Chapter 35

icon
icon
icon

Vốn là làng thuần nông, ở làng Mật hầu như mọi người gắn chặt cuộc đời của mình trên những cánh đồng và mấy sào vườn. Thậm chí nhiều người từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay còn chưa qua khỏi cổng nhật, bởi thế lúc qua cổng nguyệt là khép lại một kiếp người. Ngược với những người cả đời quanh quẩn sau luỹ tre làng, chính những nho sinh ngày xưa như cụ Cử Vinh hay thân phụ của mình đều lên huyện rồi lên tỉnh dự thị, thậm chí còn sang tỉnh khác. Nhiều vị lai kinh ứng thí được thấy tên ghi trên bảng vàng, bởi thế sau này dù đã về với tổ tiên, tên tuổi còn lưu danh trên tấm bia đá do con rùa cõng trên lưng. Đàn ông ra ngoài để mở mang tầm mắt, còn cánh phụ nữ phải tề gia nội trợ rồi gánh vác giang sơn nhà chồng, người nào nhanh nhẹn tháo vát sẽ làm hàng xáo hoặc buôn bán nhì nhằng nơi chợ làng. Có một vài phụ nữ đảm thường bươn chải lên tận chợ huyện, họ khác nào thân cò lặn lội bờ sông, bởi sáng rời làng khi gà chưa cất tiếng gáy, đến tối quẩy gánh về làng thì gà đã lên chuồng từ lâu. Đối lập với những người nông dân chân lấm tay bùn, một số dòng họ nối dòng thi hương khi nhiều đời có người đỗ đạt ra làm mệnh quan triều đình như họ Trần, họ Lê hay họ Tống. Tuy nhiên nhìn vào văn bia tôn vinh của làng, chiếm quá nửa là người họ Trần nên mọi đời sống của làng đều chịu sự chi phối lúc công khai khi ngấm ngầm của họ.

 

Khi cụ thứ chỉ xô xát cùng cụ tiên chỉ xảy ra, đúng là việc hi hữu, có lẽ do buổi sáng nhận tin báo ba con trâu bị hại chết, cụ Cử Vinh nhất thời buông lời mạt sát lão bếp Tình dẫn đến việc đình làng thành bãi chiến trường. Ngay khi nhận được tin dữ, gần như cùng lúc ông lang Dân cùng lý Hoà xuất hiện, đám dân đen sợ tai bay vạ gió chỉ dám đứng tít đằng xa thầm thì bàn tán, chẳng kẻ nào dám lai vãng tới gần. Năm ngoái đình làng chứng kiến vụ xử lũ cướp rừng bàng với việc ba xác người dân lương thiện đắp chiếu, chưa kể xác hai tên cướp bị ném ngoài đình, ngày đó mồ ma cụ Ngãi còn sống đã nói như vậy sẽ làm ô uế cửa Thánh nhưng chẳng ai bận tâm. Hôm nay giữa thanh thiên bạch nhật, sân đình loang máu cùng mảnh vỡ của chiếc chén tống và mảnh lọ lục bình văng khắp nơi. Lý Hoà sợ thân phụ có mệnh hệ gì vội lao vào trước tiên, khi nhìn thấy đấng sinh thành ngồi phe phảy chiếc quạt mo cau còn lão bếp Tình và tay mõ làng nằm trong vũng máu, dù cảnh tượng hãi hùng nhưng ông thở phào nhẹ nhõm. Chỉ tay vào hai nạn nhân và mấy vị chức dịch mặt xanh như đít nhái, cụ Cử Vinh điềm đạm nói:

-Bếp Tình ngay giữa đình làng làm loạn bị Thành hoàng hiển linh trách phạt, giờ ông lang Dân chữa trị cho thằng mõ trước, khi nào họ Lê bưng mâm cỗ vào đình tạ lỗi, lúc đó thằng bồi bếp cho Phú Lang Sa mới được khiêng về nhà phục thuốc.

Phó lý Hảo sợ hãi nên thẽ thọt:

-Bẩm cụ nhưng ngộ nhỡ cụ Tình…

Cụ Cử Vinh nghiêm mặt phán:

-Làng bắt vạ nếu không theo, chết thì dùng xe trâu chở thẳng qua cổng nguyệt chôn gần mả thằng ăn mày.

 

Đúng như câu lời nói đọi máu, chỉ bởi tiếng bấc tiếng chì nên xảy ra đổ máu, giờ cụ tiên chỉ ngồi thi gan xem họ nhà Lê có dám bỏ mặc người thân nằ, thoi thóp. Cụ biết nếu con cháu lão bếp Tình làm căng, bọn chúng sẽ chạy lên huyện báo quan, nhưng như vậy đúng là chờ được vạ thì má đã sưng, vừa không cứu được người còn tốn công vô ích. Gần trưa khi bà vợ hai của lão bếp Tình cùng cô con dâu bưng mâm xôi trên có con gà ngậm bông hoa hồng vào đình làm lễ, người con trai của lý Hoạch đã chết gọi bếp Tình là chú ruột còn đặt thêm chai rượu cùng cành cau lên ban thờ, lúc đó hai gã tuần đinh được phép khiêng võng cụ thứ chỉ về nhà phục thuốc. Ngắm con trai của lý Hoạch, người sẽ làm cháu rể tương lai của mình, cụ Cử Vinh vẫy quạt mo cau rồi căn dặn:

-Đức thánh nhân đã dạy, đạo của người quân tử phải hội đủ, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thiếu một trong những thứ đó, đừng thò mặt ra đình chỉ gây hoạ.

 

Chẳng rõ đứa cháu rể tương lai họ Lê lĩnh hội được mấy phần, cụ Cử Vinh sai vợ của tay mõ múc nước ở giếng rồng ngay trước sân đình để cọ sạch vết máu, cụ nhắc đám chức dịch đợi hết tuần hương sẽ hạ mâm cỗ xuống đánh chén. Có mặt ngay từ đầu và chứng kiến vụ xô xát, bình thường đám chức dịch đã nể sợ cụ Cử Vinh, nhưng hôm nay còn hơn thế nữa, bởi lúc hữu sự mặt cụ không biến sắc cũng chẳng nhiều lời, chiếc quạt mo cau chỉ phe phảy đủ khiến lão bếp Tình gục trong vũng máu. Có lẽ kẻ đáng thương nhất là tay mõ làng, đúng như câu trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, tội của y là có mặt không đúng thời điểm, do vậy nằm một chỗ nào biết kêu ai. Mặc dù chồng đau đớn nằm trong túp lều phía sau đình, vợ tay mõ vẫn phải bưng mâm và dọn dẹp, để có miếng đất cắm dùi do làng cắt cho, hai vợ chồng cam tâm làm mõ hầu các cụ mỗi khi ra đình có việc. Lệ làng đã quy định rõ, đám dân ngụ cư và tay mõ là những kẻ có thân phận hèn kém nhất, tuy thế do gần các cụ chức sắc, nhà mõ vẫn đôi phần mát mặt hơn đám ngụ cự sống ngay rìa làng. Quá Ngọ khi tàn cuộc rượu, cụ Cử Vinh đưa mắt nhìn khắp lượt đám chức dịch làng Mật rồi ôn tồn nói:

-Các ông được ăn được nói, được gói đem về nên bớt bàn luận chuyện hôm nay, để dân làng góp miệng rồi thành họ nhà tôm cả đám.

 

Chẳng rõ đám chức dịch mặt đỏ như gà chọi có tuân thủ lời căn dặn không, cụ Cử Vinh xỏ chân vào đôi guốc mộc quay về nhà, lúc này nắng chói chang khiến cụ phải dùng quạt mo cau che đầu. Vốn ghét những kẻ cắp ô ra vẻ ta đây, từ ngày ông con trai làm lý trưởng, mỗi lần lý Hoà cầm ô đi ngang nhà, cụ thường hắt hơi như người bị hen suyễn gặp lông mèo vậy. Quạt mo cau vốn là thứ thông dụng, với nhiều người nó vừa dùng để quạt, khi cần lại dùng để che đầu khỏi nắng như cụ đang làm. Tuy nhiên ít người biết được, quạt mo cau trong tay cụ biến thành vũ khí lợi hại chẳng khác gì tuyệt kĩ nhuyễn tiêu. Ở ngay ở giữa đình làng lúc gặp nguy nan, do không muốn để lộ mình là cao thủ võ lâm, bởi thế trước một lão bồi bếp cho giặc Phú Lang Sa đang cuồng nộ, cụ không dùng đến tuyệt kĩ Nhuyễn tiêu mười ba đốt (thập tam tiết kim tiên)hay Hầu chỉ công để điểm huyệt, lúc chiếc quạt mo cau phe phảy, lão bồi bếp hứng trọn những mảnh vỡ của chiếc lọ lục bình.

 

Sở dĩ tay mõ dính đòn oan là có nguyên do, thông thường dù bận đun nước hầu trà, hễ chưa thấy cụ tiên chỉ an toạ là y chẳng dám pha trà. Hôm nay khi cụ vừa ngồi xuống, tay mõ vội xách siêu nước vào chiếu các cụ để pha trà, ai ngờ trà chưa pha còn hứng trọn cả chiếc chén tống do thằng bồi bếp ném. Vốn cố đấm ăn xôi, chiếc chén tống không trúng mặt cụ tiên chỉ, lão bếp Tình đang cơn say máu vớ ngay ấm trà ném tiếp mặc tay mõ nằm gục vì dính đòn oan. Ngồi hứng đòn của kẻ thù, cụ Cử Vinh dùng chiếc quạt mo cau chuyển hướng khiến ấm trà đập mạnh vào lọ lục bình vỡ tan. Không ngồi bật dậy hay ném trả, chiếc quạt mo cau đã khiến những mảnh vỡ của lọ lục bình bắn ngược vào mặt kẻ thất phu khiến máu chảy đỏ lòm sân đình. Với tội làm loạn nơi bàn việc làng, cụ biết thằng bồi bếp cho Phú Lang Sa chính thức bị hạch tội và quay về ăn xó mó niêu nơi góc bếp. Đúng như câu miếng ăn là miếng nhục, sau này mỗi lần làng vào đám, lão bếp Tình chẳng được ra đình đánh chén sẽ uất hận rồi hộc máu mồm chết bất đắc kì tử.

 

Về nhà ngồi chưa ấm chỗ, cụ Cử Vinh thấy hai ông con trai bước thấp bước cao từ ngoài sân đi vào. Thoáng nhìn nét mặt cả Hiển, cụ biết con trâu mộng xẻ thịt không bán hết nên chỉ còn cách mang hun bằng rơm nếp rồi treo gác bếp để tết a ăn dần. Nhà ông con trai chết một con trâu đã điếng người, nhà cụ chết liền hai con trâu đúng là vận đen hơn nghiên mực tàu. Khẽ thở dài não nề, lý Hoà cho biết đã cùng đám tuần đinh tra xét mọi nơi, tiếc rằng hung thủ cao chạy xa bay chẳng để lại dấu vết. Hồi sáng biết tin trâu bị hại, cụ Cử Vinh chẳng trông mong gì đám tuần đinh tóm được hung thủ, nghe lý Hoà nói xong, cụ không hề buông lời trách móc. Quay sang người con trưởng, cụ hỏi ngay:

-Chắc anh sợ việc kết tình thông gia với nhà họ Lê bị phá đám đúng không, cháu gái tôi ở nhà là chuông khánh, là kim ngân đâu phải mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre. Nếu không kết tình thông gia nữa, mụ Tám khắc tìm cho đám môn đăng hộ đối còn họ Lê coi như vô phúc mục mả.

Lý Hoà vội đỡ lời:

-Bẩm thầy thím Tám bỏ làng đi đâu mất tích từ hôm cưới cháu Nếp xong, con trai và con dâu đi tìm khắp nơi vẫn chưa lần ra manh mối.

Bình luận