Trời nhá nhem tối, lý Hoà cùng ông lang Dân lặng lẽ ghé tới nhà lão Tân đánh xe bò để tránh những ánh mắt soi mói. Chứng kiến người nô bộc trung thành của thân phụ giờ thân tàn ma dại, lý Hoà biết đêm qua trương tuần Long ra tay tàn độc, có lẽ chỉ thiếu mỗi việc lấy mạng là xong. Vốn dĩ trương tuần chẳng thù oán với lão Tân đến mức coi như kẻ thù, việc chở bà Bàng lên phố huyện giao cho hai gã người Thổ chỉ làm theo lệnh, như vậy có thể hiểu đây là kiểu giận cá chém thớt. Người ta nói trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, dù chưa có trận chiến nào nhưng kẻ thấp cổ bé hỏng như lão Tân đã dính đủ. Sau khi bó thuốc cẩn thận, ông lang Dân cho biết, hai xương cẳng chân rồi sẽ liền, tuy nhiên người bệnh sẽ mang tật suốt đời, chưa kể mỗi khi trái gió trở trời, lúc đó vết thương sẽ tái phát đau nhức cho đến cuối đời. Đợi ông lang Dân đi khuất, lão Tân mếu máo trình bày, quả thực đêm qua lão tưởng mình qua cổng nguyệt ra bãi tha ma rồi, do chẳng chịu nổi những cái vụt bằng thước lim đau lộng óc, lão đành phải nói hết chẳng dám khai man. Không trách người nô bộc, lý Hoà thừa biết dù trương tuần Long kéo thêm nhiều người lên đó, đừng mong đưa được vợ về. Vốn biết thân phụ làm gì đều tính xa nhiều nước, lý Hoà đoán chắc chuyến đi này của trương tuần lành ít dữ nhiều. Sau vài câu an ủi lấy lệ, lý Hoà nhắc lão Tân tự biết điều gì cần nói điều gì không, bởi hoạ sát thân đến từ việc lỡ lời rất khó cứu.
Chẳng biết những lời thăm hỏi và dặn dò của lý Hoà còn mang hàm ý gì, khi trời còn chưa sáng rõ mặt người, lão Tân nhờ người đánh giậm dìu mình lên xe bò. Lão rời làng mang theo gia tài là một bao thóc cùng bị quần áo rũ, dù chưa biết đi đâu về đâu, lão sợ mình nằm dưỡng thương rồi sẽ bị giết người diệt khẩu không chừng. Khi con bò lầm lũi kéo cỗ xe đi qua cổng nhật, dù chẳng biết chữ nho, nhờ được cụ Cử Vinh giảng giải, lão vẫn biết bốn chữ XUẤT NHẬP TƯƠNG HỮU đắp nổi ngay cổng làng có nghĩa là“ra vào đều là bạn”. Tuy nhiên sống quá nửa đời người, lão hiểu chữ bạn và chữ bạc khéo đọc như nhau, chưa kể làng Mật giờ sẽ chẳng có nổi một ngày bình yên. Lúc xe bò rẽ ra đường cái quan, lão Tân ứa nước mắt nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn lần cuối trước khi quất roi để con bò đi nhanh hơn.
Khi tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới, cụ Cử Vinh chưa kịp thưởng trà bất ngờ được tay mõ chạy sang báo tin dữ, hai con trâu nhà khán Thoại bị bỏ thuốc chết sùi bọt mép, con trâu mộng nhà ông cả Hiển cùng chung số phận. Sở dĩ tay mõ nhắc đến đôi trâu nhà khán Thoại là có nguyên do, trâu do cụ mua rồi giao cho nhà khán Thoại chăm nom, hàng ngày hai đứa trẻ lên 10 và 11 của nhà đó thay nhau dắt trâu đi ăn cỏ và trông để nó không phá ruộng ăn lúa kẻo bị làng bắt vạ. Việc chăn trâu có giao kèo rõ ràng, khi trâu sinh hạ con nghé, nhà khán Thoại được trả công bằng con nghé đó. Ở quê con trâu là đầu cơ nghiệp, chỉ có những kẻ ác nhân thất đức mới ra tay tàn độc như vậy. Dù chưa bắt được thủ phạm để móc mắt, cắt gân cho hả giận, cụ Cử Vinh biết mình vừa mất một món tiền to. Chẳng phải suy nghĩ nhiều, cụ biết kẻ gian ác không vô cớ nhằm vào trâu của nhà họ Trần, như vậy rõ ràng đây là một lời tuyên chiến. Thấy tay mõ đang khoanh tay đợi lệnh, cụ bình thản nói:
-Mau gọi người mổ trâu lấy thịt mang lên chợ huyện bán, riêng bộ da sẽ thuộc rồi bán cho làng làm trống, nhanh tay không thịt ươn.
Dẫu trên huyện người đông, cụ biết cùng lúc giết thịt cả ba con trâu thì lượng thịt quá nhiều chẳng tiêu thụ hết. Chưa muốn rời nhà nên cụ sai con bé Lượm sang nhà cả Hiền nói rõ, nếu thịt trâu tươi không bán hết, khi đó mang về dùng vỏ trấu hun qua đêm rồi treo gác bếp giống ở mạn đồng rừng, tạm thời giải quyết như vậy cho đỡ hoang mang. Từ thửa lập làng đến nay, đây là lần thứ hai họ Trần bị kẻ khác thách thức quyền lực, nếu đợt phủ Hanh quận công bị thiêu rụi còn đổ cho việc nhà Tây Sơn “phù Lê diệt Trịnh” kéo quân ra Bắc khiến đám cơ hội “giậu đổ bìm leo”, nhưng hiện nay thiên hạ thái bình, con trai cụ đang là lý trưởng còn cụ ngồi ghế tiên chỉ, đòn hạ đẳng này khác nào phường lục lâm thảo khấu. Trà vừa pha xong, thấy lý Hoà từ ngoài chạy vào, cụ Cử Vinh chép miệng vì chẳng thể trách lý trưởng không đôn đốc đám tuần đinh trong việc phòng gian bảo mật. Dù lý Hoà nóng ruột, cụ vẫn khoan thai đợi trà ngấm rồi rót ra hai chén, sau đó ôn tồn hỏi:
-Anh có nghi cho kẻ to gan lớn mật nào không.
Sự việc quá bất ngờ khiến lý Hoà có phần lúng túng, trâu bị giết ảnh hưởng đến công việc đồng áng nên tội này khó tha. Duy có điều kẻ thủ ác không do bần cùng, giết trâu không lấy thịt chứng tỏ chúng tư thù cá nhân. Sau màn chửi vỗ mặt của trương tuần Long, xét ra hắn là nghi can số một, giá kể gã đó ngồi nhà, lý Hoà chẳng cần thân phụ cho ý kiến đã sai tuần đinh gô cổ giải lên quan. Tuy nhiên dù tình ngay lý gian, nhưng gã trương tuần lên mạn ngược đã hai tuần chưa quay về làng vì thế vô can. Bọn tội phạm thường có đồng đảng, dù nhận chức lý trưởng chưa lâu, lý Hoà nắm rõ gã trương tuần chẳng kéo bè kéo cánh cùng ai, hết giờ đi tuần thường quay về nhà uống rượu cùng bà cô ruột của mình. Điểm danh trong đầu gần chục cái tên là những kẻ du thủ du thực, sau đó rút gọn còn vài tên cộm cán, nhưng xét qua xét lại vẫn chưa thấy thuyết phục, lý Hoà lễ phép nói:
-Bẩm thầy, nhất thời còn chẳng nghĩ ra kẻ nào.
-Thôi anh đi lo việc của mình, thầy nghĩ hung thủ đã cao chạy xa bay rồi. Nên nhớ sau giết trâu sẽ là phóng hoả đốt nhà, anh sai đám tuần đinh tăng cường tuần tra, chọn một đứa trung thành để bổ làm trương tuần.
Lý Hoà hỏi lại:
-Bẩm thầy, vậy còn trương tuần Long.
-Thôi dẹp, loại đó không dùng được.
Không muốn làm khó con trai trong việc truy tìm thủ phạm, cụ Cử Vinh khoan thai ra đình bàn việc. Ngay lúc còn cách đình một đoạn, cụ đã thấy lão bếp Tình ngồi ba hoa về những món chế biến từ thịt trâu, như vậy tin về ba con trâu bị chết cả làng đều biết. Liếc thấy tay mõ đang đun nước pha trà, cụ thầm nghĩ nếu ra muộ chút nữa, loại ăn xó mó niêu sẽ vục mồm vào bộ chén ngọc nhìn phát tởm. Đợi cho lão bếp Tình ba hoa chán chê, cụ Cử Vinh ngồi xuống ngắm tên bồi bếp cho Phú Lang Sa đúng kiểu Pate trộn mắm tôm một cách khinh rẻ. Chẳng cần biết cháu gái mình sắp về làm dâu họ Lê, cụ thủng thẳng nói chẳng nể nang:
-Bếp cũng có dăm loại, giống như câu “người năm bảy đấng, của ba bảy loài”. Năm xưa vụ Hà Thành đầu độc có mấy ông đầu bếp đủ khiến bọn Phú Lang Sa kinh hồn đáng tởm, dù phải ra pháp trường chịu chém, họ vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu.
Không chịu được nhục khi bị chửi ngay giữa đình làng, bếp Tình vớ ngay chén tống hay còn gọi là chén tướng vốn dùng chuyên trà ra các chén quân ném thẳng vào mặt cụ Cử Vinh. Chén bay đi tạo tiếng vỡ còn máu bắn túng toé khiến đám kỳ hào lý mục cứng đờ người vì sợ hãi, bởi chưa từng có chuyện cụ thứ chỉ phang cụ tiên chỉ. Máu cùng những mảnh vỡ từ chén tống vương vãi khắp nơi, đám tuần đinh nhốn nháo bên ngoài nhưng không có lệnh của ông trương tuần hay ông lý hoà nên chỉ biết chôn chân tại chỗ. Bất ngờ từ trong đình làng, tiếng của phó lý Hảo quát to:
-Người đâu, mau chạy đi gọi cụ lang Dân.
Bình luận