Đợi tiếng trẻ con khóc oe oe trong phòng khiến ở bên ngoài lý Hoà thấy nóng ruột còn hơn vỡ đê, bởi đây là lần sinh thứ ba của bà vợ, dù huynh trưởng là ông cả Hiển đã có mụn con trai nối dõi tông đường, ông vẫn muốn có thằng chống gậy cho bằng anh bằng em. Bà lý Hoà bước vào tuổi 35 còn sinh nở chẳng có gì lạ, chưa kể nhà ông có bát ăn bát để nên sinh thêm vài đứa vẫn còn ít. Chẳng cần so sánh ngang dọc, trên dưới, ngay như vợ chồng lão Suộm cuối làng chẳng có mảnh đất cắm dùi, bao năm hai vợ chồng nhà đó làm thuê cuốc mướn, vậy nhưng mụ Suộm sòn sòn đẻ tới 12 đứa đủ nếp đủ tẻ mới tài. Đúng như câu trời sinh voi, trời sinh cỏ, thằng lớn nhà mụ đó chính là thằng mõ của làng còn lũ em chả đứa nào chết dù đói no thất thường. Con cái là lộc của giời, chẳng phải như quả na quả mít trên cây đợi chín là hái. Chính mụ Suộm sểnh ra là đẻ, nhưng thằng mõ là con lớn dù lấy vợ đã lâu, hễ đẻ đứa nào chết ngỏm đứa đó chẳng ăn lộc sinh nở của u nó được. Làm lý trưởng ở làng Mật tưởng nhàn nhưng hoá ra chẳng phải, dưới đè dân còn trên đỡ quan nên lúc nào cũng như người đi thăng bằng trên bờ ruộng, dẫu sao lý hoà cảm thấy hơn những vị tiền nhiệm ở chỗ, thân phụ hiện vẫn như núi Thái Sơn chống đỡ mọi bề. Gia đình vốn nhiều đời có người lăn lộn chốn quan trường, xét ra cái chức lý trưởng giống như phú quý giật lùi. Năm ngoái thấy Chánh Nhung miệng đã ngáp như cá, được thân phụ mách nước nên lý Hoàn muốn thế vào chỗ trống, chẳng dè sau trận ốm thập tử nhất sinh, vị chánh tổng khoẻ mạnh trở lại khiến ông chỉ biết tặc lưỡi đầy tiếc rẻ. Đang chắp tay đứng ngắm hòn non bộ cho đỡ sốt ruột, tiếng bà đỡ từ trong nhà nói to để báo tin vui:
-Phúc đức quá, mừng ông lý đã có quý tử nhé, trai tuổi Mùi cứ gọi là nối nghiệp tổ tông.
Chẳng tin vào tai mình do niềm vui bất ngờ, ông lý Hoà đón tay đứa bé rồi bế và vạch tã để nhìn, chỉ đến khi mục sở thị là con trai, ông như trút được gánh nặng trong lòng bấy lâu. Tuy đã có con trai, với ông việc lấy thêm vợ lẽ để tỏ rõ vị thế của mình sẽ sớm thực hiện, nhưng tạm thời chưa vội bàn đến cho vợ yên tâm ở cữ, giờ là lúc ông phải báo tin vui để cả làng cả tổng được biết, dòng họ Trần có thêm một suất đinh. Không muốn cậu quý tử giật mình, băng pháo dài được thằng mới mang ra ngoài cổng buộc lên cành tre rồi châm lửa đốt. Chẳng cần mõ làng đi rao, nghe tiếng pháo bà con biết ngay bà lý Hoà vừa hạ sinh quý tử, kiêng gái đẻ nên hễ ai gặp ông lý đều chắp tay nói vài câu chúc tụng cho phải đạo, còn ông vội cắp ô sang nhà cụ thân sinh để xin ông nội thằng bé đặt cho cái tên.
Vốn gần nhà xa ngõ, đang ngồi thưởng trà nghe tiếng pháo nổ, cụ Cử Vinh gật gù lộ vẻ mãn nguyện, bởi nếu người con dâu thứ sinh tiếp con gái, cụ biết lý Hoà chẳng đời nào đốt cả băng pháo như vậy. Ngày xưa khi quí phi hay hoàng hậu sinh hạ được hoàng tử nối ngôi, nhà vua còn lệnh cho bắn súng thần công để bố cáo khắp thiên hạ, do vậy đốt pháo là cách những nhà có chút máu mặt học theo nhằm tỏ rõ sự vui mừng. Chưa vội qua ngôi từ đường thắp hương kính cáo tổ tiên, cụ Cử Vinh ung dung mài mực để phóng bút với niềm hân hoan như ngày đậu Cử nhân. Vừa thấy lý Hoà bước vào, cụ liền đưa cho ông con trai tờ giấy hồng điều có viết chữ Trần Mạnh Nhiên rồi điềm đạm giải thích:
-Thằng bé sinh vào giờ Thìn năm Quý Mùi (1943), như vậy là rất tốt. Tôi vừa bấm quẻ và chọn chữ Nhiên nghĩa là ánh sáng để đặt tên, hy vọng nó sẽ làm rạng danh họ Trần sau này.
Liên tiếp trong hai năm, họ Trần có hai quý tử, cụ Cử Vinh cảm thấy chữ PHÚC MÃN ĐƯỜNG do mình khai bút đầu năm đã trở thành hiện thực, chưa kể cuối năm cả Hiển sẽ tổ chức đám cưới cho cô con gái thứ hai về làm dâu nhà họ Lê. Dù ghét cay ghét đắng lão bếp Tình, nhưng việc người cả Hiển chọn thông gia với nhà ông lý Hoạch khiến cụ yên lòng. Dù lý Hoạch đã chết, gia sản để lại đủ cho mấy bà vợ cùng đàn con ăn vài đời chẳng hết, biết đâu sau này họ Lê có người ra gánh việc làng, như vậy họ Trần thêm vây cánh chẳng ai sánh được. Dẫu cho làng Mật ở thế quần ngư tranh thực, họ Trần của cụ vẫn là thế lực lớn nhất, so với đám cá chép trong ao, những con vượt vũ môn hoá rồng chẳng phải ứng hết vào họ Trần hay sao. Trong lúc hai cha con nhàn nhã thưởng trà để chút nữa lý Hoà đạp xe lên huyện gặp quan bàn việc, trương tuần Long từ bên ngoài bước vào với dáng vẻ nghênh ngang, chẳng thèm chào hỏi ai, gã nói ngay:
-Xin phép ông lý cho tôi lên mạn ngược vài ngày để đón vợ.
Bất ngờ trươc việc gã em rể tự ý đi đón vợ chẳng thèm hỏi ý kiến của mình, cụ Cử Vinh cau mày khẽ gắt:
-Vợ anh khắc đi rồi khắc về, sao phải bày vẽ đón rước.
Dành cả đêm tra khảo lão Tân, sau những gì được biết về cái gọi là tình anh em máu mủ ruột già, chẳng còn sự kính nể người anh vợ hiện đang là cụ tiên chỉ, trương tuần Long nhát gừng nói:
-Vợ tôi không tự lên mạn ngược, nó bị lũ khốn nạn tống lên đó.
Thấy tình hình có chiều hướng không ổn, lý Hoà nghiêm mặt nói:
-Ông trương không được ăn nói hàm hồ, dẫu sao bà Bàng là cô ruột của tôi, dân làng nghe vậy thành to chuyện.
Khi vác thước lim đến đây, trương tuần Long biết nói chuyện với kẻ có triện mộc phải đầy đủ tang chứng, vật chứng và nhân chứng. Kì thực gã chẳng thèm gặp lão anh vợ giả nhân giả nghĩa, nhưng khi ghé nhà lý Hoà được thằng mới mách qua bên này nên gã phải sang gặp. Xét về mặt tích cực, gặp hai cha con nhà họ Trần càng tốt, đây là dịp gã muốn lý Hoà biết rõ bộ mặt thật của cha mình. Chỉ tay về phía cuối làng, trương tuần Long giải thích, đêm qua gã dùng thước lim phang gãy hai ống chân lão Tân vì tội đầu hai thứ tóc còn tiếp tay cho kẻ ác. Chịu không thấu đòn thù, lão đó vãi đái ra quần rồi khai chuyện dùng xe bò chở bà Bàng tức cô ruột của lý Hoà lên huyện giao cho hai gã người Thổ. Trương tuần Long khẳng định, Vợ gã khi chưa lấy chồng biết dăm ba thế võ phòng thân, sở dĩ bị bắt như lợn do chính ông anh ruột của mình bẻ gãy cả hai tay nên đành thúc thủ. Khi thấy bộ mặt kinh ngạc của lý Hoà cùng bà ba Xoan còn mặt của Cử Vinh tối sầm đầy tức tối, trương tuần Long nói ngay:
-Nếu không tin, ông lý hỏi ngay thân sinh để xem ai là kẻ bịa khẩu.
Sự im lặng dường như là câu trả lời rõ nhất, bởi nếu bị kẻ nào to gan lớn mật vu oan giáng hoạ, đời nào cụ Cử Vinh để yên. Thật ra hiện nay ở làng Mật, làm gì có kẻ nào dám lấy trứng chọi đá nên những lời khai của lão Tân xe bò hoàn toàn là sự thật. Không muốn mọi chuyện ầm ĩ, lý Hoà gật đầu chấp nhận việc khi nãy nhằm tránh quá mù ra mưa. Trước khi bỏ đi, trương tuần Long nhìn thẳng vào mặt lão Cử Vinh rồi gằn giọng:
-Mẹ kiếp, toàn lũ cầm sách Thánh hiền nhưng khác nào bưng bô cứt ngang mặt, thối đếch ngửi nổi.
Lần đầu tiên bị thằng thất phu chửi vỗ mặt, cụ Cử Vinh định hét đám tuần đinh gô cổ, nhưng cụ chợt nhớ ra thằng em rể hỗn láo đang là trương tuần, như vậy chẳng tên tuần đinh nào dám động vào. Buổi sáng nhàn nhã thưởng trà ngắm hoa và đón nhận tin vui có thêm một đứa cháu trai, ai dè bị phá tan trong nháy mắt. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, cụ thấy ánh mắt của lý Hoà lộ rõ vẻ kinh ngạc, rồi đây nhiều người trong họ sẽ biết, điều đó chẳng tốt đẹp gì nhưng đã là giấy chẳng thể bọc lửa. Do không dám ngồi thấp nói cao, con trai cụ xin phép lên huyện kẻo trễ giờ gặp quan và không hề nhắc đến sự vô thiên vô pháp của trương tuần Long. Dù muốn xích chân và đóng gông thằng em rể cho hả giận, cụ Cử Vinh đành nuốt bực do gã đó chẳng phạm tội, chưa kể nếu việc của bà em gái loang ra khắp làng, cụ e rằng mọi người có cớ để đàm tiếu không hay. Với kẻ hữu dũng vô mưu, chỉ cần tung một đòn đủ khiến trương tuần Long hồn lìa khỏi xác, nhưng hà tất cụ phải lạm sát, bởi hành động đó chỉ là dành cho những kẻ thấp mưu.
Nhấp môi vào chén trà đã nguội, tạm thời muốn sóng yên biển lặng, bởi thế mạng chó của thằng trương tuần Long cụ tạm treo lại đó, lúc nào cần sẽ ra tay chưa muộn. Vốn là cao thủ võ lâm, việc lấy tĩnh khắc động, lấy nhu thắng cương với cụ chẳng khó khăn gì, nhưng lấy gì để che miệng thế gian là điều đến các bậc vua chúa cũng chẳng làm được, bởi vậy có nhiều vị vua bị người đời réo là hôn quân vô đạo. Không thấy bà vợ ba thêm nước sôi vào ấm trà vừa xong nước nhất, cụ Cử Vinh tặc lưỡi đứng dậy khoan thai bước ra đình làng có việc. Giờ này tay mõ đã trải chiếu đun nước, những vị chức sắc của làng chỉ đợi cụ xuất hiện để còn chuyên trà, bởi chẳng ai dám uống trước rồi mang tiếng là kẻ tham ăn tục uống.
Xách siêu nước vừa sôi từ dưới bếp lên nhà, vô tình chứng kiến màn hạch tội của người em rể với chồng mình, bà ba Xoan hãi hùng và thương xót khi thấy bà Bàng bị anh trai nặng tay đến vậy. Dẫu bà Bàng mắc nhiều tội lỗi, nhưng bị làm cho thương tật cả đời vẫn hơi ác, người ngoài còn có thể biện minh, nhưng máu mủ tình thâm giờ biến thành kẻ thù là việc chẳng đáng. Không dám trách chồng nửa câu, thấy trương tuần Long chẳng còn sự nể phục, thậm chí gã coi thường cụ tiên chỉ của làng nên bà thấm thía câu:
“Người trên ở chẳng chính ngôi,
Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.
Người trên ở chẳng được cao,
Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên.”
Bình luận