng cơm cuối cùng, cụ Cử Vinh điểm huyệt khiến cho Lý Thị Bàng á khẩu muốn nói không sao mở miệng được. Chẳng cần suy nghĩ nhiều do mọi thứ nằm trong kế hoạch, cụ Cử Vinh quyết định phế bỏ võ công của bà em gái rạch giời rơi xuống bằng những đòn dứt khoát. Sở dĩ những người họ Trần thành thạo tuyệt kĩ nhuyễn tiêu bởi thân thủ phi phàm, hai cổ tay mềm mại khi tung dải lụa và nếu cần có thể cứng như thép. Bằng việc khiến hai cổ tay của bà em gái thành tàn phế, sau này cụ Cử Vinh biết Lý Thị Bàng dồn hết sức may ra cầm thìa xúc được bát cơm ăn, riêng tuyệt chiêu Thất tiến kim tiênsẽ chẳng thể mang ra hại người thêm lần nào nữa. Do đã hẹn trước, khi cụ Cử Vinh đưa bà em gái quay lại cổng nguyệt vào giờ Hợi, một cỗ xe bò đã đợi sẵn còn ông Tân đang ngồi bắn thuốc lào rồi ngửa mặt phả khói lên chỗ lũ quạ ma đang đậu. Nhờ vào ơn cứu mạng năm xưa, ông Tân nhất mực làm theo mọi việc do cụ Cử Vinh sắp đặt, đêm nay ông sẽ chở bà Bàng lên phố huyện, tại đó ông giao bà em gái cụ Tiên chỉ làng Mật cho hai người Thổ. Theo như lời cụ Cử Vinh,  họ sẽ đưa bà Bàng lên mạn ngược chữa bệnh, thời gian mau hay chậm tuỳ vào việc hợp thầy hợp thuốc. Nhìn theo cỗ xe bò rời làng Mật, cụ Cử Vinh nén tiếng thở dài vì không chắc việc của mình là phúc hay hoạ. Cơn mưa dù đã ngớt nhưng sấm chớp vẫn liên tục xuất hiện, cụ Cử Vinh quyết định quay về nhà kẻo mọi người mong ngóng. Khi thấy bà vợ ba hỏi mình vừa đi đâu về, cụ điềm đạm nói:

-Tôi vừa đi tiễn vong.

Bình luận