Lúc màn đêm buông xuống, sau khi dạo một vòng quanh chùa để kiểm tra, sư Thiện Tâm trở về trai phòng nghỉ ngơi. Bình thường cổng chùa mở cả đêm đón khách phương xa lỡ độ đường, từ dạo trộm cướp nhiều như ong vỡ tổ, là trụ trì ngôi chùa có nhiều cổ vật quý hiếm, ngài buộc phải cổng đón then cài. Phía sau chùa có hàng trăm bảo tháp lớn nhỏ, đó là nơi táng di cốt của những bậc cao tăng từng hoằng dương đạo pháp nơi đây, trải qua hàng trăm năm, nhiều bảo tháp đã không còn được vẹn nguyên như ngày đầu. Hôm trước nghe thúc phụ nói về kho báu, là trụ trì Long Sơn cổ tự nên ngài không khỏi lo lắng, sự tham lam và sân hận của chúng sinh khác nào động không đáy, nếu đốt chùa để tìm nơi cất giấu chắc họ dám ra tay. Theo gia phả để lại, ngày xưa cụ tổ là quận Hanh do sợ nhiều biến động thời cuộc nên đã tìm nơi cất giấu kho báu, vừa lúc con gái của cụ là thiếp yêu của chúa An Đô Vương Trịnh Cương về làng dựng chùa, cụ tổ quận Hanh đã xây gian mật thất rồi chuyển đồ quý xuống. Sự nhìn xa trông rộng của người xưa đáng kính nể, khi quân Tây Sơn do Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ chỉ huy kéo ra Bắc để “phù Lê diệt Trịnh”, phủ quận công của cụ tổ để lại cho con cháu đã bị thiêu rụi. Ngày đó những kẻ gian tà đốt phủ nhằm tìm nơi chôn giấu của cải nhưng không có, bởi vậy ngôi từ đường họ Trần được xây dựng trên nền phủ quận công đã tồn tại từ thời vua Tự Đức đến ngày hôm nay. Sư Thích Thiện Tâm nén tiếng thở dài, ngài biết việc mình xuất gia đi tu nhưng vẫn còn gánh nặng về kho báu, bởi theo quy định của tổ tiên, là dòng trưởng nên bí mật về kho báu ngài được thân phụ trao lại. Hiện nay dòng họ Trần chỉ có hai người nắm giữ bí mật là ngài cùng thúc phụ của mình, có thể sau này người con lớn của thúc phụ là cả Hiển sẽ được biết.
Vừa đi vào giấc ngủ, vị trụ trì nghe thấy tiếng chó sủa ngoài hiên, ngay sau đó ngọn lửa bốc lên ở căn phòng đựng kinh sách và những mộc bản quý hiếm. Do ngọn lửa bốc cao lại gặp gió, chẳng mấy chốc dãy nhà ngang đã chìm trong biển lửa khiến làng Mật được phen náo loạn. Chẳng phải tự nhiên các cụ xếp thuỷ hoả đạo tặc vào những tai ương gây hậu quả khủng khiếp,
đám cháy từ giờ Tý vắt qua giờ Sửu dù bị dập tắt, các cuốn kinh sách không còn. Có một điều may mắn, gian chính điện bị lửa táp nhưng không ảnh hưởng nên sư Thiện Tâm yên lòng. Đám cháy được dập tắt, đợi dân làng quay về nhà, chỉ còn hai thầy trò nghỉ tạm trong gian chính điện, lúc này chú tiểu liền bộc bạch:
-Bẩm thầy, con nhìn thấy có hai bóng đen trèo tường vào gian để kinh sách nhưng sợ quá chẳng dám kêu vì thấy cả hai đều mang theo gậy cùng mã tấu. Vụ cháy là do họ làm đổ đèn dầu khi tìm cách cậy hòm sách, lúc ngọn lửa bùng lên, con nhìn rõ mặt của hai người.
Đưa tay ngăn không cho chú tiểu nói tiếp, là người sinh ra và lớn lên ở làng Mật, hơn ai hết sư Thích Thiện Tâm hiểu rõ việc gì nên nói, việc gì không. Sợ đệ tử dính hoạ sát thân, ngài ôn tồn căn dặn:
-Con đừng nhắc lại việc này.
-Bẩm thầy nhưng họ phải đền…
-Bần cùng sinh đạo tặc, vậy bắt đền phỏng có ích gì, hãy nghe lời sư phụ đừng nói gì kẻo vạ miệng.
Trong lúc đợi dân làng đào hố chôn cột gỗ xoan dựng tạm dãy nhà tranh vách đất cho hai thầy trò, sư Thiện Tâm ngồi hầu chuyện thúc phụ ở gian chính điện. Không muốn làm thúc phụ thêm phần lo lắng, vị trụ trì ngôi chùa làng nói tránh nguyên do mèo đuổi chuột làm rơi đĩa đèn dầu lạc, lập tức ngọn lửa bắt vào chỗ kinh sách gây cháy. Linh Sơn cổ tự gắn bó bao đời với dân làng Mật, khi thấy trận hoả hoạn thiêu rụi dãy nhà ngang còn ngôi chùa không hề hấn gì, chẳng ai bảo ai, người góp công, người góp của để dựng lại dãy nhà ngang cho vị trụ trì. Những cột gỗ xoan do nhà bà Tư Thành người thôn Đông đóng góp, mái lá gồi cùng mấy chục cây tre ngâm do nhà thầy đồ Tăng bên thôn Đoài gửi đến. Sau khi dọn dẹp đống tro tàn, đám trai đinh của làng Mật xúm vào chôn cột làm vì kèo chưa hết một ngày đã hòm hòm mọi thứ. Thầy đồ Tăng đứng giám sát công việc lộ rõ vẻ hài lòng, thầy cho biết lợp mái mất thêm một ngày, sau đó trộn bùn với rơm để trát vách thêm hai ngày nữa, vị chi mất bốn ngày công, bù lại sư trụ trì cùng đệ tử có nơi nghỉ ngơi chẳng lo mùa mưa bão.
Vốn là đồng môn cùng theo học chữ của cụ Nghè bên làng Me, sau này cả hai không lai kinh ứng thí mà bằng lòng với con đường mình chọn. Dù nho giáo đã lụi tàn, thầy đồ Tăng vẫn mở lớp dạy tam tự kinh cùng việc kèm bọn trẻ viết ám tả và học tiếng Pháp trước khi đến trường do nhà nước bảo hộ mở. Đợi hai hiệp thợ là những trai đinh múc nước ở giếng rửa tay chân rồi ra về, thầy đồ Tăng trầm ngâm nhắc người bạn học cũ:
-Đức Khổng Tử đã dạy “Điều mà người quân tử suy nghĩ và trằn trọc chính là “đức hạnh”, điều mà kẻ tiểu nhân ngày đêm lo nghĩ chính là bổng lộc, lợi ích.”
Sư Thiện Tâm cười nhẹ, ngài mời vị thầy đồ cuối cùng của làng Mật ra ngắm ao sen phía sau chùa. Dù đã vào cuối mùa sen nở, mặt ao vẫn còn nhiều bông hoa sen đợi chú tiểu sớm tinh mơ chèo thuyền hái về ướp trà đãi khách. Biết thầy đồ Tăng kín đáo nhắc mình cảnh giác với lũ trộm đang mò vào chùa tìm kho báu. Dẫu người bạn học chẳng nói thẳng vấn đề đó, việc mượn lời bậc thánh nhân để ngầm nhắc nhở chứng tỏ vụ cháy đêm qua đúng như chú tiểu thuật lại. Liên tiếp nhận được cảnh báo từ thúc phụ và bạn học, sư Thích Thiện Tâm tự ngẫm hoạ đến thì khó tránh, vạn sự vốn tuỳ duyên, kẻ nào tạo nghiệp tất gặp báo ứng. Trong buổi chiều mùa thu, tạm quên đi tai hoạ bất ngờ, sư Thiện Tâm cùng thầy đồ Tăng đứng ngắm ao sen, ngài mỉm cười đọc bài LIÊN HOA của Quách Chấn tiên sinh thời Đường:
“Kiểm nhị hương huân tự hữu tình,
Thế gian hà vật tỷ khinh doanh.
Tương phi vũ hậu lai trì khán,
Bích ngọc bàn trung lộng thuỷ tinh.
---
Cánh sen mịn màng, hương
thơm quyến rũ,
Trong thế gian không còn cánh hoa nào nhẹ hơn.
Sau cơn mưa tới xem sen Tương phi trong ao,
Trong như ngọc bích lung linh đọng trong lá sen.”
Dù lo cho sự an nguy của ngôi chùa làng cùng người bạn học đồng môn, thầy đồ Tăng biết sư Thiện Tâm vẫn an nhiên tự tại chẳng màng danh lợi hay những thị phi. Thoáng chút ngần ngại, dù vị trụ trì chẳng bận tâm về kho báu, tuy nhiên thầy vẫn gắng đánh tiếng:
-Khi kẻ tiểu nhân nấp trong bóng tối còn ta ở ngoài ánh sáng, há chẳng phải lo lắm thay.
Tiễn thầy đồ Tăng ra tận cổng, hai bên vái chào nhau vài lượt cho đủ lễ, sư Thiện Tâm chậm rãi quay vào. Thấy chú tiểu đã chuẩn bị xong bữa chay, đại đức nhớ lại dãy nhà ngang dù cháy thành tro tàn đêm qua, chẳng hiểu sao chú tiểu vẫn kịp khuân được quần áo cùng mâm bát mang ra bờ ao để tránh hoả hoạn. Dưới ánh trăng rọi xuống, hai thầy trò chẳng cần thắp nến ngồi ăn ngay cạnh ao sen, nếu đúng như lời thầy đồ Tăng đã tính, vài ngày nữa gian nhà ngang hoàn thành sẽ có chỗ che mưa che nắng, bởi việc tá túc trong gian chính điện chỉ là tạm thời. Dù đã vào chốn thiền môn, dẫu buông bỏ mọi thứ nhưng kho báu của tổ tiên vẫn khiến sư Thiện Tâm phải bận lòng, ngài biết sắp tới giông tố sẽ còn nổi lên, xét cho cùng vẫn bởi lòng tham của những kẻ loá mắt bởi ánh kim tiền. Chẳng cần đọc lại bản liệt kê, nhà sư vẫn nhớ rõ những gì do cụ tổ là Hanh quận công ghi chép lại truyền cho hậu thế.
Bình luận