Khi dân làng xôn xao việc các cụ tiên chỉ và thứ chỉ lao vào giật tóc, móc mắt nhau, là bậc đọc sách Thánh hiền nên thầy đồ Tăng chả bận tâm. Thói đời tin đồn thường có một nói mười, nghe mấy bà chuyên đưa chuyện thuật lại, thầy ngỡ họ tả cảnh đáng ghen ở nơi nào đó. Sau khi bán đôi lọ bách thọ sắm sanh tu sửa nhà cửa, hôm nay thầy trịnh trọng từng chiếc lọ vào mỗi bên cho cân xứng. Ngắm nhìn bàn thờ có thêm đôi lọ lục bình, đến lúc này thầy đồ Tăng mới thở phào nhẹ nhõm, như vậy đến tết cắm hai cành đào nhỏ là chu toàn. Hồi bán đôi lọ bách thọ, thầy luôn cảm thấy thiếu một thứ gì đó, bởi thế đôi lọ bằng gốm Chu Đậu là sự lựa chọn không tồi. Nỗi buồn nào cũng sẽ qua, việc không có được chục mẫu ruộng tốt khiến thầy có đôi phần hụt hẫng, nhưng giờ tạm gác qua một bên là bởi mong sớm có cháu nội để họ Tống thêm phúc phần.
Mặc dù con gái sinh được hai đứa cháu ngoại, với thầy những đứa trẻ đó về chơi cho vui cửa vui nhà, quan trọng là thế hệ tiếp theo của dòng họ. Thấy con trai vác chiếc đùi trâu từ nhà bố vợ quay về, thầy cười nhẹ vì ông trời luôn công bằng, nhiều khi tham quá chẳng được phải nhè bớt như vụ trâu chết là ví dụ sinh động nhất. Trong lúc mẹ chồng nàng dâu lúi húi xử lý món thịt trâu, thầy đồ Tăng căn dặn con trai:
-Là đàn ông phải như cánh chim bạt gió sải cánh trên trời cao, đã đến lúc anh lên huyện làm việc được rồi, quanh quẩn nơi xó làng rồi đêm về rúc váy vợ nó hèn người.
Tống Hiên Bình lễ phép thưa:
-Vâng con đợi sang tuần sẽ lên huyện, làng mình giờ xảy ra nhiều chuyện quá nên không còn được như trước.
-Anh biết vậy là tốt, làng Mật chẳng qua như khúc xương chó gặm, vênh vang nỗi gì đám ngồi đình làng còn phang nhau như lũ du thủ du thực.
Chẳng cần ý tứ, thầy Tăng ngầm réo cụ Cử Vinh là bố để của thông gia để chửi là có nguyên do. Vốn không phải người thù dai nhớ lâu, việc hôn lễ cùng bà Bàng năm xưa bị cụ Cử Vinh từ chối đã khép lại chẳng cần nhắc tới. Tuy nhiên nghe con dâu nhỏ to tâm sự cùng mẹ chồng, sau đó bà vợ thầy thuật lại khiến sự thiện cảm với cụ Cử Vinh mất dần. Hoá ra chẳng phải ông cả Hiển nuốt lời không cắt ruộng làm của hồi môn, cụ Cử Vinh là người ngăn lại bởi muốn dành hết cho thằng cháu nội vừa sinh. Theo như cụ ý phân tích, nhà có tận ba cô con gái, nếu cắt ruộng cho cô lớn sẽ phải cắt ruộng cho hai cô tiếp theo, như vậy khi thằng bé lớn khôn, số ruộng còn lại chả còn bao nhiêu. Biết mình trách phạt nhầm bà Tám mai mối, thầy chỉ biết tặc lưỡi tự an ủi, đến như bậc thánh nhân còn nhiều khi hồ đồ huống chi người trần mắt thịt sống nơi xó làng.
Chẳng có quyền tham gia việc nhà họ Trần, khi thấy đình làng có chuyện, dù không tham gia bàn luận nhưng thầy đồ Tăng mong cả lão tiên chỉ lẫn thứ chỉ lăn ra chết ngay giữa đình như chó dính bả. Mong là vậy nhưng khi được biết lão bếp Tình phải nằm võng khiêng về nhà phục thuốc, thầy biết họ Trần đang vượng khí ngút trời khó ai xoay chuyển được càn khôn. Tạm gác mấy chuyện ngoài lề sang một bên, thầy đồ Tăng lững thững ghé ngôi chùa làng đàm đạo cùng sư Thiện Tâm. Khi nhìn thấy ngôi cổ tự nép mình dưới cây thị cổ thự, tự dưng thầy đồ Tăng nghĩ đến câu “chạy trời sao khỏi nắng”, ngày xưa hụt làm rể, giờ thầy là thông gia với họ Trần, dù ra đình viết chữ hay lên chùa vãn cảnh, người họ Trần hiển diện mọi nơi.
Linh Sơn cổ tự khi xưa được xây dựng ở nơi xa chợ, xa đình, bởi vậy những việc trần tục đều bỏ lại bên ngoài khi vào chốn thiền môn. Sư Thiện Tâm đã xuất gia nên chẳng màng danh lợi, lễ khao chức lý trưởng của người em họ gần nhưng ngài lánh mặt. Hôm thúc phục hạc giá vân du, ngài cầu siêu trong chùa và đợi lúc di quan sẽ về góp mặt, việc thúc phụ từ cõi chết trở về khiến đám tang được cho là to nhất làng Mật đã không diễn ra, dẫu sao đó cũng là việc xưa nay hiếm. Đợi sau vài tuần cho mọi việc lắng lại, sư Thiện Tâm đã về thăm thúc phụ rồi hàn huyên cả tối, ngài mừng vì họ Trần vẫn còn những bậc trưởng thượng chèo lái nên tin vui nối tiếp tin vui. Việc nhà cả Hiển đón thêm một bé trai sau nhiều năm mong đợi, sau đó nhà lý Hoà có một quý tử nữa chào đời, như vậy họ Trần có hai suất đinh như mong ước con đàn cháu đống. Khi cô cháu vu quy về làm dâu nhà thầy đồ Tăng, sư Thiện Tâm thấy mừng bởi ngài cùng thầy đồ là bạn tâm giao lại cùng học chữ Thánh hiền của cụ Nghè làng Me. Rót trà vào hai chén, sư Thiện Tâm cùng thầy đồ Tăng mạn đàm về chuyện nhân tình thế thái, riêng chuyện làng Mật cả hai đều tránh không nhắc tới. Dẫu sao từ chuyện các cụ phang nhau ở đình, chuyện trâu cày bị thuốc chết đều liên quan đến họ Trần, cây cao thì hứng gió mạnh là điều đương nhiên.
Dù ngồi nói chuyện trên giời dưới bể, thầy đồ Tăng vẫn mường tượng ra món thịt trâu xào lá lốt, thịt trâu kho và thịt trâu nhúng mẻ. Riêng khoản nấu ăn, bà vợ thầy khéo và đảm hơn khối người khác. Mát trời có đĩa thịt trâu, kèm thêm be rượu nếp còn hơn chán vạn món gỏi cá trứ danh của nhà họ Trần. Từ ngày con bé Nếp về làm dâu, nếu thèm gỏi cá, thầy nhắc con dâu làm sẽ có ngay, đâu phải đợi cỗ bên đó rồi soạn miệng đi ăn. Tự hào mình là thầy đồ cuối cùng của làng Mật, người có thể dùng bút lông lẫn bút sắt chẳng kém ai. Thầy đồ Tăng hiểu chẳng mấy ai thông kim bác cổ, làu làu tứ thư ngũ kinh lại thạo món ám tả và tiếng Pháp như thầy, tiếc là sinh nhầm thời nên đành sống cảnh cá chậu chim lồng ở ngôi làng chật hẹp với những người có tâm địa hẹp hòi kèn cựa nhau.
Chẳng mấy dịp rảnh rỗi được ngồi cùng sư Thiện Tâm, khổ nỗi bao áng Đường thi trác tuyệt trong đầu bay hết đi đâu, lúc này thầy chỉ nghĩa đến cái mâm đồng có những món thịt trâu tưởi vừa chế biến, đương nhiên không thiếu chén rượu nếp màu vàng sóng sánh. Nói chuyện nhưng tâm chẳng tĩnh, nhấp nhổm vài lần đến khi cạn chén trà thứ hai, thầy đồ Tăng xin phép ra về hẹn khi khác lại vãn cảnh chùa. Trong lúc đứng lên, sư Thiện Tâm sơ ý đánh rơi chiếc chén, thầy đồ Tăng vốn là cao thủ môn Bạch hạc quyền đã nghiêng tay đỡ chiếc chén nhanh và nhẹ tựa lá rơi rồi đặt lên bàn.
Khi bóng người bạn đồng môn khuất dần, sư Thiện Tâm quay vào gian chính điện gõ mõ tụng kinh. Vốn là người có nhiều năm luyện võ, vị trụ trì ngôi cổ tử hiểu rõ, đúng như thúc phụ nhận xét, làng Mật là nơi ngọa hổ tàng, xuất thế bất định, biến khôn thành khôn. Chiếc chén khi nãy chẳng phải vô tình rơi xuống, bài thử đơn giản đã khiến một cao thủ ẩn mình phải lộ diện, dẫu sao nếu họ Tống chẳng có người tài, làm sao họ có thể là tam tổ lập làng được. Chiều muộn sau khi dùng cơm chay, sư Thiện Tâm nhắc chú tiểu khép cổng đi ngủ sớm, khi chú tiểu Minh Tâm bị sát hại, mất một thời gian trống vắng, cuối cùng ngôi cổ tự đón nhận chú tiểu mới thế chỗ. Nhận thấy đệ tử của mình mặt mũi khôi ngô, tính tình nhanh nhẹ, sư Thiện Tâm đặt cho chú tiểu tên Đăng Tâm, nghĩa là ngọn đèn sáng từ tâm.
Lúc cả làng Mật đã chìm trong giấc ngủ, sư Thiện Tâm chợt nghe tiếng rít thuốc lào sòng sọc ở bên ngoài. Nhớ rõ mình đã đặt thanh gỗ chặn ngang cổng chùa, do vậy việc khách lỡ độ đường xin bữa cơm chay và ngủ lại là điều không thể. Ánh chừng đã bước qua ngày mới và đang giờ Sửu, sư Thiện Tâm đốt đĩa dầu lạc rồi bước ra ngoài gặp vị khách không mời. Trong đêm tối chỉ có ánh trăng mờ, bóng đen ngồi tựa lưng vào gốc cây đang cầm một thanh đóm để chuẩn bị hút điếu thuốc lào tiếp theo. Nhác thấy sư Thiện Tâm mở cửa phòng bước ra, người đàn ông chính là trương tuần Long ngước mặt nhìn rồi thản nhiên nói:
-Bạch thầy có muốn nghe chuyện họ Trần đối đãi người thân như thế nào không, chẳng nhẽ trời xanh không có mắt còn Đức Phật ngự toà sen chẳng thấu.
Dù trương tuần Long chưa nói hết, sư Thiện Tâm biết chuyện này nhất định liên quan đến người cô ruột của mình. Đã thành tâm hướng Phật chẳng muốn dính bụi trần, ngài vẫn biết không thể mũ ni che tai được nữa, là phúc không hẳn tốt, là hoạ chẳng tránh được. Chắp hai tay vào nhau, sư Thiện Tâm nhẹ nhàng nói:
Adidaphat,
“Khổ hải mênh mang, hồi đầu thị ngạn.
---
Biển khổ mênh mang, quay đầu là bờ”
Bình luận