Chapter 31

icon
icon
icon

Dân làng Mật thấy nhà thầy đồ Tăng xây cất khang trang, buổi chiều rảnh mọi người ghé đến thăm còn đông hơn đi lễ chùa. Chẳng còn bóng dáng nhà tranh vách đất với mái lá gồi, ngôi nhà ba gian hai chái với những hàng cột lim vững chắc, ngay bên trong nhà thầy treo đủ hoành phi câu đối, đỉnh đồng sáng loáng. Nhìn cơ ngơi như vậy, mọi người có sự so sánh và quả quyết, nhà của thầy đồ Tăng bề thế hơn cả nhà ông lý Hoà, nếu có kém một chút là so với nhà ông cả Hiển cùng cụ Cử Vinh. Giống bao ngôi nhà xây theo lối cổ, thầy đồ Tăng xây cả bình phong phía trước cùng hàng cau theo đúng quan niệm “chuối sau cau trước” bởi phía sau đã có hàng cây chuối ngay gần bờ ao. Dẫu không toà ngang dãy dọc như ngôi từ đường bên họ Trần, ngôi nhà xây gần giếng nước dành cho con trai lấy vợ cũng khiến nhiều người thầm ghen tị, bởi nhà trên, nhà dưới đều lợp ngói mũi hài toát lên vẻ giàu sang. Dọn vào nhà mới được vài tháng, vợ chồng thầy đồ Tăng lại tất bật cho lễ ăn hỏi của con trai, đám cưới của Tống Hiên Bình cùng Trần Thị Nếp được nhiều người mong đợi, nguyên do vài năm vừa qua dân làng Mật đã chứng kiến quá nhiều đám ma, họ mong ăn cỗ cưới nhằm thêm phần may mắn.

 

Đứng ngoài sân ngắm chiếc mâm đồng khắc chìm chữ thọ được đánh bóng sáng loáng, phía trên có một cành cau ước tới cả ngàn quả được phủ vuông vải lụa điều. Trên mặt tấm phản bày la liệt những tráp đỏ đừng trà, đựng rượu và những xâu tiền dành cho lễ ăn hỏi sáng mai, thầy đồ Tăng mỉm cười bởi mọi việc hanh thông đúng như dự kiến. Dẫu cho bài ai điếu khóc than cụ Cử Vinh chẳng được dùng, sự nhiệt tình của thầy đã được nhà họ Trần ghi nhận. Khi đồng ý kết tình thông gia, họ chấp nhận gia cảnh thanh đạm của một thầy đồ đã hết thời khi nho học bước vào hoàng hôn của lịch sử. Cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ, trước ngày đại hỷ của con trai, vợ chồng thầy đã xây cất nhà cửa khang trang trong sự trầm trồ ngưỡng mộ của cả làng. Vẫy cậu con trai lại gần, thầy đồ Tăng trầm ngâm giải thích:

-Làm trai có ba việc lớn trong đời, xây nhà, lấy vợ, tậu trâu. Do nhà mình nối dòng thi hương nên chẳng cần mua trâu cày, thầy và u đã xây nhà, hỏi vợ cho anh, giờ là lúc anh báo đáp lại công dưỡng dục và làm vẻ vang nhà họ Tống.

Tống Hiên Bình lễ phép thưa:

-Bẩm thầy, nhưng ở làng giỏi lắm chỉ làm chức lý trưởng, vậy con phải làm sao.

Thầy đồ Tăng nói nhỏ:

-Đám chức dịch trong làng chỉ giỏi bóp nặn đám dân đen, cả đời không nhìn việc đời quá mâm cỗ ngoài sân đình. Họ Trần nhà vợ của anh nghe nói có kho báu, nếu tìm được nơi chôn giấu, họ Tống nhà mình về Hà Nội sống cho sướng tội gì tranh ăn ở vũng trâu đầm.

-Vâng con đã hiểu ý của thầy.

Sợ con trai chìm trong men say tình ái quyên mất việc quan trọng, thầy đồ Tăng dặn thêm:

-Người quân tử phải lấy việc lớn làm đầu, còn thê tử như y phục.

 

Tiếng pháo nổ giòn tan khiến dân làng đổ ra xem lễ ăn hỏi, nhà trai bên thôn Đoài qua thôn Đông phải đi qua chiếc cầu đá, bởi vậy mọi người chờ nhay hai bên cầu cho tiện. Dù không có người huynh trưởng là ông lý cựu dẫn đầu, nhà họ Tống vẫn mời được cụ Chánh Nhung làm trưởng đoàn, bởi cụ là họ hàng bên ngoại của thầy đồ Tăng. Xét vai vế cùng thứ bậc, đặc biệt khi nhà vừa xây xong, thầy đồ Tăng thấy bây giờ mới xứng là môn đăng hộ đối. Để được cụ Chánh Nhung gật đầu, chiều qua thầy đã mướn xe tay sang làng Me rước cụ về nhà khoản đãi cơm rượu cẩn thận. Do chẳng ai hút thuốc phiện, thầy nói khó để mượn bộ bàn đèn nhà ông phó lý Hảo rồi mua hai hộp thuốc phiện được tây đoan cấp phép. Một hộp để cụ Chánh Nhung đi mây về gió, hộp thứ hai dành cảm ơn ông phó lý Hảo chịu buông cho mượn bộ bàn đèn vốn là vật bất ly thân. Tối nay sau khi cơm rượu no say, ngoài túi đồ lễ kính cụ, một phong bao với hai chục đồng bạc Đông Dương gọi là cảm ơn, chưa kể tiền thuê xe tay cả đi lẫn về. Biết là tốn kém hơn dự kiến, nhưng vì con và muốn đẹp mặt họ Tống, thầy đồ Tăng chấp nhận chi thêm.

Ngay khi đoàn nhà trai tới cổng nhà gái, một băng pháo được treo sẵn đã nổ giòn tan, trong tiếng cười nói hoan hỉ của quan viên hai họ, cụ Chánh Nhưng thay mặt nhà trai phát biểu đôi lời. Đại diện họ nhà gái đáp lời là cụ Cửu Vinh. Vốn cùng làm việc ở đình làng bấy lâu, hai cụ cao niên gật đầu hài lòng bở lễ ăn hỏi dược lo chu toàn không điều gì chê trách, như vậy 10 ngày sau hôn lễ chính thức được tổ chức, từ nay đến hôm đó còn thêm một lễ xin dâu là đủ hết mọi thủ tục. Khi tiễn nhau ra để cổng, cụ Chánh Nhung nửa đùa nửa thật nói với cụ Cử Vinh:

-Không được ăn cỗ bên họ Trần, vậy là trượt mất món gỏi cả trứ danh.

Cụ Cử Vinh nhũn nhặn:

-Kính cụ lại nhà, sau khi chúng nó cưới xong, tôi cùng cụ đối ẩm chưa muộn.

 

Mặc dù họ Trần có việc hỷ, trương tuần Long chẳng xuất hiện vẫn được mọi người thể tất, bởi bà thông gia với nhà cả Hiển là em gái của gã. Dù vợ chồng em gái kết tình thông gia cùng vợ chồng người cháu vợ, gã tặc lưỡi không phàn nàn thêm nữa bởi duyên phận đã định. Trong lúc đoàn nhà trai sang nhà gái, gã vác dao quắm ra rặng tre sau vườn cùng hai gã tuần đinh khiêng choé để thu rượu về chuẩn bị cho ngày cưới. Khâm phục gã em rể họ Tống chu đáo, bởi dân làng quen với món gỏi cá của bên họ Trần, bằng tiệc cưới tuần nay, mọi người được biết thêm món rượu tre danh bất hư truyền của nhà họ Tống. Khi những choé đựng đầy rượu màu xanh như trà Tân Cương được khiêng lên nhà đặt ngay ngắn cạnh bàn thờ, trương tuần Long lủi thủi ra về chẳng muốn ở lại dùng bữa vì gã thấy buồn bực trong lòng.

 

Vác chõng tre ra ngoài sân ngồi cho mát, đợi con gái bưng mâm cơm đặt trước mặt, gã bưng bình rượu rót ra bát uống đỡ phải mất công. Kể từ ngày mụ vợ lên mạn ngược chữa bệnh, gã chẳng thiết tha công việc và có ý tư thù với đám nhà họ Trần. Con gái đáng ra xuất giá dịp cuối năm, chẳng rõ nghe phong thanh chuyện gì, nhà trai liền ngãng ra khiến gã uất hận trong lòng. Thấy con mình sống lầm lũi như cái bóng, thậm chí ăn hỏi đứa em họ cũng chẳng thò mặt sang giúp đỡ, thương con nên gã không nỡ trách mắng. Khi đã ngà ngà say, lúc này trương tuần Long buồn bã nói:

-Nếu bà ý không phải người họ Trần, có lẽ hậu vận chẳng đến mức long đong khốn khổ, khốn nạn như vậy. Con hãy ghi nhớ việc này, họ Trần chẳng đứa nào tử tế, bọn chúng là một lũ nói cười thơn thớt nhưng giết người không dao.

Biết thầy mình đanh buồn, Nguyễn Thị Liễu nói nhỏ:

-Con biết rồi, thầy xơi bát cơm cho đỡ xót ruột.

 

Dù trời đã khuya, trương tuần Long chẳng thể chợp mắt được, gã biết không phải mụ vợ vô cớ bỏ đi, sau chuyện này có nhiều uẩn khúc. Thấy nằm mãi chỉ khiến lũ muối hút no máu, gã xách thước đi tuần bởi chẳng muốn đám tuần đinh ì xèo rồi đến tai lý Hoà. Sau khi những tên cướp rừng bàng bị tóm tại trận, kẻ bị giết kẻ bị án khổ sai rồi lưu đày biệt xứ, lũ trộm cướp quanh vùng đều hãi và bảo nhau tránh xa làng Mật, việc tuần canh chỉ nhằm đề phòng củi lửa hoặc muốn thể hiện làm hết chức phận. Xách thước đi từ thôn Đoài qua thôn Đông, lúc sắp rạc cẳng bất ngờ tay Thuyên lác rảo bước bên cạnh rồi nói nhỏ:

-Bẩm ông trương, con mẹ đĩ nhà em tự dưng nhớ ra, đúng đêm hôm mưa gió năm ngoái, trong lúc đi bắt ếch nó nhìn thấy bà trương lên xe bò của lão Tân rời làng, có lẽ lão đó biết rõ mọi chuyện.

Giống kẻ ăn mày gặp chiếu manh, trương tuần Long dặn ngay:

-Thôi việc cũ cho qua, mày đừng nhắc lại kẻo không hay.

 

Đi tuần hai vòng quannh làng, tự dưng có con gà mái mơ chạy lạc từ bụi râm ra phía ao, một gã tuần đinh ném thước khiến con gà nằm quay lơ tại chỗ. Chẳng muốn bị chửi là lũ giết gà trộm chó, trương tuần Long nhấc ngay con gà rồi rảo bước lên điếm canh đê, chỉ một loáng sau, con gà tội nghiệp đã được bọc đất sét rồi vùi trong đống rơm đẻ nướng. Đêm khuya chẳng có chén bát, mấy gã tuần đinh bẻ lá chuối trải ngay mặt đê rồi đợi thưởng thức món bổ béo. Dù muốn nán lại xơi món gà nướng, tuy nhiên trương tuần Long nói thác mình thấm mệt cần về ngủ sớm nên nhường con gà cho mấy gã còn lại đánh chén. Lặng lẽ đi về làng, trương tuần Long không về nhà ngay, gã ghé nhà lão Tân đánh xe bò để hỏi ra ngô ra khoai. Biết lão này vốn coi lão anh vợ mình là Cử Vinh như Bồ tát sống, gã quyết khiến con cóc già phải mở miệng, nếu không làng Mật có thêm đám tang chẳng khiến ai bận lòng.

Bình luận